Trong 116 ca Covid-19 mới ghi nhận tại TP Đà Nẵng có 43 ca cộng đồng, trong đó có 7 tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Hòa Cường.
10 diễn biến
Đà Nẵng: Phát hiện chùm ca Covid-19 ở chợ đầu mối Hòa Cường
Chiều 26-12, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 116 ca Covid-19. Trong đó có 4 ca đã cách ly tập trung, 47 ca cách ly tại nhà, 22 ca trong khi phong tỏa và 43 ca cộng đồng.
Đáng chú ý, trong số ca cộng đồng có đến 7 ca là tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường, quận Hải Châu, phát hiện qua lấy mẫu tiểu thương.
Đà Nẵng vừa phát hiện chùm 7 ca Covid-19 là tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Hòa Cường
Ngành y tế nhận định có 79/116 ca có khả năng lây lan cho cộng đồng, tập trung nhiều nhất ở quận Sơn Trà với 39 ca. Quận Sơn Trà cũng là địa phương ghi nhận số ca Covid-19 cao nhất với 52 ca, quận Liên Chiểu 21 ca, quận Thanh Khê 18 ca.
Đến nay, TP Đà Nẵng đã tiêm 1.916.791 mũi vắc-xin phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 968.465 người, mũi 2 cho 947.799 người và mũi 3 cho 527 người.
Hiện toàn TP có 435 khu vực phong tỏa và 15 cơ sở cách ly tập trung. Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 5.516 ca mắc Covid-19, trong đó 192 ca ngoại tỉnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/da-nang-phat-hien-chum-ca-covid-19-o-cho-dau-moi-hoa-cuong-... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/da-nang-phat-hien-chum-ca-covid-19-o-cho-dau-moi-hoa-cuong-20211226184111001.htm
Hơn 300 F0 nặng, Hà Nội triển khai các giải pháp giảm nguy cơ tử vong bệnh nhân Covid-19
Hà Nội sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. Trước hết, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh, Hà Nội điều trị cho F0 nặng. Ảnh: Gia Khiêm
Theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19. Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ.
Tất cả các bệnh viện được yêu cầu không từ chối việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Trong 8 ngày liên tiếp, từ 19/12 đến 26/12, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19. Tổng số mắc ghi nhận trong một tuần của thành phố này là 13.756 ca mới, như vậy, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 1.700 ca mắc.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) 39.409 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 14.333 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 25.076 ca. Trong đó, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận 35.371 ca mắc. Hiện toàn thành phố có 93 điểm còn phong tỏa.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, nguyên nhân số ca Covid-19 liên tục tăng cao là mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại sau giai đoạn giãn cách. Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng khí hậu mùa đông - xuân cũng là điều kiện thuận lợi để virus phát triển, đặc biệt là tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân khi đã tiêm vaccine.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Covid-19 cho biết Hà Nội hiện không chỉ nằm trong danh sách các địa phương có ca mắc mới cao, mà cả danh sách các tỉnh, thành có bệnh nhân đang điều trị cao nhất, F0 nặng cao đều có Hà Nội.
Hà Nội đang có hơn 300 ca bệnh nặng, nguy kịch
Tiểu ban Điều trị cho biết Hà Nội đang điều trị trên 20.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó số chuyển nặng là 332 ca, trong đó có 290 trường hợp phải thở oxy Mask, gọng kính; 12 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 7 trường hợp thở máy không xâm lấn, 23 trường hợp thở máy xâm lấn.
Số ca tử vong của Hà Nội cũng đang trong xu hướng tăng, cao điểm nhất là ngày 20/12 ghi nhận tới 8 ca tử vong. Trong khi trước đây, nhiều ngày Hà Nội không có ca tử vong. Tổng số ca tử vong của Hà Nội từ đầu mùa dịch là 108 ca, chiếm tỷ lệ 0,3% trên số mắc. Theo thống kê, hầu hết trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền.
Báo cáo với Đoàn Kiểm tra số 2 của Bộ Y tế do TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn, chiều 25/12, đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn, một trong những cơ sở điều trị thuộc tầng 3 của Hà Nội, cho biết 100% bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện này tử vong đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vaccine và 82% ở độ tuổi trên 70.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đến nay, Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ gần 14,7 triệu liều, hiện đã tiêm hơn 13 triệu liều, chiếm 88,7% số vaccine đã được phân bổ.
