Con hẻm nhỏ chỉ rộng 1m, hai nhà mở cửa ra thì không thể đảm bảo khoảng cách như quy định và ở đây đã có 65 F0 cùng 26 F1.
Chiều 24-8, ông Nguyễn Hồ Hoàng Nam, Bí thư phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, tại kiệt 524 Hoàng Diệu đã có 65 F0, 26 F1.
Tại đây, có 17 nhà phải đóng cửa vì tất cả người trong gia đình đều đã đi điều trị hoặc cách ly.
Con hẻm chỉ rộng 1m, chỉ cần 2 nhà mở cửa đứng nói chuyện thì đã không đảm bảo khoảng cách tối thiểu của Bộ Y tế. Ảnh: HẢI HIẾU
Theo ông Nam, nguyên nhân dẫn đến số F0 nhiều như vậy là do con kiệt này chỉ rộng có 1m, dài hơn 150m mà có đến 44 hộ và 206 nhân khẩu.
Các nhà trong khu vực này hầu hết là nhà cấp 4, không có tường rào, cổng ngõ, mở cửa chính là đến hẻm. Nếu hai nhà đứng ngay cửa nói chuyện vẫn không đảm bảo khoảng cách hơn 2m như quy định của Bộ Y tế.
Từ ngày 8-8, kiệt này phát hiện 2 F0 và sau đó bị phong tỏa cứng. Tuy nhiên, những người trong hẻm vẫn vô tư đứng ngay cửa nhà nói chuyện với nhà bên kia mà không đeo khẩu trang.
Đặc biệt, vào tuần trước, tại kiệt này xảy ra đánh nhau người dân ra xem buộc công an phải xử lý, lập biên bản vi phạm. Sau đó, nhà này đến nhà kia hỏi thăm, nói chuyện khiến nguy cơ lây lan càng cao.
Thêm vào đó, trong kiệt này, có nhiều nhà bà con với nhau, nên họ chia sẻ đồ ăn với nhau làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Chúng tôi đã tuyên truyền, phong tỏa, giăng dây dọc hai bên con hẻm sát cửa nhà hết rồi. Thực sự chúng tôi đã làm mọi biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Còn việc lén lút vi phạm quy định phòng chống dịch là do ý thức của mọi người. Với tình hình hiện tại, mỗi người dân phải là một chiến sĩ chống dịch, việc mình chấp hành cũng là hành động góp công rất lớn cho công cuộc chống dịch của thành phố”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho biết thêm, hôm qua (23-8), sau khi có kết quả xét nghiệm khu phong tỏa, kiệt này phát hiện đến 37 F0, và hôm nay là 3 F0. Tính từ ngày 8-8 đến nay, kiệt này đã có tổng cộng 65 F0.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)
Ho sốt đi xét nghiệm, nữ tiểu thương chợ đầu mối dương tính SARS-CoV-2
Sáng 25-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (Từ 18 giờ ngày 24-8 đến 6 giờ ngày 25-8), tại Nghệ An ghi nhận 11 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Trong đó, có 5 ca cộng đồng, 6 ca đã được cách ly tập trung trước đó.
11 ca mắc mới sáng 25-8 ở 3 địa phương: TP Vinh: 4; huyện Đô Lương: 4; huyện Yên Thành: 3. Trong đó, có 5 ca cộng đồng phân bổ ở 2 địa phương: Yên Thành: 3 ca ở xã Nhân Thành, TP Vinh: 2 ca (phường Cửa Nam: 1 ca, phường Lê Mao: 1 ca).
Cụ thể, trong 2 ca trong cộng đồng tại TP Vinh có trường hợp bà P.T.T.N. (SN 1979), trú phường Cửa Nam, TP Vinh. Bà N. buôn bán chợ đầu mối Vinh. Ngày 14-8, bà N. được lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc tại chợ cho kết quả âm tính, sau đó về tự cách ly tại nhà. Sáng 24-8, bà N. có biểu hiện sốt, ho,đến trạm y tế khám và được làm test nhanh 2 lần đều dương tính. Bà N. được cách ly tại trung tâm y tế và lấy mẫu gửi CDC. Tối 24-8 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 2 là bà N.T.H. (SN 1959), trú phường Lê Mao, TP Vinh. Bà H. là tiểu thương bán hàng tại chợ Quang Trung. Ngày 21-8, bà H. được lấy mẫu sàng lọc cộng đồng cho kết quả nghi ngờ, ngày 23-8 được lấy lại mẫu xét nghiệm, ngày 24-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Như vậy, tính từ ngày 13-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.073 BN mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 305, Quỳnh Lưu: 143, Yên Thành: 130, Kỳ Sơn: 55, Diễn Châu: 80, Tương Dương: 29, Nghi Lộc: 51, Hưng Nguyên: 38, Quế Phong: 40, Nam Đàn: 40, Hoàng Mai: 20, Cửa Lò: 31, Tân Kỳ: 23, Anh Sơn: 13, Đô Lương: 22, Con Cuông: 12, Quỳ Hợp: 13, Thanh Chương: 13, Thái Hòa: 6, Nghĩa Đàn: 8, Quỳ Châu: 1.
