COVID-19 3/12: Một địa phương bất ngờ có 4.500 ca dương tính qua test nhanh chỉ trong một ngày

H.A - Ngày 03/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Đồng Nai ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong tăng cao. Hiện tỉnh này có hơn 50 ngàn F0 đang được điều trị tại nhà.

14 diễn biến

Đồng Nai ghi nhận 4.500 ca dương tính SARS-CoV-2 qua test nhanh trong một ngày

Ngày 2/12, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay tại 10/11 huyện, thành phố trong tỉnh có hơn 50,7 ngàn bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang được theo dõi tại nhà, hơn 31 ngàn trường hợp khác đã hết cách ly, được công nhận khỏi bệnh.

Một trạm y tế lưu động ở TP Biên Hòa

Một trạm y tế lưu động ở TP Biên Hòa

Trung tâm cũng ghi nhận trong ngày 1/12, tỉnh Đồng Nai có 18 bệnh nhân COVID-19 tử vong, 475 ca nhiễm COVID-19 có kết quả xét nghiệm PCR và hơn 4,5 ngàn ca mắc COVID-19 có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính. Riêng TP Biên Hòa ghi nhận hơn 2,7 ngàn ca test nhanh dương tính trong ngày và cũng là địa phương có số F0 cách ly tại nhà nhiều nhất với hơn 33,1 ngàn trường hợp.

Theo thống kê của ngành y tế chỉ tính riêng trong 4 ngày qua, toàn tỉnh đã có tới 68 trường hợp tử vong do COVID-19. Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, hầu hết các ca tử vong từ khi tỉnh bước sang giai đoạn bình thường mới đều có bệnh nền rất nặng như: tim mạch, suy thận, cao huyết áp, ung thư… Những bệnh nhân này khi vào bệnh viện để điều trị những bệnh nền trên thì được phát hiện mắc COVID-19. Do bệnh nền đã nặng, cộng thêm COVID-19 nên bệnh diễn tiến xấu trong thời gian rất ngắn, dẫn tới số ca tử vong tăng. Theo bác sĩ Vũ, độ tuổi trung bình của các trường hợp tử vong là 66 tuổi, có nhiều người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin. Đồng thời cũng có nhiều trường hợp người có bệnh nền nặng tử vong dù tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Nguồn: https://tienphong.vn/dong-nai-ghi-nhan-4-500-ca-duong-tinh-sars-cov-2-qua-test-nhanh-tr...

Phát hiện 15 ca dương tính SARS-CoV-2 tại BV Phụ sản Trung ương, tạm phong tỏa tòa BC

Chiều 3/12, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (43 phố Tràng Thi) vừa ghi nhận 22 ca test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Đến chiều nay, đã có 15 trường hợp xét nghiệm PCR khẳng định dương tính. 

Theo đó, qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ, bệnh viện phát hiện 22 người test nhanh dương tính, gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và một nhân viên y tế. Những người này đều ở tòa nhà BC Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bệnh viện đã phong tỏa tạm thời tòa nhà, điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm cho những người còn lại. 

Bệnh viện Phụ sản Trung ương ghi nhận 15 ca dương tính

Bệnh viện Phụ sản Trung ương ghi nhận 15 ca dương tính

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra thông báo khẩn, tìm người trên địa bàn thành phố đã đến tòa nhà BC Bệnh viện Phụ sản Trung ương, số 43 phố Tràng Thi, trong thời gian từ ngày 18/11 đến 2/12.

Người đã đến địa điểm này được khuyến cáo chủ động tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2) - 0969.082.115 - 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.

Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.

Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/phat-hien-15-ca-duong-tinh-sars-cov-2-tai-bv-phu-s...

Hà Nội chuẩn bị kịch bản nào khi ca mắc đang tăng rất nhanh, đặc biệt thời điểm cuối năm?

Trong 1 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng rất nhanh. Từ ngày 25/11 đến ngày 2/12, Hà Nội ghi nhận tới gần 2.300 ca mắc mới, cao điểm ngày 2/12, Hà Nội lần đầu ghi nhận ca mắc trong 24 giờ vượt mốc 500.

Tuần qua, trung bình mỗi ngày Thủ đô có thêm hơn 320 ca bệnh, 40% trong tổng ca mắc là ca cộng đồng. Trong các ca cộng đồng, tỷ lệ ca mắc thứ phát chiếm tới 70%.

