COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu?

HÀ ANH - Ngày 22/06/2021 12:10 PM (GMT+7)

Người phụ nữ ở Tiền Giang bị ho, sốt đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) khám bệnh thì được phát hiện dương tính COVID-19

Đến bệnh viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu?

Ngày 22-6, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết địa phương vừa ghi nhận trường hợp dương tính COVID-19 là một phụ nữ đến từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Đó là trường hợp bà LTG (45 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè). Ngày 21-6, bà G. được con đưa đến bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) khám do bị ho, sốt.

Do có triệu chứng nên nay từ cổng bệnh viện, hai mẹ con bà G. được sàng lọc, phân luồng vào khu vực riêng và test nhanh. Kết quả bà G. dương tính với virus SARS-CoV-2.

1 người ở Tiền Giang qua Vĩnh Long khám bệnh được phát hiện dương tính COVID-19 - ảnh 1BV Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long), nơi sàng lọc và phát hiện trường hợp dương tính COVID-19. Ảnh: HD

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 1

Sau đó, bà G. được lấy mẫu xét nghiệm realtime - PCR gửi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, kết quả dương tính COVID-19 và được chuyển về Bệnh viện Phổi cách ly điều trị.

Qua khai thác dịch tễ ban đầu cho thấy, con trai bà G. là NTL là sinh viên của trường đại học ở quận Tân Bình (TP.HCM) đã về địa phương cách nay 1 tháng, con gái bà tên N. đang học tại Trường THPT ở An Hữu, Cái Bè (Tiền Giang).

Ngày 17-6, bà G. có triệu chứng sốt, ho và có nhờ con gái mua thuốc tự điều trị như không khỏi. Trong ngày bà có đi đến nhà hàng xóm ở Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang xin vải để làm gia công.

Ngày 18-6, bà được con trai chở đi chích thuốc tư tại phòng mạch tư.

Ngày 19-6 bà chỉ ở nhà, không ra ngoài.

Ngày 20-6, bà được con trai đưa đến khám và điều trị tại Phòng khám đa khoa An Thái Trung với chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.

Ngày 21-6, bà cùng con trai đi xe máy đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long). Trong suốt quá trình di chuyển đều đeo khẩu trang và không có ghé dọc đường.

Ngoài ra, bà G. khai có đến nhà cha ở ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè khoảng 30 phút rồi quay về nhưng không nhớ rõ ngày.

Ngành chức năng đã truy vết được 7 F1 (trong đó có con trai bà G.) và 6 F2 tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, kết quả 100% trường hợp đều âm tính.

Hiện ngành chức năng đang tiếp tục truy vết các trường hợp liên quan đến người nghi nhiễm và tiến hành các công tác phun khử khuẩn. Tỉnh Vĩnh Long cũng thông báo kết quả điều tra cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang phối hợp điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần F1, F2 cũng như nguồn lây.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

TP.HCM: Sàng lọc phát hiện 5 F0, BV Đa khoa Sài Gòn tạm dừng nhận bệnh nhân

Trưa 22/6, đại diện bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết, trong 4 giờ khám sàng lọc bệnh nhân từ 12 giờ 30 đến 16 giờ 30, bệnh viện đa khoa Sài Gòn phát hiện 5 ca mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây. Đây là lần đầu tiên bệnh viện phát hiện các ca bệnh Covd-19.

Sau khi phát hiện, bệnh viện đã cáo báo cáo nhanh gửi Sở Y tế TP.HCM.

Theo đó, năm ca bệnh nhân này đều là nam, tuổi 23 - 59, đến bệnh viện khám bệnh và được cách ly, khám sàng lọc với các triệu chứng phổ biến như đau họng, ho khan - ho đàm, sốt, mất vị giác, đau vùng trước xương ức và có đờm.

Trong số 5 bệnh nhân có 3 bệnh nhân cư trú tại các phường Cầu Kho, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, 1 bệnh nhân tại phường Tân Phú, quận 7 và 1 bệnh nhân phường 25, quận Bình Thạnh.