Lũy tích số ca điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên: 335 BN. Lũy tích số BN tử vong: 1. Số BN hiện đang điều trị: 737 BN.
(Theo Người Lao Động)
Lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, phát hiện 1 shipper nhiễm SARS-CoV-2
Tối 25-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 25-8), Nghệ An ghi nhận thêm 32 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, có 12 ca cộng đồng, 20 ca đã được cách ly tập trung trước đó.
Các ca mắc Covid-19 mới ở TP Vinh là 22, huyện Nam Đàn 5; huyện Đô Lương 2; huyện Diễn Châu 2; huyện Nghi Lộc 1. Trong đó, các ca cộng đồng có ở 4 địa phương, gồm: TP Vinh 8; huyện Đô Lương 2; huyện huyện Nam Đàn 1; huyện Nghi Lộc 1.
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm người dân ở TP Vinh
Trong các ca cộng đồng ở TP Vinh có trường hợp anh H.N.Q. (SN 1990), làm nghề shipper, trú xã Nghi Phú, TP Vinh. Anh Q. là con của bệnh nhân Ng.Th.N. được công bố cùng lúc. Tối ngày 24-8, anh Q. được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Ngày 25-8, cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Như vậy, tính từ ngày 13-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 1.105 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 327, huyện Quỳnh Lưu: 143, huyện Yên Thành: 130, huyện Kỳ Sơn: 55, huyện Diễn Châu: 82, huyện Tương Dương: 29, huyện Nghi Lộc: 52, huyện Hưng Nguyên: 38, huyện Quế Phong: 40, huyện Nam Đàn: 45; thị xã Hoàng Mai: 20, thị xã Cửa Lò: 31, huyện Tân Kỳ: 23, huyện Anh Sơn: 13, huyện Đô Lương: 24, huyện Con Cuông: 12,huyện Quỳ Hợp: 13, huyện Thanh Chương: 13, thị xã Thái Hòa: 6, huyện Nghĩa Đàn: 8, huyện Quỳ Châu: 1.
Lũy tích số ca điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên: 351 bệnh nhân. Lũy tích số ca tử vong: 1. Số bệnh nhân hiện đang điều trị: 753 bệnh nhân.
(Người Lao Động)
F0 trực chốt vùng xanh, đi phát lương thực, gần 100 người trở thành F1
Ngày 25/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong ngày 24/8, sau khi xét nghiệm PCR đã cho kết quả có 23 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 trong khu phong tỏa và khu cách ly tập trung. Hiện tại, đang chờ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận 23 mẫu dương tính này là ca F0. Đến thời điểm này, TP.Vũng Tàu có 1.017 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, có trường hợp của bà N.T.N. (trú tại 885, Bình Giã, tổ 6, khu phố 2, phường 10, TP.Vũng Tàu) thuộc Tổ COVID cộng đồng tổ 6, khu phố 2 hằng ngày tham gia trực chốt “vùng xanh” tại hẻm 899 Bình Giã, phường 10 đã trở thành F0 và khiến 92 người trở thành F1. Ngoài ra, từ ngày 5-14/8, bà N. đi phát lương thực, thực phẩm. Ngày 10/8, bà N. đi cùng đoàn Công an TP.Vũng Tàu trao quà cho các hộ dân trong tổ 6.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường 10, TP.Vũng Tàu đề nghị người dân có tham gia trực chốt vùng xanh hẻm 899 Bình Giã; cùng đi phát hoặc nhận lương thực thực phẩm từ ngày 9-14/8; có tham gia và tiếp nhận quà của công tác từ thiện do bà N. đưa đi; tiếp xúc trực tiếp các trường hợp trên từ ngày 9-17/8 phải nhanh chóng tự theo dõi sức khỏe, khai báo y tế .
Cũng tại phường 10, trước đó Thành ủy TP.Vũng Tàu tạm đình chỉ công tác đối với ông Phạm Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 10 và ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch UBND phường 10, từ ngày 16/8/2021 đến ngày 31/8/2021 vì thiếu sâu sát, lúng túng trong chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu phân công ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phụ trách điều hành hoạt động Đảng bộ phường 10 trong thời gian từ ngày 16/8 đến ngày 31/8 và giữ nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường 10. Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu cũng cho chủ trương phân công ông Bùi Trung Tuyến, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND phường 10 phụ trách điều hành hoạt động của UBND phường 10 từ ngày 16/8 đến ngày 31/8 và giữ nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 phường 10.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phường Thắng Nhì có 9 khu phố với 72 tổ dân phố, 6.080 hộ dân. Qua xét nghiệm nhanh các ngày 14, 15 và 20/8, phường Thắng Nhì liên tục phát hiện các mẫu ống gộp dương. Kết quả PCR sau đó ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng.
