COVID-19 30/5: Giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 bắt đầu từ 0h ngày 31/5

K.T - Ngày 30/05/2021 12:05 PM (GMT+7)

TP.HCM sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 2 tuần đối với toàn địa bàn quận Gò Vấp và một phường ở quận 12. Những nơi còn lại giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

*Tiếp tục cập nhật...

Sáng 30-5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn về COVID-19 tại TP.HCM. Tham dự cuộc họp có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo khác.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay toàn địa bàn TP.HCM sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính Phủ.

Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) sẽ phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Việc thực hiện Chỉ thị 15 và 16 tại TP.HCM sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-5-2021.

COVID-19 30/5: Giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 bắt đầu từ 0h ngày 31/5 - 1

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói: “Chúng ta đã bị thủng lưới từ một trường hợp phạm luật đặc biệt nghiêm trọng. Tình huống hết sức khó khăn, phức tạp buộc chúng ta phải có các biện pháp quyết liệt và có hiệu quả nhất”

Ông Nên cho rằng, đây là thử thách mới, thử thách đối với từng lãnh đạo trên cương vị của mình. “Tôi tin tưởng với sự đồng lòng, quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng” – ông Nên nói.

Theo người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, tình huống nguy hiểm mới buộc chúng ta hành động tương xứng. Nếu không tình hình dịch có thể vượt khả năng và tầm kiểm soát. Từ đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức bình tĩnh, chủ dộng, dự báo sát tình hình và đưa ra giải pháp tiếp cận hiệu quả nhất.

Trước đó, phát biểu mở đầu cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đề xuất biện pháp phong tỏa khu vực và giãn cách ở TP.HCM.

Về phong tỏa khu vực, ông Bỉnh đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 phong tỏa triệt để sáu phường ở quận Gò Vấp, gồm: 3, 14, 15, 5, 9 và 11.

Đối với quận 12 sẽ phong tỏa toàn bộ phường Thạnh Lộc. Còn với các phường khác ít ca bệnh, ông Bỉnh đề xuất cách ly từng khu phố có ca bệnh.

Những vùng còn lại, Sở Y tế TP.HCM đề xuất áp dụng chỉ thị 15 của Thủ tướng. “Hiện nay, TP.HCM gần như là giãn cách theo Chỉ thị 15 rồi, bây giờ bổ sung thêm các biện pháp phong tỏa này” – ông Bỉnh nói.

COVID-19 30/5: Giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 bắt đầu từ 0h ngày 31/5 - 2

(Theo Hà Nội mới)

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 và lớp 12 không rời thành phố đến khi thi xong

Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ngày 30/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản, yêu cầu các trưởng phòng giáo dục và đào tạo, thủ trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của trung ương, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, các đơn vị, trường học cần lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên; yêu cầu toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên phải gương mẫu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không hoang mang.

Theo đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các đơn vị, trường học đi ra khỏi thành phố trong các ngày nghỉ phải được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị hoặc lãnh đạo cấp trên, và phải báo cáo lại khi trở về thành phố, đồng thời khai báo y tế theo quy định trong vòng 24 giờ từ khi có mặt tại thành phố.

Đặc biệt đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu không ra khỏi thành phố từ nay cho đến khi hoàn thành xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021; hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình; chủ động ôn tập tại nhà, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tốt cho các kỳ thi. Thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe của học sinh.

Những cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh có liên quan với những người đi, đến những nơi có bệnh nhân Covid-19 theo thông báo của cơ quan y tế, cần báo cáo với thủ trưởng đơn vị và thực hiện nghiêm các quy định theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… thì phải tự cách ly, đồng thời thông báo ngay với cơ sở y tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, các đơn vị, trường học tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; khuyến khích làm việc trực tuyến bảo đảm hiệu quả công việc và an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tổ chức các cuộc họp trực tiếp, nếu cần thiết phải tổ chức thì bố trí ngồi giãn cách tối thiểu 2m; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn trước và sau các cuộc họp, để phòng họp, phòng làm việc thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trung tâm.

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022 trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6/2021; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra vào ngày 7 và 8/7/2021.

(Theo Người Đưa Tin)

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng toàn TP.HCM

Chiều 30/5, Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 TP.HCM đã có thông báo liên quan đến buổi họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra vào buổi trưa cùng ngày.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca lây nhiễm liên tục tăng. Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo cần chuẩn bị kế hoạch để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố.

Trước mắt là lấy mẫu xét nghiệm tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; Tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Mục tiêu phải lấy mẫu đơn khoảng 50.000 mẫu/ngày.

Tại buổi họp trực tuyến này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo TP.HCM thực hiện cách ly và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 nhưng cần duy trì và đảm bảo thực hiện “Mục tiêu kép”. Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai xét nghiệm cho 100% cán bộ, công nhân, người dân tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa điểm có dịch để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.

