COVID-19 3/3: F0 tăng đột biến, nguy cơ bùng dịch mạnh, lãnh đạo địa phương chỉ đạo khẩn

K.T - Ngày 03/03/2022 12:14 PM (GMT+7)

Sở Y tế Hải Dương vừa có công văn yêu cầu tạm dừng triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ tại Trạm y tế để tập trung thực hiện các hoạt động chuyên môn trong chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19 tại nhà.

12 diễn biến

Hải Dương dừng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các trạm y tế

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số bệnh nhân F0 tăng đột biến, trong đó có cả các nhân viên y tế. Trong khi đó, nhiều trạm y tế quá tải do lượng người đến test COVID-19, xin xác nhận F0... Để bảo đảm nguồn nhân lực cho y tế tuyến xã trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch lâu dài, Sở Y tế Hải Dương đã ra công văn chỉ đạo khẩn.

Người dân đến Trạm y tế xã Văn Tố, Tứ Kỳ test Covid-19. Ảnh: Thi Ngoc

Người dân đến Trạm y tế xã Văn Tố, Tứ Kỳ test Covid-19. Ảnh: Thi Ngoc

Theo đó, tạm dừng triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ tại trạm y tế để tập trung thực hiện các hoạt động chuyên môn trong chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19 tại nhà. Chỉ thực hiện test nhanh kháng nguyên được cấp (nếu có) hoặc do người dân tự mua xét nghiệm cho người mắc COVID-19 đã cách ly, điều trị tại nhà đủ 7 ngày để xác nhận khỏi bệnh và dỡ bỏ cách ly… 

Việc tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ xét nghiệm SARS-CoV-2 của doanh nghiệp do trạm y tế hoặc bộ phận y tế của doanh nghiệp tự thực hiện. Trạm y tế hoặc bộ phận y tế của doanh nghiệp đánh giá, phân loại tình trạng người bệnh theo quy định...

Người dân trên địa bàn phường Tứ Minh, TP Hải Dương tập trung đến Trạm Y tế xét nghiệm Covid-19. Được biết đây là phường tập trung nhiều công nhân của các Công ty trong khu Công nghiệp nên mấy hôm nay lượng người đến đây rất đông. Ảnh: Thi Ngọc

Người dân trên địa bàn phường Tứ Minh, TP Hải Dương tập trung đến Trạm Y tế xét nghiệm Covid-19. Được biết đây là phường tập trung nhiều công nhân của các Công ty trong khu Công nghiệp nên mấy hôm nay lượng người đến đây rất đông. Ảnh: Thi Ngọc

Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các Trung tâm Y tế cấp huyện chủ động điều động, bổ sung nhân lực y tế của các trạm y tế tuyến xã, trạm y tế lưu động trong trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, trạm trưởng một trạm y tế xã trên địa bản tỉnh Hải Dương cho biết, ông hoàn toàn tuân thủ theo quyết định của Sở Y tế. 

Tuy nhiên theo ông, việc các đơn vị chức năng không xét nghiệm hoặc không giám sát test COVID-19 sẽ dẫn đến kết luận các trường hợp F0 thiếu khách quan, đồng thời số ngày nghỉ việc của các bệnh nhân có thể không chính xác ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong việc chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ông cũng đưa ra giải pháp, đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét có thể tăng cường thêm nhân lực cho lực lượng y tế như bộ phận hành chính, bộ phận lấy mẫu từ các đơn vị phải tạm nghỉ việc vì Covid - 19.

Nguồn: https://danviet.vn/hai-duong-dung-dich-vu-xet-nghiem-sars-cov-2-tai-cac-tram-y-te-20220...

Vì sao chưa thể bỏ khái niệm F0, F1?

Hiện một số ý kiến cho rằng ở thời điểm này Việt Nam cũng đã xác định chung sống an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện, thì cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn. Đã đến lúc bỏ khái niệm F0, F1 và coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu.

Nếu thả lỏng, ca mắc COVID-19 tăng cao sẽ khiến hệ thống y tế quá tải, ca nặng và tử vong tăng cao.

