Ngay sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 là chủ một quán bia trên địa bàn, chính quyền địa phương đã quyết định phong toả hàng loạt quán bia tại hồ Goong.
Tối 19/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An ghi nhận thêm 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong đó, trường hợp chị V.H.N (29 tuổi, trú Chung cư Bảo Sơn) là chủ quán bia Hải Quế tại khu vực hồ Goong. Do đó, UBND phường Trường Thi (TP Vinh) đã tiến hành phong tỏa dãy quán bia xung quanh khu vực hồ Goong ngay trong đêm.
Trước khi xuất hiện ca mắc COVID-19, tại khu vực hồ Goong thường xuyên tập trung rất đông khách nhậu.
Phong toả hàng loạt quán bia ở hồ Goong liên quan đến ca mắc COVID-19
Còn với bệnh nhân L.T.N (39 tuổi; trú khối 14, phường Trường Thi, thành phố Vinh) sau khi có biểu hiện sốt đã đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh chưa rõ nguồn lây nên chính quyền địa phương đã quyết định phong tỏa tổ dân cư số 8, khối 14 với tổng số khoảng 50 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu.
Toàn bộ người dân ở khu vực phong tỏa đã được các nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong đêm.
Bình Dương: Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 TP Thuận An và thị xã Tân Uyên từ 0h ngày 21/6
Chiều 20/6, UBND TP Thuận An và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã ra công văn về việc cách ly xã hội toàn TP Thuận An và toàn thị xã Tân Uyên theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 21/6.
Động thái này được đưa ra sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn TP Thuận An và địa bàn thị xã Tân Uyên đã có nhiều ca nhiễm.
Đơn vị y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (ảnh: Bảo Bình)
Theo đó, toàn thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16 của Thủ tướng chính phủ theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Từ khi dịch bùng phát đợt 4, Bình Dương ghi nhận 87 ca COVID-19 trong cộng đồng. Toàn tỉnh có 2.450 người đang cách ly tập trung, 2.399 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
(Theo Dân Việt)
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn chi tiết các hoạt động tạm dừng và được hoạt động
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP cụ thể như sau:
1. Các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động gồm:
- Các cơ sở kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông.
- Các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, thuốc.
- Cơ sở khám, chữa bệnh (trừ các phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện (BV) thẩm mỹ, các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: BV, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), kinh doanh dược và quốc phòng, an ninh.
- Ngân hàng, các cơ sở kinh doanh trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng, kho bạc; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; tang lễ.
- Dịch vụ thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường.
- Các cửa hàng tiện ích, khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các siêu thị và các chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ theo quy tắc 5K của Bộ Y tế, điều tiết phân luồng 1 chiều số lượng người đến mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người mua.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải bán hàng mang về. Ảnh: NGUYỄN TÂN
- Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng mà chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi. Các hoạt động này gồm: kinh doanh vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng; kinh doanh vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình xây dựng; kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
- Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu, dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống được phép hoạt động.
- Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu; dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét trong khi chờ lấy hàng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động (như cơ sở kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, mắt kính, kim khí, điện máy nội thất, kinh doanh xe...), các phòng khám thẩm mỹ, BV thẩm mỹ.
Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác theo hướng dẫn của ngành y tế như để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine phòng COVID-19...
2. Về việc tổ chức đám tang trong thời gian giãn cách xã hội:
- Trong vùng đang cách ly y tế thi hài được xử lý theo Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29-5-2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc ban hành hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 tại cộng đồng. Thời gian tổ chức tang lễ, không quá 3 người đến viếng tại cùng một thời điểm và phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét.
- Ngoài vùng cách ly y tế: thực hiện theo Quyết định số 2232/QĐ-BCĐQG ngày 29-5-2020 về việc ban hành Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại lễ tang.
- Tổ COVID cộng đồng và Trạm Y tế phường, xã có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện.