Trong đó bốn khu phố 1, 3, 4 và 5 có 2.942 hộ thì có 135 F0. Tính tới ngày 23/8, khu phố 3 có 696 hộ nhưng có tới 107 F0; khu phố 1 có 21 F0; khu phố 4 có 6 F0 và khu phố 5 có 1 F0.
Do đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.Vũng Tàu thực hiện phong tỏa chặt chẽ các khu vực khu phố 1, 3, 4, 5 phường Thắng Nhì, bắt đầu từ 0h ngày 25/8.
Ông Hoàng Vũ Thành, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn phường Thắng Nhì. Các lực lượng khẩn trương tổ chức đánh giá yếu tố dịch tễ, thực hiện phong tỏa tại các khu vực có ca nhiễm trên địa bàn phường này.
Công an và Ban chỉ huy Quân sự TP Vũng Tàu phải khẩn trương khảo sát, khoanh vùng phong tỏa cụ thể, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định; tăng cường lực lượng kiểm soát, hỗ trợ phường Thắng Nhì.
Địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch theo dõi sức khỏe người dân trong khu vực. Trong đó, lưu ý việc tổ chức xét nghiệm 3 ngày/lần người dân trong khu vực phong tỏa, làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh về việc trả kết quả xét nghiệm đúng thời gian quy định; theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp người dân đang điều trị bệnh mãn tính, có bệnh nền.
(Theo Tiền Phong)
Từ 19 giờ hôm nay, những địa phương nào ở Quảng Bình áp dụng Chỉ thị 16?
Ngày 25-8, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã ký công văn về việc điều chỉnh, bổ sung các mức độ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh này.
Ngành y tế Quảng Bình đang rà soát các trường hợp F1 ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch - nơi được phát hiện có nhiều ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng
Động thái này được đưa ra sau khi Quảng Bình bất ngờ phát hiện hàng chục ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng; xuất hiện các "điểm nóng" bùng phát dịch khiến nguy cơ nhiều trường hợp khác mắc Covid-19 luôn trong trạng thái bị đe dọa, chờ chực.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình điều chỉnh, bổ sung áp dụng phòng chống dịch Covid-19 và thiết lập vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Cụ thể, đối với địa bàn TP Đồng Hới, toàn địa bàn gồm các xã, phường Bảo Ninh, Phú Hải, Hải Thành và một phần của Tổ dân phố 1 - phường Đồng Hải.
Tại huyện Bố Trạch, áp dụng Chỉ thị 16 toàn bộ xã Đức Trạch; khu vực từ tim đường Quốc lộ 1 phía bắc cầu Lý Hòa lên đến chân đèo Lý Hòa thuộc khu vực phía Đông xã Hải Phú, gồm các thôn, như: thôn Nội Hải, thôn Nội Hòa, thôn Thượng Hòa, thôn Trung Hòa, tôn Ngoại Hà và 1 phần thôn Tân Lý, thôn Quốc lộ 1.
Tại huyện Tuyên Hóa có thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa; tại huyện Quảng Ninh có thôn Lương Yến, xã Lương Ninh.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn tỉnh Quảng Bình (trừ các địa phương áp dụng Chỉ thị 16). Thời gian thực hiện trong vòng 14 ngày, bắt đầu áp dụng vào 19 giờ ngày hôm nay (25-8).
(Theo Người Lao Động)
Quỹ vắc xin COVID-19 đã chi bao nhiêu tiền?
Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tới chiều 24/8, quỹ đã nhận được hơn 8.635 tỷ đồng ủng hộ từ trên 526.000 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cùng ngày, quỹ đã trích chi đợt 4 với 85 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng COVID-19, lũy kế tới nay quỹ đã chi tổng cộng 282 tỷ đồng. Số dư quỹ hiện trên 8.353 tỷ đồng.
Số dư tạm thời nhàn rỗi của quỹ tiếp tục được gửi tại các ngân hàng thương mại để vừa bảo toàn vừa sinh lời cho quỹ.
Cũng theo Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tới nay vẫn còn 13 tổ chức đã cam kết ủng hộ quỹ nhưng tới nay đã 3 tháng chưa chuyển tiền, hoặc mới chuyển một phần, số tiền còn lại chưa chuyển theo cam kết gần 36 tỷ đồng.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong tiêm vắc xin phòng COVID-19
Thanh tra Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra trực tiếp và tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy trong thời gian qua, nhất là từ khi cả nước tập trung triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 – 2022, việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nói chung, nhất là việc thực hiện các quy định về tiêm vắc xin COVID-19 tại một số nơi còn chưa thật tốt.
