“Nhiều trong số tin xin cứu trợ viết rất cộc lốc như: "Xin gạo, mắm, trứng" hoặc "Cần giúp gấp"... Nhưng rồi mình quyết định không câu nệ, cứ bám theo chấm đỏ mà đi vì rất nhiều người là lao động phổ thông, không quen viết hoa mỹ", chị Mi nói.
Trước tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành đang diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ Zalo Connect vào công tác phòng chống dịch là một trong những giải pháp hữu hiệu để người dân có thể hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, đồng thời ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh. Nhiều người dân sinh sống tại tâm dịch mới đã nhanh chóng sử dụng tính năng này: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…
Cứ 17h-19h mỗi ngày, chị Đỗ Hồng Mi (Long Biên, Hà Nội) và gia đình sẽ đi hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, sữa, thuốc men… trong khu vực Ngọc Thụy dựa trên danh sách xin hỗ trợ từ ứng dụng trên. Hiện chị đã hỗ trợ được rất nhiều hộ dân, mỗi hộ một phần lương thực trị giá 110.000 đồng gồm gạo, trứng, sữa, rau xanh. Gia đình nào có trẻ em, chị sẽ thêm sữa hộp và bỉm theo mong muốn. Chị chỉ tặng hiện vật, không tặng tiền.
Cứ 17h-19h mỗi ngày, chị Đỗ Hồng Mi (Long Biên, Hà Nội) và gia đình sẽ đi hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, sữa, thuốc men…
“Nhiều trong số tin xin cứu trợ viết rất cộc lốc, như "Xin gạo, mắm, trứng"; hoặc "Cần giúp gấp".... Nhưng mình quyết định không câu nệ, cứ bám theo chấm đỏ mà đi vì rất nhiều người là lao động phổ thông, không quen viết hoa mỹ.
Gặp họ rồi, mình mới thấy, đừng vì chiếc ảnh đại diện xinh đẹp, nuột nà mà nghĩ họ ổn, chẳng giúp nữa. Vì đó có thể là hình ảnh từ rất lâu rồi. Mình gặp bên ngoài thấy ai nấy đều tiều tụy cả”, chị Mi chia sẻ về quá trình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nơi chị sinh sống.
Những phần quà mà chị Mi hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn cần cứu trợ.
Cũng theo chị Mi, hầu hết người xin cứu trợ đều hiền lành, tử tế. Họ thường là công nhân, lao động thu nhập thấp phải thuê trọ và có con nhỏ. Họ khi nhận được “quà” đều nhắn tin cảm ơn hoặc xin nhường cho người khác khi đã được đoàn khác hỗ trợ.
“Qua những lần trò chuyện và tiếp xúc với người xin cứu trợ, mình nhận ra rằng họ “cực chẳng đã” lần đầu rơi vào hoàn cảnh này. Mình thấy vài người nói “phải biết tiết kiệm” để khi cần thì có nhưng việc tiết kiệm là quá khó trong cảnh con nheo nhóc, nhà đi thuê, thu nhập ít và không dựa vào ai được. Mình nghĩ ai đã nuôi con chắc chắn hiểu điều này.
Hầu hết người xin cứu trợ đều hiền lành, tử tế. Họ thường là công nhân, lao động thu nhập thấp phải thuê trọ và có con nhỏ.
Giãn cách là điều phải làm nhưng thương tận đáy lòng cảnh đời lay lắt, những đứa trẻ khát sữa không một giấc ngủ trọn vẹn. Nghĩ đến đó mình lại cố gắng góp sức nhỏ, mong ngày mai tươi sáng hơn”, người phụ nữ Hà thành tâm sự.
Anh Phạm Thế Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy nhiều người băn khoăn về việc có nên tham gia tính năng hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn thông qua tính năng Zalo Connect hay không? Vì họ sợ bị lợi dụng. Do đó tôi quyết định dành thời gian tìm hiểu và bắt đầu tham gia cách đây vài ngày (tức 29/8 – PV)”.
Người đàn ông đã quét xung quanh nơi anh ở và lọc ra 15 yêu cầu hỗ trợ, sau đó nhắn tin hỏi tình hình cụ thể của họ. Và kết quả anh nhận được: 9 người gửi lời cảm ơn, từ chối nhận thêm vì đã có người hỗ trợ; một người anh muốn hỗ trợ tiền và đề nghị gọi video xác minh hoàn cảnh cụ thể thì lảng tránh nên bỏ qua; 4 người cần hỗ trợ thực phẩm, gồm 2 gia đình xe ôm và 2 nhóm công nhân. Họ đều chân thành, chỉ dám xin ít lạc, mắm chứ không có yêu cầu gì cả.
Rất nhiều người đã nhận được hỗ trợ xin phép từ chối nhận thêm.
Anh kể: “Qua lượt “khảo sát”, tôi nhận ra những người phải lên đó kêu gọi hỗ trợ đa phần đã quá khó khăn. Họ có lòng tự trọng rất cao, đáng trân trọng. Song không tránh khỏi số ít lợi dụng lòng tốt bởi ở đâu và bất cứ thời nào cũng vậy.
Tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người rằng, nếu ai có ý định tham gia: Nên hỗ trợ nhu yếu phẩm theo nhu cầu của họ, hạn chế gửi tiền, trường hợp bắt buộc gửi thì gọi video xác minh. Tham gia vào các nhóm bán hàng ở khu vực, tìm người bán đồ khô như tép, cá, lạc… rồi đặt hàng và nhờ giao đến tận nơi người hỗ trợ. Sau khi hỗ trợ, hãy nhấn vào mục “Xác nhận đã giúp đỡ” để người khác có thể cân nhắc giúp những trường hợp chưa có người hỗ trợ”.
Theo anh Thế Anh nên hỗ trợ nhu yếu phẩm theo nhu cầu của người xin, hạn chế gửi tiền, trường hợp bắt buộc gửi thì gọi video xác minh.
Khi được hỏi chuyện công việc cá nhân có bị ảnh hưởng bởi COVID-19 không, anh Thế Anh cho biết, anh kinh doanh trên các trang thương mại điện tử nhưng kho bị phong tỏa gần 2 tuần vì khu có người nhiễm, miền Nam không cho gửi hàng,… Do vậy anh “thất nghiệp” suốt thời gian dài. Nhưng anh vẫn thấy bản thân may mắn, ngày được ăn 3 bữa cơm cùng gia đình.
“Ở nhà phòng chống dịch nên tôi có nhiều thời gian rảnh. Mỗi ngày tôi gửi khoảng 10 tin nhắn hỏi thăm, hỗ trợ và nhận lại rất nhiều lời cảm ơn, từ chối nhận thêm vì đã được hỗ trợ rồi. Tôi thiết nghĩ, trong lúc cực khó khăn thế này, ai có ý định giúp đỡ đừng suy đoán xem họ khổ thật hay giả, hãy giúp chút ít khi mình còn có thể”, anh chia sẻ.