Ngoại trừ 2 bệnh nhân chưa xác định được lịch sử dịch tễ, 3 bệnh nhân còn lại đều có lịch sử dịch tễ khá rõ ràng. Sáng nay, cơ quan y tế đã đưa các bệnh nhân đi cách ly tại bệnh viện dã chiến Củ Chi

Cụ thể, trường hợp cư trú tại phường Cầu Kho, quận 1 làm nghề bán tạp hóa, có tiếp xúc với cháu (F0) sống ở hẻm trên đường Cống Quỳnh.

Trường hợp tại phường 25, quận Bình Thạnh ở kế hẻm phong tỏa và ngồi chung phòng với bệnh nhân có test nhanh dương tính.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 2

Trường hợp còn lại ở phường Tân Phú, quận 7 có ngồi chung phòng với bệnh nhân test nhanh dương tính và mỗi sáng thường chở vợ đi chợ Bình Điền, quận 8.

Phía bệnh viện cho hay, tất cả các bệnh nhân này lúc vào đều được phân luồng khám sàng lọc, điều trị ngay từ đầu tại khu cách ly của bệnh viện. Đến sáng 22/6, tất cả đều có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bệnh viện tạm ngưng khám bệnh ngoại trú, đồng thời tiếp tục rà soát lại tất cả các quy trình để đảm bảo an toàn phòng dịch.

(Theo Báo Giao Thông)

Bệnh viện đa khoa Sài Gòn tạm phong tỏa khoa khám bệnh sau khi phát hiện 5 ca nghi nhiễm COVID-19

Ngày 22/6, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) đã phải tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân do vừa phát hiện 5 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 từng đến khám bệnh tại đây.

Theo thông tin từ phía Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, chiều qua 21/6 có 5 người đến khám ở Khoa Khám bệnh của bệnh viện với các biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, khó thở... nên đã được khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm.

Sáng nay 22/6, kết quả xét nghiệm cho thấy 5 trường hợp trên đã dương tính với SARS-CoV-2.

Khai thác thông tin dịch tễ cho thấy, 5 bệnh nhân có 3 bệnh nhân cư trú tại các phường Cầu Kho, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, 1 bệnh nhân tại phường Tân Phú, quận 7 và 1 bệnh nhân phường 25, quận Bình Thạnh. 

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã thực hiện test nhanh cho toàn bộ 300 nhân viên y tế của bệnh viện. Đồng thời cho cách ly ngay tại bệnh viện với những trường hợp nhân viên y tế có tiếp xúc gần với 5 trường hợp trên.

Bệnh viện đa khoa Sài Gòn đã tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân, đồng hời khử khuẩn và chờ hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) trước khi hoạt động trở lại.

Hữu Huy

F0 trốn đi mua đồ ăn, bị phạt 17,5 triệu đồng

Ngày 21/6, thông tin từ UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, bệnh nhân bị phạt 17,5 triệu đồng về hành vi Trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 3

Hình ảnh bệnh nhân C.N.V. trèo tường ra ngoài mua đồ ăn. Ảnh cắt từ clip.

Người vi phạm là C.V.N (sinh năm 1999), quê ở bản Phặng, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu (Sơn La), là công nhân Công ty Samkwang, KCN Quang Châu (Việt Yên) đang điều trị do dương tính với SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế huyện từ ngày 23/5.

Trước đó, khoảng 19h ngày 3/6, bệnh nhân C.V.N. trèo tường trốn ra khỏi Trung tâm Y tế huyện (nơi được bố trí làm bệnh viện dã chiến) ra ngoài mua đồ ăn tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị H. (đường Tuệ Tĩnh, tổ dân phố 3, thị trấn Thắng). Trong thời gian mua hàng (khoảng 5 phút), N. có đeo khẩu trang, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, sau đó trèo tường trở lại khu điều trị.

