Trong khi Delta nhanh chóng khiến các biến chủng trước đó "tuyệt chủng" trong thời gian ngắn, Omicron vẫn chưa làm được điều đó với Delta, các nhà khoa học Israel cảnh báo.
6 diễn biến
Omicron chưa diệt nổi Delta, biến chủng "tử thần" có nguy cơ tái xuất?
Sự xuất hiện và lây lan nhanh nhưng gây bệnh nhẹ của Omicron từng khiến giới khoa học mừng rỡ vì nó dần lấn át Delta - biến chủng từng gây ra cơn "sóng thần" chết chóc khắp thế giới.
Nhưng điều mong đợi cuối cùng vẫn chưa xảy ra: Delta vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn. Delta vẫn có thể quay lại khi làn sóng Omicron hạ nhiệt - bài công bố mới trên tạp chí Science of the Total Environment cảnh báo.
Khẩu trang đã thành thói quen của người dân ở Israel - Ảnh: TIME OF ISRAEL
Theo The Jerusalem Post, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Ariel Kushmaro và tiến sĩ Karin Yaniv từ Trường ĐH Ben-Gurion Negev (BGU) ở Beersheba - Israel đã phát triển các công cụ có thể nhận biết và phân biệt các biến chủng khác nhau từ lượng virus khá nhỏ có trong nước thải. Họ nhận thấy Delta vẫn âm thầm tồn tại trong cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng một mô hình cho thấy Omicron có xu hướng tự tiêu diệt chính mình bởi nó lây lan quá nhanh và người đã nhiễm một biến chủng thì nguy cơ tái nhiễm chính biến chủng đó cực kỳ thấp. Trong bối cảnh đó, nếu Delta còn tồn tại, nó vẫn có khả năng tấn công cộng đồng một lần nữa.
"SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành dẫn đến đột biến và sự xuất hiện của nhiều biến chủng. Cho đến nay, bất cứ khi nào một biến chủng thống trị mới xuất hiện, nó sẽ áp đảo "người tiền nhiệm" trong một thời gian ngắn" - giáo sư Kushmaro giải thích.
Tuy nhiên đến lượt Omicron, nó có vẻ đang tự áp đảo chính nó. Với tỉ lệ mắc bệnh giảm đáng kể do đã có quá nhiều "F0 khỏi bệnh" - Omicron trong cộng đồng, chính phủ và Bộ Y tế Israel đã loại bỏ hầu hết các hạn chế.
Giáo sư Kushmaro cảnh báo: "Nhưng Delta vẫn đang lưu hành trong một quần thể có khả năng miễn dịch suy yếu và ít chịu hạn chế hơn, có thể tái xuất với số lượng lớn hoặc thậm chí tạo ra một biến chủng mới khác và lây nhiễm ở Israel.
Khả năng xuất hiện một làn sóng từ biến chủng có độc lực cao - dù khả năng rất thấp - vẫn luôn được các nhà khoa học thế giới xem xét một cách thận trọng. Đó là lý do việc tiêm ngừa Covid-19 vẫn được khuyến khích, bởi kháng thể tự nhiên được tạo ra sau khi khỏi bệnh chỉ tồn tại một thời gian nhất định; một số nghiên cứu cũng chứng minh "miễn dịch lai" - tức sở hữu cả "combo" kháng thể từ tiêm chủng và tình trạng F0 khỏi bệnh mới là miễn dịch bền vững.
