Từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì hoạt động chui, chủ quán karaoke Sinh Viên vừa bị phát hiện mắc COVID-19 và lây nhiễm cho 4 nhân viên.
Bà chủ quán karaoke mắc COVID-19, nhiều nhân viên lây nhiễm
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vừa ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 tạm trú tại xã Nghi Phong, gồm M.T.N (24 tuổi), và V.T.H (26 tuổi). Cả 2 cùng là người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Nghệ An, xuống làm nhân viên quán karaoke Sinh Viên (địa chỉ tại xóm 1, xã Nghi Phong).
Trước đó, ngày 18/8, 2 nhân viên khác của quán karaoke này là chị N.T.A (35 tuổi), và V.T.L (62 tuổi), cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả những người này được xác định bị lây nhiễm từ bà chủ - bệnh nhân T.T.H (52 tuổi, trú xã Nghi Ân, TP. Vinh).
Theo điều tra dịch tễ, bà H. thường đi chợ Quang Trung mua thực phẩm, đến ngày 15/8, bà H. có triệu chứng mệt mỏi, sốt, đến bệnh viện để làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Sau khi truy vết F1, đến nay ngoài 4 nhân viên của quán karaoke, mẹ đẻ của bà H. năm nay đã 92 tuổi và một người bạn ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc), cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Quán karaoke do bà H. làm chủ từng nhiều lần không tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19, lén lút hoạt động giữa mùa dịch. Bà H. cũng đã bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng do không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Tính từ ngày 13/6 đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 683 ca dương tính SARS-CoV-2 ở 20 địa phương.
(Theo Tiền phong)
Dựng hàng rào thép gai tạm thời phong toả chung cư cao cấp có 1.400 cư dân
Theo Sở Y tế Hà Nội cho biết bệnh nhân là N.T.L.Đ. (nữ, sinh năm 1989, Lê Trọng Tấn, Khương Mai, Thanh Xuân, TP Hà Nội). Qua báo cáo dịch tễ cho thấy, ngày 17-8, bệnh nhân xuất hiện ngạt mũi, đau đầu, mệt mỏi nên gọi xét nghiệm dịch vụ bên phòng khám 2 Medic được làm test nhanh kết quả dương tính, sau đó được lấy mẫu chuyển CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định, kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 19-8.
Trước đó, Trạm Y tế phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) có báo cáo cho biết, vào lúc 21 giờ 40 phút ngày 18-8, đơn vị này nhận được nhận thông tin chị N.T.L.Đ., sinh năm 1989, ở phòng 1216 chung cư Artemis số 3 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai) có kết quả test nhanh nghi nhiễm Covid-19. Qua điều tra dịch tễ ban đầu, chị Đ. ở cùng phòng với 4 người.
Trong khoảng thời gian 14 ngày trở lại đây, tất cả những người này không ra khỏi nhà. Đồ ăn gọi ship đến tận chung cư. Ngày 18-8, chị Đ. thấy đau đầu mệt mỏi, không sốt (36,5độ). Chị Đ. tìm hiểu thông tin trên ứng dụng Zalo và gọi cho một trung tâm lấy mẫu dịch vụ tại nhà cho kết quả test nhanh dương tính.
Lực lượng chức năng lập hàng rào tạm thời phong toả toà chung cư Artemis số 3 Lê Trọng Tấn vì liên quan đến ca dương tính với SARA-CoV-2
Ngay sau khi nhận được thông báo, cơ quan chức năng đã báo cho Ban Quản lý tòa nhà Artemis tạm thời phong tỏa tòa nhà. Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân đã lấy mẫu xét nghiệm PCR cho cho N.T.L.Đ. Phun khử khuẩn căn hộ nơi bệnh nhân sinh sống và điều tra các F1,F2.
Ngay sau khi có thông báo, lực lượng chức năng đã dựng hàng rào, lập chốt tại sảnh chung cư chung cư Artemis số 3 Lê Trọng Tấn. Đồng thời phun khử khuẩn xung quanh toà nhà và hầm gửi xe.
