COVID-19: 29 học sinh dương tính trong một ngày, địa phương hỏa tốc cho toàn bộ HS dừng đến trường

H.A - Ngày 29/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Từ ngày 29/12, toàn bộ học sinh thuộc các trường học tại TP.Sơn La, tỉnh Sơn La sẽ tạm thời dừng đến trường sau khi phát hiện thêm 29 ca dương tính với SARS-CoV-2 là học sinh.

10 diễn biến

Thêm 29 ca dương tính SARS-CoV-2 là học sinh, TP.Sơn La cho toàn bộ học sinh tạm dừng đến trường

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La, ngày 28/12, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã phát hiện 58 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 29 học sinh thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quyết Tâm, phường Quyết Tâm, TP.Sơn La.

29 học sinh trên là F1 có liên quan các học sinh F0 được phát hiện trong ngày 26 - 27/12, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao.

Hiện, các trường học trên địa bàn TP.Sơn La đang tổ chức rà soát, kiểm tra để phân loại các trường hợp liên quan đến ca F0 trên địa bàn. Ảnh: Tuệ Linh.

Hiện, các trường học trên địa bàn TP.Sơn La đang tổ chức rà soát, kiểm tra để phân loại các trường hợp liên quan đến ca F0 trên địa bàn. Ảnh: Tuệ Linh.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng GDĐT TP.Sơn La, cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số trường học trên địa bàn thành phố, để đảm bảo an toàn, chủ động kiểm soát không để dịch lây lan ra các trường học, các cơ sở giáo dục, phòng đã chủ động tham mưu và xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho phép học sinh trên địa bàn dừng đến trường.

Bà Giang cho biết thêm, các bậc phụ huynh và người dân không nên lo lắng, bởi việc cho học sinh tạm dừng đến trường với mục đích là rà soát lại tình hình dịch bệnh, giúp cơ quan chuyên môn phân loại các trường hợp liên quan đến dịch và đánh giá đúng tình hình dịch để có phương án phòng, chống dịch cũng như triển khai kế hoạch dạy, học được đảm bảo.

Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, các trường tổ chức dạy, học trực tuyến.

Nguồn: https://danviet.vn/them-29-ca-duong-tinh-sars-cov-2-la-hoc-sinh-tpson-la-cho-toan-bo-ho...

Người dân Hà Nội khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 cần làm gì?

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập căn cứ tình hình dịch bệnh, chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tăng cường việc phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung vào công tác xét nghiệm SARS-CoV-2.

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh minh họa).

Xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh minh họa). 

Cụ thể, khi phát hiện các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính cần nhanh chóng, khẩn trương thực hiện công tác cách ly điều trị, điều tra, khoanh vùng, truy vết, xử lý dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Thực hiện tư vấn, hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch, tránh tình trạng người dân tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn của y tế hoặc tự di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân, đơn vị trên địa bàn chấp hành các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là với người dân tự xét nghiệm COVID-19 cần khuyến cáo khi tự thực hiện test nhanh có kết quả dương tính cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được tư vấn. Thông qua đó giúp cho y tế địa phương phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, khoanh vùng và dập dịch, đồng thời hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, tổng đài 1022 về việc tư vấn, hướng dẫn người mắc COVID-19 để người dân thực hiện liên hệ và được cung cấp thông tin kịp thời.

Sở Y tế Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho các Trung tâm quận, huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo các trạm y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương.

Nguồn: http://danviet.vn/nguoi-dan-ha-noi-khi-test-nhanh-duong-tinh-voi-sars-cov-2-can-lam-gi-...

Không có "vùng cấm" trong vụ án thổi giá kit của Công ty Việt Á

Tại cuộc họp báo chiều 28/12 của Bộ Công an, ngoài việc đề cập cần làm rõ một số nội dung liên quan đến từ thiện, đấu thầu đất... nhiều phóng viên đặc biệt quan tâm đến việc thổi giá kit test COVID -19 của Công ty Việt Á.

Về nội dung này, đại diện C03 khẳng định, cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ, và khẳng định không có vùng cấm.

Vị này cho biết, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan. Đến nay, C03 đã khởi tố 7 bị can về cùng tội danh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an thông tin về vụ án thổi giá kit test COVID của Công ty Việt Á

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an thông tin về vụ án thổi giá kit test COVID của Công ty Việt Á

Trước câu hỏi của báo chí về việc cơ quan điều tra có làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế khi đề án dùng tiền nhà nước nghiên cứu nhưng để cho Việt Á kinh doanh từ đó nâng giá gây thiệt hại tài sản nhà nước, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng C03 cho biết: "Sau khi khởi tố các bị can, cơ quan điều tra công bố các thông tin cần thiết. Mọi khía cạnh của vụ án sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm".

