COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người

K.T - Ngày 19/06/2021 12:10 PM (GMT+7)

Chiều muộn 19/6, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về diễn biến mới về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

 Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người

Tối 19/6, ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thông tin lịch trình ca bệnh COVID-19 quê ở Quảng Nam.

Bệnh nhân là chị V. T. N. L (SN 1990, trú ở tổ 4 khối phố Xuyên Đông, Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Từ ngày 10/6/2021 trở về trước, BN sống tại địa phương, ở tổ 4, KP Xuyên Đông, TT Nam Phước, Duy Xuyên, làm việc tại Công ty CPSX Nhựa Duy Tân (Đà Nẵng), sáng đi chiều về.

Ngày 10/6/2021, chị L. không đi làm, ở nhà và không đi đâu, chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình.

Ngày 11/6/2021, lúc 6h30 BN đi làm bằng xe máy, tiếp xúc với các đồng nghiệp trong công ty, đến 17h15 về lại nhà bằng xe máy, tiếp xúc với người thân trong gia đình và không đi đâu.

Ngày 12/6/2021, BN đi làm bình thường, có tiếp xúc với BN 12437 và 3 nhân viên trong công ty. Trong khi làm việc tiếp xúc với nhiều khách hàng (không rõ thông tin khách hàng), lúc này có mang khẩu trang. Đến 17h15 về lại nhà bằng xe máy, tiếp xúc với người thân trong gia đình gồm bà nội, cha mẹ ruột, em, chồng, con gái.

Lúc 18h30 chị L. có đi gửi hàng tại ngã 3 đường tránh Nam Phước, tiếp xúc với chú T. lái xe tải Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Ngày 13/6/2021, BN ở nhà. Khoảng 7h30 đến 7h45 đưa con gái đi khám bệnh tại Phòng khám tư nhân của BS Đ. (đường Hùng Vương, TT Nam Phước). Khoảng 15h30 đi chợ huyện TT Nam Phước, có ghé quầy bán trái cây và ghé chị bán bánh ú ở đầu đường vào chợ.

Quảng Cáo

Ngày 14/6/2021, BN ở nhà. Khoảng 10 ghé tiệm bánh kem H.G.(ngã 3 Nam Phước). Đến 17h10 có tiếp xúc với 2 nhân viên giao hàng của tiệm bánh, có đeo khẩu trang. Lúc 17h15 xuống nhà chồng (ở gần chợ đình) và tiếp xúc với cha mẹ chồng, chị chồng, anh rể, bạn của chồng và 2 cháu. Đến khoảng 20h có ghé nhà cô ruột, tiếp xúc với anh, chị và các cháu.

Ngày 15/6/2021, BN ở nhà mẹ ruột, chỉ tiếp xúc với người trong nhà và không đi đâu. Tối cùng ngày có tiếp xúc với cháu 2 cháu gần nhà.

Ngày 16/6/2021, BN đi làm bình thường, vào công ty có tiếp xúc với BN 12437 và 3 nhân viên trong công ty. Trong khi làm việc tiếp xúc với nhiều khách hàng (không rõ thông tin khách hàng), lúc này có mang khẩu trang. Đến 17h15 về lại nhà bằng xe máy, về nhà có xuống nhà cô ruột, sau đó có ghé tiệm cắt tóc (bên cạnh nhà cô ruột), khoảng 6h45 có ghé quán phở T. mua phở, đứng xa và có mang khẩu trang sau đó về nhà và ko đi đâu.

Ngày 17/6/2021, BN đi làm bình thường, khoảng 6h45, có ghé mua xôi gần trước Điện máy xanh Điện Bàn, sau đó đi làm, tiếp xúc với nhân viên bảo vệ và 3 nhân viên trong công ty. Trong khi làm việc tiếp xúc với nhiều khách hàng (không rõ thông tin khách hàng), lúc này có mang khẩu trang. Đến 13h30 qua Bệnh viện Gia Đình (Đà Nẵng) để lấy mẫu xét nghiệm, sau đó về làm việc tại công ty đến 17h15 về lại nhà.

Ngày 18/6/2021, BN ở nhà mẹ ruột, chỉ tiếp xúc với người trong nhà và không đi đâu. Lúc 13h có dấu hiệu sốt, đến chiều nhận được thông tin BN 12437 dương tính, đã khai báo y tế với Trạm y tế Nam Phước qua điện thoại. Đến 17h30 BN được đưa lên khu cách ly tại Trung tâm y tế Duy Xuyên bằng xe cấp cứu.

Ngày 19/6/2021, ở tại khu cách ly Trung tâm Y tế Duy Xuyên và được lấy mẫu xét nghiệm.

Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 19/6/2021, sau khi nhận được thông tin ca bệnh mới do CDC Quảng Nam cung cấp, Trung tâm Y tế Duy Xuyên đã liên hệ Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam để đưa bệnh nhân đến và điều trị.

BCĐ phòng chống dịch COVID-19 đã tiếp tục tiến hành khoanh vùng cách ly, phun thuốc khử trùng toàn khu vực nhà, khu vực cách ly bệnh nhân; Tổ chức điều tra truy vết F1 và F2 liên quan đến bệnh nhân, tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM phong tỏa 3 khu phố và 3 ấp, chưa quyết định giãn cách theo chỉ thị 16

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp. 