Chánh thanh tra Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đặc biệt, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, gần đây đã có đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm vắc xin phòng COVID-19 và sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số người dân về các quy định của Nhà nước về tiêm vắc xin COVID-19 để thực hiện hành vi vi phạm hình thành đường dây tiêm vắc xin dịch vụ thu lợi bất chính (nhờ mối quan hệ cá nhân, đối tượng sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vắc xin COVID-19 thu tiền của người tiêm).
Bộ Y tế nhận định điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế.
Cùng với đó còn những mặt hạn chế như chưa thực hiện tốt nguyên tắc 5K trong quá trình tiêm; tổ chức buổi tiêm chưa hoàn toàn tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; việc xử lý vỏ lọ vắc xin tại nhiều nơi còn lúng túng; một số nơi chưa cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan đến tiêm vắc xin COVID-19,...
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm các quy định liên quan đến việc đưa những thông tin sai lệch về công tác phòng chống dịch, công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra Thông tin truyền thông, Thanh tra Y tế,... xử lý hoặc phối hợp xử lý.
Nhằm tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch nói chung, đặc biệt là việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 của Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch, nhất là các quy định liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 mới được Bộ Y tế ban hành.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc xác định đối tượng ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra (nên tập trung chủ yếu vào kiểm tra) các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn và trong từng đơn vị.
Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, giá bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như hóa chất, chế phẩm sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm COVID-19; giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo các quy định hiện hành.
Cơ quan Thanh tra Bộ lưu ý trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần kết hợp công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Ho sốt đi xét nghiệm, nữ tiểu thương chợ đầu mối dương tính SARS-CoV-2
Sáng 25-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (Từ 18 giờ ngày 24-8 đến 6 giờ ngày 25-8), tại Nghệ An ghi nhận 11 ca dương tính mới với SARS-CoV-2. Trong đó, có 5 ca cộng đồng, 6 ca đã được cách ly tập trung trước đó.
Lực lượng chức năng TP Vinh phong tỏa một tuyến đường sau khi xuất hiện ca mắc Covid-19.
11 ca mắc mới sáng 25-8 ở 3 địa phương: TP Vinh: 4; huyện Đô Lương: 4; huyện Yên Thành: 3. Trong đó, có 5 ca cộng đồng phân bổ ở 2 địa phương: Yên Thành: 3 ca ở xã Nhân Thành, TP Vinh: 2 ca (phường Cửa Nam: 1 ca, phường Lê Mao: 1 ca).
Cụ thể, trong 2 ca trong cộng đồng tại TP Vinh có trường hợp bà P.T.T.N. (SN 1979), trú phường Cửa Nam, TP Vinh. Bà N. buôn bán chợ đầu mối Vinh. Ngày 14-8, bà N. được lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc tại chợ cho kết quả âm tính, sau đó về tự cách ly tại nhà. Sáng 24-8, bà N. có biểu hiện sốt, ho,đến trạm y tế khám và được làm test nhanh 2 lần đều dương tính. Bà N. được cách ly tại trung tâm y tế và lấy mẫu gửi CDC. Tối 24-8 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 2 là bà N.T.H. (SN 1959), trú phường Lê Mao, TP Vinh. Bà H. là tiểu thương bán hàng tại chợ Quang Trung. Ngày 21-8, bà H. được lấy mẫu sàng lọc cộng đồng cho kết quả nghi ngờ, ngày 23-8 được lấy lại mẫu xét nghiệm, ngày 24-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Như vậy, tính từ ngày 13-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.073 BN mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 305, Quỳnh Lưu: 143, Yên Thành: 130, Kỳ Sơn: 55, Diễn Châu: 80, Tương Dương: 29, Nghi Lộc: 51, Hưng Nguyên: 38, Quế Phong: 40, Nam Đàn: 40, Hoàng Mai: 20, Cửa Lò: 31, Tân Kỳ: 23, Anh Sơn: 13, Đô Lương: 22, Con Cuông: 12, Quỳ Hợp: 13, Thanh Chương: 13, Thái Hòa: 6, Nghĩa Đàn: 8, Quỳ Châu: 1.
Lũy tích số ca điều trị đã khỏi bệnh, ra viện, chuyển tuyến trên: 335 BN. Lũy tích số BN tử vong: 1. Số BN hiện đang điều trị: 737 BN.
(Theo Người Lao Động)
Hai ngày "ai ở đâu thì ở đó", CSGT TP.HCM kiểm tra hơn 67.000 lượt
Sáng 25-8, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết từ 18 giờ ngày 22-8 đến 18 giờ ngày 23-8, lực lượng CSGT TP đã kiểm soát 67.600 trường hợp ra đường.
Trong đó công an các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm soát 66.800 trường hợp, Phòng PC08 kiểm soát hơn 700 trường hợp.