Trong khi đó, khả năng miễn dịch chéo giữa các biến chủng - tức đã mắc chủng này thì có cơ hội ít mắc và bệnh nhẹ khi gặp chủng khác hay không - vẫn là chủ đề được bàn luận với nhiều bằng chứng khoa học có phần trái ngược nhau được công bố.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hồi cuối tháng 4, hiện Omicron chiếm khoảng 99,5% trình tự gien SARS-CoV-2 trên toàn thế giới; Delta dù bị lấn át nhưng vẫn tồn tại với tỉ lệ thấp dưới 0,1%; 0,4% còn lại chưa xác định cụ thể biến chủng.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/omicron-chua-diet-noi-delta-bien-chung-tu-than-co-ng... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/omicron-chua-diet-noi-delta-bien-chung-tu-than-co-nguy-co-tai-xuat-20220503091106607.htm
Nhiều nước tiếp tục nới lỏng, mở cửa
Ngày càng có nhiều nước trên thế giới tiếp tục nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để dần trở lại với cuộc sống bình thường.
Mới nhất, New Zealand hôm 2-5 mở cửa biên giới đối với du khách đến từ khoảng 60 nước được miễn thị thực sau khi bãi bỏ hầu hết quy định hạn chế nhập cảnh còn lại. Trước đó 3 tuần, nước này đã chào đón du khách Úc.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết hơn 90.000 người đã đặt vé bay đến nước này trong vòng 7 tuần kể từ khi quyết định mở cửa lại nói trên được thông báo. Bà Ardern cho biết thêm hiện chưa có kế hoạch nới lỏng yêu cầu về xét nghiệm và tiêm chủng đối với du khách nước ngoài trước vào sau khi đến New Zealand.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, New Zealand đón hơn 3 triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, hoạt động du lịch quốc tế đã bị đình trệ vào đầu năm 2020 sau khi nước này áp đặt một số biện pháp hạn chế nhập cảnh được xem là nghiêm ngặt nhất thế giới.
Tại châu Âu, Hy Lạp và Ý hôm 1-5 nới lỏng các quy định phòng chống dịch, giúp du khách đến đó nghỉ hè dễ dàng hơn.
Cơ quan Hàng không dân dụng Hy Lạp thông báo dỡ bỏ mọi quy định Covid-19 dành cho các chuyến bay nội địa và quốc tế, trừ yêu cầu đeo khẩu trang tại sân bay và trên chuyến bay. Trước đó, hành khách được yêu cầu cung cấp bằng chứng đã tiêm chủng, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc vừa khỏi Covid-19.
Tại quốc gia này, giấy chứng nhận tiêm chủng tạm thời bị bỏ từ ngày 1-5 đến 31-8. Đến tháng 8, theo hãng tin AP, nhà chức trách sẽ quyết định xem có sử dụng nó lại hay không. Dù vậy, người dân vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang tại không gian trong nhà và bên trong phương tiện giao thông. Các chuyên gia cũng đề nghị đeo khẩu trang tại những sự kiện đông người.
Một địa điểm thu hút nhiều khách tham quan tại TP Rome vào đầu tháng 4-2022 sau khi chính phủ Ý bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng chống Covid-19. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, du khách đến Ý không cần phải khai báo y tế trực tuyến tại sân bay. Ngoài ra, nước này bỏ quy định người dân cần có thẻ thông hành y tế để vào các địa điểm như nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục...
Tuy nhiên, "thẻ xanh" (giấy chứng nhận đã tiêm phòng, mới khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính) vẫn cần để ra vào bệnh viện và nhà dưỡng lão. Quy định đeo khẩu trang tại một số địa điểm trong nhà (siêu thị, nơi làm việc, cửa hàng…) cũng bị dỡ bỏ. Dù vậy, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão.
Giới chức y tế Ý tỏ ra thận trọng khi cho rằng vẫn nên duy trì chiến dịch tiêm vắc-xin và kêu gọi người dân tiếp tục thận trọng bằng cách đeo khẩu trang tại không gian trong nhà, chỗ đông người hoặc những nơi có nguy cơ lây nhiễm.
Doanh thu du lịch của Ý và Hy Lạp sụt giảm trong năm 2020 và chỉ hồi phục phần nào trong năm 2021. Giờ đây, với những bước đi trên, các nước này hy vọng tình hình sẽ cải thiện hơn trong năm 2022.