Về việc thành phố có quyết định giãn cách theo chỉ thị 16 hay không? Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM dựa trên quy định của Bộ Y tế để đánh giá mức độ nguy cơ ở từng địa phương để đưa ra quyết định thắt chặt kiểm soát. “Tùy theo mức độ nguy cơ khu vực, thành phố sẽ quyết định áp dụng các chỉ thị cụ thể”, ông Dương Anh Đức thông tin.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 1

Ông Đức nhận định trong tuần qua, việc thực hiện chỉ thị giãn cách tại TP.HCM chưa được nghiêm ngặt. Do đó, thành phố sẽ tăng cường các biện pháp giãn cách và xử lý khi có ca nhiễm mới. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: “Thành phố đang tăng cường, bổ sung các quy định về giãn cách. Trước mắt, thành phố sẽ thiết lập vùng phong tỏa đối với các khu vực cụ thể. Điển hình là 3 khu phố thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 1, Tân Thới 2, ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn)”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ thực hiện những biện pháp phòng chống dịch cụ thể theo từng thời điểm, về cơ bản sẽ dựa trên quy định của Bộ Y tế và đánh giá về nguy cơ của mỗi địa phương. Hoàn cảnh hiện tại so với thời điểm Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 được ban hành trước đó là khác nhau, vậy nên thành phố đưa ra các quy định phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của thành phố.

TP.HCM: Dừng hoạt động chợ tự phát, xe taxi, xe buýt và xe liên tỉnh

Ông Từ Lương - phó Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM cho biết, thành phố sẽ sử dụng nền các giải pháp trong chỉ thị 15 và 16 để ban hành chỉ thị riêng của thành phố về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, ngoài thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM trước đó, Chỉ thị riêng của TP.HCM trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay gồm các nội dung như sau:

1. Tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ không cần thiết, giải tán chợ tự phát. Các chợ truyền thống sẽ được Sở Công thương hướng dẫn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, dừng toàn bộ hoạt động của xe công nghệ, xe taxi, xe liên tỉnh và tất cả các tuyến xe bus.

2. Không tụ tập trên 3 người nơi công cộng ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu là 1,5m.

3. Yêu cầu người dân ở nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết như đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

4. Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu, nhà máy, phân xưởng xí nghiệp hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn là 1,5m, phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, khử khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch gửi cho UBND cấp quận, huyện và TP. Thủ Đức nơi nhà máy, phân xưởng đó đặt trụ sở. 

5. Cơ sở, cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo giãn cách. Các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang làm việc online. Chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thực sự cần thiết, và tuyệt đối thực hiện quy định 5K của ngành y tế. 

6. Dừng các hoạt động không cần thiết, trong trường hợp cần thiết, không tập trung quá 10 người trong 1 phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của ngành y tế.

Người bốc vác ở chợ dương tính, từng thăm người thân ở bệnh viện

Sáng 19/6, Trung tâm Y tế quận 8 xác nhận, vừa phát hiện một ca dương tính COVID-19 (lần 1) làm việc tại chợ đầu mối Bình Điền, phường 7, quận 8.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phun khử khuẩn toàn diện chợ Bình Điền, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ. Đến nay đã có khoảng 1.000 người gần nơi ca dương tính đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Qua điều tra truy vết, đội bốc vác tại chợ Bình Điền có khoảng 300 người, lực lượng y tế đã được xét nghiệm toàn bộ. 21 ca là F1 đã được đưa đi cách ly tập trung.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 2

Theo Trung tâm Y tế quận 8, người được xác định dương tính với COVID-19 làm nghề bốc vác cá, sống ở quận 1 nhưng qua quận 8 làm việc. Trước khi có kết quả dương tính, người này đi thăm nuôi người thân ở một bệnh viện. Khi xét nghiệm nhanh, kết quả dương tính COVID-19.

Trước đó, quận 8 đã thường xuyên chỉ đạo chợ Bình Điền giám sát, nhắc nhở người dân ra vào chợ tuân thủ việc đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Quận cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhiều người trong chợ. Kể từ khi dịch bùng phát, số lượng tiểu thương giảm 30%, các cơ các cơ sở ăn uống, nhà hàng đã tạm ngưng từ lâu theo quy định.

Sáng nay 19/6, TP.HCM ghi nhận với 40 ca nhiễm COVID-19 và cũng là khu vực có người nhiễm nhiều nhất trong các địa phương.

Cũng trong sáng nay, TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn cho khoảng 500 công nhân tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức.

(Theo Báo Giao Thông)

TP.HCM: Nhóm người nhậu ở công viên giữa mùa dịch bị phạt nặng

Ngày 19/6, UBND phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với nhóm người tổ chức nhậu trên vỉa hè công viên Gia Định.

Theo đó, tối 18/6, tổ công tác của UBND phường 9 tuần tra qua khu vực vỉa hè Công viên Gia Định thì phát hiện nhóm người ngồi ăn nhậu trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Những người này đều không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo UBND phường 9 cho hay, sau khi lập biên bản, phường sẽ chuyển lên UBND quận để ra quyết định xử phạt.

