Biến chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh đang chiếm ưu thế trong hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em trên địa bàn TPHCM. Hầu hết bệnh nhi nhiễm bệnh đều ở mức nhẹ nhưng tâm lý lo lắng đang khiến phụ huynh ùn ùn đưa trẻ đến bệnh viện.
8 diễn biến
Phụ huynh lo lắng ùn ùn đưa trẻ nhiễm COVID-19 vào bệnh viện
BS Dư Tuấn Quy hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà và trấn an cộng đồng không nên lo lắng khi trẻ nhiễm SARS-CoV-2.
Hơn 1 tháng qua, dịch COVID-19 đã gia tăng trở lại trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là thời điểm sau khi trẻ từ mầm non đến lớp 6 đi học trở lại số ca bệnh bắt đầu tăng nhanh.
Tuần qua, trung bình trong ngày, mỗi bệnh viện nhi đồng trên địa bàn thành phố tiếp nhận từ 300 đến 500 trường hợp mắc COVID-19 đến thăm khám và điều trị. Hiện nay, số ca bệnh vẫn đang duy trì ở mức cao.
Nhiều phụ huynh lo lắng cho tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ nên quyết định đưa con đến bệnh viện chuyên khoa sâu thăm khám.
Ghi nhận của phóng viên tại khu khám sàng lọc COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM sáng 21/3 cho thấy, rất đông phụ huynh đưa con mắc COVID-19 đến thăm khám. Bệnh viện đang tổ chức 4 bàn khám sàng lọc, phân loại mức độ bệnh cho trẻ.
BS Tuấn Quy, kiểm tra thân nhiệt cho một bệnh nhi vừa vào viện trong tình trạng lơ mơ, mệt nhiều.
Bế cậu con trai mới hơn 6 tháng trên tay, chị Nguyễn Thị Bích Ly (ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết: “Ba ngày trước bé vẫn chơi bình thường nhưng đến chiều thì bắt đầu sốt, nhiệt độ đo được trên 38 độ C. Tôi đưa con đến cơ sở y tế gần nhà khám, bác sĩ test nhanh cho kết quả dương tính. Hai hôm nay, bé đã ngủ ngon giấc, chơi lại bình thường nhưng gia đình lo lắng nên tôi quyết định đưa con đến Nhi Đồng 1 nhờ bác sĩ kiểm tra cho an tâm”.
Tâm lý lo lắng phải đưa con vào bệnh viện khi trẻ mắc COVID-19 đang gây áp lực lên các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM.
Tương tự là trường hợp của gia đình anh Hoàng Đức Hòa (ngụ tại Quận 12, TPHCM), vợ chồng anh chị đã quyết định nghỉ việc để đưa con trai 2 tuổi đến bệnh viện thăm khám.
“Vợ chồng tôi sinh đôi được một gái một trai. Bé gái bị nhiễm COVID-19 trước nhưng chỉ sốt 1 ngày đã hết, nhưng đến khi bé trai nhiễm bệnh thì cứ sốt tái đi tái lại 3 ngày rồi chưa khỏi, tôi nóng ruột quá nên phải đưa đến đây nhờ bác sỹ thăm khám, xét nghiệm cho an tâm chứ cứ để con ở nhà thì vợ chồng đứng ngồi không yên”.
Trẻ mắc COVID-19 hầu hết đều bệnh nhẹ, tuy có sốt cao khi mới nhiễm bệnh nhưng sẽ tự vượt qua.
BS Dư Tuấn Quy, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trung bình cả ngày lẫn đêm chúng tôi đang thăm khám cho khoảng 350 đến 370 trẻ. Tuần trước số ca bệnh vào viện nhiều hơn mỗi ngày trên 400 trẻ, có thể tình trạng trẻ nhiễm COVID-19 đang có xu hướng giảm.
Mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang tiếp nhận, thăm khám cho 350 đến 370 trẻ mắc COVID-19.
Tuy số ca bệnh ở mức cao nhưng BS Tuấn Quy cho biết: “Hầu hết trẻ vào viện ở mức độ nhẹ, số bệnh nhi cần nhập viện mỗi ngày chỉ 1 đến 2 trường hợp. Trẻ nhập viện thường rơi vào nhóm thừa cân béo phì, trẻ sinh non, nhẹ ký, trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư, ung thư. Đa phần trẻ hiện nay đều nhiễm biến chủng Omicron, triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh những ngày đầu trẻ có biểu hiện sốt cao, đây là lý do khiến phụ huynh lo lắng, đưa con vào bệnh viện”.