COVID-19 3/12: Một địa phương bất ngờ có 4.500 ca dương tính qua test nhanh chỉ trong một ngày - 3

Điều đáng lo ngại nữa là trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây, liên quan nhiều đơn vị và nhiều sự kiện tập trung đông người… Chưa kể, khi vào những tháng cuối năm, các hoạt động giao thương kinh tế - xã hội, nhu cầu di chuyển của người dân vào thành phố Hà Nội nhiều hơn, số ca nhiễm dự báo tiếp tục tăng nhanh. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng khi thành phố chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì số mắc tăng lên là "khó tránh khỏi", điều này nằm trong dự liệu của chính quyền. 

Thành phố đã xây dựng kịch bản tình huống có 100.000 ca mắc. Ý thức phòng dịch không chủ quan của người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng.

Một báo cáo của Hà Nội, trong các ca mắc ghi nhận tuần cuối tháng 11, 62% người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi, hơn 9% bệnh nhân đã tiêm 1 mũi vaccine.

Theo chính quyền Hà Nội, số ca bệnh nặng ở tầng 3 (cơ sở y tế điều trị các ca nặng, nguy kịch) chỉ chiếm dưới 0,8%. Điều này cho thấy hiệu quả đáng kể của vaccine đối với việc hạn chế khả năng tăng nặng, tử vong của bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi số ca bệnh tăng nhanh, các cơ sở y tế ở Thủ đô sẽ đối mặt với thách thức lớn. Chính quyền Thủ đô đã phân các tầng điều trị đối với F0, trong đó tầng một là tuyến y tế cơ sở (trạm y tế lưu động) và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.

Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, các địa phương ở Thủ đô triển khai ngay cơ sở điều trị F0 thể nhẹ theo mô hình Trạm Y tế lưu động, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh. Hiện toàn thành phố có 579 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn. Như vậy tổng số giường bệnh các đơn vị chuẩn bị là hơn 86.000.

Ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5525 kèm hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng thống nhất cách triển khai.

Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ngành Y tế Thủ đô hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12 (thứ Bảy tuần này).

Các quận, huyện, thị xã đăng công khai thông tin về phương án cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà; danh mục thuốc điều trị, phương pháp theo dõi sức khỏe; phương án khi cần chuyển điều trị tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện.

Việc triển khai cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà không phải lạ, hình thức này đã được nhiều địa phương tại cả 3 miền Nam - Trung - Bắc triển khai, cho thấy hiệu quả cao. Lãnh đạo y tế Hà Nội cho rằng thành phố đã chuẩn bị kịch bản cho vấn đề này từ sớm nhưng do việc áp dụng phải phụ thuộc diễn biến dịch, nên lúc này, Hà Nội áp dụng điều trị F0 tại nhà là thời điểm phù hợp.

Để ứng phó dịch trong tình hình mới, một số quận, huyện ở Hà Nội đề nghị các phường, xã rà soát các y, bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu, có sức khoẻ để vận động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, y, bác sĩ ngoài công lập rà soát vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đăng ký hỗ trợ địa phương sở tại chống dịch.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/ha-noi-chuan-bi-kich-ban-nao-khi-ca-mac-dang-tang-rat-nhanh-dac-...

Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn, đề nghị các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận F0

Ngày 2/12, Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, Giám đốc sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký văn bản khẩn gửi lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong tình hình mới.

Theo đó, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sở Y tế TP.HCM đề nghị tất cả tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm, phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo.

Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn, đề nghị các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận F0. Ảnh minh họa

Sở Y tế TP.HCM ra văn bản khẩn, đề nghị các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận F0. Ảnh minh họa 

Ngoài ra, các bệnh viện cần rà soát, tái cấu trúc và chức năng phù hợp với yêu cầu thu nhận, điều trị COVID-19 và các bệnh lý thông thường khác, cụ thể:

Tất cả bệnh viện thành lập đơn vị COVID-19 để sẵn sàng thu nhận, điều trị F0 (đảm bảo giường có oxy, thuốc, trang thiết bị y tế), đảm bảo mỗi đơn vị có số giường tối thiểu bằng 10% tổng số giường của cả bệnh viện.

