COVID-19 21/2: Trẻ mầm non và tiểu học nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh, thêm nhiều tỉnh thành ra công điện khẩn

K.T - Ngày 21/02/2022 12:14 PM (GMT+7)

Tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương đã ra công điện khẩn cho học sinh mầm non và tiểu học dừng đến trường.

11 diễn biến

Trẻ mầm non và tiểu học dương tính SARS-CoV-2 tăng mạnh, thêm nhiều tỉnh thành ra công điện khẩn

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm là trẻ mầm non và tiểu học tăng mạnh, một số địa phương trên cả nước đã ra thông báo khẩn liên quan đến vấn đề học tập của học sinh: 

Cao Bằng

Để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố đã ban hành văn bản cho phép học sinh các trường mầm non công lập, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn nghỉ học từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.

Bên cạnh việc phép học sinh các trường mầm non công lập, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn nghỉ học từ ngày 21/2, UBND thành phố Cao Bằng cho phép học sinh các trường tiểu học trên địa bàn học trực tuyến tại nhà cho đến khi có thông báo mới. Các trường tiểu học duy trì ổn định nền nếp, xây dựng kế hoạch thực hiện giảng dạy trực tuyến, đảm bảo thời lượng, chất lượng dạy học.

UBND thành phố chỉ đạo các trường THCS có học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 tiếp tục học bình thường. Trong trường hợp phát hiện có học sinh F0, tất cả các học sinh của lớp đó được nghỉ học trực tiếp 1 tuần để theo dõi sức khỏe (thực hiện học trực tuyến) và sau một tuần phải được test COVID-19, nếu kết quả âm tính thì tiếp tục đi học bình thường, nếu dương tính thì xử lý như trường hợp F0.

Học sinh khối lớp 6 chưa được tiêm vaccine, các trường thông báo học sinh nghỉ học, học trực tuyến từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với những trường hợp F0 được phát hiện ở nhà, buổi học sau nhà trường cho test nhanh những học sinh trong lớp, nếu kết quả âm tính, học sinh vào học bình thường, nếu dương tính (F0) thực hiện theo quy định của y tế.

COVID-19 21/2: Trẻ mầm non và tiểu học nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh, thêm nhiều tỉnh thành ra công điện khẩn - 1

Đắk Nông

Ngày 21/2, toàn bộ các cơ sở giáo dục thuộc hai cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tạm ngưng dạy học trực tiếp để phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.Việc dừng dạy học trực tiếp được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục, được thực hiện cho đến khi có thông báo mới.

Tuyên Quang

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản số 489/UBND-KGVX về việc điều chỉnh phương án tổ chức dạy học theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang cho trẻ em mầm non nghỉ học từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới; học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên học trực tuyến, riêng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến theo phương án số 02/PA - BCĐ ngày 6/11/2021.

Hưng Yên

Sở GD&ĐT thông báo điều chỉnh thời gian, phương án tổ chức dạy học đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 đối với trẻ em mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tới trường học trực tiếp.

Cụ thể: Tạm dừng đến trường học trực tiếp đối với học sinh lớp 1, chuyển sang dạy học trực tuyến.

Chưa tổ chức dạy học trực tiếp, tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 2 đến lớp 6.

Chưa cho trẻ mầm non đến trường, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh học sinh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Việc tạm dừng đến trường đối với trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được thực hiện từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.

Phú Thọ

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ yêu cầu UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo, tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục tiểu học, THCS từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với giáo dục mầm non, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với phụ huynh để thống nhất phương án chăm sóc trẻ đảm bảo an toàn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia lao động, sản xuất.

Ở cấp học giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị quyết định hình thức dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đối với từng lớp, khối lớp hoặc toàn trường cho phù hợp.

Hải Phòng

Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu cho học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C; học sinh trung học cơ sở được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C.

Bắc Giang

Căn cứ vào thời tiết thực tế tại mỗi địa phương, các nhà trường được phép chủ động cho học sinh nghỉ học (mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ từ 10°C trở xuống; THCS nghỉ học khi nhiệt độ từ 7°C trở xuống).

Quảng Ninh

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Quảng Ninh tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ 21/2 đến hết 25/2.

Tuy nhiên, lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non, khi thông báo chủ trương này đến cha mẹ/phụ huynh trẻ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cha mẹ/phụ huynh trẻ, nếu gia đình trẻ nào do không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn.