Số bệnh nhi có chỉ định nhập viện điều trị chỉ 1 đến 2 ca mỗi ngày, đa phần là trẻ béo phì hoặc có bệnh lý nền.
Từ thực tế trên, BS Tuấn Quy khuyến cáo phụ huynh khi trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cần đưa đến trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được bác sĩ thăm khám. Tuyệt đối không nên lạm dụng việc thực hiện test nhanh vì điều này chẳng những không thay đổi được nguy cơ lây nhiễm mà còn khiến trẻ dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý.
Khi trẻ được xác định nhiễm SARS-CoV-2 phụ huynh cũng không nên hoang mang lo lắng. Từ trước đến nay trẻ bị sốt, ho, sổ mũi ra sao thì khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng điều trị tương tự như vậy.
Hầu hết trẻ đến khám sẽ được bác sĩ cho về nhà, theo dõi, điều trị ngoại trú vì tình trạng bệnh nhẹ, không cần nhập viện.
“Hầu hết trẻ nhiễm bệnh đều ở mức độ nhẹ, phụ huynh không cần đưa đến đến bệnh viện chuyên khoa sâu mà chỉ cần đưa đến cơ sở y tế địa phương thăm khám. Những trẻ có dấu hiệu chuyển độ, y tế địa phương sẽ có giải pháp hỗ trợ điều trị hoặc chuyển viện trong trường hợp cần thiết” – BS Tuấn Quy nói.
Nguồn: https://tienphong.vn/phu-huynh-lo-lang-un-un-dua-tre-nhiem-covid-19-vao-benh-vien-post1...
Tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi ở TP HCM thực hiện thế nào?
Cho dù số liệu ca nhiễm, nghi nhiễm có dấu hiệu giảm và chững lại so với các tuần trước nhưng các trường vẫn phải tập trung trong các hoạt động, không chủ quan để bảo đảm mức an toàn tối đa nhất trong cơ sở giáo dục. Đặc biệt, vẫn phải linh hoạt xử lý ca F0, F1 trong trường học theo các hướng dẫn.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh tại TP HCM (ảnh minh họa: TẤN THẠNH)
Theo ông Dũng, nhà trường phải chú ý đến hoạt động căng tin, bán trú vì đây là những hoạt động mà học sinh dễ lơ là các quy định phòng dịch. Trong bối cảnh hiện nay, các trường phải quản lý học sinh theo nhóm. Các nhóm càng tổ chức khoa học, càng phù hợp thì khi tình huống xảy ra càng dễ khoanh vùng, ít ảnh hưởng nhất.
Sắp tới đây, TP HCM sẽ điều chỉnh và ban hành lại bộ tiêu chí an toàn trường học, trong đó có quy định hoạt động căng tin, bán trú để làm sao tránh sự lây lan. Trong bộ tiêu chí này có những nội dung tiên quyết mà các trường phải bảo đảm.
Về việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, các cơ sở giáo dục phải tập trung chuẩn bị, nắm thật chặt kế hoạch, phương án tổ chức tiêm và bảo đảm quy trình tiêm. Khi kế hoạch tiêm ban hành thì cần thực hiện đúng. Trong đó, điểm tiêm phải thuận lợi nhất cho học sinh, tránh trường hợp đưa học sinh từ trường này qua trường khác để tiêm, với phương châm đơn vị tiêm phải chạy theo điểm tiêm, trừ trường hợp cơ sở mà y tế đánh giá không đủ điều kiện tiêm.
Ông Dương Trí Dũng yêu cầu đối với nhóm học sinh có nguy cơ, khi tổ chức tiêm vắc-xin phải trao đổi kỹ với phụ huynh, y tế địa phương. Trước khi tiêm phải có ý kiến của y tế địa phương, để nhóm học sinh này được chăm sóc từng đối tượng một.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, căn cứ tình hình thực tế về diễn biến dịch COVID-19 hiện nay, sở đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc các nội dung: Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, công tác phòng chống dịch khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường; chưa thực hiện các hoạt động ngoài giờ, chính khóa, ngoại khóa bên ngoài nhà trường cho đến khi có thông báo mới.
Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nam-chat-ke-hoach-tiem-vac-xin-cho-tre-5-11-tuoi-2...
Bình Thuận thành lập cơ sở thu dung điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch
Sáng 21/3, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tầng 1, 2, 3 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực phía nam ở thôn 8, xã Nam Chính, huyện Đức Linh.
Theo đó, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 này có quy mô 140 giường bệnh, trong đó tầng 1 điều trị bệnh nhân ở mức độ nhẹ và không triệu chứng, tầng 2 điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng, tầng 3 điều trị bệnh nhân ở mức độ nặng và nguy kịch.
Chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện là tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, khám và điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Chuyển những trường hợp bệnh nhân nặng hoặc có biến chứng cần can thiệp đến tuyến trên (nếu có) để theo dõi và tiếp tục điều trị.
UBND tỉnh giao cho Sở Y tế chỉ đạo các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực phía nam theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế và kinh phí hoạt động cho Bệnh viện Đa khoa khu vực phía nam.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh phân công lực lượng làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực phía nam đảm bảo người bệnh COVID-19 không tự ý rời bệnh viện và giữ an ninh trật tự khu vực trong, ngoài bệnh viện.
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh và xuất viện ở Bình Thuận.
Tối 20/3, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 518 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 147 ca tại khu cách ly tập trung, 371 ca cộng đồng.
Các trường hợp nhiễm bệnh theo địa phương gồm: Tp.Phan Thiết 7 ca; thị xã La Gi 15 ca; các huyện Tánh Linh 177 ca, Phú Quý 72 ca, Tuy Phong 16 ca, Hàm Thuận Bắc 75 ca, Hàm Tân 35 ca, Đức Linh 34 ca, Bắc Bình 9 ca, Hàm Thuận Nam 78 ca.
Liên quan đến các ca bệnh mới, ngày 20/3, tỉnh Bình Thuận truy vết được 419 F1.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 20/3/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 44.727 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.846 trường hợp, thị xã La Gi 3.617 trường hợp, các huyện Tánh Linh 6.533 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 5.077 trường hợp, Tuy Phong 4.804 trường hợp, Hàm Thuận Nam 4.924 trường hợp, Hàm Tân 3.327 trường hợp, Đức Linh 3.141 trường hợp, Bắc Bình 2.466 trường hợp, Phú Quý 1.992 trường hợp.
Toàn tỉnh truy vết 64.175 trường hợp F1 và 27.839 trường hợp F2.
Số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 169 trường hợp, trong đó các huyện Hàm Tân 45 trường hợp, Đức Linh 20 trường hợp, Phú Quý 19 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 17 trường hợp, Tánh Linh 14 trường hợp, Bắc Bình 12 trường hợp, Hàm Thuận Nam 8 trường hợp,thị xã La Gi 25 trường hợp, Tp.Phan Thiết 9 trường hợp,
Hiện, tổng số ca đã điều trị khỏi và xuất viện là 38.396 trường hợp.
Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm là 688 mẫu.
Số ca mắc COVID-19 đang điều trị có diễn tiến nặng là 30 ca, trong đó Tp.Phan Thiết là 15 ca, huyện Đức Linh 3 ca, thị xã La Gi 11 ca, huyện Bắc Bình 1 ca.
Số người đã tiêm vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh là 978 người. Tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 có 14 người, tiêm mũi 3 có 964 người.
Tích lũy số người (dân số ≥18 tuổi), tiêm mũi 1 có 902.752/902.752, đạt tỉ lệ 100%, tiêm mũi 2 có 900.829/902.752, đạt tỉ lệ 99,8%, tiêm mũi 3 có 435.872/902.752, đạt tỉ lệ 48,3%.
Về công tác cách ly, tỉnh Bình Thuận đang có 889 trường hợp được cách ly. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế có 98 trường hợp, cách ly tại nhà có 791 trường hợp.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-thanh-lap-co-so-thu-dung-dieu-tri-covid-nang-va-n...