Trong đó có 11,9 triệu liều tiêm cho người trên 18 tuổi, gồm mũi một là 6.11.653 liều, mũi 2 là 5.790.755 liều. Hà Nội cũng đã tiêm gần 143.000 liều vaccine mũi 3 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thành phố này cũng đã tiêm 985.212 liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó mũi một là 673.768 liều; mũi 2 là 311.444 liều.
Trong ngày 25/12, UBND TP Hà Nội thông báo cấp độ dịch trên địa bàn, trong đó nhiều quận chuyển sang "vùng cam" do ghi nhận số lượng lớn ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Toàn Hà Nội được xác định thuộc cấp độ 2 nhưng đã có 8 quận cấp độ 3 như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Hiện "vùng xanh" duy nhất là huyện Phúc Thọ.
Nguồn: https://danviet.vn/hon-300-f0-dang-nang-ha-noi-chi-dao-giam-nguy-co-tu-vong-o-nguoi-mac... Nguồn: https://danviet.vn/hon-300-f0-dang-nang-ha-noi-chi-dao-giam-nguy-co-tu-vong-o-nguoi-mac-covid-19-20211227042516483.htm
Hà Nội dự kiến số F0 mới lên đến 2.000-3.000 ca/ngày
Trước đó, thành phố có thông báo về cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội (tính đến ngày 24/12). Theo đó, thành phố vẫn ở cấp độ 2 - màu vàng - nguy cơ trung bình về dịch COVID-19. Tuy nhiên, có 8 quận được đánh giá ở cấp độ 3 - màu cam - nguy cơ cao về dịch COVID-19, tăng thêm 6 quận so với lần đánh giá trước đó. Thành phố chỉ còn duy nhất huyện Phúc Thọ ở cấp độ 1 - màu xanh. 21 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2 - màu vàng - nguy cơ trung bình. Các quận ở cấp độ 3 , nguy cơ cao gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Cũng theo đánh giá, thành phố có 67 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 42); 116 xã, phường ở cấp độ 2 và 396 xã, phường ở cấp độ 1.
8 quận nội thành ở Hà Nội yêu cầu chỉ bán hàng mang về, hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống COVID-19. Ảnh: Như Ý
Sau khi có công bố cấp độ dịch trên địa bàn, các quận ở cấp độ 3 về dịch COVID-19 đã có văn bản điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai thông báo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt theo quy định đối với các hành vi vi phạm; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; tăng cường họp trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Các quận này cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện bán hàng mang về và dừng hoạt động sau 21h00 hằng ngày.
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước tình hình số ca mắc mới tăng nhanh, Hà Nội sẽ kịp thời điều chỉnh các biện pháp hành chính phù hợp như có thể xem xét dừng, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động lễ hội, tôn giáo... “Mặc dù số ca mắc của Hà Nội tăng cao trong những ngày gần đây nhưng quan trọng nhất là Hà Nội vẫn chủ động kiểm soát dịch”, bà Hà nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, dự kiến số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Hà Nội có thể còn tăng lên đến 2.000 - 3.000 trường hợp mỗi ngày trong dịp cuối năm, tuy nhiên, vẫn trong dự báo và thành phố cũng đã có phương án đáp ứng. “Sẽ khoanh gọn theo khu vực nguy cơ chứ không cách ly xã hội như trước đây”, ông Tuấn nói như vậy khi đề cập thực tế ngày càng nhiều địa phương trên địa bàn thành phố chuyển sang cấp độ 3.
Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-du-kien-so-f0-moi-len-den-2-000-3-000-ca-ngay-post1404631.t... Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-du-kien-so-f0-moi-len-den-2-000-3-000-ca-ngay-post1404631.tpo
Bệnh viện FV lên tiếng về thông tin ca Covid-19 đầu tiên mang biến thể Omicron ở TP HCM
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trưa 27-12, đại diện Bệnh viện FV xác nhận đây là thông tin giả mạo. Hiện bệnh viện này đang lập vi bằng để xử lý.
Thông tin giả mạo về người mắc biến thể Omicron được chia sẻ trên mạng
"Chúng tôi cũng vừa phát hiện và đang lập vi bằng để xử lý trường hợp vi phạm này. Mẫu giấy thông tin được chia sẻ không theo thiết kế của bệnh viện. Bên cạnh đó, nếu là giấy của bệnh viện phía dưới sẽ có mã code để kiểm tra. Đặc biệt, trong hệ thống dữ liệu thông tin của bệnh viện cũng không có tên bệnh nhân này" - đại diện Bệnh viện FV nhấn mạnh.
