Sáng 14/6, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện trong thời gian qua, thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngày 14/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Theo HCDC, giữa tháng 5/2021, TP.HCM xuất hiện liên tiếp hàng loạt các chuỗi lây nhiễm. Từ ngày 18/5, phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm gồm chuỗi “Công ty Grove ở quận 3” và chuỗi “Bánh canh O Thanh quận 3”; từ ngày 26/5 phát hiện chuỗi “Nhóm truyền giáo Phục Hưng”; và từ 2/6 đến nay phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác chưa rõ nguồn gốc.
Trước tình hình dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng, thành phố đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15, đặc biệt tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 áp dụng theo Chỉ thị 16 và phong tỏa những khu vực ổ dịch.
Đối với quận Gò Vấp, trong những ngày đầu giãn cách xã hội, số ca phát hiện trong cộng đồng hàng ngày còn cao, có lúc lên đến 08 ca/ngày, tuy nhiên trong 05 ngày gần đây đã giảm mạnh, chỉ còn 2-3 ca ngày, thậm chí có ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng. Mặc dù còn ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng nhưng đều nằm trong khu vực đã được khoanh vùng, phong tỏa nên không có khả năng lây lan rộng. Điều này cho thấy các ổ dịch lớn trên địa bàn quận Gò Vấp đã được kiểm soát, khống chế sự lây nhiễm.
Đối với toàn TP.HCM, trong 1 tuần đầu thực hiện giãn cách, số ca phát hiện có xu hướng giảm, chủ yếu là các bệnh từ chuỗi Nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tuy nhiên vào tuần thứ hai giãn cách từ ngày 03/6 đến 12/6, phát hiện thêm 310 ca thuộc các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng, phát hiện từ việc khám sàng lọc các bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại bệnh viện và khi điều tra truy vết đã phát hiện những chùm ca bệnh với số ca mắc bệnh lớn đã lây lan trong cộng đồng.
Từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng gồm:
+ Chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư E Home3, quận Bình Tân;
+ Chuỗi lây nhiễm bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM;
+ Chuỗi lây nhiễm Xưởng Cơ khí huyện Hóc Môn;
+ Chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức;
+ Chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn;
+ Chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng vi rút Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đăc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố. Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.
Để kiểm soát dịch bệnh, tại cuộc họp Ban chỉ đạo COVID-19 TP.HCM diễn ra vào sáng 14/6, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố tiếp tục thêm 14 ngày kể từ ngày 15/6 theo các nội dung của chỉ thị 15 (kể cả quận Gò Vấp và Phường Thạnh Lộc, quận 12).
Theo phân tích của ngành Y tế, mầm bệnh tại TP.HCM vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2.
Kết luận buổi họp Ban chỉ đạo COVID-19 TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đồng ý với đề xuất của Sở Y tế về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố tiếp tục thêm 14 ngày theo Chỉ thị 15 của Chính phủ.
Hữu Huy
TP.HCM: Quận Gò Vấp tháo dỡ 12 chốt kiểm soát từ 0h đêm nay
Chiều 14/6, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, sau hai tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình dịch COVID-19 tại Gò Vấp đã cơ bản kiểm soát. Bắt đầu từ 0h ngày 15/6, quận được chuyển giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15.
“Từ 0h đêm nay, Quận Gò Vấp sẽ rút các chốt chính, rút lực lượng về làm nhiệm vụ bên trong địa bàn quận và từng phường”, ông Dũng thông tin.
Từ 0h đêm nay, Quận Gò Vấp sẽ rút các chốt chính, rút lực lượng về làm nhiệm vụ bên trong địa bàn quận và từng phường.
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến về COVID-19, sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần. Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giảm cấp áp dụng giãn cách xã hội từ theo chỉ thị 16 xuống theo chỉ thị 15.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định về tổng thể, sau hai tuần thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi lây nhiễm cho thấy dịch có thể xâm nhập TP từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.
Dịch bệnh đã len lỏi và có thể sẽ được phát hiện qua khám sàng lọc, truy vết thời gian tới. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định TP.HCM sẽ giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa.
Trước đó, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM đã thông báo từ ngày 31/5, toàn thành phố sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 nhưng nâng cao một số biện pháp như không tụ tập quá 5 người nơi công cộng; tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch.
