Tỉnh Sơn La vừa ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 mới, tỉnh này chưa xác định được F0 đầu tiên tại ổ dịch rất phức tạp ở huyện Phù Yên.
Ổ dịch phức tạp mất dấu F0 thêm nhiều ca mắc COVID-19, có cán bộ trực chốt kiểm dịch
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La cho biết vừa ghi nhận 9 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 7 trường hợp trở về từ vùng dịch, 1 trường hợp là người dân trong vùng phong tỏa tại bản Úm 1 (xã Huy Thượng, huyện Phù Yên) và 1 trường hợp là F1 của bệnh nhân (BN) COVID-19 số 312951.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người đang cách ly tập trung ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La - Ảnh: Phạm Đức
Trong 2 ca tại cộng đồng, có bệnh nhân Đ.V.H. tham gia trực chốt 2 (Cầu đập tràn, xã Huy Thượng huyện Phù Yên) từ ngày 13-8. Hàng ngày có đi tuần bằng xe máy tại bản Úm 2, xã Huy Thượng (có đeo khẩu trang và không tiếp xúc với ai). Sau đó về nhà và tiếp xúc với 3 người trong gia đình. Ngày 18-8, có dừng lại mua đồ tại khu vực gần nhà BN 336927, sau đó về nhà và đi ra chốt số 2 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Từ 19-8 đến 22-8 chỉ thực hiện nhiệm vụ tại chốt số 2 và về nhà không đi đâu.
Bệnh nhân N.V.Q. ngày 16-8, khoảng 16 giờ đến 17 giờ, tiếp xúc với BN 312951 tại nhà (không đeo khẩu trang). Sau đó có tiếp xúc với người trong gia đình gồm 3 người (vợ Đ.T.Q là BN 336926 phát hiện ngày 20-8; con là N.V.Q. và N.H.M.). Ngày 17-8, khoảng 7 giờ xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên chăm bố tại khoa Hồi sức cấp cứu. Sau đó bệnh viện bị phong tỏa nên bị cách ly tại đó từ ngày 17-8 đến nay.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của 9 bệnh nhân không ho, không sốt, không khó thở, đã được chuyển đến điều trị ở Khu điều trị F0 của huyện Phù Yên.
7 bệnh nhân mới được phát hiện trong khu vực cách ly tập trung của huyện Phù Yên, có tiền sử đi từ Bình Dương về, đến chốt Đu Lau được đưa thẳng vào khu cách ly tập trung huyện Phù Yên (các bệnh nhân đều liên quan đến các phòng có ca dương tính trước đó).
Theo CDC tỉnh Sơn La, hiện tại diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Phù Yên rất phức tạp, nhiều trường hợp F0 lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt tại Bản Úm 2, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên. Một số khu vực khác như thị trấn Phù Yên, xã Mường Lang, xã Mường Cơi là những địa điểm liên quan đến các trường hợp F0 đã phát hiện.
Ngày 23-8, tại bản Úm 1 xuất hiện ca bệnh đầu tiên tai cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng xác minh trường hợp F0 đầu tiên trong cộng đồng tại huyện Phù Yên nên rất khó khăn trong việc khoanh vùng, truy vết, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm.
Qua quá trình điều tra, truy vết bước đầu xác định ổ dịch tại Bản Úm 2, Bản Úm 1 (xã Huy Thượng) là ổ dịch phát hiện tại cộng đồng, có khả năng lây nhiễm rất cao. Mặt khác, thời gian vừa qua, xã Huy Thượng có tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 cho toàn dân, phải tổ chức tập trung, vì thế trong thời gian tới rất có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp F0 tại một số bản khác trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại chưa xác định được nguồn lây, nhưng nghĩ nhiều đến mối liên hệ với các ca F0 được phát hiện trong khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Tính từ 21-7 đến 20 giờ 23-8, tỉnh Sơn La đã ghi nhận 161 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 138 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung và 23 ca phát hiện tại cộng đồng có liên quan đến các trường hợp F0 đã phát hiện tại cộng đồng trước đó.
Hiện tại 15 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện (2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, 13 bệnh nhân tại khu điều trị F0 của huyện Phù Yên), 5 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên và 141 trường hợp đang điều trị tại khu điều trị F0 của huyện Phù Yên.