Albania, nước láng giềng của Hy Lạp cũng dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế hôm 1-5. Cùng ngày, Bulgaria dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh đối với người đi lại. Còn tại châu Mỹ, Chile mở cửa lại toàn bộ đường biên giới trên bộ từ ngày 1-5.
Ngày đầu tiên của tháng 5 cũng ghi nhận Kuwait dỡ bỏ toàn bộ biện pháp phòng dịch Covid-19. Đáng chú ý, người nhập cảnh không cần phải xét nghiệm PCR hoặc cung cấp bằng chứng tiêm chủng.
Trong khi đó, du khách đến Thái Lan không cần phải xét nghiệm nếu đã tiêm phòng đầy đủ. Tại Malaysia, tờ Malay Mail dẫn lời Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết kể từ ngày 1-5, một số đối tượng sẽ không cần xét nghiệm trước và sau khi đến nước này, trong đó có người từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ và người từ 17 tuổi trở xuống bất kể tình trạng tiêm chủng.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhieu-nuoc-tiep-tuc-noi-long-mo-cua-2022050221084006... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhieu-nuoc-tiep-tuc-noi-long-mo-cua-2022050221084006.htm
Đề xuất 2 tình huống ứng phó dịch Covid-19 năm 2022-2023
Tại văn bản mới đây xin góp ý dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục tập hợp ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, UBND 63 tỉnh/thành phổ, các đơn vị liên quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế về Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023.
Theo đó, Bộ Y tế đã đề ra 2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19. Trong 2 tình huống này, Bộ Y tế nhấn mạnh 1 trong 4 nguyên tắc đặt ra là vắc-xin là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong.
Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 rất cao
Tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.
Tình huống 1: Chủng virus tiến hóa nhưng ca Covid-19 nặng và tử vong giảm
Với tình huống này, chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần, dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung ở tình huống này là nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi thứ 4 cho người lớn; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi để sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường theo dõi giám sát, xét nghiệm phát hiện kịp thời các biến chủng đáng lo ngại và những thay đổi về khả năng gây bệnh, khả năng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp; triển khai giám sát giải trình tự gen tại các điểm giám sát trọng điểm để phát hiện sự tiến hóa của virus); mở rộng giám sát SARS-CoV-2 trên động vật (bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã).
Về các biện pháp xã hội, kịch bản tình huống 1 của Bộ Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, song xem xét giảm bớt hoặc nới lỏng các điều kiện, hướng dẫn để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân việc triển khai thực hiện.
Cùng đó, đánh giá việc thực hiện, điều chỉnh các chỉ số, ngưỡng xác định cấp độ dịch phù hợp với bản chất dịch, đáp ứng thực tế, tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác hậu cần, ngoài việc tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người mắc Covid-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu, Bộ Y tế cũng đề xuất rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới, bệnh nhân Covid-19 nặng và tử vong tăng
Tình huống 2 có bối cảnh xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xinhoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Trong tình huống 2, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ chức y tế thế giới, các nhà sản xuất vắc-xin để cập nhật các loại vắc-xin phù hợp với biến chủng mới virus SARS-CoV-2, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Tiếp tục triển khai việc tiêm vắc-xin bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tổ chức rà soát, tiêm mũi vắc-xin tăng cường vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính) hoặc người đã tiêm đủ mũi vắc-xin trên 3 tháng.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trong đợt dịch lần thứ 4
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; tăng cường công tác giám sát sự xâm nhập của biến thể mới của virus tại các cửa khẩu, khu vực biên giới…; tiếp tục giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở…
Đồng thời, tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo quy định để tăng tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người mắc Covid-19 và người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19.
Ở tình huống này sẽ thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch "5K + vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác".
Về các biện pháp xã hội, tình huống 2 đặt ra việc thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Tại Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023, Bộ Y tế đưa ra thông tin sau hơn hai năm, dịch Covid-19 do các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, khiến quá trình lây lan nhanh hơn và mức độ nhiễm bệnh nhiều hơn so với chủng ban đầu.