Riêng địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Quận Gò Vấp đã lập 12 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến đường chính kết nối với các quận như 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú…
Tính từ 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 845 ca COVID-19 (Bộ Y tế đã công bố), hiện đứng thứ 3 cả nước về số ca COVID-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Hiện tại, dịch bệnh đã lây lan ra 22/22 quận, huyện, thành phố. Trong đó, ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ ngày 26/5.
(Theo Dân Việt)
Truy tìm những người từng đến 2 quầy Bách Hóa Xanh, 2 chợ tại TP Thủ Đức
Chiều 14-6, UBND phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM phát đi thông báo tìm người liên quan ca mắc Covid-19 có địa chỉ cư trú trên địa bàn phường.
Theo đó, nhằm kiểm soát dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng dân cư, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường thông báo những người từng đến những địa chỉ sau thì liên hệ ngay bằng điện thoại hoặc Zalo (đề tránh đông người) đến cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm:
-Bách Hóa Xanh (61/16 đường 48, phường Hiệp Bình Chánh) từ 9 đến 10 giờ ngày 31-5.
Phong tỏa 1 khu vực liên quan ca dương tính Covid-19 tại phường Hiệp Bình Phước TP Thủ Đức (Ảnh: HCDC)
-Bách Hóa Xanh (418 Quốc lộ 13, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước) từ 8 đến 12 giờ ngày 6-6
-Chợ Xép (đường số 4, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước) sạp bán thịt và rau củ cạnh cà phê Hoa Sứ, sạp bán cá ngả 3 đường số 4 từ 6 đến 9 giờ ngày 9-6.
-Hàng trái cây ở chợ Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh) từ 17 giờ 30 đến 19 giờ ngày 9-6.
Tất cả những người có liên quan cần liên hệ trạm y tế địa phương (nơi hiện đang cư ngụ) để được hướng dẫn theo quy định.
Đối với các trường hợp có liên quan cư trú trên địa bàn Hiệp Bình Phước thì liên hệ trạm y tế phường, địa chỉ 686 Quốc lộ 13; ĐT 028.62836639-0902.885446 (nhân viên chống dịch).
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đồng ý với các đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 thêm 14 ngày nữa; quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 cũng chuyển sang áp dụng theo Chỉ thị 15.
Cụ thể, kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định tiếp tục giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.
Theo ông Phong, sau 2 tuần thực hiện giãn cách, tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, đặc biệt các ca nhiễm trong cộng đồng, có khả năng dịch đã âm thầm lây nhiễm từ đầu tháng 5.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)
Vì thế, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ 15, Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 cũng chuyển sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. TP.HCM sẽ tiếp tục quan sát tình hình thực tế tại các địa phương trong 1 tuần để quyết định thực hiện chỉ thị nào, có thể chuyển những nơi sang thực hiện Chỉ thị 19.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các nơi thực hiện chưa nghiêm, còn tụ tập đông người, không chấp hành Chỉ thị 15. Chủ tịch quận huyện để xảy ra ca nhiễm phải chịu trách nhiệm.
Hữu Huy
Phong tỏa nơi ở của 2 ca Covid-19 làm việc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM
Sáng 14-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho hay cơ quan chức năng vừa phong tỏa nơi ở của 2 người mắc Covid-19, là nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.
Hai trường hợp này (bệnh nhân 10504 và bệnh nhân 10513) cư trú tại phường 3 và phường 4, quận 8; đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Ngay khi nhận thông tin, Trung tâm Y tế quận 8 đã phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của 2 phường khẩn trương phong tỏa 2 con hẻm nơi các bệnh nhân cư ngụ, phun khử khuẩn khu vực, tiến hành điều tra truy vết người tiếp xúc và lấy mẫu xét nghiệm 267 người dân trong khu vực phong tỏa.
Bệnh nhân 10504 có 3 trường hợp F1 tiếp xúc gần sống cùng nhà, đã được chuyển cách ly. Ngoài ra, toàn bộ 25 hộ dân sinh sống trong con hẻm nơi bệnh nhân 10504 cư ngụ đã được lực lượng chức năng phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm và điều tra truy vết.