Theo ông Thành, căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, lời khai của các bị can cho thấy kit xét nghiệm của Việt Á được công ty này trực tiếp và gián tiếp bán tại 62 địa phương. Có thể một số địa phương tự mua cũng có thể do các đơn vị mua tài trợ cho địa phương.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Ngày 10/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 08 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.

Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định: Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, CQĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng gồm: Phan Quốc Việt (SN 1980, ở TP HCM), Chủ tịch, TGĐ Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp (SN1986, ở Bình Dương), Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo (SN 1984, ở Long An), Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng Âu Lạc; Phan Tôn Noel Thảo (SN 1990, ở Bình Dương), Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng (SN 1995, ở Bình Dương), Nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến (SN 1965, ở Hải Dương), Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1985, ở Hải Dương), nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Nguồn: https://tienphong.vn/bo-cong-an-khang-dinh-khong-co-vung-cam-trong-vu-an-thoi-gia-kit-c...

Thêm 1.920 F0, Hà Nội siết quy định phòng chống dịch với người nhập cảnh

Ngày 28/12, Hà Nội thêm 1.920 ca Covid-19, trong đó có 449 ca ghi nhận trong cộng đồng, 1.360 ca tại khu cách ly và 111 ca tại khu phong tỏa.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Hoàng Mai (249); Nam Từ Liêm (245), Hai Bà Trưng (174), Cầu Giấy (135), Hà Đông (120) và Đống Đa (113).

Liên tiếp trong hơn chục ngày qua, Hà Nội ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, trong đó, khoảng 5 ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 lên tới gần 2.000 ca mắc/ngày. Dự báo số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày cuối năm.

Hà Nội cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19

Hà Nội cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trưa nay (28/12), Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành công văn hỏa tốc gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.

Theo đó, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu từ khi nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; dương tính sẽ xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19, Hà Nội yêu cầu phải thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh, xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.

"Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày; dương tính thì xử lý theo quy định" - công văn nêu rõ.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ đang mang thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế), được cách ly cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Tuy nhiên, người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm Covid-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm cùng các quy định phòng, chống dịch Covid-19 như đối với người nhập cảnh.

Hà Nội cũng yêu cầu tất cả người nhập cảnh luôn thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Việc vận chuyển người nhập cảnh từ cửa khẩu về nơi lưu trú cần thực hiện nghiêm quy định 5K, phương tiện vận chuyển hạn chế dừng đỗ dọc đường. Trường hợp phải dừng đỗ dọc đường thì thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm Covid-19 theo quy định.

Các quy định trên đối với người nhập cảnh sẽ được TP Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Trước đó, trong tối 27/12, Hà Nội cũng vừa ban hành kế hoạch để ứng phó với biến chủng mới Omicron, theo đó TP sẽ cách ly tập trung những người nhập cảnh từ những quốc gia đã ghi nhận biến chủng này.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-nguoi-nhap-canh-tiem-du-vaccine-covid-19-theo-doi-su...

Những người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân mắc biến chủng Omicron hiện nay thế nào?

Về trường hợp đầu tiên mắc biến chủng Omicron được công bố ngày 28/12, GS Lân cho biết, bệnh nhân này được quản lý, cách ly kịp thời ngay từ khi nhập cảnh. 

Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, không có biểu hiện lây lan ra cộng đồng.

Tin từ Bệnh viện 108 nơi điều trị cho bệnh nhân cũng cho biết, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng. Các bác sĩ nhận định, đây là ca Covid-19 không có triệu chứng, nguy cơ thấp. 

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 Ảnh: BVCC

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 Ảnh: BVCC

165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân mắc biến chủng Omicron

GS Lân cũng cho biết, trên chuyến bay cùng bệnh nhân mắc biến chủng Omicron có 165 người khác, hầu hết là người sống ở Hà Nội. Hiện những người này đều đã được cách ly tập trung theo quy định.

"Bộ Y tế đã có công điện gửi các địa phương có người đi cùng chuyến bay để thực hiện quản lý theo quy định. Như vậy đến thời điểm này đây là ca bệnh xâm nhập. Với các biện pháp quản lý người nhập cảnh thì không có khả năng lây lan ra cộng đồng", GS Lân cho biết.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, cụ thể như sau:

Ngày 19/12/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối ngày 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính.

Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh Quốc, ngày 20/12/2021, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.

Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12/2021, Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân.

Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).

Đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, là người nhập cảnh đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh.

Tăng cường giám sát người nhập cảnh phát hiện biến chủng Omicron

Để giám sát và phòng chống biến chủng Omicron, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, yêu cầu rà soát các đối tượng nhập cảnh từ ngày 28/11.

Cụ thể, các địa phương cần rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến chủng Omicron.

Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến chủng Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến chủng Omicron.

Nguồn: https://danviet.vn/nhung-nguoi-di-cung-chuyen-bay-voi-benh-nhan-mac-bien-chung-omicron-...

Cho phép dùng test nhanh để xác định người mắc hoặc khỏi bệnh Covid-19

Việc cho phép dùng test nhanh Covid-19 để phát hiện người mắc Covid-19 có thể tiết kiệm được nhiều chi phí xét nghiệm và thời gian.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký văn bản gửi các bệnh viện thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; y tế các bộ, ngành ngày 28/12, Bộ Y tế nêu bộ đã nhận được văn bản đề xuất của nhiều sở y tế tỉnh, thành đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên (test nhanh) để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh.

Sau nghiên cứu, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.

16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội ngày 28/12.

16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội ngày 28/12.

Theo đó, những người mắc Covid-19 là:

- Trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

- Trường hợp bệnh nghi ngờ, có kết quả test nhanh dương tính (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa).

- Những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có 2 kết quả test nhanh dương tính (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1 và hình thức test nhanh như trên).

Trong trường hợp chỉ có 1 kết quả test nhanh dương tính thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Có thể dùng test nhanh để xác định tình trạng khỏi bệnh Covid-19

Về đề xuất dùng kết quả test nhanh để xác định tình trạng khỏi bệnh Covid và cho ra viện, Bộ Y tế hướng dẫn người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đủ 10 ngày. Kết quả test nhanh âm tính và hình thức thực hiện như trên. Trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Đối với người bệnh Covid-19 đơn thuần, nằm điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp (CT>30) hoặc tets nhanh âm tính vào trước ngày ra viện.

Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời và tuân thủ thông điệp 5K.

Đối với người bệnh Covid-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo, các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện.

Người bệnh được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày.

Bộ Y tế hướng dẫn dùng kết quả xét nghiệm nhanh xác định người nhiễm và khỏi bệnh.

Như vậy, so với quy định trước đây, một người được khẳng định mắc Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 phải cần phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR. Trong khi đó, xét nghiệm RT-PCR có giá cao hơn gần 7 lần so với test nhanh và có kết quả cũng lâu hơn nhiều so với test nhanh.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-huong-dan-xac-dinh-ca-mac-covid-19-bang-test-nhanh-...

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo 'nóng' đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19 dịp Tết Nhâm Dần

Đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký, ban hành Chỉ thị số 26/CT-UBND về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn.

Theo đó, để tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm "mọi người, mọi nhà đều có Tết"; tạo không khí phấn khởi, hăng say thi đua trong công tác, lao động, sản xuất, học tập của cán bộ, nhân dân Thủ đô ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu đảm bảo an toàn dịp Tết trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp tại Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu đảm bảo an toàn dịp Tết trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp tại Hà Nội.

Ông Chu Ngọc Anh đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian giao mùa Đông – Xuân. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra.

Chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu.

Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, thương tích, ngộ độc thực phẩm...

Duy trì tổ chức, thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; Tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 trong bệnh viện; Xây dựng phương án chăm lo cho bệnh nhân buộc phải ở lại bệnh viện trong dịp Tết.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường, giá cả, chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, các điểm bán hàng bình ổn giá; Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các đơn vị liện quan tổ chức thực hiện tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Tăng cường quản lý xuất/nhập cảnh

UBND TP. Hà Nội giao Công an chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan xây dựng các phương án, tổ chức lực lượng ứng trực cụ thể, phù hợp để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân vui Tết; Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người, đặc biệt tập trung đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực trung tâm trong các ngày Tết.