Nếu thả lỏng, ca mắc COVID-19 tăng cao sẽ khiến hệ thống y tế quá tải, ca nặng và tử vong tăng cao.

Cũng có những ý kiến tương tự khi cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc bỏ dần khái niệm F0, F1, đặc biệt tại những khu vực biến chủng Omicron lây lan rộng.

Theo đó, các F0, F1 chủ động cảnh giác cá nhân là yếu tố cốt lõi. Với các F1, nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, cũng nên bỏ qua việc xét nghiệm và có thể đeo khẩu trang đi làm bình thường. Điều quan trọng là bảo vệ nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong cao.

Tuy nhiên, tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, từ đó mới kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ dịch vẫn còn và hiện có xu hướng tăng cả về số ca mắc mới, ca tử vong.

Chúng ta vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh, dù không còn truy vết như trước kia.

Đơn cử như trong 1 đơn vị, khi 1 người phát hiện mình nhiễm Covid-19, trở thành F0 có thể thông tin để người từng tiếp xúc gần biết và cảnh giác phòng bệnh, tránh lây lan cho gia đình, người xung quanh, đặc biệt là với người già, người mắc bệnh nền và trẻ nhỏ...

Bên cạnh đó, vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch để có những giải pháp kiểm soát dịch phù hợp. Nếu không nắm bắt được con số F0 thì không thể dự báo được tình hình dịch tễ. Vấn đề là cách ly bao nhiêu ngày, có cách ly hay không sẽ cần tính toán thêm.

Số ca mắc COVID-19 sẽ phải tăng rồi mới giảm, tuy nhiên số người nhiễm COVID-19 chưa thể giảm được trong vài tuần tới.

Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ.

Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản triệt để sự lây lan của biến chủng vì nếu ngăn cản quá sẽ phải cấm đoán nhiều hoạt động, khi đó sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh.

Bởi nếu buông lơi, tỷ lệ nhiều người nhiễm COVID-19 tăng cao có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, kéo theo số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên.

Chính vì những lý do như vậy, Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.

Ngoài ra, thời điểm nào Việt Nam nên coi COVID-19 là bệnh thông thường sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Bộ Y tế vẫn rất cẩn trọng, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển để có thể đưa ra những quyết định giống như họ.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chua-the-bo-khai-niem-f0-f1-d544399.html

Kit test đang là gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đề cập việc kit test nhanh COVID-19 khan hiếm, giá nhảy múa và các chuyên gia đề nghị nhanh chóng đưa kit test vào diện bình ổn giá vì các hành lang pháp lý đã có đủ.

Việc chậm trễ này đã làm người dân, doanh nghiệp tốn thêm chi phí vì hiện nay nhiều trường học, cơ quan, đơn vị yêu cầu không chính thức là “phải có kết quả âm tính” mới được đến trường, làm việc...

Các chuyên gia đề nghị nhanh chóng đưa kit test vào diện bình ổn giá vì các hành lang pháp lý đã có đủ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chuyên gia đề nghị nhanh chóng đưa kit test vào diện bình ổn giá vì các hành lang pháp lý đã có đủ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tiền test nhiều hơn tiền thuốc

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết chi phí kit test nhanh luôn là gánh nặng cho không chỉ doanh nghiệp mà còn người dân.

Khi còn ở đỉnh dịch, doanh nghiệp thường test dưới dạng gộp mẫu để giảm bớt chi phí nhưng hiện nay ca F0 khá phổ biến, chưa kể là F0 không triệu chứng khá nhiều, có doanh nghiệp chiếm 30%-50% số ca dương tính. Việc test gộp mẫu cũng khó khăn, buộc người lao động phải chủ động trong việc theo dõi sức khỏe và test nhanh.

“Có người phải test 3-5 lần mới cho kết quả, như vậy trong suốt chu kỳ bệnh thì chi phí bỏ ra phải trên dưới 500.000 đồng. Có người tiền test còn nhiều hơn tiền thuốc. Trong khi đó giá của kit test nhanh cùng một loại nhưng mỗi nơi một khác cũng gây khó cho người dân lẫn doanh nghiệp” - ông Phương nói.