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội: Tìm người đến 2 con ngõ sau khi ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2
Tối 24/8, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 quận Thanh Xuân (Hà Nội) thông báo tìm người đã đến ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung từ ngày 17 đến 24/8.
Tất cả những người từng đến địa điểm đã nêu trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung (02438586236 - 0983471105) hoặc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (02485823468 - 0912495783) để được hướng dẫn.
Trong 2 ngày 23 và 24/8, phường Thanh Xuân Trung phát hiện 21 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 19 ca cư trú trong 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi. Chính quyền địa phương đã quyết định cách ly y tế tại ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ 14h ngày 23/8 đến 14h ngày 30/8. Khu vực cách ly y tế thuộc 3 tổ dân phố, có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, 2 ca đầu tiên ghi nhận tại phường Thanh Xuân Trung là 2 mẹ con sống tại ngõ 330 Nguyễn Trãi. Chiều 22/8, họ đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh test nhanh kháng nguyên SARS-Cov-2 dương tính, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR kết quả khẳng định dương tính.
(Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM)
Người ra - vào thành phố Hải Phòng phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Tối 24/8, UBND TP Hải Phòng ra chỉ đạo khẩn chỉ đạo từ 26/8/2021, các chốt kiểm soát dịch nơi cửa ngõ thành phố chỉ cho phép những người có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR còn giá trị trong vòng 72 giờ được vào Thành phố.
Người đi từ vùng dịch khi vào Hải Phòng ngoài có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR còn phải áp dụng biện pháp cách ly theo hướng dẫn của Sở Y tế (tự chi trả kinh phí).
Người ra - vào thành phố Hải Phòng phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Những trường hợp vào thành phố công tác phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR còn giá trị trong vòng 72 giờ, còn phải trình giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và văn bản đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
Đối với các xe taxi truyền thống và công nghệ chỉ được chở khách trong phạm vi thành phố; các xe luồng xanh chở người của Hải Phòng đi các địa phương khác chỉ được đón chở khách từ các Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cửa ngõ, không được phép vào thành phố.
UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Y tế dừng thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 tại các Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 cửa ngõ vào thành phố. Đồng thời triển khai xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 thành phố chi trả kinh phí, hoàn thành trước ngày 05/9/2021 cho các đối tượng sau: lái xe (xe vận tải hàng hóa và xe vận tải hành khách) trên địa bàn thành phố, nhân viên làm việc trong Cảng có liên quan đến các tàu nhập cảnh và tàu đi từ vùng dịch về; các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trên địa bàn thành phố; các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các cơ sở y tế không có hệ thống xét nghiệm RT-PCR.
Các cơ sở y tế có hệ thống xét nghiệm RT-PCR chủ động làm xét nghiệm cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú.
Bổ sung ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao: Lái xe, người làm việc tại Cảng, làm việc tại các Khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất.
Về phía Sở Du lịch, Thành phố yêu cầu phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ sở lưu trú dừng tiếp nhận khách vãng lai; chỉ phục vụ cho công nhân, người đến thành phố công tác có giấy xác nhận của cơ quan đến công tác.
Đối với các địa phương quận, huyện trên địa bàn, cần tăng cường hoạt động các Tổ COVID-19 cộng đồng tại thôn, tổ dân phố giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp đi từ các địa phương khác về địa bàn để quản lý. Rà soát phát hiện tất cả những trường hợp có triệu chứng ho sốt trên địa bàn để thực hiện xét nghiệm sớm.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Bí thư Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin "mất tiền để tiêm vaccine Covid-19"
Chiều nay (24/8), Báo Đại đoàn kết đăng bài điều tra: "Mất tiền cho "cò" để được tiêm vaccine Covid-19 thần tốc" phản ánh hiện tượng tiếp cận và chi tiền thông qua một đối tượng xấu để được tiêm vaccine tại điểm tiêm trên địa bàn phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Ngay sau khi nắm được thông tin này, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ.