Các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và đa khoa hạng 1: Hình thành đơn vị Hồi sức COVID-19 trực thuộc khoa Hồi sức tích cực - chống độc để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch; Khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Hồi sức COVID-19.

Về tiếp nhận người bệnh từ các bệnh viện điều trị COVID-19 chuyển đến: Bố trí buồng bệnh riêng biệt tại các khoa lâm sàng, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cần được điều trị tiếp bệnh lý nền do các bệnh viện điều trị COVID-19 chuyển đến, sau khi đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.

Đồng thời, các đơn vị cần duy trì buồng cách ly tạm tại khoa lâm sàng dành cho người nghi mắc COVID-19.

"Việc tiếp nhận người bệnh hậu COVID-19 nhưng cần được chăm sóc và điều trị các bệnh nền hoặc phục hồi chức năng sau mắc COVID-19 là trách nhiệm của các bệnh viện", văn bản của sở Y tế nhấn mạnh.

Liên quan đến sự việc, Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ sở Y tế TP.HCM cho biết, tổng số giường tại các bệnh viện tầng 3 hiện nay tại thành phố khoảng 2.300 giường.

Để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trong 3 tầng, sở phân công tác cơ sở, bệnh viện thành 8 "cụm điều trị" theo quyết định 6354 của sở Y tế ngày 27/11.

Bên cạnh đó, sở Y tế đã kích hoạt tổ điều phối chuyển tuyến (do thanh tra sở và phòng nghiệp vụ y đảm trách) để điều phối chuyển bệnh giữa các bệnh viện trên phạm vi toàn thành phố.

Ngoài ra, sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện chủ động rà soát và có công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị đảm bảo luôn sẵn sàng cho công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Sở cũng đề nghị lãnh đạo các bệnh viện phân bố nguồn nhân lực hợp lý tham gia công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo tuân thủ các quy định về công tác điều trị.

Lưu ý tuyệt đối không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/so-y-te-tp-hcm-ra-van-ban-khan-de-nghi-cac-benh-vien-sa...

Lo ngại biến chủng Omicron, Chủ tịch Hà Nội ra công điện hỏa tốc ứng phó

Chuẩn bị điều kiện để điều trị F0 ở nhà

Tối 2/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện hỏa tốc số 26/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai phần mềm quản lý thu dung, điều trị F0 tại nhà

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai phần mềm quản lý thu dung, điều trị F0 tại nhà

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Khẩn trương triển khai và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.

Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12/2021.

Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà, hoàn thành trước ngày 4/12/2021 để triển khai trên toàn địa bàn Thành phố.

Chỉ đạo tăng cường phân luồng các bệnh viện của Thành phố, hệ thống y tế ngoài công lập, các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế về các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai phương án đáp ứng thu dung điều trị và cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 theo Kế hoạch của UBND Thành phố, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5/12/2021.

Chịu trách nhiệm chuyên môn trong việc điều trị, phân tuyến và xử lý khi số ca bệnh tăng cao, đặc biệt kiểm soát khi đối với các ca bệnh chuyển tầng điều trị, thường xuyên báo cáo và cập nhật tình hình điều trị F0 trên địa bàn Thành phố, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố, UBND Thành phố, Thành ủy chậm nhất vào 18h30 hàng ngày.

Mỗi quận, huyện chuẩn bị ít nhất 150 giường điều trị F0 thể nhẹ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định. Tổ chức rút kinh nghiệm; nhân rộng những cách làm hiệu quả trên từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Khẩn trương phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các Cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình Trạm Y tế lưu động theo Phương án 263/PA-UBND ngày 23/11/2021 của UBND Thành phố, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh (yêu cầu hoàn thành trong ngày 2/12/2021).

Căn cứ hướng dẫn của Sở Y tế, liên hệ và phối hợp với các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn, xây dựng phương án và phân công lực lượng phối hợp cùng hệ thống y tế cơ sở tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, hoàn thành trong ngày 5/12/2021.

Khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà theo Kế hoạch của UBND Thành phố.

Phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Giao thông vận tải triển khai vận chuyển các trường hợp F1 đến các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố chậm nhất 12 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế và quyết định của chính quyền địa phương.