Một số ít doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ tiền kit test nhưng hiện nay ngày càng nhiều ca F0 thì họ không gánh nổi. Do vậy, rất cần có sự trợ giá hoặc bình ổn giá của Nhà nước cho mặt hàng này, dù là khá muộn.

“Trước đó, chúng tôi cũng có kiến nghị đưa kit test nhanh vào diện bình ổn giá và cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng hiện nay vẫn chưa thấy mặt hàng này được xem xét đưa vào diện bình ổn giá”.

Ở Cần Thơ, chị TD có con học tiểu học phải sắm một bộ kit test nhanh bỏ vào cặp theo thông báo của cô chủ nhiệm để khi cần thì nhà trường sẽ làm test nhanh.

Chị còn phải mua nhiều bộ kit test dự trữ cho các thành viên trong gia đình với giá đắt hơn trước đến 30.000 đồng/bộ vì trong nhà có người dương tính, phải test thường xuyên để theo dõi. Chi phí cho khoản này chiếm phần lớn trong gia đình lao động đơn giản của chị.

Các sở Y tế đang rà soát

Liên quan vấn đề đưa kit test vào diện bình ổn giá, ngày 2-3, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết: Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương cho ý kiến về kit test COVID-19, một số trang thiết bị y tế đưa vào danh mục bình ổn giá.

“Hiện nay sở đang rà soát để đề xuất. Còn quan điểm của tôi thì vấn đề kit test COVID-19 cũng cần phải được đưa vào bình ổn giá” - bà Thủy nói.

Tương tự, một số lãnh đạo Sở Y tế ở các tỉnh miền Tây cũng cho hay là mới nhận được văn bản của Bộ Y tế và đang gấp rút rà soát để có ý kiến về giá kit test COVID-19 và một số trang thiết bị y tế khác. Lãnh đạo các sở Y tế cũng đồng tình là nên sớm đưa kit test vào diện bình ổn giá để đỡ chi phí cho người dân và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/kit-test-dang-la-ganh-nang-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-1046275.ht...

Hà Nội lo thiếu lực lượng chống dịch

Chiều 2/3, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, đại diện lãnh đạo một quận ở Hà Nội cho biết đã mắc COVID-19 mấy ngày nay. “Mình bị đau rát họng, ho nhiều. Ở nhà nhưng nếu có việc cần thiết vẫn xử lý trực tuyến”, vị này nói. Một lãnh đạo quận khác cũng cho biết, bản thân đang là F1 vì có người trong gia đình là F0, nhưng nguy cơ thấp nên vẫn đến trụ sở để giải quyết công việc.

“Tôi đến cơ quan là đóng cửa phòng, xử lý công việc thôi, chứ không họp trực tiếp được”, vị này chia sẻ. Thông tin với phóng viên, đại diện các quận nêu trên đều cho rằng, hiện nay lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở, gồm các nhân viên y tế, lực lượng chức năng thuộc chính quyền đều có các ca mắc COVID-19, cá biệt có những nơi số ca mắc chiếm phần lớn, “trắng” lực lượng, gây sức ép rất lớn đến công tác phòng, chống dịch.

“Hiện dịch bệnh ở khắp nơi. Lực lượng phòng chống dịch bị nhiều, người dân cũng bị nhiều nên rất khó khăn. Rất nhiều nơi gặp khó khăn, đặc biệt là về nhân lực. Chúng tôi cũng vẫn tiếp tục huy động lực lượng y tế tư nhân, bác sĩ về hưu tham gia phòng, chống dịch, nhưng họ cũng bị mắc nhiều rồi. Nhiều người rất có trách nhiệm nhưng họ cũng mệt mỏi vì thời gian kéo dài quá. Lực lượng đang bị hụt đi rất nhiều”, đại diện lãnh đạo một quận nói.