"Nếu có vi phạm như báo phản ánh phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; tuyệt đối không để vi phạm này ảnh hưởng đến uy tín và công sức của cả thành phố trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 thời gian qua", ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm thực chất, hiệu quả đợt giãn cách xã hội lần thứ 3, tổ chức tiêm vaccine kịp thời, đúng đối tượng ngay khi được phân bổ.
Đặc biệt, các cấp, các ngành phải chủ động rà soát các khâu, các quy trình lập danh sách, tổ chức tiêm vắc xin trên địa bàn bảo đảm đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng chính sách tiêm vaccine miễn phí nhân văn của Nhà nước.
Cán bộ, công chức, viên chức tiếp tay cho những vi phạm này phải được coi là tình tiết tăng nặng trong xử lý kỷ luật và xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên cảnh báo và chỉ đạo ngăn chặn vi phạm pháp luật trong việc tiêm vaccine, nghiêm cấm tiêm vaccine không đúng đối tượng.
(Theo Báo Giao Thông)
Đau họng đi xét nghiệm, nữ nhân viên giao dịch viễn thông dương tính SARS-CoV-2
Tối 24-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 24-8), Nghệ An ghi nhận thêm 69 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, có 22 ca cộng đồng, 47 ca đã được cách ly tập trung trước đó.
Các ca nhiễm Covid-19 phân bổ ở các địa phương: TP Vinh (26), Yên Thành (18), thị xã Cửa Lò (4), Diễn Châu (9), Hưng Nguyên (2), Nam Đàn (1), Quế Phong (5), Quỳnh Lưu (1), Tân Kỳ (1), Đô Lương (2). Các trường hợp nhiễm Covid-19 cộng đồng ghi nhận ở các địa phương: Thị xã Cửa Lò (4), Đô Lương (2), Hưng Nguyên (1), Yên Thành (5), TP Vinh (10)...
Riêng 10 ca cộng đồng tại TP Vinh phân bổ ở 6 xã, phường: Bến Thủy (1), Vinh Tân (1), Hồng Sơn (3), Hưng Bình (2), Nghi Liên (1), Nghi Phú (2).
Trong các ca cộng đồng ở TP Vinh có trường hợp chị C.Th.Nh.Y. (SN 1993), trú phường Bến Thủy, TP Vinh. Chị Y. là nhân viên giao dịch của công ty Viettel chi nhánh số 21 Nguyễn Phong Sắc, TP Vinh. Ngày 22-8, chị Y. xuất hiện đau, rát họng, tối ngày 23-8 chị Y. bị sốt. Sáng ngày 24-8, chị Y. đến Bệnh viên Đa khoa Cửa Đông làm test nhanh 2 lần đều dương tính, sau đó chị Y. được lấy mẫu xét nghiệm PCR cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Như vậy, tính từ 13-6 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận 1.062 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh 301, Quỳnh Lưu 143, Yên Thành 127, Kỳ Sơn 55, Diễn Châu 80, Tương Dương 29, Nghi Lộc 51, Hưng Nguyên 38, Quế Phong 40, Nam Đàn 40, thị xã Hoàng Mai 20, thị xã Cửa Lò 31, Tân Kỳ 23, Anh Sơn 13, Đô Lương 18, Con Cuông 12, Quỳ Hợp 13, Thanh Chương 13, thị xã Thái Hòa 6, Nghĩa Đàn 8, Quỳ Châu 1. Lũy tích số ca điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên: 335 bệnh nhân. Số ca tử vong: 1. Số ca hiện đang điều trị: 726.
(Theo Tiền Phong)
Vợ không qua được chốt, chồng đe dọa “xử” lực lượng trực chốt
Trưa 24/8, ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, công an huyện củng cố hồ sơ nếu đủ yếu tố xem xét khởi tố vụ án hình sự đối với ông Hồ Văn Đức (57 tuổi, ngụ ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) do có lời nói chởi bới, đe dọa... lực lượng trực chốt kiểm soát dịch.
Riêng UBND xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa đã ra quyết định xử phạt ông Đức với số tiền 4,5 triệu đồng về hành vi ra đường không lý do chính đáng và xúc phạm lực lượng thi hành công vụ. Đồng thời phạt bà Nguyễn Thị Luyến (47 tuổi, vợ ông Đức) 2 triệu đồng do ra đường không lý do chính đáng.