5 trường hợp vi phạm nói trên có thể sẽ bị phạt số tiền tổng cộng 39 triệu đồng.

(Theo Báo Giao Thông)

Nhiều ngày có số ca nhiễm COVID-19 cao, TP.HCM họp khẩn

Trưa 19/6, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn. Tham dự cuộc họp có Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp cùng nhiều sở, ngành, quận huyện tại các điểm cầu trực tuyến.

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tính đến 18 giờ ngày 18/6, có 1.661 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Tính riêng từ 6 giờ ngày 18/6 đến 6 giờ ngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV- 2, đang tiến hành điều tra.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 3

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin về tình hình dịch bệnh.

Nhận định về các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn, Sở Y tế cũng cho hay, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hang xóm, nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại TPHCM. Các chuỗi dịch lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận – huyện; đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng.

Vì vậy, ngành Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ; tất cả nhân viên y tế tuân thủ nghiêm biện pháp 5K và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đồng thời, giám sát, phòng chống dịch trong khu công nghiệp qua việc lấy mẫu tầm soát có trọng tâm ở KCN, KCX, KCNC trên địa bàn có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, chế biến thủy hải sản đông lạnh… Xét nghiệm toàn bộ người lao động trong khu công nghiệp có người nhiễm, nghi nhiễm và mở rộng xét nghiệm trong tất cả các khu công nghiệp.

Nhấn mạnh về diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, toàn Thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, thống nhất với các đề xuất của các Sở - ngành, quận - huyện về việc triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn - đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Theo Bí thư Thành ủy, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian. Do đó, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TPHCM. Nâng cao mức giãn cách xã hội tại TP, đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nề nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng chống dịch bệnh. Quyết tâm sau 1 tuần tới, TP có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài.

Đồng tình với các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, TPHCM cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng riêng, cụ thể, linh hoạt riêng của TP để phòng chống dịch trên địa bàn. Trong đó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và trên cơ sở báo cáo từ các quận - huyện, Sở - ngành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. Con số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận - huyện và TP Thủ Đức cần tự rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung để tính toán phương án phù hợp ở góc độ địa phương.

Chiều nay, Thành phố sẽ họp trao đổi, thảo luận với Bộ Y tế và các ngành liên quan để chốt phương án cụ thể và sớm thông báo cho nhân dân toàn TP được biết.

(Theo Dân Việt)

Những loại hình nào ở Bạc Liêu được hoạt động trở lại từ 12h hôm nay?

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt. Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép một số loại hình được hoạt động trở lại, nhằm đảm bảo mục tiêu "kép" theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó, cho phép hoạt động trở lại đối với các loại hình: Chợ đêm; các hoạt động du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong tỉnh (không cho phép tổ chức các hoạt động có người ngoài tỉnh tham gia).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng lưu ý, các loại hình được phép tiếp tục hoạt động, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện nghiêm ngặt 5K; nếu không tuân thủ thì phải buộc dừng ngay, chấn chỉnh xong mới cho hoạt động trở lại.

Thời gian thực hiện từ 12h ngày 19/6/2021.

Một số loại hình hoạt động tiếp tục tạm dừng đến khi có thông báo mới: Massage, quán bar, karaoke, game; các hoạt động tập trung đông người (trên 20 người) ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo y tế khi đến trụ sở cơ quan nơi làm việc hoặc khi liên hệ công tác với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…

Các chốt, trạm kiểm soát giao thông, chính quyền cấp xã tăng cường quản lý siết chặt tất cả mọi cửa ngõ thủy, bộ vào địa bàn tỉnh (nhất là các đường mòn, kênh rạch nhỏ) để đảm bảo 100% người vào tỉnh đều phải khai báo y tế, kể cả xe 2 bánh và các xuồng ghe loại nhỏ.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vào tỉnh (kể cả xe cứu thương), phải đảm bảo 100% phương tiện được kiểm soát trước khi vào tỉnh.

Trước đó, sáng 18/6, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã trao giấy chứng nhận đã hoàn thành việc cách ly điều trị bệnh Covid-19 và giấy ra viện cho BN6572 (ngụ ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) sau nhiều lần xét nghiệm âm tính.

BN6572 được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu tiến hành điều tra lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính với SARS-CoV-2 lúc 15h ngày 28/5, sau đó được đưa lên điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

Chiều cùng ngày, 113 trường hợp là F1 của BN6572 được cách ly vào ngày 29/5/2021, tại cơ sở cách ly trên địa bàn huyện Hòa Bình cũng đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly 21 ngày theo quy định.

Song song đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã cho dỡ "lệnh" phong tỏa đối với ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, nơi ghi nhận BN6572 dương tính ngoài cộng đồng trước đó.

(Theo Báo Giao Thông)

Quảng Nam tái lập chốt kiểm soát, cách ly người về từ Đà Nẵng

Ngày 19-6, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định về việc thành lập 5 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường cửa ngõ giáp với TP Đà Nẵng.

Cụ thể, Chốt 1: Tuyến ĐT603 (đoạn giao đường Lạc Long Quân, khối phố Viêm Đông, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn với đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng); Chốt 2: Tuyến ĐT605 (đoạn khu vực thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn với xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 4

Quảng Nam lập lại các chốt kiểm soát dịch Covid-19.