Người dân xếp hàng tại Trạm Y tế phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) để được xác nhận là F0. Ảnh: TP

Người dân xếp hàng tại Trạm Y tế phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) để được xác nhận là F0. Ảnh: TP

Ngày 2/3, theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phòng, chống dịch, con số này chưa phản ánh chính xác thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bởi nhiều người dân hiện có tâm lý không khai báo khi mắc bệnh bởi nhiều thủ tục liên quan. Hiện nay, thủ tục khai báo, xác nhận là F0, xác nhận khỏi bệnh ở nhiều nơi thực hiện rất khác nhau. Nhiều xã, phường yêu cầu phải ra trực tiếp trạm y tế, nhiều nơi chỉ cần thực hiện qua mạng xã hội.

Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết, quận đã áp dụng khai báo, xác nhận trực tuyến từ rất lâu. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hoà cho biết, hiện quận cũng áp dụng triệt để công nghệ thông tin để bù đắp những “hao hụt về mặt nhân sự khi nhân viên y tế mắc COVID-19”. Theo ông Hoà, phải triệt để áp dụng công nghệ để “người dân đỡ khổ và chính quyền cũng đỡ khổ”.

Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-lo-thieu-luc-luong-chong-dich-post1420313.tpo

7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ 5-11 tuổi sắp về Việt Nam

Thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi cơ bản đã thống nhất

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang thúc đẩy các thủ tục để dự kiến trong tháng 3 sớm hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Hiện nay chúng ta cơ bản đã thống nhất, chỉ còn là thủ tục. Dự kiến trong quý 1/2022, 7 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ về Việt Nam. 14,9 triệu liều còn lại được giao trong quý 2. Bộ Y tế sẽ sớm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine phù hợp.

Trước đó, tại phiên giải trình "Dạy học trong bối cảnh COVID-19" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi cơ bản đã hoàn tất.

Kết quả thăm dò dư luận của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tại 63 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy 81% ý kiến được hỏi cho rằng họ Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới

Kết quả thăm dò dư luận của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tại 63 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy 81% ý kiến được hỏi cho rằng họ "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19" nếu ngành Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiêm phòng vaccine cho trẻ em và lứa tuổi học sinh để có đủ sức khỏe khi quay trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định đồng ý cho Bộ Y tế mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer để tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Thủ tục mua vaccine cơ bản đã thực hiện xong và Bộ Y tế đề nghị cấp chậm nhất là đến 30/4/2022 để đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vaccine cho trẻ em. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn y tế cơ sở về việc đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine cho trẻ em.

Trẻ em có bệnh lý bẩm sinh, béo phì, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao đặc biệt là khi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19

Tại buổi tọa đàm "Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng" PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương bày tỏ: Với vai trò là bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng.

"Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào..."- PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ.

Đồng thời chuyên gia cũng chia sẻ thêm thông tin: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỉ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%.

Tuy nhiên chúng ta thấy nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5-11 tuổi chiếm tỉ lệ lên đến 8%. Trong 19,3%, đây là nhóm mà chúng ta hết sức lưu ý.

Cũng bàn về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM nhấn mạnh: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.

"Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vaccine. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết"- PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/7-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-tiem-cho-tre-5-11-tuoi-sap-v...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

Tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra ngày 3-3 tại trụ sở Chính phủ ở Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 - Ảnh: Nhật Bắc

Về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định lại việc kiểm soát hiệu quả và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine, Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình này, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý về nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng. Kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm.

Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.

Sau khi nghe báo cáo một số nội dung về dịch Covi-19, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động, với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động cần đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết ùn tắc hàng hoá ở cửa khẩu... Cùng với đó, tập trung chuẩn bị thật tốt cho SEA Games 31.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu duy trì tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả". Các bộ ngành, địa phương cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Tham dự phiên họp của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, cán bộ và nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình, phấn khởi trước những hoạt động, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ chính trị.

Theo Phó Chủ tịch nước, việc chuyển hướng chiến lược trong công tác phòng, chống dịch cho thấy hiệu quả với tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao, giảm tăng nặng và tử vong, khiến nhân dân yên tâm. Tình hình thế giới phức tạp, nhưng quốc phòng-an ninh và đối ngoại được bảo đảm tốt.