Ông Cao Quang Ngọc, Bí thư phường Khương Mai, cho biết: "Tòa nhà bị phong tỏa tạm thời trong 3 ngày bắt đầu từ hôm nay. Sau khi truy vết các trường hợp liên quan đến ca dương tính, phường sẽ tiếp tục xem xét để quyết định thời gian cách ly y tế".
Hiện tạị, Chung cư Artemis cao 27 tầng với 356 căn hộ, gồm 1.400 cư dân. Với chiều rộng gần 9.000m2 bao gồm khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Tất cả những người dân ở đây, lực lượng chức năng yêu cầu toàn bộ cư dân ở đây không được ra khỏi nhà cho tới khi có thông báo mới từ chính quyền địa phương.
(Theo Người Lao Động)
Bình Dương: Nhiều trẻ mồ côi ở trung tâm nhân đạo dương tính với SARS-CoV-2
Chiều 18/8, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Dĩ An (Bình Dương) cho Tiền Phong hay, chiều 17/8 địa phương thực hiện test nhanh COVID-19 cộng đồng tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương cho hơn 100 trẻ mồ côi và bảo mẫu.
Qua đó, ghi nhận có hàng chục trẻ và bảo mẫu dương tính với SARS-CoV-2 và đang chờ kết quả khẳng định PCR.
Trung tâm Nhân đạo Quê Hương
“Ngay sau khi ghi nhận trường hợp dương tính, lực lượng y tế được cử đến để theo dõi sức khỏe của bảo mẫu và các bé. Đối với các bé trên 10 tuổi sẽ được di chuyển đến khu cách ly, điều trị, các bé dưới 10 tuổi sẽ bố trí cách ly, điều trị tại chỗ. Chúng tôi đã bố trí nhân lực chuẩn bị thức ăn cung cấp hàng ngày cho cả bảo mẫu và các bé tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Dĩ An nói.
Được biết, Bình Dương đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm toàn dân để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thời gian qua, địa phương đã ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm diện rộng.
Chiều tối cùng ngày, Sở Y tế Bình Dương thông tin, địa phương ghi nhận thêm 2.513 ca mắc COVID-19 trong ngày. Như vậy, tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương có 52.346 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 402 ca tử vong.
(Theo Tiền Phong)
Bộ tư lệnh TP HCM thông tin vụ chở 46 thi hài mắc Covid-19 từ TP HCM về Bến Tre hỏa táng
Chiều 19-8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM đã thông tin về việc xe tải chở 46 thi hài mắc Covid-19 từ TP HCM về Bến Tre để hỏa táng.
Theo đó, ngày 16-8 lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre phát hiện tài xế L.P.H., sinh năm 1993, trú tại huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long, điều khiển xe tải mang biển số 64C077.84 có giấy ưu tiên luồng xanh từ 1-8. Xe tải này đã vận chuyển 36 thi hài mắc Covid-19 từ TP HCM về cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên (tỉnh Bến Tre) để hỏa táng trong hai ngày, với hai chuyến đi. Nhà hỏa táng này do Công ty cổ phần đầu tư Phú Lâm Viên quản lý.
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo cho biết nhà hỏa táng này xác nhận chỉ có 36 thi hài, tài xế L.P.H. cũng nhận chỉ có 36 thi hài. Bộ Tư lệnh đang xác minh lại 10 thi hài còn lại.
Tài xế lợi dụng xe được hoạt động trong luồng xanh để chở thi hài mắc Covid, đã vi phạm quy định theo quyết định số 5188 ngày 14-12- 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid. Và vi phạm quy định 117 ngày 28-9-2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế khi không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về vệ sinh trong vận chuyển thi thể người bị mắc bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, việc di chuyển thi hài qua nhiều địa bàn khác nhau tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn.