Phối hợp Sở GTVT tăng cường lực lượng và phương tiện triển khai các giải pháp quyết liệt, kể cả các giải pháp tình thế đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc (nếu có); ngăn chặn đua xe, kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Phát động đợt cao điểm ra quân tập trung phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, đốt pháo nổ trái phép từ nay đến hết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tăng cường phòng, chống buôn bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Tổ chức xóa các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự; Không để xảy ra các vụ trọng án, triệt phá các đường dây buôn lậu, buôn bán, sản xuất hàng giả, buôn bán ma túy, cờ bạc, số đề, mại dâm, mê tín dị đoan, tín dụng "đen", cho vay nặng lãi...

Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng dân phòng tuần tra canh gác, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, các hành vi vi phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự tại các đầu mối giao thông. Tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của công dân và người nước ngoài.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/chu-tich-ha-noi-chi-dao-nong-dam-bao-an-toan-dich-benh-covid-...

Bắc Ninh tạm dừng phục vụ ăn uống tại chỗ từ ngày 29/12

Vietnamplus dẫn thông tin, vào tối ngày 28/12, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, cà phê tại chỗ vào tất cả thời gian trong ngày, chỉ cho phép bán hàng mang về.

Tỉnh cũng không cho phép tổ chức các sự kiện tụ tập đông người như liên hoan tất niên từ ngày 29/12 đến hết ngày 12/1/2022. Tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, quy định này có thể được kéo dài thời gian thực hiện.

Người dân được yêu cầu không ra ngoài từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau, trừ các trường hợp như thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về… nhưng phải có giấy tờ liên quan là thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác.

Các hoạt động ngoài trời tập trung không quá 10 người, bảo đảm giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người.  Tiếp tục dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, phòng tập thể hình, yoga, spa, phòng game, quán bi-a, rạp chiếu phim…

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh.

Đối với lễ cưới, tiệc cưới, vận động các gia đình dùng hình thức báo hỷ và không tổ chức mời khách dự tiệc. Đối với đám tang, tuyên truyền, vận động, khuyến cáo các gia đình có tang lễ tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ, thực hiện hình thức hỏa táng và không tổ chức ăn uống tập trung đông người. Đối với các hoạt động khác thực hiện theo quy định tại Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 22/10 của UBND tỉnh.

Các tổ COVID cộng đồng tiếp tục “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, kiểm soát chặt chẽ di biến động nhân khẩu và các công dân có biểu hiện sốt, ho, đau họng… Quản lý chặt chẽ đối tượng F0 điều trị tại nhà, F1 cách ly tại nơi lưu trú, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, phường, thị trấn khẩn trương lập danh sách các hộ gia đình đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất, điều kiện để thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà, đảm bảo các điều kiện theo quy định. Đồng thời, rà soát, lập danh sách, thống kê và quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn.

Tổ chức tiêm vét vaccine, thành lập các tổ thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm 100% các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm đầy đủ vắc xin và những người đã tiêm 2 liều vaccine đã qua 3 tháng - xác định đây là yêu cầu bắt buộc (trừ các trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19, có xác nhận bằng văn bản của cơ quan Y tế có thẩm quyền) để được tham gia các hoạt động tập trung.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/bac-ninh-tam-dung-phuc-vu-an-uong-tai-cho-tu-ngay-29-12...

Dịch COVID-19 lan trong các khu công nghiệp, Quảng Ngãi dừng hoạt động nhiều công ty

Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 5.332 ca COVID-19. Đáng chú ý, nhiều trường hợp F0 được phát hiện tại các nhà máy trong Khu công nghiệp (KCN) dẫn tới nguy cơ lây lan rất cao.

Tại Quảng Ngãi, ngày 28/12, huyện Bình Sơn ghi nhận 36 ca bệnh. Trong đó, 5 ca là công nhân Công ty TNHH Mensa Industries, 6 ca là công nhân Công ty TNHH Millenium, 2 ca ở trọ tại thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông, 1 ca ở xã Bình Hòa, 8 ca ở thị trấn Châu Ổ, 2 ca ở xã Bình Chánh, 2 ca ở xã Bình Phước, 1 ca ở xã Bình Long, 1 ca ở xã Bình Thuận, 2 ca ở xã Bình Nguyên. Ngoài ra, còn có 6 ca là công nhân Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

TP. Quảng Ngãi có 5 ca ở phường Nghĩa Lộ, 1 ca ở trọ tại đường số 7, KCN Quảng Phú, 3 ca ở xã Tịnh Khê, 1 ca có nhà ở xã Nghĩa Dũng, 1 ca ở xã Tịnh Long, 2 ca ở phường Trần Hưng Đạo, 1 ca ở phường Lê Hồng Phong, 2 ca ở xã Tịnh Ấn Tây, 1 ca ở xã Nghĩa Hà. 