Phó Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ bám sát tình hình để có chính sách, giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, chú trọng việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chăm lo đời sống những người yếu thế, mở cửa trở lại trường học, quản lý thị trường thuốc và trang thiết bị phòng chống dịch

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-pham-minh-chinh-tien-toi-xem-covid-19-la-benh-dac-...

Liên tiếp có học sinh F0 - F1, các trường TP.HCM vẫn bối rối trong xử trí

Ngày 3/3, Ban Văn hoá – Xã hội (Hội đồng nhân dân TP.HCM) đã có buổi khảo sát (trực tuyến) tình hình học sinh đi học tại một số trường học trên địa bàn Q.7.

Đại diện các trường cho biết, nhiều phụ huynh có con là F1 nhưng vẫn đề nghị cho đi học bình thường.

Bối rối xử lý khi học sinh là F1

Cô Phan Thị Bảy, Hiệu phó (phụ trách khối Tiểu học) hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc cho biết: Từ khi học sinh của trường đi học lại khối tiểu học có 68/388 học sinh là F0, khối trung học phát hiện 32/312 học sinh F0, có 5 nhân viên F0.

Theo cô Phan Thị Bảy, tại trường khi phát hiện trường hợp học sinh nghi nhiễm, trường báo cáo với Trạm Y tế phường để lên phương án xử lý, tiến hành khử khuẩn…

Các trường hợp học sinh F0 hoặc có biểu hiện ho, sốt… đều được cho ở nhà, dừng đến lớp.

Phụ huynh đón con về sau buổi học. Ảnh chụp tại Trường tiểu học Phong Phú (TP.Thủ Đức) lúc học sinh đi học trở lại vào tháng 2. Ảnh: Quang Phương.

Phụ huynh đón con về sau buổi học. Ảnh chụp tại Trường tiểu học Phong Phú (TP.Thủ Đức) lúc học sinh đi học trở lại vào tháng 2. Ảnh: Quang Phương.

“Trước khi đến trường nếu học sinh có dấu hiệu cảm, ho, sốt, mệt mỏi thì phụ huynh cho ở nhà. Còn nếu lên trường phát hiện dấu hiệu trên thì đưa xuống phòng cách ly, phụ huynh đến đón về.

Phần lớn các trường hợp có dấu hiệu ho sốt sau đó test tại nhà đều dương tính. Chúng tối không tổ chức test Covid-19 cho học sinh tại trường vì ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe của học sinh”, cô Bảy cho biết.

Cô Bảy chia sẻ: Cái khó nhất hiện nay nhiều học sinh phát hiện là F0 nhưng không có triệu chứng khiến nhà trường rất lo.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp học sinh là F1 nhưng phụ huynh vẫn mong muốn cho con đến trường vì ở nhà không có người trông giữ.

Như vậy, cần có hướng dẫn việc xác định F1 hiện nay như thế nào là chính xác nhất, để thỏa đáng nguyện vọng của phụ huynh?

Thầy Trần Công Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (Q.7), cho biết: Toàn trường có 1.625 học sinh. Từ khi cho đi học trở lại, trường đã phát hiện 108 học sinh là F0, 7 giáo viên F0.

Theo thầy Bình, khi phát hiện F0 tại trường, nhà trường phối hợp với trạm y tế phường tiến hành truy vết F1.

Đối với F0 phát hiện tại nhà, trường có phương án để các em vẫn có thể tiếp thu bài mới dù không đến trường.

“Có những trường hợp 22h đêm, các em báo bị F0, chúng tôi vẫn cùng tổ Covid-19 của trường tiến hành truy vết F1.

Học sinh là F1 được thông báo đến gia đình, cho phép các em học tại nhà, không đến trường. Các học sinh có dấu hiệu ho, cảm đều tạm thời ở nhà 1-2 ngày để theo dõi. Sức khỏe ổn định thì mới được đến trường.