Sở Y tế đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận huyện quan tâm chỉ đạo, truyền thông đến các cơ quan, tổ chức, người dân, giám sát việc thực hiện của các cá nhân, tổ chức và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
TP.HCM: Tìm người từng đến quán bún riêu, xe nước mía và quán nước giải khát ở quận Gò Vấp
Ngày 20/6, UBND phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM phát thông báo truy tìm người liên quan ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường 4.
Theo đó, UBND phường 4, quận Gò Vấp đề nghị những người từng đến những địa chỉ sau cần liên hệ cơ quan y tế gần nhất để thực hiện biện pháp phòng dịch.
Cụ thể:
- Quán bún riêu chị Nga (đối diện UBND phường 4), địa chỉ 117 Nguyễn Thái Sơn, khu phố 3, phường 4, vào lúc 11 giờ ngày 18 đến 19/6.
- Xe nước mía chị Thanh đầu hẻm 195 Nguyễn Thái Sơn, khu phố 3, phường 4, từ ngày 18 đến 19/6.
- Quán nước giải khát chị Phượng đầu hẻm 103 Nguyễn Thái Sơn, khu phố 3, phường 4, vào lúc 11 giờ đến 19 giờ ngày 19/6.
Trung tâm Y tế quận Gò Vấp đề nghị những người liên quan liên hệ ngay cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn khai báo y tế phòng dịch.
Số điện thoại liên hệ: 0909.289697 (bà Trần Thị Kim Loan - phụ trách y tế phường 4), 0925545567 (ông Hoàng Văn Đức - nhân viên chống dịch).
Hữu Huy
Đà Nẵng thêm 10 ca mắc COVID-19, thông báo khẩn tìm người
Chiều 20-6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết vừa ghi nhận thêm 10 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 5 bệnh nhân là người ở cùng với bệnh nhân T.Đ.H. (bảo vệ tiệm bánh - café Bonpas đường Điện Biên Phủ), 5 ca thuộc diện lấy mẫu liên quan đến bệnh nhân F0 NVH, nhân viên bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân.
Như vậy, tính từ khi phát hiện ca mắc cộng đồng ngày 18-6 đến nay, Đà Nẵng đã có 34 ca COVID-19. Thành phố đang cách ly, giám sát 241 trường hợp F1 và 402 trường hợp F2. Hiện công tác truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến bệnh nhân COVID-19 đang được triển khai hết sức khẩn trương.
Quân đội phun khử khuẩn các địa điểm có liên quan đến bệnh nhân COVID-19. Ảnh: T.AN
Từ 12 giờ trưa nay, Đà Nẵng bắt đầu cấm tắm biển để chống dịch. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và bãi biển du lịch đã giăng dây hai tuyến biển, đặc biệt lối xuống biển và công viên. Ngoài ra lắp đặt một số bảng chữ A tuyên truyền, khuyến cáo 5K, quy định phòng chống dịch, lắp đặt bảng thông báo tạm dừng hoạt động tắm biển tại các khu nhà tắm nước ngọt, khu vực vỉa hè, công viên và lối xuống biển. Đồng thời bố trí lịch trực cho nhân viên ban quản lý, đảm bảo 100% lực lượng làm việc.
Lực lượng chức năng cũng lập chốt các đường vào, ra khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) để giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, hành khách ... ra, vào. Đặc biệt là đối với phương tiện lưu thông đi, đến từ các vùng dịch, ổ dịch trên cả nước, đảm bảo không có phương tiện lưu thông hàng hóa, hành khách nào ra vào mà không được kiểm soát.
Đối với các KCN có nhiều đường thông với đường dân sinh như KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, các công ty hạ tầng bố trí lực lượng canh giữ tại các tuyển đường nối vào khu công nghiệp để kiển tra, kiểm soát các phương tiện ra, vào.