Trong các nước của ASEAN, một số nước đã đưa các tiêu chí để coi Covid-19 là bệnh lưu hành. Indonesia quy định để coi Covid-19 là bệnh lưu hành, tỉ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỉ lệ dương tính phải dưới 1% dân số.
Thái Lan từ ngày 1-7 tới sẽ coi Covid-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỉ lệ này là gần 0,2%). Theo đó, Thái Lan sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.
Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu số ca mắc mới giảm liên tục, số ca nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin tăng.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Ngày 31-3, Tổ chức Y tế thế giới ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/de-xuat-2-tinh-huong-ung-pho-dich-covid-19-nam-2022-2023-20... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/de-xuat-2-tinh-huong-ung-pho-dich-covid-19-nam-2022-2023-20220503074527849.htm
Dịch Covid-19 hôm nay: Số mắc thấp nhất trong hơn 9 tháng qua với 3.122 F0
Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay 2-5, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 1-5 đến 16 giờ ngày 2-5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.122 ca ghi nhận trong nước (giảm 595 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 2.615 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (761), Phú Thọ (185), Yên Bái (176), Quảng Ninh (151), Bắc Ninh (150), Tuyên Quang (132), Vĩnh Phúc (124), Lào Cai (123), Nghệ An (116), Hưng Yên (101), Thái Bình (92), Quảng Bình (73), Thái Nguyên (71), Bắc Kạn (70), Hà Tĩnh (68), Đà Nẵng (61), Bà Rịa - Vũng Tàu (50), Hải Dương (47), Cao Bằng (47), Lâm Đồng (45), Sơn La (31), Ninh Bình (29), Hà Giang (28), Lạng Sơn (28), Thanh Hóa (28), Hà Nam (28), TP HCM (26), Nam Định (23), Bình Phước (22), Phú Yên (21), Quảng Ngãi (20), Quảng Trị (20), Cà Mau (18), Quảng Nam (17), Bình Dương (15), Gia Lai (14), Lai Châu (13), Điện Biên (13), Đồng Nai (13), Hòa Bình (12), Hải Phòng (11), Tây Ninh (11), Bến Tre (9), Khánh Hòa (7), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (3), Trà Vinh (3), Thừa Thiên Huế (2), Long An (2), Vĩnh Long (2), Đồng Tháp (2), Kiên Giang (2), Cần Thơ (1).
Bản đồ dịch Covid-19 - Nguồn: Bộ Y tế
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (120), Nghệ An (94), Bắc Giang (73).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (150), Hà Tĩnh (68), Ninh Bình (29).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.938 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.656.649 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.717 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay):
Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.648.899 ca, trong đó có 9.262.639 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.587.690), TP HCM (608.476), Nghệ An (481.842), Bắc Giang (385.296), Bình Dương (383.418).
Trong ngày, cả nước có thêm 1.090 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.265.456 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 475 ca.
Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 2 ca tử vong tại: Đồng Nai (1), Hà Nam (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 3 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.044 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Ngày 1-5 có 51.917 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 214.991.119 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 196.081.099 liều: Mũi 1 là 71.459.600 liều; mũi 2 là 68.645.058 liều; mũi 3 là 1.505.937 liều; mũi bổ sung là 15.308.781 liều; mũi nhắc lại là 39.161.723 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.376.932 liều: Mũi 1 là 8.908.009 liều; mũi 2 là 8.468.923 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.533.088 liều (mũi 1).
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-hom-nay-so-mac-thap-nhat-trong-hon-9-thang-qu... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-hom-nay-so-mac-thap-nhat-trong-hon-9-thang-qua-voi-3122-f0-20220502171243756.htm
Thượng Hải phát hiện thêm hàng chục ca mắc COVID-19 ở ngoài khu cách ly
Ngày 1/5 (giờ địa phương), các nhà chức trách Thượng Hải (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 58 ca mắc COVID-19 mới ở bên ngoài các khu cách ly, trong bối cảnh thủ đô Bắc Kinh đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cho hàng triệu người trong dịp lễ Quốc tế Lao động, Reuters đưa tin.