Đối tượng Hồ Văn Đức lăng mạ, đe dọa lực lượng kiểm soát dịch trực chốt.
Trước đó, chiều 21/8, ông Đức đến chốt kiểm tra phòng, chống dịch covid-19 ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa kiếm chuyện gây sự với lực lượng trực tại đây. Lý do ông Đức quậy là trưa cùng ngày, vợ của ông đi chợ nhưng không được cho qua khỏi khu vực này. Đội trưởng dân phòng Lê Văn Tỷ, phụ trách chốt giải thích vì trách nhiệm chung thời điểm giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, ông Đức không nghe, liên tục chửi bới và có lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, đe dọa sẽ "xử đẹp" đội trưởng dân phòng và lực lượng trực chốt trong vài ngày tới. Ông Đức chửi khá lâu ở điểm phòng chống dịch như chốn không người, đồng thời còn định hành hung đội trưởng dân phòng nhưng bất thành nên bỏ về nhà.
Nhận tin báo, Công an xã Bình Thạnh có mặt mời đối tượng về làm rõ hành vi vi phạm. Tại cơ quan công an, ông Đức thừa nhận hành vi của mình và ký vào biên bản vi phạm.
(Theo Báo Giao Thông)
Hà Nội: Cách ly khu vực có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Thanh Xuân
Chiều 24/8, lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chính quyền đã quyết định cách ly y tế tạm thời trong vòng 7 ngày, tại ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, từ 14h ngày 23/8 đến 14h ngày 30/8.
Theo lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Trung, khu vực cách ly y tế thuộc 3 tổ dân phố, có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.
Cách ly ngõ 238 phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội).
Từ ngày 23 đến trưa 24/8, Hà Nội ghi nhận tổng 19 ca COVID-19 tại 2 ngõ này. Cụ thể, 2 ca đầu tiên ghi nhận tại phường Thanh Xuân Trung là 2 mẹ con sống tại ngõ 330 Nguyễn Trãi. Chiều 22/8, họ đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính, sau đó được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR kết quả khẳng định dương tính.
Đến sáng 24/8, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 4 bệnh nhân sống tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, được lấy mẫu xét nghiệm do sống trong khu vực phong tỏa hoặc có biểu hiện ho, sốt, đều cho kết quả dương tính.
Đến trưa 24/8, thêm 13 người sống tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, sống trong khu vực phong tỏa từ ngày 22/8. Họ được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 23/8, ngày 24/8 có kết quả xét nghiệm dương tính.
(Theo Dân Việt)
Người dân TP Phan Thiết không được ra đường từ 18 giờ hôm nay
Từ hôm nay (24-8), người dân tại TP Phan Thiết và thị xã La Gi (Bình Thuận) được yêu cầu không được đi ra khỏi nhà từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau;
Theo đó, trừ các trường hợp: cấp cứu, cứu hỏa; các lực lượng phòng, chống dịch, cơ yếu; lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cấp bách cung cấp cho các cơ sở kinh doanh; các tiểu thương chợ đầu mối, còn lại, tất cả người dân không được ra khỏi nhà. Cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Đối với thị xã La Gi, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo trong thời gian 7 ngày tới, yêu cầu người dân địa phương này không ra khỏi nhà, giảm triệt để số lượng công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp đi làm tại công sở.
Đối với TP Phan Thiết đang trải qua tuần thứ 4, còn thị xã La Gi đang trải qua tuần thứ 6 thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Bình Thuận yêu cầu chính quyền thị xã La Gi phải thay đổi ngay cách thức thực hiện và cần có biện pháp cao hơn, quyết liệt hơn nữa thì mới sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu hai địa phương trên tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống dịch, áp dụng triệt để các biện pháp chống dịch nghiêm hơn, chặt chẽ hơn.
Đến sáng 24-8, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 1.766 ca mắc Covid-19, trong đó thị xã La Gi nhiều nhất với 1.263 ca, tiếp theo là TP Phan Thiết với 300 ca.
(Theo Người Lao Động)
Dân Đà Nẵng khu vực nào được thí điểm tự test Covid-19 tại nhà?