Trước tình hình phức tạp của đợt dịch này, Ban Chỉ đạo đã có thông báo khẩn, yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan đến các địa điểm, liên quan đến bệnh nhân lập tức liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để khai báo và được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch (cụ thể bảng phía dưới).
Đang cách ly, nam thanh niên "cảm thấy ngột ngạt” nên bỏ trốn đi chơi
UBND huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với trường hợp L.V.Th (SN 2000, trú tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn) mức phạt là 5.000.000 đồng.
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 13/6, L.V.Th đang cách ly phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm y tế huyện Anh Sơn thì bất ngờ biến mất. Công an thị trấn Anh Sơn đã tiến hành xác minh, truy tìm đối tượng.
Đến khoảng 12h45 cùng ngày, công an thị trấn đã làm việc với những người liên quan và liên lạc với L.V.Th thì nam thanh niên này mới quay trở lại tiếp tục thực hiện cách ly theo quy định.
L.V.Th khai nhận do "cảm thấy ngột ngạt" khi ở trong khu vực cách ly nên trốn ra ngoài. Sau đó, nam thanh niên này lấy xe máy của mình để di chuyển. Từ khu vực cách ly của Trung tâm y tế huyện Anh Sơn, L.V.Th di chuyển theo Quốc lộ 7A hướng từ thị trấn Anh Sơn lên xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn.
Tuy nhiên, khi đến khu vực nhà máy xi măng thuộc địa bàn xã Hội Sơn thì nhận được điện thoại của cơ quan công an nên Th. đã quay lại. Trong quá trình di chuyển, L.V.Th đi xe máy cá nhân, không tiếp xúc với người dân, không gặp ai là người thân thích.
Thêm nhiều ca mắc COVID-19 mới, từ 12h trưa nay TP Đà Nẵng cấm người dân tắm biển
Theo thông báo từ UBND TP Đà Nẵng, sau hơn 1 tháng không phát hiện ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng thì ngày 19/6 đã phát hiện đến 23 trường mắc mới khiến tình hình trở nên vô cùng phức tạp.
Trước tình hình trên, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu từ 12h trưa nay (20/6) các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh ăn, uống… chỉ được bán hàng cho khách mang đi, giao hàng tận nơi cho khách. Ngoài ra, thông báo cũng quy định hoạt động tắm biển bị tạm dừng từ 12h trưa.
Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP Đà Nẵng mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thống nhất đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố về việc tạm dừng các hoạt động, dịch vụ đã mở cửa trước đây, bao gồm tắm biển, dịch vụ ăn, uống… cho đến khi đánh giá được tình hình, mức độ nguy cơ.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần có trách nhiệm trong nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên toàn địa bàn thành phố.
"Đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ doanh nghiệp và người dân có giao dịch, tiếp xúc với người trở về từ các địa phương có dịch phải có trách nhiệm khai báo thông tin một cách trung thực. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bao che, khai báo gian dối sẽ bị xử lý theo quy định", Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
(Theo Gia Đình & Xã hội)
TP HCM: Đi lại thế nào tại 3 ấp bị phong tỏa của huyện Hóc Môn?
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa thông báo lộ trình giúp người dân lưu thông thuận tiện qua 3 ấp bị phong tỏa trên địa bàn xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, áp dụng từ ngày 21-6 cho đến khi có chỉ đạo mới.
Cụ thể, để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế người dân ra vào khu phong tỏa thuộc các ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, Sở GTVT hướng dẫn lộ trình lưu thông thay thế như sau:
Trên đường Dương Công Khi, đoạn từ đường Lê Lợi đến Đỗ Văn Dậy:
Hướng từ đường Lê Lợi đến Đỗ Văn Dậy, cấm tất cả các loại ôtô lưu thông trên đường Dương Công Khi, lộ trình thay thế như sau:
Lộ trình 1: Lê Lợi – Quang Trung – Trưng Nữ Vương – Đỗ Văn Dậy
Lộ trình 2: Quốc lộ 22 – Lê Thị Hà – Quang Trung – Đặng Thúc Vịnh – Nguyễn Thị Ngâu – Đỗ Văn Dậy.