Đối với các chốt kiểm dịch chưa kiểm tra chặt chẽ các phương tiện giao thông, các tài xế lợi dụng ưu tiên luồng xanh để chở thi hài và các mầm bệnh khác. Về vấn đề này, cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ, kết luận truy cứu trách nhiệm.
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh trả lời trong cuộc họp báo ngày 19-8
Bộ Tư lệnh TP HCM rất thấu hiểu những mất mát đau thương của gia đình có người thân qua đời vì Covid-19, cũng rất mong muốn nhanh chóng đưa đi hỏa táng. Hiện Bộ tư lệnh TP HCM được lãnh đạo TP giao nhiệm vụ phối hợp xử lý bảo quản, khâm liệm, hỏa táng thi hài và vận chuyển tro cốt của người dân tử vong do Covid-19 về với gia đình. Bộ Tư lệnh căn cứ vào số liệu bệnh nhân tử vong hằng ngày để xử lý, vận chuyển và phân luồng về các cơ sở hỏa thiêu để hỏa táng. Trường hợp các cơ sở hỏa táng quá tải, bộ tư lệnh sẽ đưa thi hài vào các khu vực bảo quản, chăm lo hương khói nhan đèn, cúng cơm hằng ngày cho đến khi hỏa táng.
Trả lời về việc những thi thể này ở đâu, đại diện Bộ Tư lệnh TP HCM cho biết sáng 15-8 tài xế L.P.H xét nghiệm âm tính từ 1-8 chở 18 thi thể từ Bệnh viện Xuyên Á, Trung tâm y tế quận 11, Bệnh viện Covid-19 Bình Chánh và các gia đình tại phường 9 quận 8; phường 2, phường 10 quận 10 ở TP HCM đến cơ sở hỏa táng Phúc Lộc Viên (Bến Tre).
Đến 0 giờ 30 phút ngày 16-8, tài xế này tiếp tục chở 18 thi thể ở phường 7, 14, 16 của quận 6, Bệnh viện quận 8, Bệnh viện điều trị Covid-19 1 xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh. Hiện, công an TP Bến Tre đã xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế.
Khi sự việc xảy ra Bộ Tư lệnh đã tham mưu cho thường trực thành ủy và UBND TP 3 nội dung:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh thành giáp TP HCM hỗ trợ xử lý các trường hợp không bị tử vong do Covid-19.
Thứ 2 kiểm tra cơ sở mai táng các bệnh viện để kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển thi thể, các chốt tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát chặt chẽ không để sót.
Thứ 3 là chỉ đạo các sở ban ngành tuyên truyền để người dân an tâm tin tưởng công tác hậu sự.
"Thời gian tới Bộ Tư lệnh sẽ phối hợp cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân tận tình chu đáo, bằng tất cả lương tâm trách nhiệm cán bộ, chiến sĩ, xem người mất vì Covid-19 như người thân của mình. Người dân không nên nóng vội làm sai quy định để kẻ xấu lợi dụng kích động" - Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo nhấn mạnh.
(Theo Người Lao Động)
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Ngày 2/9 nếu không siết chặt giãn cách, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn
Ngày 19/8, tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quận Ba Đình, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh trên cả nước và TP.Hà Nội đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội có chiều hướng giảm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (áo xanh) kiểm tra tại khu vực phong tỏa, cách ly ngõ 68 phố Đội Cấn.
Theo bà Tuyến, kết quả này cho thấy sự nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị TP trong việc tập trung mọi nguồn lực nhằm từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng của việc xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng và thực hiện nghiêm kỷ luật giãn cách đã giúp TP.Hà Nội sớm bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Bà Tuyến đặc biệt lưu ý quận Ba Đình tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch một cách nghiêm túc, không chủ quan, lơ là.
“Mặc dù số ca F0 trong cộng đồng có chiều hướng giảm, song nếu chúng ta chủ quan, dịch bệnh sẽ lây lan rất nhanh và khó kiểm soát. Trong khi đó, lễ Vu Lan và Ngày Quốc khánh 2/9 sắp đến, nếu không siết chặt kỷ luật giãn cách, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sẽ rất lớn”, bà Tuyến nói.