Đối với các F1 thì phải 5 ngày sau mới đến trường với điều kiện là kết quả test âm tính”, thầy Bình cho hay.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân TP.HCM) đề nghị các trường thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM về phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn trong trong tác dạy học, an toàn sức khỏe cho học sinh.

“Đối với những trường hợp học sinh là F1 nhưng phụ huynh có nhu cầu cho con đến trường thì phải vận động, thuyết phục phụ huynh để họ thực hiện việc cách ly, theo dõi theo đúng quy định. Đó là vì sự an toàn chung cho học sinh của toàn trường”, ông Bình nói.

Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là F1 trở lại trường

Ngày 2/3, UBND TP.HCM đã có văn bản “khẩn” gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện điều chỉnh một số nội dung trong quy trình kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học đã ban hành trước đó.

Điều chỉnh này được thực hiện từ đề xuất của Sở GD-ĐT và Sở Y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo quy định.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo trong quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục: Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm PCR mẫu đơn) cho học sinh và giáo viên nếu có triệu chứng nghi mắc Covid-19 của lớp có F0.

Về việc xét nghiệm với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo quy định: Phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm vắc-xin đủ liều, hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều; Thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm (qua Email, Zalo, Viber, tin nhắn...).

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ cao (béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh...) theo hướng dẫn của Bộ Y tế để theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày nếu lớp đó có trường hợp học sinh F0.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đề nghị Sở GD-ĐT hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các hướng dẫn, không được yêu cầu phụ huynh thực hiện thêm các xét nghiệm không cần thiết như xét nghiệm định kỳ hằng tuần, xét nghiệm PCR để khẳng định âm tính.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-co-hoc-sinh-f0-f1-cac-truong-tphcm-van-boi-roi-tr...

Cà Mau: Hỗ trợ test nhanh Covid-19 miễn phí cho học sinh khó khăn

Những ngày gần đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường 8, Tp.Cà Mau, tỉnh Cà Mau đang tập trung quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chủ trương của tỉnh, Tp.Cà Mau, nhất là triển khai thực hiện việc test nhanh (mẫu gộp) định kỳ 2 lần/tuần đối với hộ gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Qua thống kê, phường có 53 hộ nghèo, cận nghèo với 187 khẩu và 195 học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ kít test. Do đó, đơn vị chủ động vận động các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình khá giả ủng hộ kít test cho những trường hợp này.

“Hiện tại, số lượng kit test đủ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đến hết tháng 3. Sau đó tuỳ vào diễn biến của dịch, phường sẽ có giải pháp tiếp theo”, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường 8 thông tin.

Ghi nhận của PV Người Đưa Tin trong buổi sáng nay (ngày 3/3), có khoảng 30 học sinh đến tại Trung tâm Văn hóa, Thể theo – Học tập cộng đồng phường 8 để thực hiện test nhanh, đa phần các cháu đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ huynh thiếu chi phí mua kít test trong thời gian dài. Không ít cháu rất sợ không được test và rồi không được đến trường.

Đưa con đến điểm test nhanh miễn phí tại Trung tâm Văn hóa, Thể theo – Học tập cộng đồng phường 8, ông Kim Văn Vĩnh, ngụ khóm 8, bày tỏ rất vui mừng và cảm ơn sự hỗ trợ của địa phương, giúp gia đình giảm được một phần chi phí trong phòng, chống dịch bệnh. 

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường 8, TP Cà Mau cho biết, thời gian tới, nhằm nâng cao tính tương trợ lẫn nhau, UBND phường triển khai tuyên truyền trong học đường với tinh thần chia sẻ khó khăn trong thời gian các cháu học sinh phải đi học trực tiếp.

“Phường đang có kế hoạch chỉ đạo các trường phát động phong trào ‘chia sẽ kít test’ trong học đường theo phương châm học sinh con em gia đình khá giả tiết kiệm, bỏ ống để góp kinh phí mua kít test cho các bạn thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn”, Chủ tịch UBND phường 8 cho hay.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-ho-tro-test-nhanh-covid-19-mien-phi-cho-hoc-sinh-kho-...