Phối hợp Sở TT&TT, Sở Y tế triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế của cơ sở và tại nhà; phần mềm, ứng dụng quản lý F1 tại nhà.

Tổ chức điều phối việc chuyển mẫu xét nghiệm đến các cơ sở xét nghiệm theo hướng dẫn của Sở Y tế trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng diễn biến dịch bệnh. Chủ động trao đổi, phối hợp với Sở Giao thông vận tải để có phương án khi điều kiện trang thiết bị chưa đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, hoàn thành chậm nhất trong ngày 05/12/2021.

Phổ biến, đăng thông tin công khai trên Cổng điện tử của quận, huyện, thị xã và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, truyền thanh cơ sở về các phương án: Tổ chức cách ly F1 tại nhà; phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà theo Kế hoạch của UBND Thành phố, danh mục các thuốc điều trị, phương pháp theo dõi sức khỏe và khi điều trị tại nhà, các phương án khi cần chuyển điều trị tại các cơ sở y tế tuyến quận, huyện và Thành phố để người dân chủ động chuẩn bị các phương án.

Chủ động rà soát danh mục các trang thiết bị y tế tại tuyến cơ sở và cấp quận, huyện, thị xã theo khả năng của địa phương; tổ chức mua sắm và trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị, oxy y tế tại các tuyến cơ sở đáp ứng với các kịch bản dịch bệnh.

Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ 12-14 tuổi. Tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt để tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết thần tốc; việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vị hẹp nhất có thể, tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chu-tich-ha-noi-trien-khai-phan-mem-quan-ly-thu-dung-dieu-t...

Hải Phòng dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên ngành

Tối 2/12, lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, UBND thành phố vừa ra văn bản hỏa tốc số 9364/UBND-NC&KTGS về việc dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 liên ngành thành phố.

TP Hải Phòng dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên ngành

TP Hải Phòng dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên ngành

Theo đó, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố từ 0h ngày 3/12/2021.

Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tăng cường nhân lực xuống các cơ sở để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giao UBND các quận, huyện nơi đặt chốt kiểm soát tiếp nhận bàn giao và quản lý trang thiết bị của các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 liên ngành thành phố.

Trước đó, Sở Y tế Hải Phòng đã có văn bản đề xuất dỡ bỏ chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố với lý do: Thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Để tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa và việc đi lại của người dân, nên tại các chốt kiểm soát không yêu cầu kiểm tra kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với người dân vào TP Hải Phòng. Đa số người dân vào thành phố chủ yếu từ vùng có nguy cơ thấp (cấp độ 1, cấp độ 2), các khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, cấp độ 4) đã được các địa phương kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 23/11/2021 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã thực hiện khai báo y tế điện tử bằng phần mềm PC-Covid, UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc triển khai thống nhất ứng dụng PC-Covid trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Việc khai báo thông tin bằng giấy hoặc khai báo điện tử tại các chốt kiểm soát không còn phù hợp.

Do đó, UBND TP Hải Phòng quyết định dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hai-phong-dung-hoat-dong-cac-chot-kiem-soat-dich-covid-19-l...

Covid-19 diễn biến phức tạp, Sóc Trăng cấp “thẻ xanh” cho người bán vé số

Tối 2-12, theo thông cáo báo chí của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, trong ngày, tỉnh này ghi nhận thêm 793 ca mắc Covid-19, số ca khỏi bệnh là 620 trường hợp, tử vong là 3 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Y tế tỉnh vừa phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng tổ chức cấp "thẻ xanh" cho người bán vé số lẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin trên địa bàn TP Sóc Trăng.

Đây được xem là giấy "thông hành" mà người bán vé số lẻ phải đeo khi đi bán dạo.

Ông Lê Văn Khanh, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng, cho biết việc cấp "thẻ xanh" cho người bán vé số dạo đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhằm vừa bảo đảm điều kiện phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán vé số dạo có thu nhập, tăng niềm tin cho khách hàng khi mua vé số.

Tỉnh Sóc Trăng dự kiến sẽ cấp 7.000 "thẻ xanh" cho người bán vé số dạo trong tỉnh.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/covid-19-dien-bien-phuc-tap-soc-trang-cap-the-xanh-cho-nguoi...