Qua kiểm tra thực tế, bà Tuyến nhắc nhở tình trạng hàng rong vẫn lác đác xuất hiện tại một số tuyến phố trên địa bàn quận Ba Đình. Phó Bí thư Thành uỷ đề nghị quận Ba Đình đẩy nhanh việc xét nghiệm sàng lọc với những đối tượng có nguy cơ cao. Tiếp tục tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. Cùng với đó, cần siết chặt kỷ luật tại các khu phong tỏa, siêu thị, chợ đầu mối, những điểm chợ còn bán hàng. Nhân rộng mô hình một người đi chợ hộ cho nhiều gia đình để góp phần thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội. Cùng với giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người dân, quận cần xử lý nghiêm việc đưa tin thất thiệt, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND quận Ba Đình, từ ngày 24/7 đến 18/8, trên địa bàn quận có 69 ca F0, 184 trường hợp F1. Cùng với việc tập trung chỉ đạo truy vết, khoanh vùng và cách ly các trường hợp liên quan, quận Ba Đình tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Quận cũng vận động được hơn 4,4 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19, hơn 2,7 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các phường trên địa bàn quận cũng đã hỗ trợ 1.698 suất quà với tổng trị giá 540,5 triệu đồng cho các hộ gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
(Theo Dân Việt)
TP HCM: F0 trong cộng đồng tiếp tục tăng ở nhiều quận, huyện
Theo đó, trong ngày 18-8, TP HCM xét nghiệm 13.900 mẫu và ghi nhận 3.694 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2.848 ca cộng đồng. Như vậy, tỉ lệ F0 trong cộng đồng phát hiện ngày 18-8 chiếm 77%, tiếp tục tăng so với ngày 17-8 (72%) và ngày 16-8 (53%).
Một bệnh nhân F0 tại huyện Bình Chánh được chuyển viện cấp cứu. (Ảnh: HUẾ XUÂN)
Thống kê từ Cổng thông tin Covid-19 TP HCM cho thấy số ca F0 trong cộng đồng phát hiện nhiều nhất trong ngày 18-8 là tại các quận 1, 10, Bình Tân, Tân Bình và huyện Hóc Môn.
Cụ thể: Quận 1 có 265 ca, quận Bình Tân 255 ca, quận 10 và huyện Hóc Môn mỗi địa phương 220 ca, quận Tân Bình 210 ca.
Riêng quận 1 còn phát hiện ổ dịch tại khu dân cư ở đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh (còn gọi là khu Chợ Gà, Chợ Gạo) từ ca chỉ điểm vào ngày 8-7 khi đi khám sàng lọc tại bệnh viện.
Trước đó, tại hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ vào tối 16-8, báo cáo của đại diện UBND quận 1 cho thấy trên địa bàn quận có một số khu vực như Chợ Gà, Chợ Gạo số lượng dân cư đông đúc, không gian chật hẹp. Vì vậy, việc đảm bảo giãn cách trong thời gian qua là một thử thách, rất khó thực hiện. Quận 1 đã triển khai nhiều biện pháp chống dịch, đặc biệt là tăng cường người cách ly với người, nhà cách ly với nhà để hạn chế thấp nhất việc lây lan trong cộng đồng.
(Theo Người lao động)
Hà Nội tạm dừng hoạt động kinh doanh "chợ nhà giàu" Hàng Bè ở phố cổ
UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa ra thông báo số 652/UBND về việc tạm dừng kinh doanh trên các tuyến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên (chợ Hàng Bè, hay còn được biết đến là "chợ nhà giàu").
Thông báo nêu rõ, để thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại các tuyến phố, ngõ có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng trên địa bàn phường Hàng Bạc, UBND phường Hàng Bạc thông báo, tạm dừng hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên (chợ Hàng Bè cũ) kể từ 0h ngày 19/8 cho đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội.