Chốt kiểm soát Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng kiểm tra giấy đi đường của người dân. Ảnh: LÊ THOA
Qua đó, CSGT TP đã lập biên bản 760 trường hợp vi phạm việc ra đường, tạm giữ 140 phương tiện.
Theo một cán bộ CSGT TP.HCM, trong những ngày đầu, lực lượng chức năng chủ yếu thực hiện nhắc nhở, cho quay đầu xe đối với những người thuộc diện lưu thông chưa kịp in giấy đi đường mới.
Trước đó, như PLO đã đưa tin, từ 0 giờ 23-8, TP.HCM siết mạnh giãn cách xã hội với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.
Theo đó, UBND TP.HCM đã có một số văn bản quy định 17 nhóm đối tượng được ra đường. Hiện nay, toàn bộ 17 nhóm này sẽ sử dụng giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức; phường, xã, thị trấn in và ký cấp giấy dựa trên đề xuất của đầu mối các sở, ngành, quận, huyện.
(Theo Pháp luật TPHCM)
Quảng Ngãi: Phát hiện 2 tài xế đường dài dương tính SASR-CoV-2, đi nhiều nơi
Sáng 25-8, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa phát hiện 2 tài xế lái xe liên tỉnh bị dương tính với SASR-CoV-2. Đó là trường hợp V.N.K (23 tuổi, ngụ xã Trà Bình, huyện Trà Bồng) và L.D.S (26 tuổi, ngụ xã Đức Lân, huyện Mộ Đức), đều là tài xế lái xe đường dài, ngủ nghỉ trên xe, lâu ngày không về nhà.
Theo lịch trình di chuyển, lúc 20 giờ ngày 21-8, 2 tài xế này điều khiển xe đi từ TP HCM ra đến Nha Trang (Khánh Hòa) lúc 4 giờ ngày 22-8, qua test nhanh Covid-19 thì có kết quả âm tính. Sau đó, 2 người này điều khiển xe đi ra Huế, rồi quay đầu xe từ Huế đi TP HCM.
Lực lượng chức năng tổ chức truy vết những người liên quan tài xế ngay trong đêm 24-8
Đến 14 giờ chiều 24-8, khi xe đến địa phận tỉnh Quảng Ngãi, cả 2 cảm thấy trong người mệt nên cho xe dừng tại khu vực cây xăng Thanh Bình, phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi). Sau đó, 2 người này đón xe taxi đến nhà nghỉ Quý Đức, đường Trần Thủ Độ (tổ 7, phường Nghĩa Chánh) để tắm giặt. Tiếp đó, 2 tài xế đến tiệm gội đầu Hoài Thương (đối diện nhà nghỉ Quý Đức) để gội đầu.
Lúc này, cảm thấy trong người khó chịu, nên 2 tài xế này gọi xe taxi vừa đi lúc trước đến chở vào Bệnh viên đa khoa Tư nhân Phúc Hưng để test nhanh Covid-19 thì có kết quả dương tính. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR thì đến 22 giờ cùng ngày cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Qua truy vết ngay trong đêm, bước đầu xác định có 6 F1 và 9 F2.
Điều đáng nói, dù UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản tạm dừng hoạt động các khách sạn, nhà nghỉ để phòng dịch nhưng chủ nhà nghỉ Quý Đức đã cố tình vi phạm, để 2 tài xế đường dài vào ngủ nghỉ. Không riêng 2 tài xế, tại thời điểm lực lượng công an kiểm tra còn phát hiện thêm 3 khách đang nghỉ tại đây.
Tính từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 545 ca Covid-19. Hiện có 12 ca bệnh nặng, 149 ca có triệu chứng vừa và nhẹ, 80 ca không triệu chứng đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
(Theo Người Lao Động)
Nhiều người lang thang ở TP.HCM nghi mắc Covid-19
Ngày 24/8, UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM cùng công an, quân sự đã tiến hành tập trung người lang thang, xin ăn nơi công cộng trên địa bàn.
Nhiều người ăn xin được UBND phường Phạm Ngũ Lão phát hiện. Ảnh: Bùi Tư.
Tổ công tác dùng xe máy qua nhiều con hẻm nhỏ để tìm người sống lang thang. Tại công viên 23/9, tổ công tác phát hiện nhiều người nên mời về phường để xác minh thân nhân, lai lịch và test nhanh Covid-19.
Đại diện phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, hôm qua và hôm nay đơn vị đã đưa khoảng 30 người đi tập trung, qua test nhanh phát hiện 4 người dương tính với nCov.
Tương tự, tại quận 4, test nhanh với 116 người lang thang, ăn xin trên địa bàn đơn vị đã phát hiện đến 8 người nghi mắc Covid-19.
Lãnh đạo quận Tân Bình nhận định, tình trạng một số người lang thang, ăn xin vẫn xuất hiện tại các tuyến đường trên địa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khả năng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch nên đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng địa phương Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố tiến hành rà soát và lên phương án trợ giúp.