Bộ Y tế đề xuất nhiều chính sách mới trong phòng, chống dịch COVID-19

Bộ Y tế kiến nghị cho phép được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức phiên họp, nghe Bộ Y tế báo cáo về các nội dung Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch.

COVID-19 3/12: Một địa phương bất ngờ có 4.500 ca dương tính qua test nhanh chỉ trong một ngày - 7

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian qua để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 gồm các bác sỹ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành.

Có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề. Trong đó, học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc người bệnh COVID-19.

Các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, Bộ Y tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Dự thảo nghị quyết về nội dung trên quy định, trong trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, cho phép người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng cho phép người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở y tế.

Điểm mới khác là dự thảo nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa với một số nội dung chủ yếu. Cụ thể, hoạt động khám chữa bệnh từ xa được thực hiện bằng việc tương tác giữa người hành nghề khám chữa bệnh với người bệnh thông qua các phương tiện viễn thông. Người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa do Quỹ bảo hiểm y tế, người bệnh và các nguồn khác chi trả.

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc, làm rõ hơn về phạm vi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên như dự thảo là chỉ quy định về nguyên tắc trong Nghị quyết và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt động điều hành hoạt động thí điểm.

Mặt khác, dự thảo nghị quyết còn cho phép một số cơ chế, chính sách trong cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị COVID-19; sử dụng thuốc sản xuất trong nước thuộc lô thuốc được sản xuất và phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành trong dự phòng, điều trị COVID-19...

Vào phiên họp tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào nội dung Chính phủ trình.

Nguồn: https://tienphong.vn/bo-y-te-de-xuat-nhieu-chinh-sach-moi-trong-phong-chong-dich-covid-...

Thanh Hóa: Xuất hiện ca nhiễm COVID-19, dừng Giải vô địch Karate quốc gia năm 2021

Giải vô địch Karate quốc gia lần thứ XXXI - năm 2021 diễn ra từ ngày 26/11 đến 4/12 tại Thanh Hóa với sự tham gia của gần 300 vận động viên (VĐV) của 30 tỉnh, thành, ngành trên cả nước.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ môn Karate, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), Sở Y tế và các đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành phương án phòng chống COVID-19 trong các giải thể thao quốc gia do tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức, gửi các địa phương, đơn vị trong nước có liên hệ cử VĐV tham dự giải.

COVID-19 3/12: Một địa phương bất ngờ có 4.500 ca dương tính qua test nhanh chỉ trong một ngày - 8

Thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa, các đoàn VĐV đến tham gia giải đều đăng ký, tích cực phối hợp với các đơn vị của Thanh Hóa để bố trí nơi ăn nghỉ, di chuyển, khai báo y tế, test COVID-19 khi đến Thanh Hóa và tầm soát theo định kỳ 3 ngày/lần theo quy định.

Ngày 29/11 đã phát hiện ra trường hợp 1 VĐV tham dự giải có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ban Tổ chức giải, cơ quan y tế và các bộ phận liên quan đã khẩn trương cách ly y tế đối với các thành viên của đoàn, tạm dừng mọi hoạt động của các thành viên tham dự giải để khai báo y tế, truy vết và xét nghiệm cho khoảng 400 người có liên quan bằng phương pháp RT-PCR.

Qua công tác khai báo y tế, truy vết, xét nghiệm của CDC Thanh Hóa, đến 11h00 ngày 30/11 đã phát hiện có 3 trường hợp F0 (1 trọng tài, 1 HLV, 1 VĐV) trong số các thành viên tham dự và phục vụ giải.

Căn cứ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 hiện hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thông báo quyết định tạm dừng tổ chức Giải vô địch Karate quốc gia năm 2021 được tổ chức tại Thanh Hóa.

Close PlayerUnibots.inQuyết định này đã được Tổng cục TDTT và các đoàn VĐV thống nhất. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng đồng thời đề nghị Tổng cục TDTT, các địa phương, đơn vị cho phép và tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đoàn VĐV có các ca F1, F2 (nếu đoàn có xe riêng) được di chuyển về địa phương và thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại địa phương theo quy định.

Tổng cục TDTT đề xuất Ban Tổ chức công nhận kết quả của các VĐV đã tham gia thi đấu những ngày trước đó.