Đà Nẵng: F0 đăng ký trực tuyến cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
Trên ứng dụng này, sau khi khai thông tin cá nhân F0 và người ở cùng nhà, người dân chọn mục “Đăng ký Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH”. Trường hợp F0 là người lớn, nhập số BHXH và tên đơn vị làm việc của F0. Trường hợp F0 là trẻ em, người khai hộ cần khai thêm mã số BHXH hoặc Số thẻ BHYT của trẻ em, họ và tên cha , mẹ, đơn vị làm việc của cha hoặc mẹ.
Người dân đăng ký cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên ứng dụng Da Nang Smart City, không cần ra trạm y tế.
Các nhân viên y tế phường sử dụng thông tin đăng ký để chuẩn bị sẵn Giấy chứng nhận cho F0, phần mềm tự động nhắn tin SMS hoặc Zalo cho người dân để hẹn thời gian đến nhận.
Khi người dân đến nhận Quyết định hoàn thành cách ly thì nhận luôn Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Thay vì người dân đến trực tiếp trạm y tế yêu cầu thì lúc đó trạm mới ghi giấy hoặc mới nhập trên phần mềm sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi của người dân.
Với tiện ích này, người dân vừa bớt phải đi lại, chờ đợi mất thời gian, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Các trạm y tế cũng tránh được tình trạng quá tải.
Nguồn: https://tienphong.vn/da-nang-f0-dang-ky-truc-tuyen-cap-giay-chung-nhan-nghi-viec-huong-...
Vì sao tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3 tại Đồng Nai còn thấp?
Là một trong những địa phương được ưu tiên phân bổ vắc xin phòng COVID-19 sớm, tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng tiêm phủ vắc xin mũi 1, mũi 2 cho hơn 2,4 triệu người dân trong tỉnh từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đến nay việc tiêm mũi 3 tại Đồng Nai đang được đánh giá là chậm so với yêu cầu đề ra, khi đến nay cả tỉnh chỉ đạt trên 51%. Đồng Nai còn khoảng gần 1,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm mũi 3.
Người dân tiêm vắc xin mũi 3 tại TP Biên Hòa
Theo Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, huyện Tân Phú và Định Quán là 2 địa phương có tỷ lệ bao phủ mũi 3 thấp nhất với hơn 41%, kế đến là TP Biên Hòa có tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt trên 50%.
Đáng lo ngại TP Biên Hòa lại là địa phương tập trung đông dân nhất tỉnh, trong số đó có hàng chục ngàn công nhân lao động. Đến nay TP.Biên Hòa mới có hơn 374.000 người được tiêm vắc xin mũi 3.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Duy Tân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 trên địa bàn thành phố chưa cao. Đó là tâm lý chủ quan và e ngại của người dân, cho rằng đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc đã từng mắc COVID-19 thì không cần phải tiêm mũi 3; số lượng vắc xin trước đây về không nhiều nên các địa phương chưa triển khai tiêm cho toàn dân; đặc biệt là vấn đề thiếu hụt về nhân lực y tế. Từ tháng 2, nhân lực phục vụ cho công tác tiêm vắc xin giảm mạnh do số lượng lớn tình nguyện viên xin nghỉ (học sinh, sinh viên trở lại trường học, nhân viên phục vụ công tác tại đơn vị).
Phó chủ tịch TP Biên Hòa cho biết: Để tăng tốc tiêm phòng COVID-19 mũi 3, từ nay đến cuối tháng 3, TP Biên Hòa mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cũng như tiêm vét đối với những ai chưa tiêm đủ liều vắc xin tại các trạm y tế xã, phường, các cơ sở tiêm chủng Trung tâm y tế thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các bệnh viện và cơ sở tiêm chủng ngoài công lập. Bên cạnh đó, TP Biên Hòa còn triển khai các đội tiêm lưu động để tiêm cho công nhân lao động của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, hiện nay toàn tỉnh Đồng Nai có gần 30.000 ca F0 đang theo dõi tại nhà, 427 ca F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trên thực tế số ca bệnh có thể cao hơn do nhiều người dân mắc COVID-19 nhưng không khai báo với cơ quan chức năng.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai lý giải: “Sở dĩ số ca bệnh mới nhiều nhưng số ca nhập viện không nhiều là do hiệu quả của công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19. Mặt khác, biến chủng đang lưu hành trên địa bàn tỉnh là biến chủng Omicron có khả năng gây bệnh với mức độ nhẹ hơn so với biến chủng Delta; số ca mắc phần lớn dưới 18 tuổi nên số ca bệnh nặng không nhiều. Mặc dù vậy, người dân vẫn cần tuân thủ quy định 5K, tham gia tiêm vắc xin mũi 3 phòng COVID-19 khi đủ thời gian; sử dụng thuốc điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bản thân và những người xung quanh”.