Chốt 3: Tuyến ĐT607 (đoạn giao đường Trần Hưng Đạo, khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn với đường Trần Đại Nghĩa, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng); Chốt 4: Tuyến Quốc lộ 14B (thuộc khu vực Ngã 3 Đại Hiệp, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc); Chốt 5: Tuyến Quốc lộ 14G (đoạn khu vực Dốc Kiền, xã Ba, huyện Đông Giang giáp với xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Chốt kiểm soát có nhiệm vụ kiểm soát y tế, xác định lịch trình hoạt động của tất cả người và phương tiện đi vào địa bàn tỉnh, nhất là người đến và về từ TP Đà Nẵng; kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trên các phương tiện vận tải vào địa bàn tỉnh; xử lý và đề xuất xử lý các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định cũng nêu rõ những người từ TP Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam phải khai báo y tế, thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú theo quy định (trừ đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đi và về trong ngày).

Trước đó, ngày 18-6, ngành y tế Đà Nẵng phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng (BN 12437), tới sáng 19-6, có thêm 5 F1 của ca bệnh trên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

(Theo Người Lao Động)

Đà Nẵng thông báo khẩn tìm người đến quán cơm, tiệm bánh

Sáng 19-6, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã phát thông báo khẩn về 3 địa điểm liên quan bệnh nhân 12437, gồm: Quán cơm tại 421 Lê Duẩn; Công ty Nhựa Duy Tân - 145 Điện Biên Phủ; tiệm bánh Bonpas Bakery & Coffee - 143 Điện Biên Phủ. Đây là các địa điểm bệnh nhân 12437 lui tới, riêng Công ty Nhựa Duy Tân là nơi người này làm bảo vệ.

Người dân từng ghé 3 địa điểm trên trong khoảng từ ngày 10-6 đến ngày 18-6, lập tức liên hệ với Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn để cung cấp thông tin và được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp can thiệp y tế phù hợp. Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đề nghị toàn thể người dân phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bệnh nhân 12437 từng tiếp xúc với ca mắc Covid-19 ở TP HCM trong ca trực bảo vệ tại Công ty Nhựa Duy Tân. Cụ thể, bệnh nhân này nhận xe hàng đến từ TP HCM vào rạng sáng 10-6, trong đó 1 tài xế được xác định mắc Covid-19 vào ngày 15-6.

Đến sáng 19-6, ngành y tế Đà Nẵng đã công bố có 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 là F1 của bệnh nhân 12437; 16 F1 còn lại có kết quả âm tính. Ngoài ra, trong số hơn 400 mẫu xét nghiệm theo phương pháp gộp của khu vực dân cư nơi bệnh nhân này sinh sống có 7 mẫu cho kết quả nghi ngờ, hiện đang được xét nghiệm lại.

(Theo Người Lao Động)

Bệnh nhân dương tính bất ngờ bỏ chạy Khi được chuyển đến bệnh viện

Sự việc xảy ra vào 15h chiều 18/6. Một bệnh nhân mắc COVID-19 trú ở phường Hưng Dũng được xe cứu thương vận chuyển từ khu cách ly tại khách sạn Quyết Thành về khu cách ly và điều trị Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An.

Khi xe cứu thương đến, Trung tâm Bệnh nhiệt đới chưa kịp tiếp nhận thì bệnh nhân mắc COVID-19 này bất ngờ vùng bỏ chạy.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 5

Những khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang được tỉnh Nghệ An tái thiết lập sau khi tỉnh này có tới 20 ca nhiễm mới tính từ ngày 14/6 đến hết ngày 18/6.

Trước sự cố bất ngờ, Trung tâm Bệnh nhiệt đới lập tức huy động người tìm kiếm bệnh nhân đồng thời báo cáo sự việc cho Trung tâm Y tế thành phố Vinh. Công an địa phương cũng nhận được thông tin để vào cuộc truy tìm bệnh nhân.

Tuy nhiên, sau ít phút, người này đột ngột trở lại khu điều trị. Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Vinh (Nghệ An) xác nhận, bệnh nhân nhiễm COVID-19 bỏ chạy khi đưa đến khu điều trị nhưng sau đó đã chủ động quay trở lại. Người này chỉ chạy ra ngoài ít phút và được xác định không tiếp xúc với ai.

Theo các bác sĩ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, chưa có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, có thể do tuổi đã cao, tâm lý bệnh nhân không được ổn định.

(Theo Báo Giao Thông)

TP.HCM: Quận Bình Tân đề xuất phong tỏa 3 khu phố ở phường An Lạc

Ngày 19/6, UBND quận Bình Tân đã có Tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc đề xuất biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2021 đối với khu phố 2,3,4 phường An Lạc, quận Bình Tân.

Thời gian phong tỏa dự kiến là 14 ngày. Theo UBND quận Bình Tân, có gần 56.000 người và 306 doanh nghiệp nằm trong khu vực phong tỏa. Nếu đề xuất được chấp thuận, UBND quận Bình Tân sẽ bố trí chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm ra vào khu vực thực hiện giãn cách với 22 chốt (tổng lực lượng tham gia dự kiến là 198 người/ngày).