Nguồn: https://tienphong.vn/thanh-hoa-xuat-hien-ca-nhiem-covid-19-dung-giai-vo-dich-karate-quo...

Khoảng 10% hộ gia đình ở quận Hoàn Kiếm đủ điều kiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà

Như đã thông tin, thành phố Hà Nội vừa có chủ trương cho phép 4 quận lõi gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng thực hiện cách ly, điều trị F1, F0 thể nhẹ tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định. Với chủ trương này, tất cả 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều thực hiện cách ly, điều trị F1, F0 thể nhẹ tại nhà nếu đủ điều kiện.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 1/12, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang tiếp tục rà soát, thống kê các hộ gia đình đủ điều kiện cách ly, điều trị F1, F0 thể nhẹ trên địa bàn.

Tuy nhiên, do đặc trưng dân số đông, nhà ở san sát, lại có khu phố cổ, phố cũ, chưa đảm bảo nhà vệ sinh riêng, phòng riêng nên tỷ lệ đủ điều kiện không cao.

“Sơ bộ chỉ có khoảng 3.900 hộ/37.000 hộ (khoảng 10,5%) đủ điều kiện theo quy định”, vị này nói.

Theo vị này, dựa trên số liệu thống kê nói trên, hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội, quận sẽ triển khai cách ly điều trị F1, F0 thể nhẹ tại nhà trên địa bàn, đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh. Quận đã kích hoạt các trạm y tế lưu động, đảm bảo lực lượng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, với F0, việc cách ly điều trị tại nhà có nguy cơ cao, bởi hiện nay, việc thu gom rác thải y tế gặp nhiều khó khăn.

“Bà con nhân dân cũng mong muốn được cách ly, điều trị tại nhà, bởi ở nhà thuận tiện hơn, tâm lý tốt hơn; giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhà nước. Tuy nhiên, với những hộ không đủ điều kiện sẽ vẫn phải đi cách ly, điều trị tập trung theo quy định”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thông tin thêm.

Nguồn: https://tienphong.vn/khoang-10-ho-gia-dinh-o-quan-hoan-kiem-du-dieu-kien-cach-ly-f1-die...

Hậu Giang tiếp tục ghi nhận hàng trăm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Theo Sở Y tế Hậu Giang, trong 24 giờ (từ 18 giờ ngày 1/12 đến 18 giờ ngày 2/12), tỉnh Hậu Giang ghi nhận 274 ca mắc COVID-19 mới, bao gồm: 3 trường hợp về từ ngoài tỉnh; 92 trường hợp là F1 được cách ly tập trunG; 21 trường hợp ghi nhận trong khu phong tỏa.

158 trường hợp là ca mắc cộng đồng ghi nhận tại TP Vị Thanh (42), huyện Châu Thành (41), huyện Châu Thành A (35), huyện Phụng Hiệp (33) và huyện Vị Thủy (7).

Trước đó, ngày 1/12, tỉnh Hậu Giang cũng đã ghi nhận thêm 239 ca mắc COVID-19, trong đó có 179 ca mắc trong cộng đồng.

Trong các trường hợp nhiễm cộng đồng, có nhiều trường hợp nhiễm là tiểu thương buôn bán ở chợ Vị Thanh và chợ Phường IV (TP Vị Thanh).

Còn tại địa bàn huyện Phụng Hiệp những ngày qua đều phát sinh ổ dịch mới ở nhiều xã, thị trấn…

Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 6.736 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 3.324 ca; tử vong tại tỉnh 16 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi).

Về tiêm vắc xin, đến nay tỉnh Hậu Giang đã tiêm cho 70.586/70.423 trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (68.136 người đã tiêm 2 mũi; 2.450 người mới tiêm mũi 1).

Đối với người từ 18 tuổi trở lên, đến cuối ngày 2/12 đã tiêm được 982.770 liều cho 512.366/536.163 người, đạt tỷ lệ 95,56%. Trong đó, 470.404 người đã tiêm 2 mũi; 41.962 người mới tiêm mũi 1.

Tính chung tỉnh Hậu Giang đã tiêm 1.121.492 liều vắc xin cho 582.952 người (538.540 người đã tiêm đủ 2 mũi; 44.412 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 96,10% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).