Tại quận, phát hiện 16 người lang thang cơ nhỡ, ăn xin đưa về trụ sở, qua test nhanh có 3 người nghi mắc Covid-19.
Theo lãnh đạo quận Tân Bình, trước mắt đơn vị lập hồ sơ, đề xuất đưa các trường hợp trên về Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố, trợ giúp pháp lý theo quy định; 3 trường hợp giao cơ sở cách ly tập trung, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Trong khi đó, lãnh đạo Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3 cho hay, chỉ trong chiều 23/8, Công an phường đã phát hiện gần 20 trường hợp người lang thang.
Qua test nhanh, một trường hợp dương tính với nCov. Lực lượng chức năng đã lập 11 hồ sơ, đề xuất đưa 10 trường hợp về Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố, trợ giúp pháp lý theo quy định; một trường hợp giao cơ sở cách ly tập trung, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan.
(Theo Báo Giao Thông)
Vụ tiêm vaccine phải mất tiền: Đình chỉ nữ cán bộ phường Vĩnh Phúc
Vừa qua, dư luận hết sức bất bình trước hiện tượng "mất tiền cho "cò" để được tiêm vaccine Covid-19 thần tốc" - phản ánh hiện tượng tiếp cận và chi tiền thông qua một đối tượng xấu để được tiêm vaccine tại điểm tiêm trên địa bàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Thông tin "mất tiền cho "cò" để được tiêm vaccine Covid-19 thần tốc" được báo chí phản ánh xảy ra ở quận Ba Đình, Hà Nội
Liên quan đến thông tin trên, UBND quận Ba Đình, đã có quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà N.T.C (SN 1993), hiện đang là công chức văn phòng - thống kê, UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Lý do đình chỉ công tác với bà C. là để xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Trước đó, báo chí phản ánh tình trạng tiêm vaccine "thần tốc" tại UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Người dân nếu bỏ một khoản phí nhất định "bồi dưỡng" cho một số trường hợp tại phường, sẽ không những không phải chờ đợi mà còn được hưởng đặc quyền "nay đặt lịch, mai tiêm luôn".
Để tiêm vaccine Covid-19 "siêu tốc", mỗi người phải đóng từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. Số tiền này được giao nộp cho một người phụ nữ. Sau khi nhận tiền "bồi dưỡng" (thường là 1 triệu đồng/người), người này sẽ sắp xếp giấy hẹn và lịch tiêm nhanh chóng.
Những người ngoài địa bàn được nữ cán bộ trên "gắn" vào các công ty, đơn vị kinh doanh trên địa bàn để "hợp thức hóa".
Trước đó, chiều 24/8, ngay sau khi nắm được thông tin này, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố yêu cầu Công an thành phố khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ.
"Nếu có vi phạm như báo phản ánh phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; tuyệt đối không để vi phạm này ảnh hưởng đến uy tín và công sức của cả thành phố trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 thời gian qua", ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm thực chất, hiệu quả đợt giãn cách xã hội lần thứ 3, tổ chức tiêm vaccine kịp thời, đúng đối tượng ngay khi được phân bổ.
Đặc biệt, các cấp, các ngành phải chủ động rà soát các khâu, các quy trình lập danh sách, tổ chức tiêm vắc xin trên địa bàn bảo đảm đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng chính sách tiêm vaccine miễn phí nhân văn của Nhà nước.
Cán bộ, công chức, viên chức tiếp tay cho những vi phạm này phải được coi là tình tiết tăng nặng trong xử lý kỷ luật và xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên cảnh báo và chỉ đạo ngăn chặn vi phạm pháp luật trong việc tiêm vaccine, nghiêm cấm tiêm vaccine không đúng đối tượng.
(Theo Báo Giao thông)
Giãn cách xã hội 1 huyện ở Thanh Hóa khi có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng
Tối 24-8, ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Công văn cho biết, chiều ngày 24-8, tại thôn Đạt Tiến 2, xã Tế Nông (Nông Cống) đã xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Nông Cống và các xã, thị trấn đã kịp thời tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của tỉnh.
Ông Đỗ Trọng Hưng (giữa), Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trực tiếp vào Nông Cống chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 khi xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng - Ảnh: Báo Thanh Hóa
Để kịp thời ngăn chặn việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 đối với các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh F0, với phương châm thần tốc truy vết, thần tốc cách ly, thần tốc khoanh vùng, thần tốc lấy mẫu và xét nghiệm, khoanh vùng nhanh diện rộng, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu, toàn huyện Nông Cống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ 18 giờ ngày 24-8, đến khi có thông báo mới.