Khu vực đường Hồ Học Lãm đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ chốt chặn, cách ly. Riêng tuyến đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho lưu thông nhưng không dừng, đỗ. Đối với các cửa hàng tiện ích, quận Bình Tân sẽ cho tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và chỉ phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa, chỉ chở hàng hóa, không chở người vào khu vực giãn cách, mỗi lần ra vào đều phải khử trùng, sát khuẩn.

Đồng thời, tiếp tục giữ các chốt tại hẻm hoặc khu vực có nguy cơ cao, đang cách ly hiện hữu (Khu dân cư Nam Long, chung cư Ehome 3…).

Đồng Nai: Thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm có liên quan ca nghi nhiễm COVID-19 tại TP.Long Khánh và H.Vĩnh Cửu

Ngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) đã phát đi thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19 tại khu phố Bảo Vinh B, phường Bảo Vinh, TP.Long Khánh và xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. CDC Đồng Nai đề nghị tất cả những người đã đến các địa điểm sau đây cần liên hệ ngay với Trạm Y tế tại địa phương để khai báo y tế và được hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 kịp thời. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại https://bluezone.gov.vn/.

Đặc biệt, khi phát hiện bản thân có tiếp xúc với trường hợp F1 hay nghi ngờ, nhiễm COVID-19 cần ở yên tại nhà/nơi lưu trú, thông báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương, khai báo y tế tại https://tokhaiyte.vn/ và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 6

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 7

TP.HCM: Đóng cửa tạm thời siêu thị Big C Miền Đông quận 10 vì ca nghi mắc Covid-19

Ngày 19/6, cơ quan chức năng đã tạm thời khoanh vùng siêu thị Big C Miền Đông (phường 15, quận 10, TP.HCM) do liên quan tới một ca nghi mắc Covid-19. Siêu thị này phải tạm thời đóng cửa để thực hiện phun khử khuẩn và điều tra dịch tễ.

Nhân viên các quầy hàng và nhân viên trong siêu thị đều được yêu cầu tạm dừng hoạt động để khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Người dân tới mua sắm tại siêu thị vào sáng nay 19/6 được khuyến cáo trở về địa phương khai báo y tế. Việc mở cửa lại siêu thị sẽ được thông báo sau khi công tác điều tra dịch tễ kết thúc.

*Quận 10: Tìm người từng đến siêu thị Co.opmart

Ngày 19/6, cơ quan chức năng phường 7 (quận 10, TP.HCM) đã phát đi thông báo khẩn tìm người từng tới mua sắm tại siêu thị Co.op Mart vào khung thời gian từ 8 giờ 48 đến 16 giờ ngày 15/6. Ngành y tế địa phương kêu gọi những cá nhân đến địa điểm này vào thời gian trên cần thực hiện khai báo tại y tế địa phương để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Khẩn tìm người đi cùng chuyến bay VN1274 với ca nhiễm mới ở Thanh Hóa

Sáng 19/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá (CDC Thanh Hóa) cho biết, đã có thông báo tìm người trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đi trên chuyến bay VN1274 của hãng hàng không Việt Nam Airlines từ Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) hạ cánh tại Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) khoảng 13h ngày 15/6/2021 vì liên quan đến ca dương tính với Sars-CoV-2 vừa ghi nhận vào khuya 18/6.

Theo đó, ca bệnh dương tính với Sars-CoV-2 là nữ, sinh năm 1992 ngụ ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Bệnh nhân đi xuất khẩu lao động tại Malaysia về Việt Nam ngày 6/5//2021, được cách ly tập trung tại tỉnh Tiền Giang 40 ngày.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 8

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa ngay trong đêm 18/6 đã có mặt tại xã Vạn Xuân để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh CDC Thanh Hóa).

Sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với Sars-CoV-2, đến ngày 14/6, sau khi hoàn thành xong cách ly tập trung, bệnh nhân đi xe khách lên TP Hồ Chí Minh. Từ trưa ngày 14/6 đến sáng 15/6, nghỉ tại khách sạn Hoàng Kim Long, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, cùng phòng có 2 người ở Đắc Lắc và Gia Lai (Cả 2 người này cũng được xác định dương tính với Sars-CoV-2 vào ngày 18/6).

Đến ngày 15/6, nữ bệnh nhân bắt taxi ra sân bay Tân Sơn Nhất đi chuyến bay VN 1274, số ghế 44D hãng hàng không Airlines cất cánh lúc 11h05 đến Cảng hàng không Thọ Xuân lúc 13h cùng ngày, sau đó gọi xe có địa chỉ cùng thôn xuống đón về nhà qua trạm Y tế xã Vạn Xuân khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly tại nhà. Tối 18/6, bệnh nhân có kết quả dương tính với Sars-CoV-2.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị tập trung khoanh vùng, truy vết và lập các chốt kiểm soát người ra ào xã Vạn Xuân. Tính đến thời điểm hiện tại đã truy vết được 9 trường hợp F1 và 138 trường hợp F2.

(Theo Báo Giao Thông)

Hà Nội: Từ 20/6 Bệnh viện Đức Giang trở lại hoạt động bình thường sau 5 ngày phong toả

Sau 5 ngày tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân tới khám, điều trị để phòng dịch COVID-19, từ 0h 20/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chính thức gỡ bỏ phong toả, hoạt động khám chữa bệnh trở lại.

