COVID-19 28/12: Một tỉnh có 17 ổ dịch ở khắp nơi, giáo viên và học sinh tiểu học mắc nhiều

K.T - Ngày 28/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Chỉ trong vài ngày gần đây, số ca bệnh và ổ dịch trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tăng lên nhanh chóng, với nhiều ổ dịch phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ bùng phát trong cộng đồng rất cao.

9 diễn biến

Ninh Bình có 17 ổ dịch COVID-19 ở hầu khắp các huyện, thành phố

Theo báo cáo của Sở Y tế Ninh Bình, trong ngày 27/12, số ca bệnh xác định mới ghi nhận lên đến 136 ca, đạt đỉnh từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đến nay.

Trong đó, 105 trường hợp ghi nhận mắc tại cộng đồng ở huyện Kim Sơn; 12 trường hợp ghi nhận là các trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng các huyện (Yên Mô: 10 trường hợp; Kim Sơn: 2 trường hợp); 19 trường hợp là các trường hợp mắc thứ phát và về từ vùng có yếu tố dịch tễ phức tạp được cách ly tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, với việc ghi nhận thêm ổ dịch mới tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn), với 105 ca bệnh, nâng tổng số ổ dịch toàn tỉnh đang hoạt động lên 17 ổ dịch, tại 7/8 huyện, thành phố trong tỉnh, với 424 ca bệnh.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Sỹ Thắng

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Sỹ Thắng

Ngành y tế Ninh Bình nhận định ban đầu về ổ dịch liên quan đến xã Kim Đông có thể nguồn lây từ những người buôn bán thủy hải sản từ nhiều nơi đến và đi tại chợ Kim Đông, sau đó ủ bệnh trong cộng đồng.

Ngày 27/12, 1 giáo viên trường Tiểu học Kim Đông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2. Hiện trong số hơn 100 ca bệnh ghi nhận mới tại ổ dịch xã Kim Đông, có trên 90 ca bệnh là học sinh trường Tiểu học Kim Đông. Số ca F0 đã xác định hiện đang được ngành Y tế huyện tạm thời cách ly tại nhà, phân tầng theo dõi sức khỏe, từ đó có phương án điều trị tiếp theo.

Trước thực tế ghi nhận số ca bệnh và ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng đã tăng lên nhanh chóng, với nhiều ổ dịch phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ bùng phát trong cộng đồng rất cao, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế các hoạt động đi lại và tập trung đông người không cần thiết.

Đồng thời, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ninh-binh-co-17-o-dich-covid-19-o-hau-khap-cac-huyen-thanh-ph...

Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin về việc gỡ bài "KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Á"

Chiều muộn ngày 27/12, trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chính thức đăng tải bản tin đính chính về “sự cố” gỡ bài liên quan đến thông tin “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” mà đơn vị đã đăng trước đó.

Theo đó, nội dung tin có bày tỏ, trên cơ sở tổng hợp nguồn tin, vào lúc 15:36 ngày 26/4/2020, bản tin “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực KH&CN tham khảo như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật.

Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.

Hình ảnh trang web sau khi thông tin được gỡ bỏ ngày 20/12/2021.

Hình ảnh trang web sau khi thông tin được gỡ bỏ ngày 20/12/2021.

Các đơn vị chức năng có liên quan đã kiểm tra lại và nhận thấy có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.

Nội dung thông tin xin được đính chính như sau: “Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận yêu cầu xin đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ kit “LightPower iVA SAR-CoV-2 1st RT-rPCR Kit” của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á”.

Nguồn: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-thong-tin-ve-vie...

Từ ngày 1/1/2022, người nhập cảnh vào Hải Phòng sẽ phải cách ly

Thực hiện chỉ đạo của của Bộ Y tế về việc phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron và kiểm soát dịch COVID-19, ngày 27/12, UBND Tp.Hải Phòng ban hành văn bản số 10073/UBND-VX về việc hướng dẫn thủ tục nhập cảnh và cách ly tại nơi cư trú với người nhập cảnh trên địa bàn thành phố từ ngày 1/1/2022.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở LĐTB&XH, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương, UBND các quận huyện thông báo đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý về nhu cầu nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động thực hiện theo văn bản số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế.

Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB&XH, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công Thương, UBND các quận huyện xác minh đối tượng chuyên gia, người lao động nhập cảnh; tổng họp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng phương án vận chuyển và cách ly tại nơi cư trú; gửi về Sở Y tế, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế nơi cách ly sau khi được UBND thành phố và Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an chấp thuận nhập cảnh.