UBND phường Hàng Bạc giao công an phường, các bộ phận chức năng phường, tổ trưởng tổ dân phố... tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh tại các tuyến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên thực hiện việc tạm dừng hoạt động kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Được biết, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.364 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.234 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.130 trường hợp còn lại đã cách ly.
Về kết quả lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho người ở khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ và đối tượng là người nguy cơ, tính đến 19h ngày 18/8, Hà Nội đã lấy được 139.010 mẫu (6.762 mẫu trong khu vực phong tỏa, 56.340 mẫu ở khu vực nguy cơ và 75.908 mẫu là người nguy cơ). Hiện tại, 500 mẫu của đối tượng nguy cơ có kết quả âm tính với virus, số còn lại chờ kết quả.
(Theo Người Đưa tin)
Hà Nội: Cách ly 7 ngày đối với người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc xin, có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2
Ngày 18/8, UBND TP.Hà Nội có văn bản hoả tốc triển khai thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đủ điều kiện.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh được phép nhập cảnh vào địa bàn TP.
Hành khách khai báo y tế trước khi lên máy bay. Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, đối với người nhập cảnh khi được phép nhập cảnh trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo nếu đảm bảo đủ các điều kiện sau:
1. Giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/R – LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
2. Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều vắc xin phòng COVID-19 trong đó liều cuối cùng đã được tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh hoặc Giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh.
3. Giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.
Khi người nhập cảnh đủ điều kiện cách ly y tế 7 ngày, trong quá trình di chuyển từ cửa khẩu về cơ sở cách ly tập trung và từ cơ sở cách ly tập trung về nơi lưu trú phải luôn thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, luôn bật và sử dụng ứng dụng Bluezone. Thực hiện nghiêm việc cách ly và tự theo dõi sức khỏe sau khi cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế và UBND TP.
Sau khi nhập cảnh, những người này sẽ được xét nghiệm vào ngày đầu và ngày thứ 7. Người hoàn thành cách ly y tế tập trung tiếp tục sử dụng ứng dụng Bluezone đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Luôn thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập và không đến nơi tập trung đông người.
UBND TP.Hà Nội đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phối hợp với Bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan thực hiện quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế quốc tế cho người nhập cảnh theo quy định, kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
(Theo Dân Việt)
Hàng chục ca mắc chưa rõ nguồn lây, thị xã Buôn Hồ Đắk Lắk giãn cách theo Chỉ thị 16
Sáng 19/8, Ngành Y tế Đắk Lắk ghi nhận thêm 36 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 585. Trong đó, thị xã Buôn Hồ có 29 trường hợp, phần lớn liên quan đến ổ dịch ở xã Cư Bao chưa rõ nguồn lây.
Trước đó, ngày 17/8, ngành y tế phát hiện bệnh nhân H.R.A (trú tại buôn Kwang A, xã Cư Bao) dương tính với SARS-CoV-2 khi nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên. Đáng chú ý, người này không ra khỏi địa phương hay liên quan tới các ca mắc COVID-19 đã ghi nhận trước đó.
Ngành y tế tiếp tục lấy mẫu, truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 tại thị xã Buôn Hồ
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Thị xã Buôn Hồ và chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SASR-CoV-2 cho gần 900 người dân tại buôn Kwang A, kết quả, phát hiện 27 trường hợp test nhanh kháng nguyên dương tính SARS-CoV-2.
Ngay khi ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng, UBND thị xã Buôn Hồ quyết định thiết lập vùng cách ly y tế và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ xã Cư Bao từ 0 giờ ngày 19/8 đến hết ngày 3/9.