Đối với cấp tiểu học sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ 21/2 đến hết 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-212-tre-mam-non-va-tieu-hoc-nhiem-sars-co...

Thái Bình: Một phụ nữ nhiễm COVID-19 tử vong dưới sông

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình xác nhận, thi thể chị V.T.Kh. (SN 1992), ở thôn Đông Thành, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được tìm thấy trưa 20/2 trên sông cầu Ngái, ngay cạnh Bệnh viện Dã chiến đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kiến Xương.

Chị Kh. là bệnh nhân mắc COVID-19 đang được thu dung, cách ly tại Bệnh viện Dã chiến huyện Kiến Xương.

Bệnh viện dã chiến huyện Kiến Xương, nơi nạn nhân V.T.K đang điều trị Covid-19. (Ảnh: Mai Tú)

Bệnh viện dã chiến huyện Kiến Xương, nơi nạn nhân V.T.K đang điều trị Covid-19. (Ảnh: Mai Tú)

Cũng theo ông Hùng, nạn nhân là công nhân đang làm việc tại Công ty Da giày Long Hành Thiên Hạ thuộc Cụm công nghiệp Vũ Quý (huyện Kiến Xương).

Trước đó, nạn nhân tự test nhanh tại nhà phát hiện dương tính với Covid-19, sau đó được theo dõi tại Trạm y tế xã Bình Minh. Nhưng do có triệu chứng, nên địa phương khuyến cáo không cách ly tại nhà, mà đến thực hiện cách ly, điều trị từ ngày 18/2 tại Bệnh viện Dã chiến huyện Kiến Xương.

Sáng 20/2, cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Dã chiến huyện Kiến Xương không thấy bệnh nhân Kh. nên đã báo lên cơ quan chức năng tìm kiếm.

Đến khoảng 12h thì thi thể bệnh nhân được tìm thấy ở sông cầu Ngái, gần Bệnh viện Dã chiến.

Qua xác minh ban đầu được biết, nạn nhân đã trèo qua tường bảo vệ phía sau Bệnh viện dã chiến để ra ngoài.

Trước đó, nạn nhân đã nhắn tin cho chồng và em gái với nội dung hoang mang, lo lắng trước việc mắc COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Được biết, chị Kh. phát hiện bị nhiễm COVID-19 từ ngày 15/2, đến ngày 18/2 thì được chuyển lên Bệnh viện dã chiến điều trị.

Có thể trong thời gian nhiễm bệnh, nạn nhân có biểu hiện sang chấn tâm lý, dẫn đến những suy nghĩ và hành động thiếu tỉnh táo và tìm đến cái chết.

Cũng theo biên bản khám nghiệm tử thi, nạn nhân tử vong không có tác động ngoại lực từ bên ngoài trên cơ thể.

Hiện vụ việc tiếp tục được điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thai-binh-mot-phu-nu-nhiem-covid-19-tu-vong-duoi-song-d5430...

Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 giảm từ hôm nay

Thông tư này áp dụng đối với các trường hợp: thanh toán chi phí xét nghiệm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người sử dụng dịch vụ xét nghiệm tự chi trả và các trường hợp được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Không áp dụng Thông tư 02 đối với các trường hợp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng do ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Y tế, cơ cấu giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 bao gồm 3 chi phí.

Thứ nhất, chi phí lấy mẫu và bảo quản mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm;

Thứ hai, chi phí tiền lương theo ngạch bậc, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch COIVD-19 của cán bộ và nhân viên y tế).

Thứ ba, chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 mới sẽ được áp dụng theo Thông tư 02 từ hôm nay 21/2.

Giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 mới sẽ được áp dụng theo Thông tư 02 từ hôm nay 21/2.

Cụ thể, Điều 3 Thông tư 02 quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 từ ngày 21/2 như sau:

Xét nghiệm nhanh mẫu đơn:

Mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm).

Xét nghiệm COVID-19 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn:

Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 186.600 đồng/xét nghiệm).

Xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:

Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).

Trường hợp gộp mẫu: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Trong đó, sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định.

Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 que: 223.300 đồng/xét nghiệm; gộp 03 que: 175.100 đồng/xét nghiệm; gộp 04 que: 151.000 đồng/xét nghiệm; gộp 05 que: 136.600 đồng/xét nghiệm;

Trường hợp gộp mẫu từ 6-10 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 06 que là 110.600 đồng/xét nghiệm; gộp 07 que là 103.800 đồng/xét nghiệm; gộp 8 que là 98.600 đồng/xét nghiệm; gộp 9 que là 94.600 đồng/xét nghiệm; gộp 10 que là 91.400 đồng/xét nghiệm;

Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 mẫu tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 02 mẫu: 257.000 đồng/xét nghiệm; gộp 03 mẫu: 208.800 đồng/xét nghiệm; gộp 04 mẫu: 184.700 đồng/xét nghiệm; gộp 05 mẫu: 170.300 đồng/xét nghiệm...

Trường hợp gộp mẫu từ 6-10 que tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 06 mẫu là 145.300 đồng/xét nghiệm; gộp 07 mẫu là 138.500 đồng/xét nghiệm; gộp 08 mẫu là 133.300 đồng/xét nghiệm; gộp 09 mẫu là 129.300 đồng/xét nghiệm; gộp 10 mẫu là 126.100 đồng/xét nghiệm.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-dich-vu-xet-nghiem-covid-19-giam-tu-hom-nay-a543687.html

Lễ cưới đặc biệt của 20 cặp đôi nhân viên y tế

Tối 20/2, tại Bệnh viện Quân Y 175 TPHCM diễn ra lễ cưới tập thể cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện. Đại úy Lê Quang Vinh, khoa nội Tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, tay trong tay cùng thiếu úy - điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Thoa, đội điều trị 486, phòng Hậu cần vùng 4 Hải quân hạnh phúc đến trào dâng nước mắt bước lên bục cử hành hôn lễ.

Ðám cưới đặc biệt của 20 đôi uyên ương được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 175.

Ðám cưới đặc biệt của 20 đôi uyên ương được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 175.

Sau 3 năm quen biết rồi yêu thương, anh Vinh và chị Thoa đã ấn định ngày cưới vào 16/10/2021 nhưng hạnh phúc của họ đã phải tạm hoãn vì dịch COVID-19 bùng phát. Cả hai vợ chồng động viên nhau vững niềm tin, xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Chồng phục vụ tại bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175, còn vợ tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 4, thuộc Tổng cục Hậu cần tại Khánh Hoà. Sự gian khó và khốc liệt của đại dịch càng khiến tình yêu của họ thêm nồng cháy. Sau hơn nửa năm gặp lại, những nụ hôn ngọt ngào trao nhau đã khẳng định chiến thắng của tình yêu trước đại dịch.

Một cặp đôi khác từng lỡ hẹn cưới đến 3 lần là BS Đoàn Kim Hướng và vợ là điều dưỡng Dương Thị Thuý Vy. Hơn 4 năm trước, họ làm chung tại Bệnh viện Ung Bướu, sau đó, chị Vy về công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Nhiều năm gắn bó yêu thương, họ đã 3 lần ấn định ngày cưới nhưng cả 3 lần đều lỡ hẹn vì mỗi lần chuẩn bị cưới, dịch COVID-19 lại bùng lên.

“Mỗi lần như thế, chúng tôi đều động viên nhau một câu “sau dịch mình cưới”. Và hôm nay, hạnh phúc của chúng tôi càng thắm nồng hơn khi được tổ chức cùng rất nhiều cặp đôi khác trong lễ cưới tập thể. Đây là kỷ niệm đẹp của tình yêu và món quà đặc biệt bệnh viện dành cho vợ chồng tôi và các đôi uyên ương khác khiến chúng tôi rất xúc động”, chị Thúy Vy tâm sự.

Nguồn: https://tienphong.vn/le-cuoi-dac-biet-cua-20-cap-doi-nhan-vien-y-te-post1417672.tpo

Nóng: Bộ Y tế cho phép giảm thời gian cách ly F1 tại nhà

Chiều 21/2, Bộ Y tế có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế về việc cách ly y tế đối với F0 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).

Công văn này thay thế Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Tại công văn này, F1 tiêm đủ mũi vắc-xin phải cách ly tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Việc ban hành công văn mới này được Bộ Y tế căn cứ vào tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên phạm vi toàn quốc, nhằm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế tổ chức việc cách ly y tế với F0 và F1 phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương.

Theo đó, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc-xin phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 này thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 3 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

Trong quá trình cách ly, nếu F1 có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.