Với bệnh nhân 10513, lực lượng chức năng đã phong tỏa con hẻm nơi người này cư ngụ, tiến hành điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 67 hộ dân sinh sống tại đây. Có 12 trường hợp F1 tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được đưa đi cách ly tập trung.
Lực lượng chức năng địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, truy vết các trường hợp liên quan và phân công lực lượng đảm bảo trực chốt tại 2 con hẻm nơi 2 bệnh nhân này cư ngụ.
(Theo Người Lao Động)
Gỡ lệnh phong toả Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sau 38 ngày cách ly
Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, Bộ Y tế đã có quyết định phong tỏa Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ 5h30 ngày 7/5. Cũng trong thời gian này, Giám đốc Bệnh viện K quyết định phong toả cả 3 cơ sở, không tiếp nhận người bệnh tới khám, điều trị trừ trường hợp cấp cứu.
Từ ngày 7/5, sau 11 ca ghi nhận tại khoa Ngoại Gan Mật Tụy, các ca nhiễm COVID-19 sau này đều được phát hiện ở các đơn vị đã được kiểm soát cách ly, đơn vị điều trị cách lỵ riêng biệt tại Bệnh viện, cách xa các toà nhà khám chữa bệnh và các đơn vị cách ly ngoài bệnh viện.
Lệnh phong toả Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều được gỡ bỏ vào trưa nay, 14/6. Ảnh: Ngọc Thành
Có 3 cán bộ y tế của Bệnh viện K gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 học viên nhiễm COVID-19 được phát hiện sau ngày 7/5. Hơn 700 cán bộ y tế cách ly tại bệnh viện và hơn 1.000 cán bộ y tế tự cách ly tại gia đình đều không dương tính SARS-CoV-2.
Bệnh viện đã xét nghiệm 19.392 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR, Gen expert cho tất cả cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà bếp, nhân viên bảo vệ cách ly tại 3 cơ sở của bệnh viện.
Tại cơ sở Tân Triều, mỗi người đều được xét nghiệm ít nhất 6 lần trong thời gian cách lỵ. Với Bệnh viện K cơ sở 9A-9B Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp do không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 vì vậy Bệnh viện đã có quyết định dỡ bỏ phong toả vào ngày 24/5.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Campuchia ghi nhận ngày kỷ lục về số ca tử vong do mắc COVID-19
Trong ngày 13/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo cả nước có thêm 15 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, đánh dấu số người chết vì COVID-19/ngày. Đây là con số cao nhất ở nước này kể từ khi ca tử vong đầu tiên được xác nhận hồi tháng 3 năm nay.
Bộ Y tế Campuchia thông báo cả nước có thêm 15 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, đánh dấu số người chết vì COVID-19/ngày cao nhất ở nước này. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Cũng trong cùng ngày, Campuchia ghi nhận thêm 468 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 31 trường hợp nhập cảnh, 437 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến ngày 13/6, Campuchia có tổng cộng 38.427 ca dương tính và 355 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê, trong 24h qua, đã có 636 bệnh nhân COVID-19 tại Campuchia đã được chữa khỏi và cho xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân được chữa khỏi kể từ đầu dịch lên 31.858 ca. 6.237 bệnh nhân nhiễm bệnh vẫn đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Nhiều người lo sợ những ca bệnh từ nước ngoài có liên quan đến biến chủng Delta, hay biến chủng B.1617 của virus SARS-CoV-2. Đây là biến chủng có nguy cơ lây lan nhanh và đang tìm đường xâm nhập Campuchia.
Bộ trưởng Y tế Campuchia Or Vandin yêu cầu người dân phải hết sức cảnh giác với biến chủng Delta bởi nó có thể lây lan nhanh hơn những loại biến chủng trước đó. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy, Delta có thể gây suy giảm thính lực, rối loạn dạ dày, đông máu gây hoại tử - những triệu chứng không thường thấy trước đây.
Biến chủng Delta đã lây lan tại hơn 60 quốc gia trên thế giới trong 6 tháng qua sau khi xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ. Nó đã gây ra làn sóng đại dịch thứ hai đầy chết chóc ở quốc gia Nam Á này và giờ đây khiến nhiều nước phải siết hạn chế đi lại, hoặc xem xét lại kế hoạch tái mở cửa như Anh.