UBND xã Cư Bao thực hiện phong tỏa, triển khai các chốt chặn, cách ly y tế tại cụm dân cư và các tuyến đường thuộc buôn Kwang A và 1 phần khu dân cư tại buôn Gram A1; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, truy vết các trường họp F1, F2... nhằm kiểm soát không để dịch bùng phát ra cộng đồng. UBND các xã, phường lân cận như xã Bình Thuận, phường Bình Tân… tổ chức các điểm chốt chặn liên xã, phường không để người từ vùng dịch xã Cư Bao đến địa bàn và người dân từ địa bàn mình đến xã Cư Bao.
Theo CDC Đắk Lắk, tính đến 6h ngày 19/8, tỉnh này ghi nhận thêm 36 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh lên 585 trường hợp. Trong đó, 430 trường hợp đang điều trị, 153 trường hợp đã khỏi bệnh, 2 trường hợp tử vong.
(Theo Tiền Phong)
2 nữ nhân viên karaoke và nhiều tiểu thương nhiễm SARS-CoV-2
Tối 18-8, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết qua lấy mẫu xét nghiệm từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 18-8, tại Nghệ An ghi nhận 25 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 19 ca liên quan đến chợ đầu mối Vinh, 6 ca từ các tỉnh phía Nam về.
Cụ thể, các ca liên quan đến chợ đầu mối Vinh ở các xã, phường gồm: Vinh Tân, Trường Thi, Cửa Nam, Hưng Chính, Quang Trung, Lê Lợi, Lê Mao (TP Vinh); xã Châu Quang (Quỳ Hợp); xã Nam Kim, Xuân Hòa (Nam Đàn).
Người dân trong khu vực phong tỏa ở Nghệ An được lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: Báo Nghệ An
Được biết, trong số các ca dương tính SARS-CoV-2 có nữ nhân viên quán karaoke là chị M.Th.Ng. (SN 1997), hiện thường trú xã Nghi Phong, Nghi Lộc. Chị Ng. là F1 của bệnh nhân Tr.Th.H. đã được công bố trước đó. Ngày 17-8, chị Ng. được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 18-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 2 là V.Th.H. (SN 1995), hiện thường trú xã Nghi Phong, Nghi Lộc, huyện Nghi Lộc. Chị V.Th.H. là nhân viên quán karaoke và là F1 của bệnh nhân Tr.Th.H. đã được công bố trước đó. Ngày 17-8, chị H. được lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC, ngày 18-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối, từ ngày 14-8 ghi nhận 68 ca, phân bổ tại: TP Vinh 37 ca, Nghi Lộc 10 ca, Hoàng Mai 1 ca, Hưng Nguyên 10 ca, Nam Đàn 7 ca, Cửa Lò 2 ca, Quỳ Hợp 1 ca.
Trong 12 giờ qua, có 6 ca từ các tỉnh phía Nam về. Cụ thể, ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn: 1 bệnh nhân; xã Trù Sơn, huyện Đô Lương: 1 bệnh nhân; các xã Kỳ Tân, Đồng Văn, huyện Tân Kỳ: 3 bệnh nhân; xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu: 1 bệnh nhân.
Như vậy, tính từ ngày 13-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 ở 20 địa phương: Quỳnh Lưu: 131, TP Vinh: 140, Yên Thành: 66, Kỳ Sơn: 43, Diễn Châu: 33, Tương Dương: 29, Nghi Lộc: 32, Hưng Nguyên: 25, Quế Phong: 21, Hoàng Mai: 17, Anh Sơn: 13, Cửa Lò: 13, Nam Đàn: 17, Đô Lương: 12, Quỳ Hợp: 10, Tân Kỳ: 10, Thanh Chương: 9, Con Cuông: 8, thị xã Thái Hòa: 6, Nghĩa Đàn: 4.
(Theo Người Lao Động)
Trên 15.600 ca mắc COVID-19, Đồng Nai tức tốc lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch
Sáng 19/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh cho biết, từ ngày 15 đến 18/8, tỉnh Tây Ninh đã lấy gần 147.000 mẫu xét nghiệm. Trong số này có 91 ca nghi mắc COVID-19
Đây là các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 được lấy từ 92/94 xã, phường, thị trấn và tại các Khu công nghiệp, Cty Việt Nam Mộc Bài.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ trả kết quả về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thị xã và thành phố.