UBND Tp.Hải Phòng giao Sở Y tế hướng dẫn UBND các quận, huyện giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại nơi cư trú và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm cho người nhập cảnh tại nơi cư trú theo quy định.

Chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế triển khai các thủ tục nhập cảnh. Đối với thuyền viên nước ngoài nhập cảnh tại Cảng Hải Phòng: Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng lập danh sách thuyền viên nước ngoài nhập cảnh tại Cảng Hải Phòng và có văn bản báo cáo UBND thành phố.

Người nhập cảnh theo đường hàng không về sân bay Cát Bi sẽ phải cách ly có thời hạn.

Người nhập cảnh theo đường hàng không về sân bay Cát Bi sẽ phải cách ly có thời hạn.

Đối với thuyền viên Việt Nam, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng thực hiện các thủ tục theo quy định để thuyền viên được nhập cảnh.

Thuyền viên có địa chỉ tại Hải Phòng: Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế gửi danh sách các thuyền viên nhập cảnh cho Trung tâm y tế các quận, huyện để quản lý cách ly tại nơi cư trú và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Thuyền viên có địa chỉ ngoài Hải Phòng: Đối với thuyền viên đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế lập danh sách cách ly 3 ngày tại khách sạn theo quy định của thành phố, gửi danh sách về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.

Đối với thuyền viên chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin COVID-19: Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế lập danh sách cách ly 7 ngày tại khách sạn theo quy định của thành phố, gửi danh sách về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT- PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì thuyền viên được về nơi cư trú và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông báo tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi thuyền viên cư trú tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày tính từ ngày nhập cảnh. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh đường hàng không: Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế lập danh sách gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để chuyển tới Trung tâm Y tế các quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để thực hiện quản lý, cách ly tại nơi cư trú (nhà ở, khách sạn...) và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Yêu cầu các doanh nghiệp có chuyên gia nhập cảnh xây dựng phương án vận chuyển chuyên gia từ Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi về nơi cư trú để cách ly đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Yêu cầu người nhập cảnh: Phải cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định. Trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Người điều khiển phương tiện vận chuyển người nhập cảnh hạn chế dừng, đỗ dọc đường; trường hợp đặc biệt hoặc khẩn cấp phải dừng đỗ dọc đường thì phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

UBND thành phố giao Sở Tài chính hướng dẫn UBND các quận huyện các khoản thu đối với người nhập cảnh tại nơi cư trú.

Giao UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19 theo quy định với người nhập cảnh cách ly tại nơi cư trú.

Đối với người nhập cảnh đang thực hiện cách ly y tế tại khách sạn trước ngày 1/1/2022 thì tiếp tục thực hiện theo các quy định trước đây. Người nhập cảnh đã được chấp thuận nhập cảnh mà ngày nhập cảnh sau ngày 1/1/2022 nếu có nhu cầu thì được thay đổi phương án cách ly về nơi cư trú theo quy định.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tu-ngay-1-1-2022-nguoi-nhap-canh-vao-hai-phong-se-phai-cach-...

Thừa Thiên Huế bắt đầu điều trị F0 không triệu chứng tại nhà

Tính đến sáng 28/12, tại TT-Huế có 11.741 ca F0 được Bộ Y tế cấp mã bệnh; hiện điều trị khỏi 7.316 ca, 47 ca F0 tử vong (chủ yếu do lão suy, mắc bệnh nền về huyết áp, đái tháo đường, béo phì, suy tim mạn, suy thận mạn...).

Trước tình hình số ca bệnh trên địa bàn tăng nhanh, vượt trên 11.700 ca, tỉnh TT-Huế bắt đầu triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực điều trị, chăm sóc người mắc COVID-19 tại các cơ sở điều trị tầng 2 và điều trị F0 tại nhà.

Theo ông Trần Kim Hảo - Giám đốc Sở Y tế TT-Huế, tỉnh hiện đã thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị F0 theo mô hình 3 tầng. Trong đó, tầng 1 thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và thể nhẹ; tầng 2 thu dung, điều trị mức độ vừa và nặng; tầng 3 cơ sở thu dung, điều trị mức độ nặng và nguy kịch.

Do số ca F0 thuộc đối tượng điều trị tầng 2 tại TT-Huế hiện khá cao, nên đòi hỏi các tuyến y tế cơ sở phải sẵn sàng và đảm bảo các điều kiện để điều trị một cách hiệu quả nhất; tuân thủ phương châm điều trị 4 tại chỗ tại mỗi bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, chuẩn bị phòng hồi sức tích cực để điều trị ca bệnh mức độ vừa và nặng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, khẳng định, việc đảm bảo cơ sở thu dung, điều trị cho F0 là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhằm nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng tại chỗ, phù hợp, hiệu quả theo cấp độ dịch tại địa phương để cách ly, quản lý, điều trị; hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh diễn biến nặng và tử vong, góp phần giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn của gia đình, cộng đồng và xã hội.