Các nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 2/5. Ảnh: Reuters.
Cuối tuần trước, người dân Thượng Hải không khỏi vui mừng khi nhận được thông tin không có ca mắc COVID-19 mới nào được tìm thấy bên ngoài khu cách ly.
Dù các nhà chức trách thành phố không bình luận về các ca mắc mới trong cuộc họp báo hôm 2/5, người dân địa phương đã bàn tán trên nhiều nền tảng trực tuyến. Một người để lại bình luận trên Weibo: “Chính quyền thành phố quá vội vàng khi tự tin tuyên bố không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng”.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng quan tâm đến những dữ liệu khả quan. Số ca tử vong ở Thượng Hải đã giảm từ 38 ca vào ngày 30/4 xuống 32 ca vào ngày 1/5. Thành phố ghi nhận 6.606 ca mắc mới không có triệu chứng, giảm so với con số 7.084 ca một ngày trước đó. "Có hy vọng cho tháng 5", một người dùng Weibo khác nói.
Virus Corona lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019 và trong vòng 2 năm, các nhà chức trách đã quản lý để ngăn chặn sự bùng phát phần lớn trong tầm kiểm soát bằng các biện pháp phong tỏa và cấm đi lại. Tuy nhiên, biến thể Omicron lan truyền nhanh chóng và Trung Quốc đã thử nghiệm chính sách "zero-COVID".
Tại thủ đô Bắc Kinh, nơi sinh sống của 22 triệu dân, các nhà chức trách đã thắt chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.
Các nhà hàng ở Bắc Kinh đóng cửa phục vụ khách ăn uống và một số khu chung cư bị đóng cửa. Đường phố vắng lặng và những cư dân phải xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới được vào hầu hết các địa điểm công cộng.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/thuong-hai-phat-hien-them-hang-chuc-ca-mac-covid-19-o-n... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/thuong-hai-phat-hien-them-hang-chuc-ca-mac-covid-19-o-ngoai-khu-cach-ly-a536166.html
Người nhập cảnh vào Việt Nam tham gia SEA Games 31 không phải khai báo y tế với COVID-19
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Tổng Cục thể dục thể thao (Trung tâm điều hành SEA Games 31) về việc dừng khai báo với COVID-19 phục vụ SEA Games 31.
Bộ Y tế cho biết ngày 14/4, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31 trong đó có nội dung điều kiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19.
Tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam tham gia SEA Games 31 không phải khai báo y tế với COVID-19. Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết thêm, mới đây, Bộ Y tế thông báo tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022. Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Tổng Cục thể dục thể thao (Trung tâm điều hành SEA Games 31) báo cáo cho Ban Tổ chức SEA Games 31 và thông báo cho tất cả các đoàn tham dự SEA Games 31.
Trước đó, tại hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31, Bộ Y tế nêu rõ, đối với khách mời cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên, Trưởng, Phó trưởng đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 không bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính khi nhập cảnh, cũng không phải xét nghiệm sau khi nhập cảnh, đồng thời không yêu cầu phải cách ly.
Đối với quan chức, trọng tài, vận động viên, thành viên của các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và có chứng nhận xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện xét nghiệm cấp;
Thực hiện khai báo y tế tại tokhaiyte.vn, không yêu cầu phải cách ly, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khai báo cho trưởng đoàn thể thao và đầu mối của Ban Tổ chức để tổng hợp, theo dõi...
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-nhap-canh-vao-viet-nam-tham-gia-sea-games-31-khong-phai... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-nhap-canh-vao-viet-nam-tham-gia-sea-games-31-khong-phai-khai-bao-y-te-voi-covid-19-169220502083241283.htm