Đối với người đại diện gia đình, người trong cùng phòng trọ có kết quả dương tính thì xét nghiệm toàn bộ thành viên còn lại (lúc này sẽ có thông báo cụ thể). Đối với vùng có F0 thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện ngay việc phong tỏa, truy vết.
Trong khi chờ thông báo kết quả chung của toàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh yêu cầu mọi người nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo về phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 mà tỉnh đang áp dụng.
Một chốt kiểm tra COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, tính từ đầu mùa dịch đến nay, Tây Ninh ghi nhận 4.463 ca mắc COVID-19, trong đó điều trị khỏi và cho xuất viện 2.126 bệnh nhân, đang điều trị 2.271 bệnh nhân và có 66 bệnh nhân tử vong.
Hiện tỉnh Tây Ninh còn 170 vùng đang phong tỏa (259 vùng đã giải tỏa). Tỉnh cũng đã tiêm trên 192.000 liều vắc xin. Hiện cách ly y tế 2.304 người và có 6.167 người đang cách ly tại nhà.
Tây Ninh cũng là địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã tuần tra, kiểm soát việc thực hiện Chỉ thị 16, đã phạt hành chính 5.954 trường hợp vi phạm.
(Theo Tiền Phong)
Hải Dương: Nữ công nhân huyện Ninh Giang mắc COVID-19 sau 3 lần xét nghiệm âm tính, tạm thời phong tỏa 2 thôn
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, đại diện UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết: "Tối qua, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch chúng tôi nhận được thông tin về 1 công dân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này là nữ công nhân đã được cách ly tập trung trước đó 15 ngày và sáng nay công dân này được công bố mắc COVID-19".
Theo đó, trường hợp nói trên được xác định là nữ công nhân sinh năm 1987, trú tại thôn Đồng Lạc, xã Hồng Đức (huyện Ninh Giang), làm bộ phận văn phòng máy tính tại Công ty TNHH Hai vina (xã Gia Tân, huyện Gia Lộc) và được xác định là F1 của bệnh nhân P.T.N (cùng công ty).
Từ đêm qua, thôn Kim Húc và thôn Đồng Lạc thuộc xã Hồng Đức tạm thời phong tỏa
Sau khi bệnh nhân P.T.N có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nữ công nhân được cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của Công ty TNHH Hai vina và phòng cách ly với ca bệnh có nhiều người.
Trước khi mắc COVID-19, nữ công nhân được nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm 3 lần vào các ngày: 5/8, 8/8, 11/8 đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên đến ngày hôm qua (18/8), khi lấy mẫu xét nghiệm lần 4 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS - CoV-2.
Ông Tạ Ngọc Quyên – Chủ tịch UBND xã Hồng Đức cho biết: "Ngay khi nhận được thông tin về ca dương tính, trong đêm qua Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ninh Giang đã về xã chúng tôi tiến hành họp khẩn để xây dựng các biện pháp ứng phó. Sau khi họp với Ban chỉ đạo của huyện xong, địa phương huy động toàn bộ lực lượng y tế, công an, quân sự, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện nhiệm vụ và đến 22h đêm cùng ngày, chúng tôi đã hoàn thiện mọi công việc".
Do ngày hôm qua xã Hồng Đức vừa kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà cho 10 trường hợp F2 (tiếp xúc lần cuối với nữ công nhân từ sáng 2/8), cho nên khi nhận được tin công dân sinh năm 1987 có kết quả xét nghiệm nghi ngờ, huyện Ninh Giang đã chỉ đạo địa phương kích hoạt ngay phương án ứng phó với tinh thần "Nhanh hơn một bước, cao hơn một cấp".