Ngày 24/8, ông Võ Đức Lâm, Chủ tịch UBND P.Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cho biết, địa phương đang nghiên cứu triển khai thí điểm cho người dân tự test nhanh Covid-19 tại nhà.
Theo ông Lâm, nếu triển khai sẽ tổ chức thí điểm tại vùng có nguy cơ rất cao của phường. Với 2 khu thì sẽ có tổng cộng khoảng 4.500 người.
Nhiều địa phương tại Đà Nẵng đang đẩy nhanh việc xét nghiệm lần 3 cho người dân.
"Đây là chủ trương của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Còn thực hiện thì phải có tập huấn cho người dân quy trình test nhanh chứ cũng không đơn giản. Hiện nay, phường đang chờ hướng dẫn quy trình thực hiện của Sở Y tế”, ông Lâm cho hay.
Trước đó, tại buổi làm việc với P.Hòa Cường Nam hôm qua (23/8), ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị địa phương thí điểm việc phát các kit test nhanh Covid-19 để người dân tự test dưới sự hướng dẫn, kiểm tra của ngành y tế.
Theo Bí thư Đà Nẵng, đây là định hướng về lâu về dài trong chiến lược phòng, chống dịch của thành phố.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, Q.Hải Châu đang là điểm nóng nhất của thành phố.
Trong đó, các Hoà Cường Nam, Hoà Thuận Đông, Thạch Thang là những phường có nguy cơ rất cao.
Ông Võ Đức Lâm cho biết thêm, trong ngày 24/8, phường sẽ hoàn tất việc xét nghiệm toàn dân đợt 3 theo đúng tinh thần chỉ đạo không bỏ sót ai, với khoảng 20.000 người dân.
Từ ngày 11 - 23/8, địa phương này ghi nhận 101 trường hợp dương tính (trong đó F0 phát hiện mới là 34 trường hợp; F1 chuyển F0 đã cách ly là 67 trường hợp).
Phường đang ở mức độ nguy cơ rất cao, tập trung ở 1/2 khu vực Tiên Sơn 2 (9 tổ dân phố với 631 hộ) và khu vực Tiên Sơn 3 (9 tổ dân phố với 592 hộ)
(Theo Báo Giao Thông)
Tạm dừng chợ Hà Đông vì một ca nhiễm COVID-19 ghé mua hàng
Ban Quản lý chợ Hà Đông thông báo đến các tiểu thương về việc tạm thời đóng cửa 3 ngày (24- 26/8) vì có ca F0 từng đến mua hàng ở chợ.
Ban Quản lý chợ Hà Đông yêu cầu các hộ kinh doanh tại khu B chợ thu dọn, che đậy kín hàng hóa và ra khỏi chợ trước 18h30 ngày 23/8 để Trung tâm Y tế quận Hà Đông làm công tác khử khuẩn.
Chợ Hà Đông đã bị dừng hoạt động vì ca nhiễm COVID-19.
Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh và an ninh trật tự tại chợ, từ 24/8 đến 26/8, các hộ kinh doanh không ra chợ bán hàng đến khi có thông báo mới.
Ngày 23/8, địa bàn quận Hà Đông có ca bệnh F0 là T.T.N (nữ, SN 1966, cư trú tại tổ dân phố 2, phường Quang Trung). Qua khai thác lịch trình, F0 có đi mua hàng tại chợ Hà Đông.
Những ngày tới, UBND phường Nguyễn Trãi phối hợp với Trung tâm Y tế quận và Ban Quản lý chợ Hà Đông sẽ lấy mẫu xét nghiệm đối với các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Đông. Chợ sẽ tạm dừng hoạt động cho đến khi có kết quả xét nghiệm và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
UBND phường Nguyễn Trãi khuyến cáo người dân của phường có thể đến mua sắm lương thực, thực phẩm tại cửa hàng tiện ích Vinmart+ (148 Lê Lợi; 121-123 Tô Hiệu); siêu thị Đức Thành (37 Bà Triệu); siêu thị MM Mega Market Hà Đông (tại Melinh Plaza Hà Đông)...
Cũng tại quận Hà Đông, 0h ngày 24/8/2021, lực lượng chức năng quận này đã tạm thời phong tỏa, cách ly y tế hai tuyến phố Nguyễn Thái Học và Trương Công Định (phường Yết Kiêu).