Trước đó, TP HCM đã ban hành kế hoạch khẩn xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron trên địa bàn với 8 giải pháp cụ thể. Trong đó, TP HCM đã tái khởi động Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) để tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh mắc Covid-19. Bên cạnh đó, còn có 2 tổ chức tham gia giám sát biến thể Omicron, gồm Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur TP HCM.
Cũng trong cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 23-12, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM, nhấn mạnh: "Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu về phòng chống dịch bệnh, khi một nước trong khu vực Đông Nam Á có ca mang biến chủng mới, chúng ta đều xác định coi như biến chủng mới đã có trong nước. Trước diễn biến lây lan của Omicron trên thế giới, chúng ta phải có tâm thế như dịch đã có ở Việt Nam. Vì vậy, người dân đón năm mới, lễ Tết, Giáng sinh hãy tuân thủ 5K và quy định của nơi tổ chức sự kiện, bảo đảm sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng".
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/benh-vien-fv-len-tieng-ve-thong-tin-ca-covid-19-dau-tien-ma... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/benh-vien-fv-len-tieng-ve-thong-tin-ca-covid-19-dau-tien-mang-bien-the-omicron-o-tp-hcm-20211227112633217.htm
Công an tỉnh Quảng Trị tìm hiểu việc mua hơn 30 tỷ đồng kit test Việt Á
Ngày 26/12, ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm này, Bộ Công an chưa đến tìm hiểu việc CDC Quảng Trị và Sở Y tế mua sắm kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Ảnh: Trần Đáng.
Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị có đến khảo sát, nắm thông tin liên quan đến việc mua sắm kit test Việt Á, nên Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đề nghị CDC Quảng Trị cung cấp đầy đủ các hồ sơ.
Theo ông Hùng, tuy Công an tỉnh Quảng Trị mới khảo sát, tìm hiểu thông tin sơ bộ nhưng Sở Y tế đã chủ động phối hợp, tập hợp đầy đủ hồ sơ mua sắm để cung cấp.
Cũng theo ông Đỗ Văn Hùng, hiện Sở Y tế đang hoàn thiện báo cáo các thông tin liên quan đến việc mua hơn 30 tỷ đồng kit test Việt Á để gửi UBND tỉnh theo yêu cầu.
Ông Hùng khẳng định, quá trình CDC và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị thực hiện các hợp đồng mua kit test, bản thân ông không nhận bất cứ hoa hồng hay "lại quả" nào.
"Liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19, từ đầu tôi đã đề nghị các đơn vị liên quan làm chặt chẽ. Vì việc phòng chống dịch cấp bách, quá trình mua sắm phải thực hiện chỉ định thầu rút gọn, nên càng phải chặt chẽ hơn. Bây giờ có thông tin mua kit test Việt Á nhận hoa hồng ở các tỉnh khác, Quảng Trị cũng có mua sắm kit test Việt Á, nên chúng tôi sẽ rà soát lại. Nếu có vấn đề gì, cơ quan công an sẽ làm rõ", ông Đỗ Văn Hùng nói.
Nguồn: https://danviet.vn/cong-an-tinh-quang-tri-tim-hieu-viec-mua-hon-30-ty-dong-kit-test-vie... Nguồn: https://danviet.vn/cong-an-tinh-quang-tri-tim-hieu-viec-mua-hon-30-ty-dong-kit-test-viet-a-20211226172912581.htm
Bộ Y tế kêu gọi người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19; Quý I/ 2022 hoàn thành tiêm mũi 3
Sáng 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ" bằng hình thức trực tuyến với 63 địa phương.
Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Việt Nam tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm.
Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với chiến lược "Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả"; các hoạt động giám sát, xét nghiệm, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân đã được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch.
Đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.
Đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Đến nay tỷ lệ này đã vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19
Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11/2021, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
"Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12 năm 2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Quý I/ 2022, hoàn thành tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên
Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều vaccine hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ, tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện.
Bộ Y tế đề nghị đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.
"Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-keu-goi-nguoi-dan-di-tiem-vaccine-phong-covid-19-quy-... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-keu-goi-nguoi-dan-di-tiem-vaccine-phong-covid-19-quy-i--2022-hoan-thanh-tiem-mui-3-169211227115426536.htm
Hải Dương vượt ngưỡng 2.000 ca mắc
Trong đó, có 204 ca có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch về, 1.288 trường hợp là F1 và cùng nhà, 82 ca ho sốt cộng đồng, 6 bệnh nhân sàng lọc bệnh viện, 199 ca giám sát cộng đồng nguy cơ, 257 trường hợp trong khu phong tỏa, 1 ca là lực lượng phòng chống dịch, 2 ca là nhân viên y tế, 4 công dân là trường hợp nhập cảnh giám sát và 1 ca là trường hợp nhập cảnh.
Riêng trong ngày hôm nay, địa phương này có thêm 108 trường hợp mắc mới. Bao gồm: 81 trường hợp F1, 11 bệnh nhân cộng đồng, 2 trường hợp về từ các tỉnh khác, 14 trường hợp ho sốt tại 9 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố.
Tỉnh Hải Dương đã ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19. Ảnh: Đ.Tùy
Tại huyện Bình Giang, hôm nay có 41 ca mắc. Trong đó ổ dịch công ty May Hải Anh 1 (xã Bình Minh) có 15 bệnh nhân; số ca mắc còn lại gồm 22 trường hợp F1, 1 ca sàng lọc cộng đồng và 3 ca ho sốt cộng đồng.
Đối với huyện Kim Thành tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc tại ổ dịch công ty Freedom, công ty Seiyo – Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng và các trường hợp là F1, sàng lọc cộng đồng, ho sốt cộng đồng
Liên quan đến ổ dịch công ty Sky Dragon, xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ hôm nay có thêm 18 ca mắc; trong đó huyện Ninh Giang (9 ca), huyện Tứ Kỳ (9 ca).
Ngoài ra, ngày 26/12 huyện Ninh Giang có thêm 14 bệnh nhân được Bộ Y tế đánh mã số gồm 3 trường hợp sàng lọc cộng đồng (Ứng Hòe, Tân Hương, Nghĩa An) và 11 ca mắc là những trường hợp F1 ở xã Ứng Hòe, Tân Hương, Vạn Phúc.
Trong ngày, các địa phương còn lại trong tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân COVID-19. Đến chiều nay, địa phương này đang điều trị cho 824 trường hợp và 9.125 trường hợp F1 cách ly.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hai-duong-vuot-nguong-2000-ca-mac-169211226191533573.htm Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hai-duong-vuot-nguong-2000-ca-mac-169211226191533573.htm
Ca mắc tăng "nóng", Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không được từ chối F0
Theo đó, trước hết, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).
Các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Hà Nội yêu cầu bệnh viện không được từ chối F0 (Ảnh minh họa)
Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Ngày 26/12, Hà Nội ghi nhận 1.887 ca mắc Covid-19, trong đó có 794 trường hợp ở cộng đồng, 971 trường hợp trong nơi cách ly và 122 trường hợp tại khu phong toả.
Như vậy, liên tiếp trong hơn chục ngày qua, Hà Nội ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, trong đó, cao nhất lên tới gần 2.000 ca mắc/ngày. Dự báo số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày cuối năm.
Trước đó, thành phố có thông báo về cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội (tính đến ngày 24/12). Theo đó, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình), tuy nhiên, có 8 quận được đánh giá ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) và thành phố chỉ còn duy nhất huyện Phúc Thọ ở cấp độ 1 (màu xanh).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mac-tang-nong-ha-noi-yeu-cau-cac-benh-vien-khong-duoc-tu... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mac-tang-nong-ha-noi-yeu-cau-cac-benh-vien-khong-duoc-tu-choi-f0-d537161.html
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 cao nhất trong gần 2 năm qua
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 26/12 thông báo, nước này ghi nhận thêm 206 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 158 ca trong cộng đồng.
Đây là mức tăng số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất trong vòng 21 tháng qua, kể từ khi Trung Quốc nỗ lực kiểm soát thành công đợt dịch đầu tiên hồi tháng 1/2020.
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 cao nhất trong 21 tháng qua. Ảnh minh họa
Trong số ca nhiễm mới ngày qua có tới 155 ca được ghi nhận tại Tây An (tỉnh Thiểm Tây), tăng mạnh so với chỉ 75 ca của một ngày trước đó. Thành phố 13 triệu dân này hiện đang là điểm nóng dịch COVID-19 ở Trung Quốc và bước vào ngày phong tỏa thứ 4.