Một chốt kiểm soát khu phong tỏa ấp Thới Tây 1, nằm trên đường Song hành Quốc lộ 22 sáng 20-6
Hướng từ đường Đỗ Văn Dậy đến đường Lê Lợi, các phương tiện lưu thông bình thường nhưng không được phép dừng, đỗ và đón, trả khách.
Trên đường Song hành Quốc lộ 22, đoạn từ Dương Công Khi đến đường Lê Lợi. Hướng từ đường Lê Lợi đến đường Dương Công Khi: Cấm tất cả các loại xe lưu thông trên đường Song hành Quốc lộ 22, lộ trình thay thế như sau:
Lộ trình 1: Lê Lợi – Quang Trung – Trưng Nữ Vương – Đỗ Văn Dậy
Lộ trình 2: Lê Lợi – Quốc lộ 22- Lê Thị Hà – Quang Trung – Đặng Thúc Vịnh – Nguyễn Thị Ngâu – Đỗ Văn Dậy.
Hướng từ đường Dương Công Khi đến đường Lê Lợi, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường nhưng không được dừng, đỗ và đón, trả khách.
(Người Lao Động)
Truy tìm những người từng đến 3 địa điểm tại quận Gò Vấp - TP HCM
Trưa 20-6, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp-TP HCM phát thông tin truy tìm người liên quan ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường 4 nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Một điểm phong tỏa được tháo gỡ trên địa bàn TP HCM (Ảnh HCDC)
Theo đó, UBND phường 4 quận Gò Vấp đề nghị những người từng đến những địa chỉ sau cần liên hệ cơ quan y tế gần nhất để thực hiện biện pháp phòng dịch. Cụ thể:
- Quán bún riêu chị Nga (đối diện UBND phường 4), địa chỉ 117 Nguyễn Thái Sơn, khu phố 3, phường 4, vào lúc 11 giờ ngày 18 đến 19-6.
- Xe nước mía chị Thanh đầu hẻm 195 Nguyễn Thái Sơn, khu phố 3, phường 4, từ ngày 18 đến 19-6.
- Quán nước giải khát chị Phượng đầu hẻm 103 Nguyễn Thái Sơn, khu phố 3, phường 4, vào lúc 11 giờ đến 19 giờ ngày 19-6.
Đề nghị những người liên quan liên hệ ngay cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn khai báo y tế phòng dịch. ĐT: 0909.289697 (bà Trần Thị Kim Loan - phụ trách y tế phường 4), 0925545567 (ông Hoàng Văn Đức - nhân viên chống dịch).
Vì sao đang cách ly tại nhà thì không được thay đổi nơi cư trú?
Theo quy định, việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân bị hạn chế khi công dân bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 quy định các trường hợp tạm thời chưa được thay đổi nơi cư trú như sau:
1. Người quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.
2. Người đang sinh sống tại địa điểm, khu vực được cơ quan, người có thẩm quyền công bố đang bị cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian áp dụng các biện pháp cách ly tính từ thời gian bắt đầu đến khi kết thúc thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú.
3. Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết các thủ tục về đăng ký cư trú tại những nơi mà người đó bị áp dụng hình phạt cấm cư trú cho đến khi chấp hành xong hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng hình phạt cấm cư trú.
Điểm c khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú quy định:
2. Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:
c) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;
Hải Dương: Phát hiện trường hợp đến khu vực có ca nghi nhiễm, huyện Ninh Giang phát đi thông báo khẩn
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội vào chiều nay (20/6), đại diện UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vừa phát đi thông báo khẩn tìm người tiếp xúc gần với trường hợp F1 và những người đến địa điểm liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2 ở tỉnh Lào Cai.
Theo đó, ngày 18/6/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai phát đi thông báo 1 trường hợp lái xe có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trường hợp này đã đến quán Đồi Cây, xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai) vào 11/6.