Trước đó, ngày 20/8, toàn bộ Tổ dân phố số 2, phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) tạm thời bị phong tỏa, cách ly y tế do liên quan đến các ca mắc mới COVID-19.
Trưa 20/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết có 5 ca bệnh tại tổ 2, phường Quang Trung, Hà Đông. Ngày 19/8, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc theo diện khu vực nguy cơ và có kết quả dương tính với COVID-19.
(Theo Báo Giao Thông)
Trà Vinh giảm thời gian cách ly F1, chủ động cấp giấy đi đường cho dân
Ngày 24-8, tin từ UBND tỉnh Trà Vinh cho biết Chủ tịch tỉnh ông Lê Văn Hẳn vừa thống nhất điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1.
Theo đó tỉnh điều chỉnh thời gian cách ly y tế tập trung đối với các F1 từ 21 ngày xuống còn 14 ngày. Công tác lấy mẫu xét nghiệm PCR được thực hiện 3 lần. Sau khi hoàn thành cách ly F1 về theo dõi tại nhà thêm 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên 02 lần.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc cấp giấy di chuyển cụ thể, rõ ràng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động di chuyển đến cơ quan làm việc.
Đối với người dân, Chủ tịch UBND các địa phương giao Trưởng Ban nhân dân ấp, khóm chủ động nắm thông tin người dân thuộc địa bàn quản lý khi thực sự cần thiết phải di chuyển sang địa bàn khác thì lập danh sách đề nghị UBND cấp xã cấp giấy di chuyển, đúng người, đúng việc, rõ thông tin, tuyến di chuyển… không cấp tràn lan. Tuyệt đối không để người dân tự ý đến cơ quan xin cấp giấy di chuyển, tránh xảy ra di chuyển nhiều, tụ tập đông người ảnh hưởng đến việc thực hiện giãn cách xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu người dân ở tại nhà, không ra đường khi không thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không ra đường trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, thực hiện nghiêm quy định 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các đơn vị tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch xét nghiệm cộng đồng nhanh, đồng bộ, trọng tâm, theo hình thức cuốn chiếu, việc xét nghiệm tại từng ấp, khóm có nguy cơ rất cao phải đảm thực hiện xong trong vòng 01 ngày, triển khai xong địa bàn nào phải thắt chặt quản lý, giữ sạch địa bàn đó. Song song đó tiếp tục khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trà Vinh, sáng cùng ngày tỉnh ghi nhận thêm 6 ca dương tính COVID-19 nâng tổng số ca nhiễm trên địa bàn là 1.187. Đã điều trị khỏi 381 trường hợp, có 9 trường hợp tử vong.
(Theo Pháp luật TP,HCM)
Vì sao Đắk Lắk dừng đón công dân tạm trú tại Tây Ninh về quê tránh dịch?
Ngày 24-8, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đến ngày 23-8, không thấy văn bản phản hồi của UBND tỉnh Tây Ninh nên tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản về việc tạm dừng kế hoạch đón công dân đang tạm trú tại tỉnh Tây Ninh trở về địa phương.
Tỉnh Đắk Lắk đón công dân ở Đồng Nai về quê.
Theo văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 5-8, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp, hỗ trợ đưa công dân tỉnh Đắk Lắk (thuộc nhóm đối tượng 1) đang tạm trú tại tỉnh Tây Ninh trở về địa phương.
Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Đắk Lắk chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, qua thống kê, rà soát, số đông công dân đăng ký từ Tây Ninh trở về địa phương không nhiều, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp của Tây Ninh cũng đang hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó", UBND tỉnh Đắk Lắk thông báo tạm dừng kế hoạch đưa đón công dân của tỉnh Đắk Lắk đang tạm trú tại Tây Ninh trở về địa phương.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tuyên truyền, vận động công dân tỉnh Đắk Lắk yên tâm, tiếp tục ở lại nơi tạm trú để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với tỉnh Tây Ninh có các hình thức hỗ trợ phù hợp để người dân hiện đang tạm trú ở địa phương vượt qua khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, sáng 24-8, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Tây Ninh, cho biết sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Tây Ninh đã giao cho các đơn vị triển khai rà soát, thống kê các công dân tỉnh Đắk Lắk có nhu cầu về quê. Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Tây Ninh cũng chủ động dẫn đoàn cho công dân của tỉnh Đắk Lắk về giao cho địa phương.