Nguồn: https://tienphong.vn/hau-giang-tiep-tuc-ghi-nhan-hang-tram-ca-mac-covid-19-trong-cong-d...

Singapore phát hiện 2 F0 mang biến thể mới, Úc có ca nhiễm Omicron trong cộng đồng

Theo Bộ Y tế Singapore, cả 2 hành khách đều đã được cách ly sau khi nhập cảnh hôm 1/12 nên chưa tiếp xúc với bất cứ ai trong cộng đồng.

Hai người này là công dân và thường trú nhân Singapore. Họ về nước trên chuyến bay từ Johannesburg (Nam Phi) sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày 29/11.

COVID-19 3/12: Một địa phương bất ngờ có 4.500 ca dương tính qua test nhanh chỉ trong một ngày - 9

Cả hai đều đã được tiêm phòng đầy đủ và chỉ có các triệu chứng nhẹ như ho, ngứa cổ. "Kết quả xét nghiệm sơ bộ cho thấy hai người này nhiễm biến thể Omicron. Chúng tôi sẽ giải trình tự gien để xác nhận", Bộ Y tế Singapore cho biết.

19 hành khách còn lại trên cùng chuyến bay đã nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2, nhưng vẫn phải cách ly 10 ngày và xét nghiệm PCR một lần nữa.

“Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm Omicron đều sẽ được đưa đến Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia. Họ sẽ không được cách ly tại nhà”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại Úc, cơ quan y tế ngày 3/12 cho biết đã phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng là một học sinh ở Sydney. Thời gian gần đây bệnh nhân không đi nước ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron đã lây lan trong cộng đồng ở Úc.

Tuy nhiên, chính quyền bang New South Wales - nơi có thành phố Sydney - vẫn quyết tâm giữ nguyên kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế với hy vọng Omicron sẽ được chứng minh là gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.

Úc hiện đã ghi nhận tổng cộng 9 ca nhiễm Omicron, gồm 8 ca ở bang New South Wales, nơi 1/3 dân số 25 triệu dân của Úc đang sinh sống.

Nguồn: https://tienphong.vn/singapore-phat-hien-2-f0-mang-bien-the-moi-uc-co-ca-nhiem-omicron-...

Ca nhiễm COVID-19 bùng phát mạnh, Đức siết chặt hạn chế với người chưa tiêm vaccine

CNN cho hay, nước Đức sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh chính phủ nước này ủng hộ kế hoạch tiêm chủng bắt buộc trong những tháng tới.

Theo đó, các biện pháp hạn chế mới với người chưa tiêm chủng được công bố ngày 2/12 (giờ địa phương), áp dụng trên toàn quốc.

Báo chí phương Tây gọi đây là "lệnh phong tỏa toàn quốc với người chưa tiêm chủng", tương tự biện pháp Áo đã áp dụng hồi giữa tháng 11.

Đức sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới trên toàn quốc với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa

Đức sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mới trên toàn quốc với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm của bà - Olaf Scholz, cũng thông báo ủng hộ các đề xuất về tiêm chủng bắt buộc, nếu được quốc hội bỏ phiếu thông qua có thể có hiệu lực sớm nhất từ ​​tháng 2/2022.

"Tình hình rất nghiêm trọng và chúng tôi muốn thực hiện thêm các hạn chế mới ngoài những biện pháp đã có", bà Merkel nói trong cuộc họp báo chung với ông Scholz.

"Các sự kiện, địa điểm văn hóa và giải trí trên toàn quốc sẽ chỉ mở cửa cho những người đã tiêm vắc xin, hoặc mới khỏi bệnh", nữ thủ tướng sắp mãn nhiệm cho hay.

Theo đó, những người chưa được tiêm chủng sẽ bị cấm tiếp cận tất cả các cơ sở, ngoại trừ cơ sở kinh doanh thiết yếu nhất, như siêu thị, hiệu thuốc, để hạn chế lây lan. Hộ gia đình có người chưa tiêm chủng chỉ được phép gặp thêm tối đa 2 người của một hộ gia đình khác, không tính trẻ dưới 14 tuổi.

Việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên làm việc ở các cơ sở nhạy cảm, như nhà dưỡng lão và bệnh viện, sẽ được sớm thực hiện.