Vì vậy đêm qua, xã Hồng Đức thông báo trên Đài truyền thanh về trường hợp nữ công nhân có kết quả dương tính, yêu cầu tất cả các trường hợp F2 vừa kết thúc cách ly đến Trạm Y tế để lấy mẫu test nhanh (cho kết quả âm tính), lấy mẫu chuyển về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm PCR (coi như F1). Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 10 F1, yêu cầu tất cả các trường hợp được coi là F2, F3 khai báo y tế. Đến 23h15 đêm qua địa phương đã truy vết được 60 F2.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân trong xã không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết. Tạm thời phong tỏa thôn Đồng Lạc, thôn Kim Húc (nơi có 10 F2 trước đây, nay coi như F1) gồm trên 1.500 hộ với gần 4.000 nhân khẩu. Tổ chức đưa các F1 đi cách ly tập trung tạm thời tại Nhà văn hóa trung tâm xã. Riêng 1 gia đình có 3 người, có trường hợp sinh năm 1936 già yếu, ở cách biệt tại khu chuyển đổi nên được Ban chỉ đạo cho cách ly tại nhà và phong tỏa khu nhà đó.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Vụ đường dây làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Ninh: Xác định 12 người có hành vi môi giới
Ngày 19/8, VKSND tỉnh Bắc Ninh cho biết, VKSND TP.Bắc Ninh đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Tấn Dương (34 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân ở TP.Bắc Ninh) và 11 người khác để điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án, công an xác định có 2 nhóm đối tượng đã mua phiếu xét nghiệm COVID-19 do Dương làm giả.
Cụ thể, nhóm thứ nhất gồm Thân Văn T. (ở Yên Dũng, Bắc Giang); Hoàng Văn H. (ở Chi Lăng, Lạng Sơn); Nguyễn Văn Đ. (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc); Trần Việt B. (ở Lộc Bình, Lạng Sơn) đã liên hệ, cung cấp thông tin và mua nhiều phiếu xét nghiệm Realtime PCR do Trần Tấn Dương làm giả cho các lái xe đường dài của Công ty TNHH TM và DV vận tải HG (ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn).
Sau đó thông qua Nguyễn Văn Đ. ở Cao Lộc, Lạng Sơn xin cấp đăng ký luồng xanh trên hệ thống của Bộ Giao thông vận tải.
Nhóm thứ hai là một số nhân viên, cộng tác viên của các công ty Cung ứng lao động Anbin Vina, HT Vina bao gồm: Nguyễn Thị T., Phạm Thị T. (cùng ở Quế Võ, Bắc Ninh), Phần Thị L. (ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa), Ngô Văn B. (ở Tiên Du, Bắc Ninh), Đàm Thế H. (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), Ngô Văn S, (ở Hợp Thành, Thanh Hóa), Nguyễn Văn B. và Nguyễn Văn T., (ở Chí Linh, Hải Dương), Ngô Thị N. (ở Sơn Dương, Tuyên Quang).
Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, các công ty sử dụng người lao động yêu cầu khi người lao động vào làm việc tại công ty phải có phiếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính và trách nhiệm xét nghiệm thuộc về bên cung ứng lao động.
VKSND TP.Bắc Ninh xác định, hành vi làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 của các đối tượng gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, vi phạm pháp luật, làm tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.
Các bị can đều có hành vi môi giới, giới thiệu, thu thập thông tin cá nhân của các lái xe tải, công nhân rồi gửi cho Trần Tấn Dương làm giả giấy xét nghiệm COVID-19, hòng giúp các lái xe tải được đăng ký "luồng xanh", còn các công nhân được tuyển dụng.
Bước đầu thống kê, công an cho biết Trần Tấn Dương đã làm và bán 150 phiếu xét nghiệm giả. Trong đó, phiếu xét nghiệm nhanh giả có giá 150.000 đồng, còn phiếu xét nghiệm PCR có giá 250.000 đồng.
Công an TP.Bắc Ninh trước đó đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Tấn Dương vì có hành vi bán phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.