Bộ Y tế yêu cầu niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2

Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phải đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế bị thu hồi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố. Đồng thời Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trên; đồngthời, tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

Nguồn: https://tienphong.vn/bo-y-te-yeu-cau-niem-yet-gia-bo-xet-nghiem-sars-cov-2-post1420511....

F0 ở Lâm Đồng tăng vọt, bác sĩ mắc COVID cũng không được nghỉ

Hiện 11/11 phường, xã trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đều là vùng đỏ dịch COVID-19 (vùng nguy cơ rất cao, tương đương cấp độ 4). Bảo Lộc có khoảng 4.000 trường hợp F0 đang điều trị tại 4 khu thu dung, chữa trị COVID-19 và tại nhà.

Ngoài Bệnh viện II Lâm Đồng, TP Bảo Lộc đã thành lập thêm 3 khu thu dung điều trị F0 có triệu chứng tại cơ sở cũ của Bệnh viện II Lâm Đồng, Tu viện Bát Nhã và Ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng với 460 giường bệnh. Về cơ bản, các khu thu dung điều trị F0 ở thành phố này đang trong tình trạng quá tải.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện II Lâm Đồng.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện II Lâm Đồng.

Trước tình hình đó, chính quyền TP Bảo Lộc quyết định tạm dừng hoạt động dịch vụ mát xa và các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tập trung đông người. Karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp, cắt tóc hoạt động không quá 50% công suất; nhà hàng, quán ăn uống, chợ truyền thống hoạt động 70%.

Trẻ mầm non tạm thời nghỉ học. Học sinh tiểu học và THCS chuyển qua học trực tuyến

Việc cưới được phép tổ chức nhưng không quá 100 người; việc tang không vượt quá 30 người tại một thời điểm; các tiệc mừng thôi nôi, sinh nhật… chỉ được phép tổ chức trong nội bộ gia đình; tạm dừng các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo tập trung tại các cơ sở tôn giáo.

Ngày 3/3, Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã ra văn bản gửi Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt yêu cầu cử nhân viên y tế tới làm việc tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Nhi Lâm Đồng.

Cụ thể, Sở đề nghị Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt cử 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng cử 2 điều dưỡng đến làm việc tại Khu điều trị COVID-19 nói trên. Thời gian tăng cường là 21 ngày, bắt đầu từ ngày 4/3

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, 126 bệnh nhân COVID-19 nặng đang trong quá trình điều trị; trong đó, 4 ca thở máy, 10 ca thở ô xy dòng cao (HFNC), 12 ca thở ô xy qua mặt nạ (mask), 20 ca thở ô xy…

Khu điều trị này có 30 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cùng đảm nhiệm công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Vì thiếu nhân lực nên một số y bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục mặc bảo hộ để khám điều trị cho bệnh nhân.Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 theo phương án 4 tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh COVID-19 đến các khu thu dung điều trị ở Đà Lạt, Bảo Lộc...

Nguồn: https://tienphong.vn/f0-o-lam-dong-tang-vot-bac-si-mac-covid-cung-khong-duoc-nghi-post1...

Bộ Y tế gia hạn dùng của vắc xin Moderna

Theo đó vắc xin Moderna sẽ được tăng hạn từ 7 tháng lên 9 tháng (kể từ ngày sản xuất) ở điều kiện bảo quản -25 độ C đến -15 độ C đối với các cơ sở sản xuất vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc cập nhật hạn dùng này được áp dụng đối với các lô vắc xin Spikevax được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 2/3/2022.

Trước đó, việc cập nhật hạn dùng vắc xin Spikevax cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào ngày 9/2/2022, Cơ quan Quản lý Dược của Châu Âu (EMA) phê duyệt ngày 08/12/2021, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA) phê duyệt ngày 31/1/2022 và các cơ quan quản lý dược của Anh, Úc, Canada, Thụy Sỹ...

Vắc xin Spikevax do hãng dược Moderna nghiên cứu và sản xuất, được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngày 28/6/2021.