Làm việc với cơ quan chức năng, C.V.N. khai nhận: Sau bữa ăn, một nhóm bạn gái kêu đói muốn ăn bánh, uống sữa. Ngay lập tức C.V.N. trèo qua tường Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa ra quán tạp hóa gần đó để mua đồ ăn cho các bạn. Hành vi này khiến 3 người gồm chủ quán và 2 khách mua hàng cùng thời điểm trở thành F1, 12 người liên quan khác là F2, phải áp dụng biện pháp cách ly để theo dõi sức khỏe.

Hành vi của N. được xác định là trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, vi phạm quy định phòng, chống dịch, được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, UBND huyện Hiệp Hòa quyết định xử phạt 17,5 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Hiệp Hòa đã đưa các F1 đi cách ly tập trung, đồng thời giao UBND thị trấn Thắng tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực cửa hàng của bà Nguyễn Thị H, giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà đối với các F2 theo quy định.

TP.HCM điều tra các ca nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện qua khám sàng lọc

Sáng 22-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay tính từ 18 giờ ngày 21-6 đến 6 giờ ngày 22-6, TP ghi nhận thêm 36 trường hợp nhiễm mới (BN13484, BN13496-BN13530), trong đó 33 ca là các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong toả, 3 trường hợp đang điều tra dịch tễ được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc. 

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 4

Tiêm cho nhân viên của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

33 trường hợp tiếp xúc cụ thể: liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (3); liên quan chuỗi lây tại điểm thu phế liệu Đề Thám, quận 1 (4); chuỗi Ehome 3 (6); chuỗi Hnam Mobile (1), công ty Kim Minh quận 5 (1); chuỗi liên quan chợ hhu phố 2 Bình Tân (7); liên quan BN10118 (1); chuỗi xưởng cơ khí ở Hóc Môn (2); liên quan BN13085 (1); chuỗi liên quan Bệnh viện quận Tân Phú (2); tiếp xúc với bệnh nhân ở tỉnh khác (1); liên quan BN11300 (1); liên quan BN11202 (1); Chuỗi liên quan xưởng cơ khí ở Gò Vấp (1); liên quan BN11990 (1).

Từ 0 giờ ngày 20-6, TP thực hiện chỉ thị 10 của UBND TP. Người dân cần tuân thủ đúng các quy định theo chỉ thị này, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi ra khỏi nhà.

Đồng Nai: Gần 1.500 người liên quan ca nghi nhiễm COVID-19 sống tại TP.HCM đến làm việc ở Nhơn Trạch

Sáng 22/6, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết, đã ghi nhận 1 ca nghi nhiễm COVID-19 là nữ sống tại phường Cát lái, TP.Thủ Đức (TP. HCM) đến làm việc tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. 

Theo đó, ca nghi nhiễm cùng gia đình thuê nhà làm cửa hàng quảng cáo tại xã Đại Phước, hàng ngày từ TP.Thủ Đức đến làm việc tại đây. 

Sau khi có thông báo liên quan ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Nhơn Trạch, ngày 21/6, CDC Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Qua điều tra dịch tễ, ca nghi nhiễm cùng chồng là F1 hàng ngày di chuyển, mua đồ tại khu chợ quanh cửa hàng. Công việc của người chồng là đi lắp đặt bảng quảng cáo nhiều nơi trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Chồng và con nữ bệnh nhân xét nghiệm COVID-19 ngày 20/6 có kết quả âm tính.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 5

Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch và các lực lượng chức năng đã điều tra, truy vết được 10 trường hợp F1 chuyển cách ly tập trung. Các lực lượng tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc để giám sát, cách ly theo quy định..Ngay trong đêm 21/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Nhơn Trạch đã họp khẩn cùng Sở Y tế, CDC Đồng Nai để triển khai các biện pháp xử lý ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Huyện Nhơn Trạch tiến hành phong tỏa tạm thời đoạn đường khoảng 700m gồm cửa hàng tại xã Đại Phước của ca nghi nhiễm và khu chợ quanh cửa hàng, ước tính khoảng 300 hộ dân với gần 1.500 người.

Theo đánh giá của CDC Đồng Nai, sẽ có khả năng lây nhiễm cộng đồng trong khu vực phong tỏa, ngoài khu vực phong tỏa ít nguy cơ lây nhiễm.