Bác sĩ Vũ yêu cầu: Các địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 để giảm số ca bệnh nặng và tử vong trong điều kiện biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh trên địa bàn.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng cho hay, từ khi tỉnh triển khai tiêm vắc xin mũi 3, số ca bệnh COVID-19 nặng phải nhập viện điều trị giảm hẳn. Hiện nay, trong Khu Hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng của bệnh viện chỉ còn 9 bệnh nhân, trong đó có 2 bệnh nhân phải thở máy xâm lấn, 3 bệnh nhân phải thở oxy. Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng hiện nay cũng không khó khăn, vất vả như thời điểm tỉnh chưa bao phủ vắc xin. Do đó, những người chưa tiêm đủ các liều vắc xin cần thiết nên tiêm đủ liều vắc xin.
Trước thực trạng tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 3 còn thấp, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi 3. Nhờ tiêm mũi 3 mà thời gian qua, mặc dù mỗi ngày tỉnh Đồng Nai ghi nhận vài ngàn ca bệnh COVID-19 mới nhưng số ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị và số ca tử vong giảm sâu so với thời điểm tỉnh chưa bao phủ vắc xin. Mặt khác, các địa phương cũng cần linh hoạt hơn trong khâu tổ chức tiêm. Theo Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: “Các trạm y tế nên thay đổi bằng cách đến tận nhà dân, xuống từng ấp, khu phố để tiêm vắc xin cho dân”.
Nguồn: https://tienphong.vn/vi-sao-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-mui-3-tai-dong-nai-con-thap-post...
Bệnh viện hồi sức COVID-19 lớn nhất TP.HCM được "giải phóng"
Bệnh viện đã hoàn toàn vắng vẻ, không còn cảnh tấp nập, khẩn trương vận chuyển F0 nguy kịch từ xe cứu thương vào khoa cấp cứu như cao điểm tháng 7-8 năm ngoái. Các khoa phòng đóng kín cửa, chỉ còn vài nhân viên trực cuối tuần. Các giường không còn bệnh nhân, máy móc chuẩn bị được tập kết về kho trang thiết bị để làm thủ tục bàn giao.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU) hoạt động từ ngày 16/7/2021, khi dịch tại TP.HCM ở giai đoạn căng thẳng nhất. Bệnh viện hình thành từ việc chuyển đổi công năng thần tốc từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch, thực hiện chiến lược "hạn chế bệnh nhân tử vong" của TP.HCM.
Giai đoạn cao điểm, khoảng 3.000 nhân viên y tế với 74 đoàn y bác sĩ từ 63 tỉnh thành cả nước chi viện về đây. Nhiều bác sĩ nghỉ hưu chủ động liên lạc xin vào phục vụ bệnh viện. Y bác sĩ F0 vẫn tình nguyện làm việc để đồng nghiệp đỡ vất vả.Bác sĩ Võ Tấn Lực, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện Bệnh viện Hồi sức COVID-19, nhớ lại những ngày cao điểm làm việc liên tục, chợp mắt vài giờ mỗi ngày, chưa bao giờ chứng kiến tinh thần chiến đấu của mọi người cao độ đến vậy, tình cảm anh em đồng đội gắn bó tương trợ nhau như một gia đình.
"Điều đáng mừng là đóng cửa bệnh viện, đồng nghĩa thành phố không còn nhiều bệnh nhân nặng", anh nói.