Bộ Y tế khẳng định việc cập nhật hạn dùng đối với vắc xin Spikevax không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc xin.

Trong công văn về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại ban hành hồi cuối tháng 1, Bộ Y tế hướng dẫn đối với liều dùng vắc xi do Moderna sản xuất, người tiêm liều bổ sung thì sử dụng liều là 0.5ml; còn với người tiêm liều nhắc lại (người đã tiêm 2 mũi trước đó bằng bất cứ loại vắc xin gì), liều dùng là 0,25ml (tức là 1/2 liều cơ bản).

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều ngày 3/3 cho biết cả nước đã tiêm gần 195,7 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó ngày 2/3, cả nước tiêm 364.379 liều vắc xin.

Số vắc xin phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.317.396 liều, trong đó mũi 1: 70.650.294 liều; Mũi 2: 68.811.055 liều ; Mũi bổ sung: 14.000.910 liều; Mũi 3: 24.855.137 liều.

Đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn lại duy nhất 1 tỉnh có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Về số vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.991.176 liều, trong đó mũi 1: 8.730.834 liều; Mũi 2: 8.260.342 liều.

Đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 trên 90%; Còn lại 9/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở;

Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccie Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới).

Nguồn: https://tienphong.vn/bo-y-te-gia-han-dung-cua-vac-xin-moderna-post1420499.tpo

NÓNG: Điều kiện để được mua thuốc chứa Molnupiravir

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 104/SYT-NVD về việc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir gửi UBND các quận, huyện, thị xã; Hiệp hội Dược học TP Hà Nội; cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, cơ sở kinh doanh thuốc chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, thực hiện việc tư vấn nguy cơ - lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống Dược quốc gia.

Theo đó, hiện nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp Giấy phép lưu hành sản phẩm và công bố giá 3 loại thuốc có hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất: Molravir 400 SĐK: VD3-166-22 (Công ty cổ phần Dược Boston Việt Nam sản xuất), Movinavir SĐK: VD3-167-22 (Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar sản xuất), Molnupiravir Stella 400mg SĐK: VD3-168-22 (Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất).

Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà thuốc để sẵn sàng cung ứng đến tay bệnh nhân với giá bình ổn, đồng thời, có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý dược để sớm có hướng dẫn việc kê đơn thuốc kháng virus cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý dược tại Công văn số 976/BYT-QLD ngày 1-3-2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán sử dụng thuốc điều trị Covid-19, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, tránh mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc tuân thủ các quy định về "Thực hành tốt" GPs, lưu ý kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của thuốc, niêm yết giá thuốc và thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn.

"Cơ sở kinh doanh thuốc chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, thực hiện việc tư vấn nguy cơ - lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống Dược quốc gia. Tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc tăng cao. Riêng đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định về thặng số bán lẻ theo Điều 136 Nghị định 54/2017/NĐ-CP" - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế và các phòng, ban liên quan (quản lý thị trường, truyền thông...) thông báo đến các nhà thuốc trên địa bàn quản lý việc bán thuốc theo đơn và tư vấn nguy cơ - lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc; đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá thuốc và kinh doanh thuốc có hoạt chất Molnupiravir tại các nhà thuốc, tránh việc đầu cơ, tăng giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình y tế xã hội.

Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ báo cáo Sở Y tế, Cục Quản lý dược để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đăng thông tin trên trang thông tin điện tử Sở Y tế và phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân được biết việc kê đơn và bán thuốc Molnupiravir theo đơn. Người dân không tự động mua, tích trữ mà thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả, an toàn, tránh kháng thuốc.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/nong-dieu-kien-de-duoc-mua-thuoc-chua-molnupiravir-20220303...

F0 tự điều trị Covid-19 tại nhà cần lưu ý gì để không mất chế độ hỗ trợ?
Để hưởng các chế độ, bắt buộc người bệnh Covid-19 tự điều trị tại nhà phải liên hệ với y tế phường, xã để cập nhật thông tin và được xác nhận.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h