Hữu Huy

Thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta+ mới nổi lên ở Ấn Độ

Ít nhất 33 trường hợp tại Ấn Độ đã nhiễm thể Delta-plus (Delta+) của virus SARS-CoV-2 chứa một đột biến khác với biến thể Delta vốn đã vô cùng nguy hiểm, tờ The Times of India đưa tin.

Các ca nhiễm biến thể Delta+ đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ là năm trong số 50 bệnh nhân COVID-19 ở TP Ratnagiri (bang Maharashtra) được lấy mẫu ngẫu nhiên để giải trình tự gen hồi tháng 5.

Đến ngày 20-6, số ca nhiễm biến thể Delta+ đã lên tới 20, gồm tám trường hợp tại Maharashtra cùng các ca nhiễm ở các bang Tamil Nadu, Maharashtra, Punjab, Madhya Pradesh...

Ngày 21-6, người đứng đầu ngành y tế bang Maharashtra cập nhật rằng bang này đã phát hiện tổng cộng 21 ca nhiễm biến thể Delta+ trong số hơn 7.500 mẫu bệnh phẩm được chọn ngẫu nhiên để giải trình tự gen trong hơn một tháng qua, theo trang tin NDTV (Ấn Độ). 

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 6

Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại một nhà ga tàu hỏa tại TP Mumbai, bang Maharashtra (Ấn Độ). Ảnh: HT MEDIA (ẤN ĐỘ)

Biến thể Delta+ (B.1.617.2.1) được hình thành do đột biến K417N xuất hiện trên biến thể Delta (B.1.617.2) - một trong bốn biến thể bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là “mối lo ngại toàn cầu”. Delta+ được cho là một biến thể không mới vì đã từng xuất hiện ở châu Âu vào cuối tháng 3.

Theo dữ liệu từ bản đồ quốc tế cập nhật trình tự gen virus SARS-CoV-2 GISAID, tính tới ngày 17-6, 57 trường hợp nhiễm biến thể Delta+ được ghi nhận bên ngoài Ấn Độ. Trong đó, Mỹ chiếm số lượng nhiều nhất với 14 trường hợp.

Biến thể K417N cũng được tìm thấy trên biến thể Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi). Các nhà khoa học lo ngại đột biến K417N có thể kết hợp với các đột biến vốn có trên biến thể Delta, làm virus thể Delta+ dễ lây lan hơn hoặc làm tăng khả năng kháng thuốc.

Hôm 16-6, bác sĩ V.K. Paul, Trưởng ban chỉ đạo chống COVID-19 Ấn Độ, cho biết Delta+ là "biến thể được quan tâm (VOI)" chứ chưa phải "biến thể gây lo ngại” (VOC) song tuyên bố giới chức Ấn Độ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển và lây lan của biến thể này.

Ông Subhash Salunkhe, cố vấn chương trình quốc gia chống COVID-19 của chính quyền New Delhi, nhấn mạnh rằng biến thể Delta vẫn chiếm tí lệ lớn trong số các ca nhiễm của làn sóng COVID-19 thứ hai đang hoành hành ở Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ biến thể Delta+ mới nổi lên ở nước này.

Tính tới ngày 21-6, Ấn Độ đã báo cáo tổng cộng hơn 29,9 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó 388.135 trường hợp đã tử vong, theo số liệu chính thức của Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ.

Ấn Độ đang dần khống chế làn sóng dịch thứ hai khi số ca nhiễm mới tiếp tục chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng COVID-19 thứ ba có thể sớm quay lại càn quét quốc gia đông dân thứ hai thế giới khi mà các biện pháp phòng dịch, ngay cả chiến dịch tiêm chủng, ở nhiều nơi chưa được thực hiện triệt để. 