Tính từ ngày 9 đến ngày 25/12, Tây An đã ghi nhận tổng cộng 485 ca mắc COVID-19 có triệu chứng. Sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh đã buộc chính quyền thành phố áp lệnh phong toả từ ngày 23/12, yêu cầu người dân hạn chế ra đường và đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu.
26 quan chức Tây An đã bị kỷ luật vì lơ là thiếu trách nhiệm làm bùng phát ổ dịch ở thành phố 13 triệu dân.
Các chuyên gia Trung Quốc đã xác định chủng chính trong đợt dịch ở Tây An là biến thể Delta. Tình hình dịch được dự đoán sẽ tiếp tục phức tạp khi Tây An đang trải qua mùa đông lạnh giá cùng dịch sốt xuất huyết.
Cho đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 101.077 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.636 trường hợp tử vong (con số này không thay đổi trong gần 1 năm qua).
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/trung-quoc-ghi-nhan-so-ca-nhiem-moi-covid-19-cao-nhat-t... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/trung-quoc-ghi-nhan-so-ca-nhiem-moi-covid-19-cao-nhat-trong-gan-2-nam-qua-a523704.html
Thanh Hóa: Các ca nhiễm Covid-19 tại huyện Hoằng Hóa tăng đột biến
Trong 24 giờ qua, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận thêm 291 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, huyện Hoằng Hóa cao nhất với 71 ca nhiễm được phát hiện.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, tính từ 16h ngày 25/12 đến 16h ngày 26/12, Tỉnh này ghi nhận thêm 291 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó, huyện Hoằng Hóa dẫn đầu với 55 ca cộng đồng và 16 ca trong các khu cách ly.
Theo đó, 55 ca nhiễm Covdi-19 cộng đồng tại huyện Hoằng Hóa được phát hiện trên địa bàn các xã, thị trấn cụ thể như sau: Thị trấn Bút Sơn có 7 bệnh nhân, xã Hoằng Phong có 4 bệnh nhân, xã Hoằng Đạt có 2 bệnh nhân, xã Hoằng Tân có 1 bệnh nhân, xã Hoằng Đức có 3 bệnh nhân, xã Hoằng Phụ có 12 bệnh nhân, xã Hoằng Sơn có 2 bệnh nhân, xã Hoằng Hà có 1 bệnh nhân, xã Hoằng Ngọc có 1 bệnh nhân, xã Hoằng Thành có 4 bệnh nhân, xã Hoằng Yến có 1 bệnh nhân, xã Hoằng Hợp có 1 bệnh nhân, xã Hoằng Tiến có 4 bệnh nhân, xã Hoằng Đông có 3 bệnh nhân, xã Hoằng Thắng có 7 bệnh nhân, xã Hoằng Thịnh có 1 bệnh nhân và xã Hoằng Trung có 1 bệnh nhân.
Một cụm dân cư thuộc thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa bị phong tỏa vì dịch Covid-19 tại thời điểm thắng 6/2021.
Ngoài ra, có 82 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng được ghi nhận tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể: Thị xã Nghi Sơn có 30 bệnh nhân, huyện Nông Cống có 2 bệnh nhân, huyện Thiệu Hóa có 1 bệnh nhân, huyện Như Thanh có 12 bệnh nhân, huyện Bá Thước có 6 bệnh nhân, huyện Thạch Thành có 3 bệnh nhân, huyện Quảng Xương có 5 bệnh nhân, huyện Đông Sơn có 2 bệnh nhân, Tp.Thanh Hóa có 17 bệnh nhân, huyện Thọ Xuân có 1 bệnh nhân.
Còn lại là 154 bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận khi mới từ các địa phương khác trở về và bệnh nhân đang cách ly theo quy định.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã ghi nhận 6.949 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn.Trong đó, có 3.998 người được điều trị khỏi, ra viện và 13 bệnh nhân tử vong.
Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 4.993.360 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, tỉ lệ bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 98,68%, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi đạt 83,8% và trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỉ lệ 93,01%.
Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện xét nghiệm bằng RT-PCR 3.605 mẫu tại các đơn vị y tế.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-cac-ca-nhiem-covid-19-tai-huyen-hoang-hoa-tang-dot... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-cac-ca-nhiem-covid-19-tai-huyen-hoang-hoa-tang-dot-bien-a538197.html