(Theo Dân Việt)
Nghệ An: Khử khuẩn, phong tỏa một phần phường Hà Huy Tập
Sáng 14/6, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang tạm thời thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một phần phường Hà Huy Tập (TP Vinh) khi tại đây ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Khu vực phong tỏa cách ly xã hội là tam giác từ ngã tư Ga Vinh đến cầu Kênh Bắc (đường Nguyễn Sỹ Sách), từ cầu Kênh Bắc đến ngã ba Quán Bàu (đường Hà Huy Tập), từ ngã ba Quán Bàu (đường Mai Hắc Đế), giãn cách xã hội phần còn lại của phường Hà Huy Tập theo Chỉ thị 15...
Cơ quan chức năng cắm chốt một số khu vực bị phong tỏa.
Ngoài ra, khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách; khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cho những người ở điểm mà ca bệnh đã đến, thần tốc truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh.
Như đã thông tin, trường hợp dương tính với SARS-C0V-2 này là N.T.M (SN 1999, làm nghề uốn sấy tóc; trú khối 4, Phường Hà Huy Tập).
N.T.M có lịch trình di chuyển và quan hệ cá nhân cực kỳ phức tạp. M di chuyển khắp thành phố. Tuy nhiên, chưa khai báo một cách trung thực. Do sự khai báo thiếu trung thực, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã phải nhờ đến cơ quan chức năng chuyên về công nghệ thông tin để xác định địa điểm N.T.M từng có mặt.
(Theo Gia Đình & Xã hội)
Quốc gia ĐNA có gần 10.000 ca nhiễm Covid-19 trong ngày
Theo SCMP, Indonesia hôm 13/6 có 9.868 ca nhiễm Covid-19 mới - con số cao nhất ghi nhận trong ngày kể từ hôm 22/2. Tổng số ca nhiễm Covid-19 của quốc gia Đông Nam Á là gần 2 triệu ca, trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh là hơn 52.000 ca.
Quốc gia với 270 triệu dân còn chuẩn bị đối mặt với đỉnh dịch của đợt lây lan mới sau lễ hội tôn giáo Eid al-Fitr hồi tháng 5 - khi hàng triệu người trở về quê nhà đoàn tụ với gia đình và bạn bè.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Indonesia đã gần mốc 2 triệu ca. Ảnh: Jakarta Post
Ở một diễn biến khác, giới chức thành phố Pekanbaru, tỉnh Riau, thuộc đảo Sumatra, Indonesia, đã triển khai chiến dịch tiêm phòng Covid-19 bằng một đội xe buýt tiêm chủng với số lượng ngày càng tăng. Pekanbaru đã tăng số lượng xe buýt lên 10 xe, gấp đôi con số triển khai hôm 1/6, sau khi tiếp nhận phản ứng tích cực từ công chúng.
"Tôi hy vọng chương trình này sẽ tiếp tục cho tới khi toàn bộ người dân thành phố được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin Covid-19", Delvi, một công dân thành phố Pekanbaru được tiêm phòng trên xe buýt, chia sẻ. "Hình thức này dễ dàng và thuận tiện hơn là tới các trung tâm tiêm chủng".
Chính quyền Pekanbaru cho biết chương trình tiêm chủng trên xe buýt đã giúp phân phối 12.000 mũi vắc-xin Covid-19 cho người dân với công suất hơn 1.000 mũi/ngày. Giới chức địa phương cho biết sẽ tiếp tục tăng số lượng xe buýt nhưng không công bố con số cụ thể.
Dù có tín hiệu tích cực từ chương trình xe buýt tiêm chủng nhưng giới chức địa phương cho biết họ phải tham gia vào "cuộc chiến" chống truyền bá thông tin sai lệch về tiêm chủng vắc-xin Covid-19. "Chúng tôi thấy mọi người nghi ngờ về mức độ hiệu quả của vắc-xin do tiếp cận với các luồng thông tin sai sự thật", Said Ahmad Zamzami, một quan chức địa phương, nói.
"Chúng tôi kêu gọi người dân không nên tin vào những thông tin sai sự thật đó. Vắc-xin Covid-19 thực sự tốt cho sức khỏe của chúng ta. Bây giờ, mọi người đã tin tưởng hơn vì bản thân tôi, một quan chức, cũng đã đi tiêm phòng", ông Zamzami nói thêm.