(Theo Dân Việt)

Hà Tĩnh: Khách sạn, quán cà phê, nhà hàng được phép hoạt động trở lại

Từ 0 giờ ngày 22-6, các dịch vụ như khách sạn, quán cà phê, nhà hàng ở Hà Tĩnh được phép hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Theo ghi nhận vào sáng nay (22-6), tại các quán cà phê, quán ăn ở thị xã Hồng Lĩnh, tuy đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách vẫn rất ít.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (41 tuổi), chủ quán cà phê Sao Hôm có địa chỉ tại TDP 3, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, cho biết. "Quán đã mở cửa bán nhưng từ sáng đến giờ chỉ có được vài người khách, đa số là những khách hàng thân thiết. Bởi, dù đã được nới lõng trong việc phòng, chống dịch nhưng đa số người dân vẫn đang mang tâm lý lo lắng và bất an nên họ không muốn ra ngoài và tụ tập đông người", chị Xuân nói.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 7

Quán cà phê Sao Hôm tại thị xã Hồng Lĩnh đã hoạt động trở lại nhưng có rất ít khách hàng.

Trước đó, vào chiều ngày hôm qua (21-6), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký văn bản số 3922/UBND-VX1 chỉ đạo một số nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 22-6.

Theo đó, đối với thành phố, thị xã không tổ chức các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; hạn chế tối đa số lượng người tham gia đám cưới, đám tang và tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lây nhiễm, bao gồm: khu vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ/spa, quán cắt tóc gội đầu, phòng tập gym, yoga, bida; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet công cộng.

Bên cạnh đó, các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tiếp tục hoạt động nhưng phải duy trì thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với các cuộc họp, hội nghị của trung ương, ban thường vụ cấp ủy, HĐND, UBND, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp được tổ chức nhưng yêu cầu phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch đối với các thành phần tham gia và địa điểm tổ chức họp.

Các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải xin ý kiến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh bằng văn bản.

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...), khu di tích, danh lam thắng cảnh, các khu tập luyện thể thao, hoạt động thể thao, điểm công cộng được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

(Theo Người Lao Động)

TP HCM: Điều tra nguồn lây ca Covid-19 ở Bình Chánh

Sáng 21-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay TP vừa ghi nhận thêm 33 ca Covid-19 - tính từ 18 giờ ngày 18-6 đến 6 giờ hôm nay (các bệnh nhân 13224 - 13256, đã được Bộ Y tế công bố). 

Trong đó, 32 ca là các trường hợp tiếp xúc với những bệnh nhân đã được cách ly, 1 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Trường hợp đang điều tra dịch tễ này cư trú tại huyện Bình Chánh, được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 8

Công tác lấy mẫu chống dịch xuyên đêm của nhân viên chống dịch TP HCM (Ảnh HCDC)

32 trường hợp tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 nêu trên gồm: 3 người liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, phát hiện trong khu cách ly/phong tỏa; 1 người liên quan bệnh nhân 12337; 5 người liên quan chuỗi lây nhiễm chung cư Ehome 3, quận Bình Tân; 7 người liên quan bệnh nhân 12559; 8 liên quan chung cư Phú Thọ, quận 11; 1 liên quan Công ty Trung Sơn, quận Bình Tân; 1 liên quan bệnh nhân 9487; 4 liên quan bệnh nhân 10371 và 1 người liên quan chuỗi lây nhiểm từ chợ Khu phố 2, phường An Lạc, quận  Bình Tân.

Theo HCDC, từ 0 giờ ngày 20-6, TP HCM thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP. Chúng ta cần tuân thủ đúng các quy định theo chỉ thị này, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế...

(Theo Người Lao Động)

Hưng Yên thực hiện giãn cách xã hội ở huyện Yên Mỹ sau các ca mắc COVID-19 mới

Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục có diễn biến phức tạp liên quan đến 3 trường hợp có kết quả dương tính: Anh P.V.V, anh T.M.T là lái xe Bắc Nam và một học sinh là cháu P.H.L trên địa bàn thị trấn Yên Mỹ và xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ.

Ở thôn Thụy Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ cũng đã ghi nhận thêm trường hợp F0 là anh N.C.N (F1 của BN P.V.V) đang thực hiện cách ly, điều trị tại Bình Dương. Qua điều tra truy vết được 90 người gồm 25 F1 và 65 F2.