Chính phủ Đức hi vọng có thể tiêm cho khoảng 30 triệu người từ nay tới trước Giáng sinh, trong đó bao gồm cả mũi một, mũi hai và mũi tăng cường. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại trường học. Đêm Giao thừa cũng sẽ cấm tụ tập đông người, cấm đốt pháo ở nơi công cộng.

Đức hôm 2/12 thông báo thêm hơn 73.000 ca nhiễm và 388 ca tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số lên lần lượt hơn 6 triệu và gần 103.000 ca.

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ca-nhiem-coivd-19-bung-phat-manh-duc-siet-c...

Biến thể Omicron có khả năng "thống trị và áp đảo" toàn cầu trong 3-6 tháng tới

Nhận xét về biến thể Omicron mới được phát hiện, Tiến sĩ Leong Hoe Nam thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth Novena nhận định: "Thành thật mà nói, biến thể Omicron có thể sẽ thống trị và áp đảo toàn cầu trong thời giang 3-6 tháng tới".

Được biết, biến thể Delta, biến thể hiện chiếm 99% các ca mắc COVID-19 toàn cầu, lần đầu được phát hiện ở bang Maharashtra, Ấn Độ vào tháng 3 và đã nhanh chóng "thống trị" toàn cầu vào tháng 7, chỉ sau 4 tháng.

Sau khi biến thể Omicron được báo cáo, các hãng dược phẩm thế giới bao gồm Moderna và Pfizer cho biết họ đang theo dõi sát sao biến thể này và sẽ bắt tay vào sản xuất vaccine nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông Leogn chia sẻ: "Đó là một ý tưởng hay nhưng thành thật mà nói thì ý tưởng này có phần thiếu thực tế. Chúng ta sẽ không thể vội vàng cung cấp vaccine kịp thời và thời điểm vaccine được phân phối ra thị trường, mọi người có thể đã mắc biến thể Omicron vì biến thể này có khả năng lây lan rất cao".

Biến thể Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là biến thể đáng lo ngại. Ảnh: WHO

Biến thể Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là "biến thể đáng lo ngại". Ảnh: WHO

Theo bác sĩ Singapore, dù vaccine chống biến thể mới có thể nhanh chóng được phát triển nhưng vaccine này vẫn cần trải qua thời gian thử nghiệm tỏng 3-6 tháng để xác định tính an toàn và hiệu quả. 

Đến nay, các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về khả năng lây truyền thật sự của những đột biến trên biến thể Omicron. Tuy nhiên, theo quan sát, biến thể Omicron có nhiều đột biến chưa từng thấy, trong đó bao gồm những đột biến giúp biến thể này lây lan dễ hơn và có thể "né tránh" hệ miễn dịch.

Một số bác sĩ cho rằng những loại vaccine hiện có vẫn có khả năng bảo vệ con người trước biến thể Omicron. Tiến sĩ Syra Madad, một thành viên tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer, cho biết cơ thể chúng ta tạo ra "toàn bộ các kháng thể khác nhau" để có thể phản ứng lại vaccine. 

Theo đó, bà Madad thông tin: "Tôi cho rằng vaccine hiện có của chúng ta vẫn duy trì hiệu quả ở một mức độ nhất định đối với biến thể Omciron. Biến thể này có thể làm giảm hiệu quả của vaccine nhưng điều này vẫn cần được chứng minh thêm".

Bà nhận định các loại vaccine hiện tại, cùng với các mũi tiêm tăng cường, vẫn có khả năng bảo vệ tốt. Ông Leong cũng đồng tình với ý kiến về hiệu quả của việc tiêm mũi vaccine tăng cường. Tuy nhiên, theo bác sĩ Singapore, vẫn còn nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng thấp. 

Ông nhấn mạnh biến thể Omicron đang "đe dọa toàn thế giới" với số ca bệnh tăng đột biến, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể rơi vào tình trạng quá tải, ngay cả khi chỉ có 1% hoặc 2% số ca mắc phải nhập viện.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/bien-the-omicron-co-kha-nang-thong-tri-va-ap-dao-toan-c...

Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm để hưởng lương hưu tối đa?
Từ năm 2022, để nhận được lương hưu tối đa 75%, lao động nam cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm và lao động nữ cần đóng đủ 30 năm.

Tin tức 24h

H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19