Nông Cống cũng quyết định, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn bộ xã Tế Nông, xã Hoàng Giang; thôn Thanh Liêm (xã Hoàng Sơn); thôn Thọ Đông (xã Thăng Thọ), tại trụ sở của Công ty may Hoàng Sơn và Công ty may 68 đóng trụ sở làm việc); các thôn có ca F1 (F1 của ca F0 tại thôn Đạt Tiến 2, xã Tế Nông). Thời gian cách ly xã hội kể từ 18 giờ ngày 24-8, đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch UBND huyện Nông Cống yêu cầu, ngành y tế phải thần tốc truy vết, tìm kiếm các trường hợp F2, hoàn thành và báo cáo huyện kết quả trước 10 giờ ngày 25-8. Truy vết, tìm kiếm các trường hợp F3, hoàn thành trước 17 giờ ngày 25-8.
Giao Trung tâm Y tế huyện Nông Cống khẩn trương hoàn thành việc xét nghiệm test kháng nguyên, lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên Công ty may Hoàng Sơn, Công ty may 68, những người có liên quan có nguy cơ cao trước 6 giờ ngày 25-8. Đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện giải pháp thực hiện xét nghiệm diện rộng, khử trùng, xử lý môi trường đối với các khu vực và dịch tễ phức tạp.
(Theo Người Lao Động)
Bộ trưởng Bộ Y tế nói về tín hiệu khả quan khi xét nghiệm toàn TP.HCM
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 25/8 cho biết qua 2 ngày tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, trong ngày đầu tuy có một số bỡ ngỡ nhưng các lực lượng nhanh chóng khắc phục, triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhịp nhàng các biện pháp đề ra.
Điều đáng mừng hơn là với sự tham gia đồng bộ của các lực lượng, mang thực phẩm tới từng hộ gia đình, triển khai các biện pháp chăm sóc y tế tại cơ sở, người dân TP.HCM đã an tâm hơn, thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở đó".
Số liệu thống kê bước đầu cho thấy, mức độ người dân đi lại đã giảm 80% so với những ngày trước. "Như vậy chúng ta đang đi đúng hướng, quản lý tốt việc thực hiện giãn cách xã hội" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sau khi kiện toàn, chiều 25/8.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, trong 2 ngày qua, lực lượng y tế đã triển khai các lực lượng, kết hợp sử dụng nhiều phương thức để tiến hành xét nghiệm toàn TP.HCM theo đúng chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng để nhanh chóng sàng lọc F0, đưa ra các giải pháp cách ly, điều trị phù hợp.
Qua xét nghiệm, với tổng lượng mẫu đã lấy khoảng nửa triệu, tỷ lệ nhiễm dao động khoảng 3,6%, so với trước đây tỷ lệ này vào khoảng 4-5%, cá biệt có địa điểm lên tới 10%. Như vậy tỷ lệ nhiễm đã giảm, đây là tín hiệu khả quan.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai dịch vụ y tế gần dân nhất, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương khẩn trương triển khai đưa vào hoạt động 393 trạm y tế lưu động.
Các trạm đều được trang bị các trang thiết bị khám chữa bệnh, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết, hoạt động 24/7. Người dân TP HCM cảm thấy an tâm khi được các cán bộ y tế đi vào từng khu vực phát thuốc, khám bệnh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe,...
Theo đánh giá ban đầu của Bộ Y tế, mô hình này có ý nghĩa quan trọng là quản lý được sức khỏe và giúp ngay cho người dân trên địa bàn khi có nhu cầu về chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo phân tầng cũng được kiện toàn để bảo đảm phục vụ công tác điều trị. Với phương châm vừa triển khai, vừa kiểm tra, giám sát, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh kịp thời những điểm chưa hợp lý để bảo đảm hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch…
"Nếu chúng ta giữ chắc được như thế này, cùng với đẩy nhanh tiến đội tiêm vaccine, tình hình dịch bệnh tại TPHCM sẽ sớm được kiểm soát", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ tin tưởng.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Hà Nội: Xử phạt hơn 48 tỷ đồng trong 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội
Ngày 25/8, theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội, từ ngày 24/7/2021 đến 15h ngày 24/8/2021, lực lượng chức năng TP đã xử phạt 31.181 vụ vi phạm, trong đó cảnh cáo 295 vụ, phạt tiền 30.880 vụ, với số tiền trên 48,2 tỷ đồng, chuyển xử lý hình sự 6 vụ.
Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử lý 26.718 trường hợp ra ngoài khi không thực sự cần thiết, 2.897 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, 570 trường hợp không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, 371 trường hợp vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định, 184 trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân
Ngoài ra, xử lý 441 vụ không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19.