Indonesia dự kiến tiêm chủng cho 181,5 triệu dân vào năm 2022. Hiện tại, có khoảng 11,57 triệu người Indonesia đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, bao gồm các loại vắc-xin Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca.
(Theo Dân Việt)
TP HCM: Phong tỏa toàn bộ chung cư Ehome 3, xét nghiệm Covid-19 ngay trong đêm
Khuya 13-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát thông tin cho biết cơ quan chức năng vừa phong tỏa tạm thời toàn bộ chung cư Ehome 3.
Chung cư này tọa lạc trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân; có 14 block với hơn 7.000 cư dân. Lực lượng y tế cũng triển khai lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho cư dân tại các block A0, A5, A7, A8, A9, A10, A11, B1, B2.
Trước đó, ngày 10-6, quận Bình Tân đã lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao như bảo vệ, tạp vụ, kỹ thuật viên, ban quản lý, cửa hàng tiện ích tầng trệt tại các block chung cư. Ngày 13-6, kết quả xét nghiệm cho thấy 2 trường hợp nghi nhiễm tại block A9. Đây là 2 vợ chồng bán nông sản tại tầng trệt block A9 (đang chờ Bộ Y tế công bố).
Lực lượng chức năng tiến hành công tác chuyên môn trong đêm (Ảnh: HCDC)
Theo thông tin trước đây, từ ngày 30-5, block A6 chung cư Ehome 3 cũng đã bị phong toả do phát hiện 2 trường hợp mắc Covid-19 (bệnh nhân 7407 và 7418) liên quan chuỗi lây nhiễm điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.
Do ghi nhận ca chỉ điểm của chuỗi lây nhiễm liên quan chung cư Ehome 3 là bệnh nhân 8737 nên block A3, A4 bị phong toả từ ngày 5-6. Bên cạnh đó, người bán quán nước trước block A9, A10 được xác định là bệnh nhân 9498.
Tiếp theo, ngày 12 và 13-6, gia đình 4 người (chồng là nhân viên công nghệ thông tin của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, vợ là nhân viên Bệnh viện Nhân dân Gia định) và 2 người con cư trú tại block A1 cũng nhiễm Covid-19.
Trước tình hình xuất hiện các ca nhiễm tại Ehome 3, quận Bình Tân quyết định tạm thời phong tỏa toàn bộ các block của chung cư này để tiến hành lấy mẫu tầm soát, đánh giá nguy cơ.
TP HCM đã huy động đội ngũ y tế của các bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, Y học Cổ truyền, Tai Mũi Họng và lực lượng tình nguyện của Trường Đại học Y khoa Pham Ngọc Thạch đến hỗ trợ quận Bình Tân lấy mẫu xét nghiệm khẩn, dự kiến với 5.000 mẫu.
(Theo Người Lao Động)
Bình Dương: Cách ly tập trung 600 công nhân sau khi phát hiện 2 ca mắc COVID-19
Chiều 13/6, lực lượng y tế Tp Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã khẩn trương truy vết được tất cả 600 trường hợp là đồng nghiệp của 2 ca mắc COVID-19 trong công ty.
Khoảng 16g cùng ngày, tất cả 600 công nhân đã được bố trí xe đưa đến khu cách ly tập trung tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương).
Các công nhân được tập trung đưa đi cách ly phòng chống dịch COVID-19
Trung tâm Y tế thành phố Thuận An cũng tiếp tục phong tỏa công ty và phun khử khuẩn theo quy định phòng, chống dịch.
Trước đó, trưa ngày 12/6, Bình Dương ghi nhận có 1 ca mắc COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Bệnh nhân này là nữ (22 tuổi, cư trú tại phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM) và làm việc tại Công ty TNHH Puku Việt Nam.
Tối 12/6, sau khi nghe tin đồng nghiệp mắc COVID-19, nam công nhân làm cùng đã đi xét nghiệm tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM và cho kết quả âm tính. Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho xét nghiệm lại thì dương tính với SARS-CoV-2 và người này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, TP.HCM.
(Theo Dân Việt)