"Hiện có hơn 200 công dân của tỉnh Đắk Lắk đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Tây Ninh có nhu cầu về quê do các nhà máy đóng cửa. Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp đưa đón công dân về quê" - ông Tài cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi nếu tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị, Đắk Lắk có xem xét tiếp tục đón công dân hay không, bà H’Yim Kđoh nói sẽ không xem xét.
Tính đến cuối tháng 7-2021, có hơn 10.000 công dân của tỉnh Đắk Lắk đang tạm trú ở các tỉnh, thành phía Nam đăng ký về quê. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã đón được 3 đợt ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai với hơn 1.000 người về quê tránh dịch.
(Theo Người Lao Động)
Đình chỉ 2 lãnh đạo xã lơ là chống dịch, xử lí 1 hiệu trưởng tổ chức ăn nhậu tại trường
Sáng 24/8, thông tin từ UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 23/8) đối với bà Trần Thị Kim Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ và ông Huỳnh Quang Diễn - Phó chủ tịch UBND xã Bình Mỹ để kiểm điểm công tác điều hành, quản lí phòng chống dịch COVID-19 do không kịp thời phát hiện trường hợp tài xế đi về từ vùng dịch để thực hiện khai báo y tế, cách ly theo quy định. Bên cạnh đó, còn để xảy ra tình trạng tụ tập đông người trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn xã.
Những người nhậu chung cùng Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Trần Quang Khải - Ảnh: Báo An Giang.
Trước vụ việc, ông Hứa Thanh Long - Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Trần Quang Khải tổ chức ăn nhậu với 5 người khác trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tối ngày 23/8, ông Nguyễn Thành Huân - Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã An Nông đã xử lí vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Sắp tới, UBND huyện sẽ tiếp tục xem xét để xử lí cá nhân ông Hứa Thanh Long và các trường hợp liên quan.
Trước đó, vào khoảng 14h, ngày 23/8, kiểm tra tại căn tin trường Tiểu học – THCS Trần Quang Khải, Công an huyện Tịnh Biên và Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 xã An Nông đã bắt quả tang ông Hứa Thanh Long đang tổ chức ăn nhậu cùng Ngô Vũ Trường Giang, Nguyễn Thanh Hoài, Trần Thanh Hải, Nguyễn Thị Diệu Hiền và Lê Văn Hổ.
Điều tra vụ đón bé trai từ Nghệ An trở về Hải Phòng dương tính SARS-CoV-2
Ca bệnh này là cháu N.Đ.M (SN 2013, trú phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân). Theo dịch tễ, cháu N.Đ.M vào quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) chơi từ dịp 30/4-1/5. Gần đây, bé trai được chú đưa về Nghệ An và gặp mẹ là chị N.T.T.H ngày 21/8.
Rạng sáng 22/8, bé trai được gia đình đón từ Nghệ An, qua chốt kiểm soát COVID-19 tại Cầu Nghìn sau đó di chuyển về nhà tại đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân).
Chiều cùng ngày, cháu N.Đ.M được người thân đưa tới Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Ngày 23/8, lực lượng y tế Hải Phòng xét nghiệm lại xác định cháu bé dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đưa cháu N.Đ.M vào Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cách ly, điều trị.
Qua rà soát truy vết, quận Lê Chân bước đầu xác định có 5 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi này, gồm: bố, mẹ, ông, chị gái và lái xe. Trong đó, mẹ cháu bé là chị N.T.T.H cùng được cách ly tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng. 4 người thân còn lại được cách ly tập trung tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 quận Lê Chân đã phong tỏa 26 hộ dân, lấy mẫu xét nghiệm cho 61 trường hợp tại khu dân cư nơi bệnh nhi cư trú.
Liên quan bệnh nhi này, tối 23/8 ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu UBND quận Lê Chân làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc để gia đình tổ chức đón cháu N.Đ.M mà không phát hiện để đưa đi cách ly tập trung ngay khi về địa phương.