Nguồn: http://danviet.vn/nong-bo-y-te-cho-phep-giam-thoi-gian-cach-ly-f1-tai-nha-5020222121635...

Đà Nẵng: Thêm 907 ca Covid-19 trong ngày 21/2

Trong số 907 ca Covid-19 nêu trên, có 9 ca cách ly tập trung, 101 ca cách ly tại nhà, 797 ca chưa được cách ly (ca cộng đồng). Bên cạnh đó, có 7 quận, huyện ghi nhận ca mắc Covid-19 có nguy cơ lây lan cho cộng đồng với số liệu cụ thể như sau: Thanh Khê (308 ca), Sơn Trà (199 ca), Hải Châu (97 ca), Ngũ Hành Sơn (57 ca), Liên Chiểu (45 ca), Cẩm Lệ (43 ca), Hòa Vang (27 ca).

Cũng từ báo cáo của ngành y tế Tp.Đà Nẵng, 797 ca chưa cách ly bao gồm: 404 ca test nhanh dương tính được các trạm y tế lấy mẫu, 368 ca được phát hiện khi xét nghiệm do đến các cơ sở y tế để khám bệnh, 21 ca về từ ngoại tỉnh và 4 ca có triệu chứng được chỉ định lấy mẫu.

Về công tác xét nghiệm, ngày 21/2, Tp.Đà Nẵng có tổng số lượt người được xét nghiệm là 9.576 lượt, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 2.055 lượt người, xét nghiệm bằng test nhanh là 7.521 .

Về công tác cách ly, trong ngày 21/2, cơ quan chức năng thực hiện cách ly 3.679 F1.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-them-907-ca-covid-19-trong-ngay-212-a543754.html

TP HCM: Yêu cầu gỡ phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du, nơi phát hiện 20 ca Covid-19

Chiều 21-2, đại diện HCDC cho biết sau khi nhận được thông tin UBND phường Bến Nghé ra quyết định phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du, trung tâm đã yêu cầu cơ quan y tế tại quận 1 xem xét, điều chỉnh, không phong tỏa chung cư này.

Sau khi ghi nhận có 20 ca mắc Covid-19, UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM đã phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du.

Sau khi ghi nhận có 20 ca mắc Covid-19, UBND phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM đã phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du.

Theo đại diện HCDC, nhiều tháng qua, TP HCM phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn chống dịch hiện tại, TP không phong tỏa, cách ly khu vực. Do đó, việc phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du là không phù hợp trong tình hình hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi Trường ĐH Y dược TP HCM kiêm Trưởng Khoa Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng áp dụng biện pháp phong tỏa trong thời điểm hiện nay là không còn phù hợp. Bởi lẽ, hiện tỉ lệ bao phủ vắc-xin tại TP HCM đã khá cao, nhiều người đã tiêm mũi bổ sung, nhắc lại.

PGS Nguyên cho biết theo quy định, nếu bệnh nhân Covid-19 đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Biện pháp duy nhất hiện nay là thực hiện nghiêm 5K + tiêm vắc-xin đầy đủ liều khi đến lượt.

Trước đó, sau khi ghi nhận có ca mắc Covid-19 tại chung cư 89-91 Nguyễn Du, cơ quan chức năng tại địa phương đã điều tra, xác minh, truy vết, kết quả cho thấy có 20 ca cộng đồng tại đây. Do đó, địa phương này ra quyết định phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du từ ngày 20-2 cho đến khi có quyết định mới.

Ngay sau đó, UBND phường Bến Nghé đã ra thông báo kết thúc thời gian phong tỏa tại chung cư 89-91 Nguyễn Du, với lý do chưa phát hiện ca thêm ca nghi nhiễm mới.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-yeu-cau-go-phong-toa-chung-cu-89-91-nguyen-du-noi-ph...

Bắc Giang: Yêu cầu cách ly, theo dõi F1 trong 14 ngày

Chiều nay (21/2), thông tin từ Sở Y tế Bắc Giang cho biết: Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang vừa ký, ban hành văn bản khẩn số: 606/SYT-NVY về việc hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng, chống dịch đối với F1.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang yêu cầu: Thực hiện cách ly 7 ngày tại nhà/nơi cư trú.