Hiện tại, địa phương đã đưa được 52 người lên cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế huyện và tại Trường Đại học Công Đoàn; thực hiện theo dõi cách ly tại nhà, nơi cư trú 289 người.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 9

Thị trấn Yên Mỹ thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 22/6. Ảnh LN

Trước diễn biến phức tạp của dịch, tỉnh Hưng Yên đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách. UBND huyện Yên Mỹ đã có quyết định 1984/QĐ-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ đối với Thị trấn Yên Mỹ, xã Trung Hưng và thôn Thụy Lân – xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ từ 0 giờ ngày 22/6 đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Yên Mỹ đã ban hành Quyết định số 185/QĐ-BCĐ thành lập 8 chốt liên ngành kiểm soát ra, vào vùng phong tỏa dịch COVID-19 trên địa bàn huyện gồm 4 chốt ở thị trấn Yên Mỹ, 4 chốt tại xã Trung Hưng.

Các chốt chia làm 3 ca trực, mỗi ca chốt gồm 4 người (1 cán bộ công an huyện, 1 cán bộ ban chỉ huy quân sự huyện, 1 cán bộ y tế, 1 cán bộ thôn) trực 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần bắt đầu từ ngày 21.6.2021 cho đến khi có chỉ đạo dừng hoạt động của UBND huyện Yên Mỹ.

Nhiệm vụ của chốt là lập barie kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không cho người và phương tiện ra, vào vùng phong tỏa dịch COVID– 19 (trừ người và phương tiện chở lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm được cấp phép của cấp có thẩm quyền).

(Gia đình & Xã hội)

Người từ tỉnh, thành nào về Thanh Hóa phải cách ly tập trung?

Tại Thanh Hóa, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, rải rác các ca bệnh xâm nhập đều đã được giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ngay từ đầu, hạn chế được tối đa số trường hợp tiếp xúc F1, F2, không để lây lan diện rộng. 

Tuy vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở một bộ phận người dân và một số địa phương.

COVID-19 22/6: Trước khi đến viện khám phát hiện dương tính, người phụ nữ đã đi những đâu? - 10

Những người từ các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế về Thanh Hóa phải cách ly tập trung 21 ngày

Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào kiểm soát người về từ các tỉnh, thành phố có dịch (đặc biệt là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…) và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở các khu vực trọng điểm như khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, các khu vực tập trung đông người…, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì trạng thái cảnh báo dịch ở mức độ cao nhất, chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ...

Đồng thời yêu cầu tất cả những người đi, đến và trở về từ các điểm dịch, các khu phong tỏa, khu cách ly, giãn cách, các mốc dịch tễ theo thông báo của Bộ Y tế phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày và được lấy mẫu làm xét nghiệm tối thiểu 3 lần.

Tất cả những người đi, đến và trở về từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương không từ các điểm, mốc dịch tễ nêu trên theo thông báo của Bộ Y tế thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày và được lấy mẫu làm xét nghiệm tối thiểu 3 lần.

Các đối tượng còn lại khi trở về tỉnh phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe tại nhà tối thiểu 02 ngày.

Sáng 22/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay lực lượng chức năng tại các địa phương trong tỉnh đã truy vết được 188 trường hợp F1 liên quan đến BN12514 ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.

Trong đó có 9 người ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân; 9 người là nhân viên Sân bay Thọ Xuân; 170 người đi cùng chuyến bay VN1274 của hãng hàng không Việt Nam Airlines ngày 15/6. Có 23/27 huyện/thị xã/thành phố có công dân trên chuyến bay VN1274.

(Gia đình & Xã hội)

                      Người Hà Nội ăn phở từ 5h sáng, quán bún 9h đã hết hàng
Sau nhiều ngày phải mua bún, phở… về nhà ăn, sáng nay, ngày đầu tiên Hà Nội cho phép mở cửa lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ ăn uống, nhiều người Hà Nội đã đến quán ăn một cách thoải mái.

Tin tức Hà Nội

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19