Huyện Sơn Tịnh có 7 ca là công nhân Công ty TNHH Mensa Industries, 3 ca là công nhân Công ty TNHH Millenium, 3 ca ở xã Tịnh Phong, 1 ca ở xã Tịnh Thọ.

Những ngày qua, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Quảng Ngãi, ngành chức năng tỉnh này ghi nhận hàng trăm F0, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế. Qua thống kê, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động ở các KCN, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi có người lao động mắc COVID-19. Trong 10 ngày qua, số lao động ở 20 doanh nghiệp nói trên đã ghi nhận hơn 400 ca F0.

Trong đó, ở KCN Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi, Công ty TNHH thủy sản Phùng Hưng có 120 ca F0, Công ty TNHH Hoàng Rin 180 ca F0. Do số ca mắc COVID-19 khá nhiều nên chính quyền địa phương đã đề nghị các doanh nghiệp tạm đóng cửa không hoạt động.

Trước đó, ngày 25/12, toàn bộ công ty thủy sản ở Khu công nghiệp Quảng Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra phương án phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ được hoạt động trở lại khi UBND tỉnh cho phép. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh trong văn bản được ban hành mới đây, nhằm nỗ lực khống chế dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng tại Khu công nghiệp (KCN) Quảng Phú.

KCN Quảng Phú những ngày qua liên tục ghi nhận hàng trăm ca F0 là công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 120 F0 ở Công ty TNHH Thủy sản Phùng Hưng và hơn 180 F0 ở Công ty TNHH Hoàng Rin.

Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp tại đây chưa chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch như: Chưa quản lý chặt chẽ phương tiện ra vào, để nhân viên không tuân thủ chặt các biện pháp 5K… Việc thiếu chặt chẽ trong kiểm soát đã tạo cơ hội cho dịch bệnh có thể xâm nhập từ bên ngoài vào và gây ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh và sức khỏe công nhân, người lao động.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/dich-covid-19-lan-trong-cac-khu-cong-nghiep-quang-ngai-tam-du...

Thanh Hóa: 5 nữ tiếp viên và chủ quán karaoke dương tính với SARS-CoV-2

Chiều 28/12, ông Lê Công Luyện - Chủ tịch UBND thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 6 người  gồm 5 nữ tiếp viên và chủ quán karaoke Lucky dương tính với SARS-CoV-2.

5 nữ tiếp viên bị nhiễm Covid – 19 không phải là công dân địa phương mà là người các tỉnh phía Nam ra làm việc tại quán karaoke và ăn ở luôn tại quán. Các nữ tiếp viên này mới tới địa phương sống và làm việc thời gian gần đây. 6 bệnh nhân đã được đưa đi cách ly điều trị theo quy định.

Quán karaoke Lucky được xây dựng 3 tầng, với thiết kế nhiều phòng hát.

Quán karaoke Lucky được xây dựng 3 tầng, với thiết kế nhiều phòng hát.

Theo ông Luyện, thời gian gần đây quán karaoke Lucky không hoạt động, các nữ tiếp viên ăn ở luôn trong quán. Do chủ quán dương tính với Covid – 19, người này tới ngân hàng giao dịch, thăm nom người quen… nên hiện đã truy vết được 30 F1. Hiện, ổ dịch này vẫn chưa xác định được nguồn lây và đang tiếp tục điều tra.

Sau khi phát hiện ổ dịch tại đây, cơ sở này đã đóng cửa và chính quyền địa phương đã đặt biển “Khu vực phong tỏa không phận sự cấm vào” ngay trước cửa cổng.

Thượng tá Lương Phan Long – Trưởng Công an huyện Yên Định cho biết, liên quan đến ổ dịch tại quán karaoke Lucky, hiện công an huyện đang tập trung vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-5-nu-tiep-vien-va-chu-quan-karaoke-duong-tinh-covi...

4 dự đoán của nhà tiên tri Nostradamus có thể thành hiện thực trong năm 2022?
Nhà tiên tri người Pháp Nostradamus dự đoán rằng trong năm 2022, thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thảm họa như lũ lụt, hạn hán, nạn đói hay cuộc tấn...

Chuyện lạ thế giới

H.A Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19