Thực hiện xét nghiệm Covid-19 ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh. Nếu kết quả dương tính thì phải xử lý theo quy định.

Nếu kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần đều âm tính với Covid-19 thì kết thúc việc cách ly và chuyển sang tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.

Trong thời gian cách ly và theo dõi sức khỏe phải tuân thủ nghiêm quy định 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để theo dõi và xử lý theo quy định.

Được biết, trong ngày hôm qua (20/2), trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1.500 ca mắc Covid-19 mới (ca F0).

Cũng tại văn bản trên, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang khẳng định quy định trên là triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Công văn hướng dẫn số 10696 của Bộ Y tế.

Được biết, trong 1 tuần qua (từ ngày 14/2 đến 20/2), đặc biệt là sau ngày 16/2, khi tỉnh cho phép các hoạt động kinh doanh, dịch vụ mở cửa trở lại, mỗi ngày cơ quan chức năng của tỉnh này đều ghi nhận trên 1.000 ca mắc Covid-19 mới.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bac-giang-yeu-cau-cach-ly-theo-doi-f1-trong-14-ngay-d543171...

Ca mắc Covid-19 liên tục lập đỉnh, bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội ra sao?

Ca mắc mới Covid-19 liên tục lập đỉnh, ca nặng chưa đột biến

Trong tuần qua, Hà Nội liên tiếp lập đỉnh ca mắc mới Covid-19 với con số trên 3,9 nghìn ca, tăng dần lên hơn 4 nghìn và chiều 21/2, ghi nhận 5.477 ca bệnh (trong đó có 1.518 ca cộng đồng; 3.584 ca đã cách ly).

Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến cuối, nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ghi nhận không xảy ra tình trạng quá tải, vẫn hoàn toàn đáp ứng điều trị.

emBV Đa khoa Thanh Nhàn vẫn chủ động kế hoạch điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng/em

BV Đa khoa Thanh Nhàn vẫn chủ động kế hoạch điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, tại đây đang điều trị khoảng 250 bệnh nhân Covid-19, trong số này có khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong mấy ngày vừa qua số ca nhập viện cũng tăng hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, theo kế hoạch bệnh viện bố trí được 350 giường điều trị cho bệnh nhân nặng.

"Chúng tôi chủ động triển khai công tác điều trị, bệnh nhân đến đâu chúng tôi sẽ nhận đến đó. Chưa xảy ra hiện tượng quá tải. Với tình hình ca mắc tăng chung thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, hiện số ca Covid-19 tử vong cũng không tăng so với trước Tết. Hầu hết ca tử vong là người cao tuổi, bệnh nền, tiêm vaccine chưa đủ mũi, hoặc chưa tiêm vaccine”, bà Hương cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho hay: “Bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị khoảng 300 bệnh nhân Covid-19. Con số này vẫn duy trì so với dịp trước và trong Tết, tuy nhiên số ca nặng có giảm đi. Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Cơ bản vẫn đảm bảo công tác điều trị”.

Tại BV Điều trị Covid-19, BV Đại học Y Hà Nội, hiện số ca đang điều trị Covid-19 cũng duy trì khoảng 200 bệnh nhân.

Làm gì để hạn chế gánh nặng cho tuyến cuối?

Để hạn chế gánh nặng cho hệ thống điều trị tuyến cuối, bà Hương khuyến cáo, khi người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền khi mắc Covid-19 phải khai báo y tế để có sự kiểm soát, theo dõi bệnh hàng ngày, kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến điều trị. “Có nhiều ca tự ý giữ tại nhà điều trị, đến khi suy hô hấp, SpO2 giảm mới thông báo y tế, sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị, và dù đưa thẳng vào tuyến cuối, nguy cơ tử vong cũng rất cao”, bà Hương nói.

Theo khuyến cáo của PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc BV Điều trị Covid-19, số bệnh nhân Covid-19 những ngày tới có thể sẽ tăng, tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine sẽ bị nhẹ hơn. Dù vậy, mỗi người cần phải tuân thủ quy tắc 5K, không hoang mang và cũng đừng chủ quan để tránh lây nhiễm cho những người yếu thế, nguy cơ cao nhiễm, trở nặng và dễ tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội cũng đã khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.

Khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-Covid, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mac-covid-19-lien-tuc-lap-dinh-benh-vien-tuyen-cuoi-tai-...