Trước đó, sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là Đội trưởng Đội vệ sĩ (BN10672), nhân viên kế toán (BN10959), Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dừng tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh thông thường từ 0h ngày 15/6.

BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, hôm qua bệnh viện đã xét nghiệm cho 1.558 trường hợp, trong đó xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ nhân viên y tế, bảo vệ, vệ sĩ, tạp vụ, lái xe, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiện có tại bệnh viện và xét nghiệm lần 3 cho khoảng 70 trường hợp F1, F2, những người liên quan đến 2 ca dương tính. Kết quả, 100% trường hợp nêu trên đều âm tính với SARS-CoV-2.

Hiện vẫn chưa phát hiện được nguồn lây của hai bệnh nhân COVID-19 trên đây. Tuy nhiên đến nay những trường hợp F1 và F2 của 2 ca bệnh phát hiện ở Bệnh viện đã có 3 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh viện cũng tiến hành phun khử khuẩn lần 2 toàn bộ.

Hiện, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị cho 130 bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện cũng đã rà soát lại toàn bộ công tác phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và đạt số điểm gần 89% đủ điều kiện an toàn để hoạt động khám, chữa bệnh trở lại.

Ngay trong chiều nay, những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường đang điều trị tại bệnh viện sẽ được xuất viện sau khi sức khoẻ đã ổn định.

Hơn 80% cán bộ, nhân viên, người lao động của Bệnh viện đã được tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, 100% các y bác sĩ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trực tiếp người bệnh F0 đều đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Xem xét khởi tố hình sự vụ làm lây lan dịch bệnh ở Tiền Giang

Sáng 19/6, ông Trần Văn Thức, Chủ tịch UBND Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo xem xét điều tra, khởi tố vụ án hình sự cố ý lây lan dịch bệnh truyền nhiễm tại địa bàn thị xã.

Theo nhận định từ UBND tỉnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, qua điều tra dịch tễ và phân tích cho thấy chuỗi lây nhiễm từ xã Mỹ Hạnh Đông, TX Cai Lậy đã lây nhiễm đến xã Long Khánh (TX Cai Lậy) và phường 9, TP.Mỹ Tho. Qua đó, cho thấy có dấu hiệu cố ý làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã chỉ đạo Công an thị xã báo cáo Công an tỉnh để điều tra làm rõ vụ lây lan dịch bệnh nêu trên.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 9

Khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Văn bản cũng nêu rõ, hiện vụ việc đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự về tội cố ý làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; do đó yêu cầu Công an thị xã xem xét, khởi tố vụ án hình sự ngay để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Cũng trong sáng nay (19/6), Bộ y tế công bố Tiền Giang có thêm 3 ca mắc Covid-19 là các bệnh nhân 12463, 12466, 12468 ghi nhận trong khu vực phong tỏa chợ Ba Dừa, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, liên quan đến BN10630 có hộ khẩu tại xã Long Khánh, TX Cai Lậy.

Theo lịch trình di chuyển của các bệnh nhân này, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TX Cai Lậy đề nghị người dân từng đến cửa hàng nhựa Tấn Đạt, đường 3-2, phường 1 (TX Cai Lậy) và quầy hàng Tuấn Hà trong khu hàng hóa tiêu dùng chợ (TX. Cai Lậy) từ khoảng thời gian ngày 6/6 - 16/6, liên hệ Trạm Y tế xã, phường để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19.

(Theo Báo Giao Thông)

Phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2, Đồng Nai gấp rút truy vết, phong tỏa

Suốt đêm qua, ngành y tế tỉnh Đồng Nai khẩn trương truy vết các F1, F2 liên quan 2 ca dương tính vừa phát hiện. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Đồng Nai (CDC), ông Ng.D.T. (SN 1974; ngụ phường Bảo Vinh, TP Long Khánh) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, từ ngày 1-6 đến 13-6, ông T. phụ mua chôm chôm cho một trường hợp dương tính ở TP.HCM. Người này hằng ngày xuống ngã 3 nhà thờ khu phố Bảo Vinh B, phường Bảo Vinh thu mua chôm chôm. 

CDC Đồng Nai nhận định ca dương tính tại TP Long Khánh di chuyển nhiều, khá phức tạp, có thể đã nhiễm COVID-19 khoảng từ ngày 1 đến 13-6, khởi phát hôm 14-6, nồng độ virus rất cao. 

Bước đầu truy vết, lực lượng chức năng xác định người này có khoảng 50 F1, F2 và F1 tại các vùng phong toả dự kiến 500-1000 người. 

Theo CDC Đồng Nai, có khoảng 15 F1 nguy cơ cao liên quan ca dương tính này. Trước mắt, lực lượng chức năng phong tỏa 3 địa điểm ngoài cộng đồng.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 10

UBND TP Long Khánh họp khẩn trong đêm qua với ngành y tế để truy vết các F1, F2.

Với trường hợp nam công nhân N.T.N dương tính SARS-CoV-2 tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, theo CDC Đồng Nai, ca này làm việc tại một công ty ở đường số 62, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tại công ty trên, 3 công nhân có xét nghiệm dương tính đã công bố.