Ông Tùng giao Công an thành phố Hải Phòng điều tra, xác minh, xem xét khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ trong việc đưa cháu N.Đ.M trở về và mang nguồn dịch COVID-19 về thành phố.
Đồng thời, khẩn trương kết luận 3 vụ việc trước đó thành phố giao điều tra, xác minh, khởi tố vụ án về việc mang nguồn dịch bệnh về địa phương. Cụ thể, vụ 2 điều dưỡng Bệnh viện GTVT Hải Phòng; 2 bệnh nhân từ Campuchia về Phú Quốc (Kiên Giang) sau đó đi máy bay về Nội Bài và sử dụng taxi về Hải Phòng và vụ ô tô khách mang BKS 15B-036.84 chạu tuyến Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh chở khách về thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Công an thành phố làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân chốt kiểm soát COVID-19 Cầu Nghìn để lọt bệnh nhi vào thành phố.
(Theo Tiền Phong)
Công dân Huế đang ở các địa phương bị ảnh hưởng vì dịch bệnh được hỗ trợ 1 triệu đồng
Sáng 24-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo chính thức chương trình "Kết nối hỗ trợ công dân Thừa Thiên – Huế gặp khó khăn tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam".
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế dự kiến hỗ trợ đợt 1 bằng tiền mặt với mức 1 triệu đồng/hộ nhằm chia sẻ với những trường hợp đang gặp khó khăn, mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch một cách có hệ thống lâu dài. Chương trình kết nối hỗ trợ với phương thức thiết lập mối quan hệ giữa chính quyền cấp phường, xã với công dân gặp hoàn cảnh khó khăn ở vùng có dịch thông qua gia đình hoặc người thân tại quê nhà.
Để được xem xét hỗ trợ, các công dân hãy cài đặt ứng dựng Hue-S của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế và làm theo hướng dẫn. Sau khi đăng ký thành công, thông tin công dân yêu cầu được hỗ trợ sẽ được hệ thống về đến phường, xã mà người đó có gia đình, thân nhân sinh sống để kiểm tra, xem xét. Các hình thức hỗ trợ khác sẽ được triển khai tùy vào tình hình thực tế tại các địa phương. Thông tin liên hệ: 19001075 facebook.com/Hueloc
Trước đó, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các địa phương rà soát thật kỹ, nắm chắc số lượng người đang ở tỉnh, thành có dịch để hỗ trợ. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch để tiếp tục đón các công dân ở các vùng dịch trở về, đặc biệt ưu tiên những người yếu thế như người già, trẻ em và phụ nữ mang thai... Việc đón công dân sẽ được thực hiện sau khi các địa phương có dịch hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
(Theo Người Lao Động)
1 phụ nữ F1 cởi quần áo để chống đối việc đưa đi cách ly
Tối 23-8, Công an xã Diễn Kỷ cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đến nhà cưỡng chế, đưa bà HTH (trú xã Diễn Kỷ) là F1 đi cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm.
Bà H. là F1 nhưng không chịu đi cách ly, cố thủ trong nhà, cởi quần áo, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ. Ảnh: CA
Theo đó, bà H. có tiếp xúc với một người dương tính với COVID-19 nên là F1. Theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Diễn Kỷ, bà H. phải đi cách ly y tế tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Tuy nhiên, bà không đi cách ly y tế vẫn ở nhà sinh hoạt bình thường. Cán bộ y tế và chính quyền địa phương giải thích bà cũng không chấp hành.
Các cán bộ công an và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Diễn Kỷ đến nhà vận động, thuyết phục 2 giờ đồng đồ nhưng bà không đi cách ly mà đóng cửa ngồi trong nhà. Bà còn có hành vi chửi bới, lăng mạ, cởi quần áo…
Công an xã và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Diễn Kỷ đã cưỡng chế, đưa bà đi cách ly tập trung tại điểm cách ly Trường Mầm non xã Diễn Kỷ.
Hiện nay toàn huyện Diễn Châu có tổng 73 ca nhiễm COVID-19 và huyện này đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
(Theo Pháp luật TP.HCM)