Qua truy vết ban đầu, huyện Ninh Giang phát hiện anh Đ.V.M (SN 1979), trú quán tại thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hoè có tới ăn cơm và nghỉ trọ tại quán Đồi Cây, xã Đồng Tuyển trong 11/6. Đây là quán có nhiều người đến ăn, nghỉ trọ, đặc biệt là những người làm nghề lái xe lên TP. Lào Cai và trên địa bàn huyện Ninh Giang cũng có nhiều người đã đến ăn, nghỉ trọ tại địa điển trên, do đó nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao.
Huyện Ninh Giang phát đi thông báo khẩn khi phát hiện 1 công dân trên địa bàn đến ăn cơm và nghỉ tại địa điểm có ca nghi mắc COVID-19. Ảnh: Đ.Tùy
Thông báo Khẩn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ninh Giang đề nghị những người có tiếp xúc gần với anh Đ.V.M; những người đã đến quán Đồi Cây, xã Đồng Tuyển (TP. Lào Cai) ngày 11/6/2021 khẩn trương liên hệ với Trạm Y tế gần nhất để khai báo và thực hiện các biện pháp phòng dịch, hoặc gọi vào đường dây nóng 0983.308.375 - 0912.516.831 để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp, có liên quan không khai báo hoặc khai báo thiếu trung thực sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, tính đến 17h chiều nay (20/6) trên địa bàn không có ca mắc mới, đây cũng là ngày thứ 10 liên tiếp địa phương này không ghi nhận bệnh nhân COVID-19. Đến ngày hôm nay, Hải Dương có 52 người mắc COVID-19 tại đợt dịch thứ 4, trong đó có 46 bệnh nhân thuộc TP. Hải Dương, 4 người tại TP. Chí Linh, huyện Tứ Kỳ và Ninh Giang mỗi nơi có 1 trường hợp.
Hiện tại, Hải Dương chỉ còn 34 trường hợp F1 cách ly tập trung, 388 F2 cách ly tại nhà và 3 huyện, TP. không còn trường hợp F2 gồm: Tứ Kỳ, Ninh Giang, Chí Linh. Riêng số ca bệnh mắc COVID-19 hiện địa phương này chỉ còn 7 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương, Bệnh viện Nhi tỉnh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Campuchia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục
Hãng Reuters đưa tin Campuchia ngày 19-6 đã ghi nhận 20 ca tử vong vì COVID-19.
Đây là mức tử vong vì COVID-19 cao nhất trong một ngày cho tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh Campuchia phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) và chính quyền khuyến cáo mọi người cảnh giác.
Cùng ngày, Campuchia thông báo có thêm 471 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 của nước này lên 42.051, trong đó có 414 ca tử vong.
Campuchia ghi nhận số người tử vong vì COVID-19 cao kỉ lục. Ảnh: REUTERS
Trong một bài đăng trên trang Facebook hôm 19-6, Cục Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm của Campuchia kêu gọi: “Hãy tiếp tục cảnh giác bằng cách giữ vệ sinh, giãn cách xã hội và không rời khỏi nhà khi không cần thiết. Đất nước chúng ta và thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19”.
Bộ Y tế Campuchia cũng báo cáo bảy trường hợp mắc biến thể Delta trong số những người nhập cảnh từ Thái Lan.
Trên trang Twitter, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết: “Mọi người phải tiếp tục cảnh giác”.
Cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 19-6 thông báo trên tài khoản Facebook rằng ông đã gián tiếp tiếp xúc một ca nhiễm COVID-19 và các bác sĩ yêu cầu ông phải xét nghiệm và thực hiện cách ly y tế từ nay tới ngày 3-7.
Do yêu cầu này, ông Hun Sen buộc phải hủy kế hoạch đối thoại với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Ông Raab đã dự định sẽ sang thăm Campuchia từ đầu tuần sau và đối thoại trực tiếp với ông Hun Sen vào sáng 23-6.