Trước mắt, ngành y tế cách ly tập trung các F1 là  bố mẹ ca nghi nghiễm, vợ chồng chủ quán tạp hóa khu nhà trọ và tất cả những người cùng chung dãy trọ.

Lực lượng chức năng sẽ phong tỏa khu nhà trọ và con đường với khoảng 50 hộ dân, đang điều tra truy vết tại  2 công ty ở xã Thạnh Phú và phường Trảng Dài, TP Biên Hoà - nơi có bố mẹ ca dương tính trên làm việc.

(Theo Người Lao Động)

TPHCM: 500 nhân viên tại Khu Công nghệ cao mở đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay

Sáng 19/6, TP.HCM tổ chức buổi triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức, mở đầu chiến dịch tiêm chủng cho gần một triệu người tại 1.000 điểm tiêm chủng tại TP.HCM.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư TP.HCM; Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ ngày 27/4 đến nay TP.HCM bước vào trận chiến thứ 4 với COVID-19, ghi nhận hơn 1.000 ca. Đây là trận chiến phức tạp nhất, khó lường nhất với biến chủng lây nhanh, mạnh, nên số mắc nhiều, ảnh hưởng sức khỏe, sinh hoạt, an sinh xã hội người dân thành phố. Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, TP HCM triển khai 836.000 liều vaccine của AstraZeneca. Đây là phần vaccine trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được phân bổ phần lớn cho TP.HCM tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh số ca COVID-19 cộng đồng ở thành phố tăng nhanh liên tục từ ngày 18/5.

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 11

Nhân viên tại Khu Công nghệ cao mở đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP. Hồ Chí Minh.

Số vaccine phân bổ đợt này chỉ đáp ứng một phần trong số 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm tại TP HCM, nên chỉ ưu tiên được công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và lực lượng công an, quân đội.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nguồn cung vaccine khan hiếm, Việt Nam đang tận dụng mọi khả năng để có vaccine nhiều, nhanh và sớm hơn nữa.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ ngày 8/3 đến nay, thành phố đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine cho hơn một triệu lượt người, trong đó khoảng 30.000 người đã tiêm đủ hai mũi. Trong đợt tiêm chủng này, thành phố triển khai 650 điểm tiêm mỗi ngày, mục tiêu thần tốc tiến hành trong vòng 7 ngày. Dự kiến tổ chức tiêm 200.000 liều một ngày, hoàn thành trước ngày 27/6.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Khi nào Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19?

Ngày 19-6, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết dự kiến sang tuần sau, UBND TP Hà Nội sẽ xem xét nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở đánh giá lại nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện thêm F0 ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn, quận Long Biên; đồng thời tình hình dịch bệnh ở TP HCM vẫn diễn biến phức tạp; công nhân làm việc ở Bắc Ninh, Bắc Giang đang được đưa về Hà Nội... nên Hà Nội chưa nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.

Hiện, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch, tuy nhiên các bên liên quan phải cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm. Hà Nội sẽ đánh giá lại một cách cẩn thận để có thể nới lỏng từng bước các dịch vụ thiết yếu (quán ăn, quán cắt tóc) trong tuần tới.

Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động quán massage, trung tâm chiếu phim, cơ sở spa, phòng tập gym… sau đó là các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi… sau cùng là nhà hàng, quán ăn… không được phục vụ tại chỗ, chỉ cho phép bán đồ mang về để phòng, chống dịch.

TP HCM: 40 ca COVID-19 mới liên quan chuỗi lây nhiễm nào?

Sáng 19-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay TP vừa ghi nhận thêm 40 ca COVID-19 tính từ 18 giờ ngày 18-6 đến 6 giờ ngày 19-6C (các bệnh nhân 12469 - 12508). 

40 trường hợp mới phát hiện đều là những người tiếp xúc các bệnh nhân đã công bố từ trước, được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa. 

Các chuỗi lây nhiễm đang được TP giám sát, kiểm soát chặt. Cụ thể, 40 ca COVID-19 nêu trên liên quan các chuỗi lây nhiễm đã được cách ly, gồm: điểm nhóm truyền giáo Phục hưng (1 người); chung cư Ehome 3, quận Bình Tân (6); chung cư Phú Thọ, quận 11 (5); Hnam Mobile (3); bệnh nhân 11739 (2); Công ty Minh Thông ở Hóc Môn (2); Công ty Kim Minh, quận 5 (4); ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (1); bệnh nhân 8448 (1); nhân viên UBND quận 7 (1); bệnh nhân 11300 (3); bệnh nhân 9962 (2); bệnh nhân 8872 (1); bệnh nhân 9961 (3), bệnh nhân 7764 (1); bệnh nhân 11993 (3) và bệnh nhân 12145 (1).

HCDC khuyến cáo hiện nay, mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi lây nhiễm chủ yếu qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc. Do đó, để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta cần tuân thủ đúng các quy định, hạn chế các tiếp xúc trực tiếp không cần thiết; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.

(Theo Người Lao Động)

TP.HCM thêm một bệnh viện điều trị COVID-19 cho trẻ em

Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, BV Nhi đồng 2 đã triển khai Đơn vị điều trị COVID-19 trẻ em.