Về điều trị F0 tại nhà, ông Bình cho rằng, khi triển khai phải bảo đảm đủ điều kiện và đúng quy trình. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, điều trị F0 tại nhà là việc làm tất yếu sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc quản lý F0 phải được thực hiện theo quy trình cụ thể; áp dụng cho các đối tượng không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải rà soát các hộ gia đình thực hiện cách ly tại nhà đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Yêu cầu đối với nơi cách ly y tế tại nhà phải là nhà ở riêng lẻ, phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân… Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch và phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch bệnh.

Để đạt hiệu quả trong điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế phối hợp Sở TT&TT nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm quản lý F0 tại nhà; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân nắm, hiểu và thực hiện đúng.

"Các địa phương sau khi rà soát đảm bảo các điều kiện thì có thể triển khai ngay; làm tốt việc điều trị F0 tại nhà sẽ giảm được áp lực lớn cho các cơ sở điều trị tuyến trên. Có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai, phổ biến đầy đủ các nội dung. Trưởng ban chỉ đạo các cấp phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc cách ly tại nhà. Kiện toàn sớm tổ COVID-19 cộng đồng. Ngành y tế, địa phương sớm tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở, triển khai mô hình trạm y tế lưu động để quản lý F0 cách ly tại nhà, không để xảy ra tình trạng F0 không được chăm sóc, điều trị ", ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

Ca mắc và tử vong do COVID-19 có xu hướng tăng trở lại, vùng dịch 'nóng nhất' ở Châu Âu

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 281.009.481 ca, trong đó có 5.429.959 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 250.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 24 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch "nóng nhất" nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Ngày 27/12, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 453.760 trường hợp mắc COVID-19 và 3.395 ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (100.000 ca), đây cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 1.000 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 53,2 triệu ca mắc và hơn 837.885 ca tử vong.

Tại một số quốc gia châu Á và châu Âu, biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 đang thách thức các chiến lược chống dịch.

Nguồn: https://tienphong.vn/thua-thien-hue-bat-dau-dieu-tri-f0-khong-trieu-chung-tai-nha-post1...

Công an làm việc với CDC Đắk Lắk về mua kit test của Công ty Việt Á

Ngày 28-12, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xác nhận Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk liên quan đến việc mua kit test của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Cơ quan công an đã làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk liên quan đến việc mua sắm kit test của Công ty Việt Á.

Cơ quan công an đã làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk liên quan đến việc mua sắm kit test của Công ty Việt Á.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trước đó, 1 tập đoàn tặng cho ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk 1 máy xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á. Do máy của đơn vị này phải chạy kit test của đơn vị đó nên CDC Đắk Lắk đã mua gần 20.000 kit test và thanh toán 6 tỉ đồng cho Công ty Việt Á. Ngoài ra, CDC Đắk Lắk tiếp tục mua của Công ty Việt Á một số kit test nhưng chưa thanh toán. Khi lãnh đạo Công ty Việt Á bị bắt thì CDC Đắk Lắk đã tạm dừng thanh toán.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, vừa qua, Công ty Việt Á tiếp tục tặng cho ngành y tế Đắk Lắk một số máy nhưng do không mua được kit test nên chưa sử dụng. "Sau khi làm việc với sở về phân cấp mua sắm trang thiết bị y tế, Cơ quan công an đã làm việc với CDC Đắk Lắk để thu thập các hồ sơ mua sắm liên quan đến Công ty Việt Á" - vị này thông tin thêm.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, trong đợt dịch vừa qua, CDC tỉnh Đắk Lắk đã mua gần 20.000 kit test, với giá khoảng 367.000 đồng/bộ, tổng số tiền khoảng 6 tỉ đồng để chạy máy xét nghiệm PCR.

Trao đổi với phóng viên, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC Đắk Lắk, khẳng định không nhận "hoa hồng" của Công ty Việt Á khi mua kit test.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/cong-an-lam-viec-voi-cdc-dak-lak-ve-mua-kit-test-cua-cong-ty...

Hà Nội cách ly người nhập cảnh như thế nào?

Ngày 28/12, UBND TP.Hà Nội có văn bản triển khai áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.