“Tôi xin lỗi vì tôi phải hủy tất cả các cuộc họp đã được lên lịch. Tôi mong nhận nhận được sự thông cảm của Ngoại trưởng Anh” - ông Hun Sen viết.
Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia lưu ý rằng ông vẫn tiếp tục làm việc với các cơ quan trong nước thông qua ứng dụng Zoom vì điều này không vi phạm quy định cách ly.
Campuchia đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt từ tháng 2, sau khi các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở các khu phố người Hoa.
Tín hiệu khả quan nhất được chỉ ra là số ca bệnh đang được điều trị đang giảm. Ngày 19-6 đánh dấu lần đầu tiên trong gần hai tháng qua, số ca COVID-19 đang được điều trị ở Campuchia thấp hơn mức 5.000 sau khi đạt đỉnh (hơn 12.000 ca) vào tuần thứ hai của tháng 5.
Thủ đô Phnom Penh vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm lệnh tạm dừng hoạt động tất cả các hoạt động gây nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao như quán bar, tụ điểm karaoke, sòng bài, dịch vụ mát xa, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao… Trường học cũng chỉ được tổ chức dạy trực tuyến.
(Theo Dân Việt)
Ca tử vong ở Brazil vượt mốc 500.000, dịch ở Nga diễn biến xấu
Tờ South China Morning Post ngày 20-6 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Brazil - ông Marcelo Queiroga cho biết số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này đã vượt mốc 500.000 trên tổng số hơn 17,8 triệu bệnh nhân. Số ca nhiễm mới mỗi ngày trung bình 70.000 còn số người chết mới khoảng 2.000.
Với các số liệu này, Brazil hiện là nước có số người tử vong vì dịch bệnh cao thứ hai thế giới sau Mỹ (617.000 ca tử vong; 34,4 triệu người nhiễm).
"Tôi đang làm việc không ngừng nghỉ để giúp mọi người dân Brazil tiêm chủng trong thời gian sớm nhất và đẩy lùi cơn đại dịch đã hoành hành đất nước chúng ta hơn một năm qua" - ông Queiroga tuyên bố.
Bệnh nhân COVID-19 tại một khu cách ly khẩn cấp thuộc TP Sao Paulo, Brazil hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS
Trên thực tế, tốc độ tiêm chủng vaccine ở Brazil đến nay vẫn còn khá hạn chế với chỉ khoảng 24 triệu người được tiêm đủ liều, tương đương 11,4% dân số nước này. Các loại vaccine đang lưu hành trong nước này là Sputnik V của Nga và các vaccine do hãng dược AstraZeneca (Anh), Sinovac (Trung Quốc), Pfizer - BioNTech (Mỹ - Đức) sản xuất.
Trong khi đó, ở Nga, nhóm đặc trách chống COVID-19 của điện Kremlin cùng ngày thông báo nước này trong 24 giờ qua ghi nhận thêm gần 18.000 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người bệnh ở đây lên khoảng 5,3 triệu với hơn 128.900 trường hợp tử vong.
Con số nhiễm mới trong ngày nói trên là gần gấp đôi số nhiễm mới trong ngày của đầu tháng 6. Khoảng hơn một nửa số ca mới đều tập trung ở thủ đô Moscow - hiện đang là ổ dịch nghiêm trọng nhất của Nga.
Giới chức y tế Nga đã tiến hành gấp rút triển khai chương trình tiêm ngừa vaccine bắt buộc cho các cá nhân làm trong các lĩnh vực dịch vụ, giáo vụ, buôn bán và vận chuyển ở Moscow và hai vùng tiếp giáp thủ đô. Các khu ăn uống, vui chơi cũng bị đóng cửa và chỉ nhận giao hàng từ 11h trưa tới 6h sáng hôm sau.