Đơn vị này được bố trí ở một góc khuôn viên trong BV (góc đường Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Du, cổng số 3, chỉ mở khi tiếp nhận bệnh nhi COVID-19, sau đó đóng ngay).

Theo BV, các hoạt động khám chữa bệnh đối với bệnh nhi khác vẫn diễn ra bình thường, có cổng ra vào riêng (không đi chung với khu điều trị bệnh COVID-19).

COVID-19 19/6: Bệnh nhân di chuyển thường ngày Đà Nẵng - Quảng Nam, tiếp xúc nhiều người - 12

Khối tòa nhà thuộc Khoa Hô Hấp 1 được chuyển đổi thành đơn vị điều trị COVID-19 ở BV Nhi đồng 2. Ảnh: CT

“Đơn vị điều trị COVID-19 trẻ em” có qui mô 60 giường bệnh, với 10 giường hồi sức với đầy đủ các phương tiện hiện đại, buồng bệnh thông thoáng. Khu điều trị tách biệt hẳn với các khu khác, rào chắn, lối đi riêng và cửa cổng ra vào riêng.

“Đơn vị điều trị COVID-19 trẻ em” có trưởng đơn vị, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đủ để đảm bảo phục vụ tốt cho bệnh nhi, chia làm 3 tổ thay nhau làm nhiệm vụ. Mỗi tổ làm việc xuyên suốt một tuần, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đầy đủ theo qui định trước khi về nhà. BV bố trí khu ăn, ở và sinh hoạt cho nhân viên đảm bảo sức khỏe trong suốt thời gian làm việc tại đây.

Ngoài ra, BV cho biết cũng bố trí phục vụ các nhu cầu khác của bệnh nhi và thân nhân tại đây nhưng  đảm bảo trong nội khu, tuyệt đối không lây nhiễm cho các khu vực xung quanh.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Long An dừng áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 ở nhiều nơi

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Long An, tối 18/6, tỉnh ghi nhận 3 tài xế nghi dương tính SARS-CoV-2.

Theo đó, khoảng 9h sáng ngày 18/6, ngành y tế đã lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho các tài xế giao nhận hàng của 1 công ty trong một khu công nghiệp đóng ở huyện Đức Hòa, Đến 10h50 ngày 18/6, Khoa xét nghiệm Trung tâm y tế huyện Đức Hòa ghi nhận có 3 mẫu test nhanh dương tính, gồm .T (SN 1970), .D (SN 2000), .V, (SN 1970).

Thời điểm các tài xế thực hiện lấy mẫu, có 13 người trùng với khung giờ trên, tất cả đều mang khẩu trang và giữ khoảng cách, ngành chức năng đang liên lạc với các trường hợp trên để phản hồi với các đơn vị. Riêng có 2 trường hợp tiếp xúc gần, đang thực hiện các công tác phòng, chống dịch.

Trong ngày 18/6, UBND tỉnh Long An có văn bản số 5679, về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Qua đó kết thúc áp dụng Chỉ thị 15 đối với các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An kể từ 0h ngày 19/6.

Cũng từ 0h ngày 19/6, Long An tiếp tục dừng các hoạt động, dịch vụ gồm: karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình, yoga, biểu diễn nghệ thuật, điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng; câu lạc bộ bida, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, câu lạc bộ khiêu vũ, phòng tập gym, các điểm truy cập Internet; hoạt động thể thao, võ thuật đông người có tiếp xúc trực tiếp; các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu.

Tiếp tục tạm dừng các hoạt động, sự kiện tập trung trên 30 người cùng một thời điểm, kể cả dịch vụ nhà hàng tiệc cưới, dịch vụ ăn, uống và hoạt động tổ chức ăn, uống tập thể (tiệc liên hoan, tân gia...). Các hoạt dộng, dịch vụ còn lại được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc 5K, trong đó chú ý khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 mét.

Đối với hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm hành chính công cấp huyện, được hoạt động trở lại bình thường kể từ ngày 21/6.

UBND tỉnh Long An cũng đã có tờ trình gửi đến Bộ Y tế về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19 cho địa phương. Theo nội dung tờ trình, UBND tỉnh Long An nêu là địa phương có đường biên giới giáp Campuchia, TPHCM, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh Long An rất cao.

Tỉnh có khu kinh tế cửa khấu, 16 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 12.000 doanh nghiệp và khoảng 370.000 người lao động. Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Long An có trên 1,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng được tiêm vắc xin, trong đó nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP có 268.096 người.

UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An hoặc tỉnh, thành phố khác được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 về Việt Nam để cung cấp cho tỉnh Long An.

Đề nghị Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai việc tiêm vắc-xin, đản bảo an toàn, chất lượng...

(Theo Tiền Phong)

Chàng trai miền Tây vừa về quê tránh dịch lại lội lên Sài Gòn: Chuyến xe chở đầy rau quả
“Mình ở dưới quê mà lòng nôn nao lắm, thấy người dân Gò Vấp phải thực hiện giãn cách nặng hơn các quận huyện khác cũng rất lo. Vì công việc và nơi ở của mình cũng ở đây, nên ở đâu thì thương đó, phải chạy lên tìm cách giúp đỡ bà con bằng sức của mình…”, T

Chuyện Sài Gòn

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19