Theo đó, từ ngày 1/1/2022, UBND TP.Hà Nội yêu cầu đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ số liều vắc xin đã khỏi bệnh COVID-19 trong 3 ngày đầu nhập cảnh phải tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú (nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, trụ sở cơ quan, ký túc…) không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xém nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp kết quả dương tính sẽ xử lý theo quy định.

Người nhập cảnh khi tiêm đủ liều vắc xin chỉ phải cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày. Ảnh minh hoạ.

Người nhập cảnh khi tiêm đủ liều vắc xin chỉ phải cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày. Ảnh minh hoạ.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19 thực hiện cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu kết quả âm tính thực hiện theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày. Nếu dương tính sẽ được xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người tử 65 tuổi trở lên, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh lý nền được cách ly cùng cha, mẹ, nguời chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng. Phải thực hiện nghiêm các yêu cầu xét nghiệm và các quy định phòng, chống dịch COVID-19 như đối với người nhập cảnh.

Yêu cầu chung đối với người nhập cảnh luôn thực hiện 5k. Vận chuyển người nhập cảnh từ cửa khẩu về nơi lưu trú cần thực hiện nghiêm theo quy định, phương tiện vận chuyển hạn chễ dừng đỗ dọc đường, nếu dừng phải thực hiện biện pháp phòng dịch an toàn.

Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Nguồn: http://danviet.vn/ha-noi-cach-ly-nguoi-nhap-canh-nhu-the-nao-502021281212284626.htm

TP.HCM không còn 'vùng cam', túi thuốc C không được phép bán trên thị trường

Ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho hay, tính đến ngày 23/12/2021, dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc ca mắc COVID-19 tại cộng đồng, TP.HCM hiện đang ở cấp độ 2.

Ở cấp quận - huyện, có 9/22 địa phương đạt cấp 1 (Quận 3, 6, 7, 8, Bình Tân, Tân Phú và huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi); 13/22 địa phương đạt cấp 2. Có 2 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận Tân Bình và huyện Bình Chánh (từ cấp 1 lên cấp 2); 2 địa phương giảm cấp độ dịch so với tuần trước là quận Bình Tân (từ cấp 2 xuống cấp 1), Quận 10 (từ cấp 3 xuống cấp 2).

Ở cấp phường - xã - thị trấn, có 160/312 địa phương đạt cấp 1; 139/312 địa phương đạt cấp 2 và 13/312 địa phương đạt cấp 3. Trong đó, 35 phường - xã giảm cấp độ dịch và 18 phường - xã tăng cấp độ dịch do với tuần trước.

Liên quan đến phản ánh việc người dân tự mua thuốc điều trị COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM nhận định, người dân sử dụng thuốc không được chỉ định, kê đơn sẽ rất nguy hiểm.

Lấy ví dụ về túi thuốc B (kháng đông, kháng viêm), bà Mai cho biết, trước đây, túi thuốc này có thể được cấp nhiều hơn về số liều. Tuy nhiên hiện số lượng đã được rút lại còn 1 liều duy nhất, người bệnh sẽ uống trước khi lên xe cấp cứu để di chuyển tới bệnh viện. 

Túi thuốc C (thuốc kháng virus molnupiravir) hiện không được bán trên thị trường. Theo đó, người dân không thể mua hoặc nếu mua được thì khả năng rất cao là mua những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tự ý mua thuốc và cho rằng "Trong trường hợp phát hiện người dân tự đi mua thuốc điều trị, các nhà thuốc sẽ là tuyên truyền viên rất hiệu quả để hỗ trợ ngành y tế thành phố quản lý và hướng dẫn cụ thể cho người dân".

Toàn cảnh buổi họp báo chiều 27/12. Ảnh: TTBC

Toàn cảnh buổi họp báo chiều 27/12. Ảnh: TTBC

Cũng tại buổi họp chiều nay, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, phương án xét nghiệm tìm kiếm F0 trong cộng đồng tại thành phố vẫn không thay đổi, gồm test nhanh và RT-PCR.

Những ngày vừa qua, dựa vào quy trình theo quy định của Bộ Y tế, số lượng F0 mà ngành y tế thành phố nắm được đang có xu hướng giảm.

Trước khi có báo cáo cụ thể lên ban chỉ đạo, ngành y tế cũng đã xem xét toàn diện các khía cạnh khác như quan sát, so sánh số ca nhập viện với số ca tử vong…. Những số liệu thống kê, so sánh đều cho thấy số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố giảm.

"Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhất là dịp Tết dương lịch, Tết cổ truyền sắp tới và các hoạt động đang dần trở lại nhiều hơn, phải luôn tuân thủ 5K và hướng dẫn của ngành Y tế" - ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/tphcm-khong-con-vung-cam-tui-thuoc-c-khong-duoc-phep-ban-tren-th...