Bác sĩ Lực bày tỏ nỗi đau dù đã cố gắng rất nhiều nhưng không níu giữ được sự sống của nhiều người bệnh khác. "Chúng tôi hứa với bệnh nhân sẽ giúp họ đoàn tụ gia đình, động viên họ cố gắng nhưng y khoa có giới hạn, sự đáp ứng của bệnh nhân có giới hạn, thành ra những lời hứa chúng tôi đã không thể hoàn thành", bác sĩ Lực xúc động chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 kiêm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thời gian qua TP.HCM từng bước thích ứng với Covid. Số ca nhập viện, số bệnh nhân nặng giảm sâu. Từ tháng 2 đến nay, số bệnh nhân tại bệnh viện khoảng 10-15 trường hợp. Bệnh viện đề xuất ngưng hoạt động, trả lại cơ sở cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.
Trong số hơn 5.000 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 70% hồi phục được trở về đoàn tụ gia đình, quay lại cuộc sống. Nhiều người đã hồi sinh ngoạn mục từ cửa tử, được bác sĩ nỗ lực giành giật sự sống bằng tất cả sức lực, thuốc men, các phương tiện hồi sức hiện đại nhất.
"30% bệnh nhân không thể qua khỏi, là điều hối tiếc, day dứt, trăn trở không nguôi với các y bác sĩ khi đi qua cuộc chiến", bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.
Sở Y tế TP.HCM đã chấp thuận cho bệnh viện ngưng tiếp nhận bệnh nhân. Từ nay đến cuối tháng 3, bệnh viện hoàn tất các thủ tục như thanh toán chi phí mua sắm và chi trả chế độ cho nhân viên y tế; kiểm kê tài sản, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc; bàn giao hồ sơ bệnh án; lập báo cáo quyết toán.
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau khi Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ngừng hoạt động, 6 bệnh viện có nhiệm vụ duy trì giường hồi sức (ICU) để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng gồm Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14, số 16, dã chiến đa tầng Tân Bình, Quân y 175, Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy. Thành phố tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 của quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn được yêu cầu phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính COVID-19.
Nguồn: https://danviet.vn/benh-vien-hoi-suc-covid-19-lon-nhat-tphcm-duoc-giai-phong-2022032112...
Đắk Lắk ghi nhận thêm 3.478 trường hợp mắc Covid-19
Chiều 21/3, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3.478 trường hợp mắc Covid-19.
Trong đó, có 2.920 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 983 ca, huyện Krông Năng 288 ca, huyện Cư Mgar 242 ca, huyện Krông Pắk 200 ca, huyện Ea Kar 179 ca, huyện Krông Bông 163 ca, huyện Ea H’leo 149 ca, huyện Krông Ana 135 ca, huyện Ea Súp 134 ca, huyện Cư Kuin 119 ca, huyện Buôn Đôn 113 ca, huyện M’Đrắk 66 ca, huyện Krông Búk 62 ca, thị xã Buôn Hồ 49 ca, huyện Lắk 38 ca.
Bên cạnh đó, có 543 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện M’Đrắk 159 ca, huyện Cư Mgar 88 ca, thị xã Buôn Hồ 77 ca, huyện Lắk 72 ca, huyện Krông Búk 32 cam huyện Krông Ana 26 ca, huyện Ea Kar 20 ca, huyện Ea H’leo 16 ca, huyện Krông Năng 12 ca, huyện Buôn Đôn 10 ca, huyện Krông Bông 8 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 6 ca, huyện Krông Pắk 6 ca, huyện Ea Súp 6 ca, huyện Cư Kuin 5 ca.
Ngoài ra, còn có 15 trường hợp ghi nhận qua sàng lọc gồm: Huyện Ea Súp 7 ca, huyện Krông Búk 3 ca, huyện Krông Pắk 3 ca, huyện Lắk 1 ca, huyện Cư Kuin 1 ca.
Như vậy, tính đến chiều 21/3, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 109.043 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 66.223 trường hợp, 42.656 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và 164 trường hợp tử vong.
Hiện, trên toàn tỉnh có 200 trường hợp cách ly tập trung và 24.290 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Trước đó, ngày 20/3, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo nội dung thông báo, tình hình dịch Covid-19 tại Đắk Lắk đang ở cấp độ 3.
Trong đó, có 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tình hình dịch Covid-19 đang ở cấp độ 3. Đối với cấp xã, phường, thị trấn: Có 2 xã cấp độ 1, 3 xã cấp độ 2 và 179 xã cấp độ 3.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covi-19, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-ghi-nhan-them-3-478-truong-hop-mac-covid-19-a547109....