(Theo Dân Việt)
KHẨN: Tìm người đi cùng máy bay với ca Covid-19 từ TP HCM ra Thanh Hoá
Ngày 19-6, liên quan đến BN12514 (nữ, SN 1992 ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phát đi thông báo tìm người trên địa bàn TP Hà Nội đã đi trên chuyến bay VN1274 của hãng hàng không Vietnam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) về sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), hạ cánh khoảng 13 giờ ngày 15-6-2021.
CDC Hà Nội yêu cầu người đi chuyến bay trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0969082115 hoặc 0949396115.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, trường hợp bệnh nhân nữ ở Thanh Hóa đi xuất khẩu lao động tại Malaysia về Việt Nam ngày 6-5, được cách ly tập trung tại tỉnh Tiền Giang; trong quá trình cách ly đã ghi nhận ca dương tính trong khu cách ly nên thời gian cách ly kéo dài 40 ngày.
Sau khi có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính SARS-CoV-2, đến ngày 14-6, người này hoàn thành thời gian cách ly và được Khu cách ly liên hệ xe khách chở lên TP HCM (trên xe khách có 2 người ở Hòa Bình và TP Thái Nguyên, có kết quả dương tính SARS-CoV-2 ngày 16-6).
Từ trưa ngày 14-6 đến sáng 15-6, bệnh nhân nghỉ tại khách sạn Hoàng Kim Long (quận Tân Bình, TP HCM), cùng phòng có 2 người ở Đắk Lắk và Gia Lai (2 người này ngày 18-6 được xác định dương tính SARS-CoV-2.
Ngày 15-6, bệnh nhân bắt taxi ra sân bay Tân Sơn Nhất đi chuyến bay VN1274, số ghế 44D hãng hàng không Vietnam Airlines cất cánh lúc 11 giờ 5 phút ngày 15-6, đến Cảng hàng không Thọ Xuân lúc 13 giờ ngày 15-6, gọi xe có địa chỉ cùng thôn xuống đón về nhà qua Trạm Y tế xã Vạn Xuân khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Đến chiều 16-6, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đến sáng 17-6, bệnh nhân liên hệ với Trạm y tế xã Vạn Xuân và được đưa đi cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, được lấy mẫu xét nghiệm, tối 18-6 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
(Theo Người Lao Động)
Quảng Ngãi cách ly tập trung tất cả người đến từ TP HCM
Sáng 20-6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký công văn hỏa tốc về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới tại Quảng Ngãi.
Công văn nêu rõ, dịch Covid-19 tại TP HCM, TP Đà Nẵng, những nơi có quan hệ giao lưu mật thiết với tỉnh Quảng Ngãi đang diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát, do đó, nguy cơ dịch xuất hiện tại tỉnh là rất cao. Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi đã áp dụng biện pháp cách ly tại nhà đối với đối tượng nguy cơ và người về từ TP HCM nhưng nhiều người thực hiện không nghiêm túc, đồng thời, công tác theo dõi, giám sát, xét nghiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng còn thiếu chặt chẽ.
Quảng Ngãi đã kích hoạt 7 chốt kiểm tra y tế. Ảnh: T.Trực
Nhằm chủ động và kịp thời phòng, chống dịch Covid-19 trước nguy cơ trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng các biện pháp Cách ly tập trung đối với tất cả người dân từ TP HCM về Quảng Ngãi; cách ly tại nhà 21 ngày đối với tất cả người dân từ TP Đà Nẵng về Quảng Ngãi (trừ các trường hợp cách ly tập trung theo thông báo, hướng dẫn của Sở Y tế). Thời gian áp dụng kể từ 12 giờ 00 phút ngày 20-6-2021 cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, đối với người dân từ TP HCM về Quảng Ngãi (nhưng chưa qua 21 ngày) nếu không tự giác chấp hành nghiêm túc việc cách ly tại nhà, nơi lưu trú, mà bị phát hiện thì buộc phải cách ly tập trung theo đúng quy định.
(Theo Người Lao Động)