Hà Nội: Ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xuất quân hỗ trợ

Ngày mai sẽ diễn ra khóa đào tạo đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai cho cán bộ y tế tầng 1 của quận Đống Đa về các vấn đề quản lý F0 tại nhà; vấn đề cấp cứu, xử trí, vận chuyển người bệnh cấp cứu từ Trạm y tế lưu động, từ các cơ sở thu dung đến điều trị ở tầng cao hơn; vấn đề “nâng tầng” khi bệnh nhân diễn biến nặng và vấn đề “hạ tầng” khi bệnh nhân diễn biến nhẹ hơn….Tất cả các nội dung đó sẽ được các chuyên gia, thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đào tạo trong 3 buổi tối, mỗi buổi tối sẽ có 2 chuyên đề.

Phát biểu tại Lễ xuất quân, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Phụ trách điều hành Bệnh viện Bạch Mai cho biết các bác sĩ tham gia hỗ trợ Hà Nội chống dịch đến từ các chuyên khoa truyền nhiễm, tim mạch, hô hấp, nội tiết - đái tháo đường, thận tiết niệu… Đây cũng là các bác sĩ đã kinh qua các mặt trận nóng bỏng tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM… Ngoài ra còn có các thầy cô có nhiều kinh nghiệm chống dịch, các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ khi có nhu cầu.

TS. Trần Nhị Hà. Giám đốc Sở y tế Hà Nội biểu dương tinh thần chủ động, “đi sớm một bước” của Bệnh viện Bạch Mai và quận Đống Đa so với kế hoạch chống dịch của ngành y tế thủ đô. “Mô hình huy động các bệnh viện tuyến trung ương đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công cuộc chống dịch của Thủ đô sẽ được triển khai mở rộng trên toàn Thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc huy động được một bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai là một điều vô cùng quý báu bởi các thầy các cô không chỉ là các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực mà còn có rất nhiều kinh nghiệm chống dịch tại các chiến trường khốc liệt như TPHCM, kinh nghiệm về điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm và kiến thức vô cùng quý báu mà Hà Nội luôn tiếp nhận được từ các Bệnh viện, trong đó có Bạch Mai. Đó sẽ là động lực để Thủ đô chiến thắng dịch bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ.

Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-ca-mac-covid-19-tang-nhanh-benh-vien-bach-mai-khan-truong-x...

4 người Nghệ An đi chung chuyến bay với ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam

Chiều 28-12, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã xác định có 4 người ở tỉnh này đi chung chuyến bay với ca nhiễm Omicron đầu tiên nhập cảnh vào Việt Nam. 

Cụ thể, 2 trường hợp được xác định ở TP Vinh, 1 trường hợp ở huyện Yên Thành, 1 trường hợp ở huyện Quỳnh Lưu. Những trường hợp trên đã hoàn thành cách ly tại FLC Thanh Hóa, về địa phương vào ngày 26-12 vừa qua. "Cả 4 trường hợp đang thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện cả 4 trường hợp sức khỏe đều ổn định"- nguồn tin trên cho hay.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Trước đó, vào trưa ngày 28-12, Bộ Y tế cho biết theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Theo đó, ngày 19-12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là nam hành khách K.V.H.M. trên chuyến bay QH9028 của Bamboo Airways từ Anh về Việt Nam. 

Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19-12), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính. 

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân K.V.H.M. là trở về từ Anh, ngày 20-12, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả nghi ngờ nhiễm biến thể Omicron.

Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21-12, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân K.V.H.M. Kết quả được xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529) với các đột biến trên protein gai.

Bộ Y tế cho biết đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh. Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch cũng như sự biến thể Omicron tại Việt Nam.

Theo thống kê, chỉ trong vài tuần qua, biến thể Omicron đã lây lan trên 100 nước trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng điểm nguy hiểm nhất ở biến thể này là virus mang 32 gen đột biến khi xâm nhập thì khả năng tương tác với chủng Delta sẽ dễ tạo thành biến chủng khác. Khi số ca mắc tăng nhanh có thể gây quá tải hệ thống y tế, nguy cơ tăng nặng và tử vong cũng gia tăng.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/4-nguoi-nghe-an-di-chung-chuyen-bay-voi-ca-nhiem-omicron-dau...

COVID-19 27/12: 7 tiểu thương ở chợ dương tính, tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây lan cho cộng đồng
Trong 116 ca Covid-19 mới ghi nhận tại TP Đà Nẵng có 43 ca cộng đồng, trong đó có 7 tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Hòa Cường.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h