Thanh Hóa: Hai ngày ghi nhận gần 2.500 ca nhiễm Covid-19

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, trong vòng 48 giờ qua, tính từ 16h ngày 19/2 đến 16h ngày 21/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thêm 2.477 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó, có 1.276 bệnh nhân ghi nhận ngày hôm nay (21/2) và 1.201 bệnh nhân ghi nhận ngày hôm qua (20/2). Đây là lần đầu tiên Thanh Hóa ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 vượt qua con số 1.000 ca mỗi ngày.

Theo đó, trong 2 ngày qua, toàn tỉnh đã ghi nhận 841 ca nhiễm có yếu tố cộng đồng, 839 ca nhiễm được phát hiện qua sàng lọc y tế và còn lại là 807 trường hợp được phát hiện khi đang được cách ly theo quy định. Các ca nhiễm tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, cụ thể như: Tp.Thanh Hóa có 267 ca nhiễm, Tx.Nghi Sơn có 236 ca nhiễm, huyện Hoằng Hóa 234 ca nhiễm, huyện Nông Cống có 217 ca nhiễm, huyện Quảng Xương có 155 ca nhiễm, Tp.Sầm Sơn có 120 ca nhiễm... tại hơn 20 địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh Thanh Hoá ghi nhận 36.717 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn. Trong đó, có 31.529 người được điều trị khỏi, ra viện và 52 bệnh nhân tử vong.

Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 5.938.148 liều vắc-xin phòng Covid-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 với kết quả cụ thể như sau: 2.385.668/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỉ lệ 99,66%; 2.354.957/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi, đạt tỉ lệ 98,4%; 283.435/285.497 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỉ lệ 99,3%; 281.516/285.226 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỉ lệ 98,6%; 380.676 người tiêm mũi bổ sung và 259.637 người tiêm mũi nhắc lại.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-hai-ngay-ghi-nhan-gan-2-500-ca-nhiem-covid-19-a543...

Lâm Đồng: Tăng cường điều trị và phản hồi thông tin về bệnh nhân Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tiếp tục thực hiện và triển khai nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục giảm nhanh số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 chuyển nặng và nguy kịch để giảm mạnh số ca tử vong, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng giao các đơn vị chủ động, khẩn trương tổ chức công tác cách ly, điều trị và chăm sóc các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hàng ngày, lãnh đạo các Khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng và Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Sở Y tế tỉnh và phản hồi thông tin đến Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về việc phân tầng bệnh nhân chưa chính xác; điều trị chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; chuyển viện không kịp thời và lý do người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân tử vong chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để Sở Y tế chỉ đạo xử lý kịp thời.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng có văn bản báo cáo Sở Y tế Lâm Đồng về tình hình điều trị bệnh nhân hiện nay. Theo đó, Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân mức độ vừa, bệnh nhân được phân loại nguy cơ cao trở lên theo Quyết định 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Khu điều trị còn tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các tuyến y tế cơ sở qua xét nghiệm sàng lọc được khẳng định dương tính SARS-CoV-2, có chỉ định phẫu thuật Ngoại Sản đều được Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chuyển lên Khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi để giải quyết.

Do đó, Khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng luôn quá tải và khó tập trung nguồn lực để điều trị bệnh nhân tầng 3 (bệnh nhân nặng, nguy kịch). Khu điều trị Bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đề xuất Sở Y tế xem xét, chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thành phố để giảm tải cho Khu điều trị Covid-19 tuyến trên.

Cụ thể, các đơn vị phải tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 1, tầng 2 phù hợp với năng lực chuyên môn, danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt.

Các đơn vị y tế tuyến dưới chỉ chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy cơ cao trở lên sau khi đã hội chẩn, trao đổi giữa lãnh đạo đơn vị với lãnh đạo Khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng nhằm tạo điều kiện cho Khu điều trị tập trung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch và không bị quá tải trong tiếp nhận điều trị bệnh nhân theo quy định. 

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lam-dong-tang-cuong-dieu-tri-va-phan-hoi-thong-tin-ve-benh-n...

Tin tức 24h: 5 địa phương hỏa tốc cho học sinh dừng đến trường vì ca COVID-19 tăng đột biến
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số địa phương đã ra công điện khẩn yêu cầu tạm dừng việc cho học sinh học trực tiếp.

Tin tức 24h

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h