Theo Công an TP.Hà Nội, từ 15h ngày 24/8/2021 đến 15h 25/8/2021, toàn thành phố xử phạt 1.237 vụ, với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó có 1.127 vụ ra ngoài khi không thực sự cần thiết, 62 vụ không đeo khẩu trang nơi công cộng, 2 vụ không giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
(Theo Dân Việt)
Hà Nội: Xử phạt một ngân hàng không khai báo ca dương tính SARS-CoV-2 đến giao dịch
Ngày 25/8, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt 19 triệu đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Sở giao dịch tại tầng 1 và tầng 3 số 34 phố Hai Bà Trưng, Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, ngày 5/8, có hai khách hàng đến giao dịch tại đây. Đến ngày 31/8, một trong hai khách hàng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, phía ngân hàng không báo cáo với UBND phường hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc COVID-19.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Sở giao dịch tại tầng 1 và tầng 3 số 34 phố Hai Bà Trưng, Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị xử phạt
Ngoài ra, UBND quận Hoàn Kiếm cũng xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần MediaMart Việt Nam có địa chỉ tại 29F Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Chủ tịch Hà Nội thị sát tại ổ dịch phức tạp, nguy cơ nhất với 42 ca nhiễm SARS-CoV-2
Ngày 25-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng công tác phòng chống dịch Covid-19 TP, đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại quận Thanh Xuân - Ảnh: Linh Linh
Sau khi kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã làm việc với quận Thanh Xuân về công tác phòng chống Covid-19.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội cho biết ở Thanh Xuân đã có 10/11 phường ghi nhận ca bệnh Covid-19 ở 10/11 phường. Riêng ở ổ dịch tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 42 ca dương tính SARS-CoV-2.
Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát covid-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lẫy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Còn ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho hay qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch này, có thể có nguồn lây là người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Ông Tuấn đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ.
Đại diện Công an TP Hà Nội khẳng định tại cơ sở, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong khu phong tỏa vẫn chưa chặt; chưa bố trí 3 lớp; ý thức người dân trong khu phong tỏa chưa tốt. Đề nghị Công an phường Thanh Xuân Trung giám sát chặt chẽ hơn khu phong tỏa; 1 tiếng đi tuần tra 1 lần, tuyên truyền thông tin bằng loa đến từng ngách kết hợp với xử phạt nghiêm vi phạm để tránh lây lan dịch bệnh trong khu cách ly y tế…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận sự sự nỗ lực của quận Thanh Xuân với các chỉ đạo khá đầy đủ; đã làm tốt công tác chống dịch cho đến khi xuất hiện tình huống mới khi có ổ dịch ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi.
Nêu việc liên tiếp trong các tuần qua các "vùng đỏ" điểm nóng xuất hiện và được kiểm soát từng bước ở một số quận huyện theo từng tuần, ông Chu Ngọc Anh chỉ rõ "hiện nay, Thanh Xuân đang là địa bàn nguy cơ cao nhất". Để tập trung xử lý ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, ông Chu Ngọc Anh nêu rõ một số việc cần làm ngay. Các phương châm, nguyên tắc TP đã đặt ra cụ thể, các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa.
"Cách gì thì cách, không thể để nhà F0 mà không có dấu hiệu cảnh báo. Lực lượng y tế và công an cần vào cuộc ngay, từ yếu tố dịch tễ, khoanh chặt vùng lõi trong khu phong tỏa. Vùng đỏ nhất trong vùng đỏ phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia. Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc này" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu phải thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch, sau đó mới tới vai trò tự quản của nhân dân; huy động đoàn thể tham gia, tính toán phương án an toàn cho người cao tuổi tham gia giám sát cộng đồng. Người trong các khu tập thể ở địa bàn phải "ai ở đâu ở yên đó" để giữ nguyên hiện trạng phục vụ công tác truy vết nhanh chóng hơn. "Đây không chỉ câu chuyện của một phường. Có thể huy động lực lượng các cấp để chi viện trong lúc nóng bỏng" - ông Chu Ngọc Anh nói.
Thêm ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, Thanh Hóa cách ly 1 huyện "ai ở đâu ở yên đó"
Chiều 25-8, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết trên địa bàn huyện Nông Cống vừa ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, có lịch sử tiếp xúc phức tạp.
Ngành y tế Thanh Hóa lấy mẫu diện rộng trên địa bàn huyện Nông Cống để truy vết, phòng chống dịch Covid-19
2 bệnh nhân đều là nam giới, có địa chỉ tại thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống. Sau khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, cả 2 bệnh nhân đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống làm test nhanh cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Bệnh nhân sau đó được lấy mẫu gửi CDC Thanh Hóa xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào chiều nay 25-8. Ngay sau đó, các bệnh nhân đã được chuyển vào Bệnh viện Phổi Thanh Hoá cách ly, điều trị theo quy định.
Hiện các đội phản ứng nhanh của ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành truy vết thần tốc và lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan.
Ngay sau khi nghi nhận 2 ca mắc mới, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn huyện Nông Cống 15 ngày, bắt đầu từ 16 giờ ngày 25-8.