Hồng Kông đang thực hiện nới lỏng chiến lược "Zero Covid" như thế nào?
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), mới đây đã cho biết từ ngày 1/4 tới sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bay đối với 9 quốc gia bao gồm cả Anh và Mỹ, đồng thời nới lỏng quy định cách ly kiểm dịch từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với những du khách đến có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Các biện pháp hạn chế xã hội khác, bao gồm giới hạn số lượng thực khách trong nhà hàng, đóng cửa quán bar, phòng tập thể dục và tiệm mát xa cũng sẽ được nới lỏng theo từng giai đoạn kể từ ngày 21/4.
Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi bà Lâm thừa nhận rằng cộng đồng và các doanh nghiệp nói chung đang dần mất sự kiên nhẫn đối với chiến lược chống đại dịch của đặc khu.
Theo chính sách được hoạch định để phù hợp với chính sách của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông đã thực hiện một số quy định phòng dịch nghiêm ngặt hàng đầu thế giới trong bối cảnh các chính phủ nước khác đang dần nới lỏng các hạn chế và trở lại cuộc sống bình thường.
Hồng Kông, trung tâm tài chính lớn với thương hiệu tự xưng “Thành phố Thế giới của Châu Á”, đã phải chứng kiến các doanh nghiệp nước ngoài và các nhân tài rời đi sau hơn hai năm kiểm soát biên giới nghiêm ngặt mà chưa biết ngày kết thúc.
Theo thống kê của giới chức, khoảng 71.000 người đã rời thành phố vào tháng 2 trong khi khoảng 54.000 người rời thành phố từ tháng 3 cho đến nay. Mặc dù số trường hợp nhiễm Covid-19 vẫn được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tỷ lệ tử vong của thành phố những tuần gần đây đã ở mức cao kỷ lục khi làn sóng lây nhiễm biến thể Covid-19 Omicron tràn tới nhóm người cao tuổi.
Trong ngày 20/3, Hồng Kông ghi nhận 14.149 trường hợp mới mắc Covid-19, giảm đáng kể so với con số hơn 70.000 ca nhiễm mỗi ngày hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 tại Hồng Kông đã tăng vọt kể từ giữa tháng 2 năm nay, với báo cáo trong ngày 20/3 lên tới 246 ca tử vong.
Một tài xế taxi trong trang phục bảo hộ trước một phòng khám Covid-19 tại Hồng Kông. Ảnh: Getty Images.
Theo chính sách nới lỏng mới, Hồng Kông sẽ vẫn có những hạn chế đi lại nghiêm ngặt hàng đầu so với các quốc gia và khu vực tại châu Á ngoài Trung Quốc. Hàn Quốc và Malaysia, hai trong số các quốc gia cuối cùng trong khu vực này duy trì hạn chế về biên giới, cũng thông báo sẽ kết thúc cách ly kiểm dịch từ ngày 1/4 đối với những du khách đã tiêm chủng.
Ông Wolfgang Ehmann, đại diện của Bộ Công nghiệp và Thương mại Đức tại Hồng Kông, nhận định việc nới lỏng các quy tắc kiểm dịch là quá lâu. Ông Ehmann chia sẻ với hãng tin Al Jazeera: “Hiện tại chúng tôi đang mong muốn được dỡ bỏ hơn nữa các hạn chế”.
Ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Natixis (Hồng Kông), đánh giá: “Tốc độ mở cửa trở lại của Hồng Kông vẫn tương đối chậm hơn so với phần còn lại của châu Á, chẳng hạn như Singapore và Australia”. Ông cho biết theo lộ trình là sẽ mở cửa trở lại, nhưng tốc độ mở cửa vẫn không rõ ràng. Nếu Hồng Kông không tìm ra giải pháp thì tốc độ mở cửa như hiện tại có thể không đủ để ngăn sự rời đi của các nhân tài.
Ông Gary nói: “Lợi thế có thể so sánh quan trọng nhất của Hồng Kông là dòng vốn và con người. Nếu không đảm bảo được, Hồng Kông sẽ mất đi khả năng cạnh tranh của mình”.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hong-kong-dang-thuc-hien-noi-long-chien-luoc-zero-covid-nhu-...