TP.HCM khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi chợ, siêu thị vì nguy cơ lây lan dịch bệnh

Chiều 30/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi chợ, siêu thị vì nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo HCDC, sau khi có thông tin giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5, rất nhiều người đã đổ xô đi chợ, đi siêu thị. Việc này nguy hiểm vì rất khó giữ khoảng cách an toàn khi tập trung đông người, có thể làm lây lan dịch bệnh.

“Mọi người cần bình tĩnh vì khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân vẫn được đi ra khỏi nhà khi có việc cần thiết như mua thức ăn, cấp cứu... Do đó không cần thiết đổ xô đi chợ, siêu thị ngay trong chiều nay. Lượng hàng hóa sẽ được cung cấp đầy đủ trong thời gian giãn cách”, HCDC khuyến cáo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ nhằm đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân.

Theo đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, ... đã bắt đầu tiến hành tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn.

Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM cho biết hệ thống bán lẻ này một lần nữa kích hoạt chế độ chống dịch và có phần nâng cao mức đô do đợt tái lại này dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn lần trước. Hai nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Saigon Co.op trong giai đoạn này là đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân, trong đó các phương án vận chuyển hàng hóa, cách ly nếu cần thiết, ... cũng phải được nhà bán lẻ lên sẵn nhiều kịch bản để hoàn toàn chủ động đối phó dịch

TPHCM: Xét nghiệm COVID-19 cho người dân toàn phường 5, quận Gò Vấp do có một số trường hợp F2 chuyển thành F0

Chiều 30/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đã phát hiện nhiều trường hợp F2 nghi nhiễm COVID-19.

Cụ thể, tối  29/5, phường 5 quận Gò Vấp ghi nhận thêm 4 ca nghi nhiễm COVID-19. Đây là các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tại hẻm 80/59 đường Dương Quảng Hàm (khu vực đã phong tỏa trong sáng ngày 29/5) có liên quan đến thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.

Cơ quan chức năng đang truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 4 ca nghi nhiễm này.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Phường 5, quận Gò Vấp, HCDC cho biết trong chiều nay 30/5 sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho tất cả người dân trên địa bàn phường.

Tâm dịch Bắc Giang: Nhân viên y tế không ăn nổi cơm, ngủ 2-3 tiếng/ngày

Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, việc đẩy mạnh công tác test nhanh đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm truy vết, khoanh vùng và khống chế dịch một cách nhanh nhất tại Bắc Giang.

PGS.TS Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đánh giá, việc test nhanh định kỳ 3 ngày/1 lần tại những điểm nóng về dịch là vô cùng quan trọng nhằm phát hiện và tách những trường hợp dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch, cần kiên trì thực hiện mới mong sớm thành công.

Việc triển khai test nhanh tại các điểm nóng về dịch được thực hiện theo cách thức: nhân viên y tế chia thành các nhóm nhỏ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu. Đối với phương pháp test nhanh, 15 phút sẽ có kết quả (độ chính xác lên tới 70-75%).

COVID-19 30/5: Giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 bắt đầu từ 0h ngày 31/5 - 3

Nhân viên y tế tranh thủ nghỉ để tiếp tục lấy sức lấy mẫu, xét nghiệm trong dân ở Bắc Giang (ảnh Xuân Thắng)

Đoàn Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là một trong những đơn vị được tăng cường cho công tác lấy mẫu, xét nghiệm tại tâm Bắc Giang.

Chị Hoàng Thị Hằng, giảng viên Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi từ Bộ Y tế, nhà trường đã cử 215 thầy trò chi viện trợ giúp tỉnh Bắc Giang chống dịch. Tính tới thời điểm hiện tại, đoàn đã có 14 ngày lăn lội làm việc tại những điểm nóng nhất về dịch ở Bắc Giang.

Từ ngày 26/5 tới thời điểm hiện tại, thầy trò Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã triển khai nhiệm vụ tại nhiều địa điểm như: Núi Hiểu, Quang Biểu, Bài Xanh, Trúc Tay, Yên Ninh (thuộc địa bàn huyện Việt Yên).

Mỗi ngày làm việc của đoàn Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chia thành 2 ca, kéo dài từ sáng sớm tới đêm muộn. Nếu lấy mẫu và test nhanh cùng lúc, thì đoàn có thể hoàn thành khoảng 10.000 mẫu/ngày. Trong trường hợp chỉ cần lấy mẫu rồi chuyển về CDC thực hiện việc test nhanh, thì lực lượng này có thể làm tới 20.000 mẫu/ngày. Đối với những trường hợp có kết quả dương tính sau test nhanh, đoàn sẽ tiếp tục triển khai việc xét nghiệm PCR để khẳng định lại.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là thời tiết Bắc Giang những ngày này vô cùng nắng nóng, lực lượng y tế làm công tác lấy mẫu test nhanh mặc bộ đồ bảo hộ chỉ chịu đựng được khoảng 4-6 tiếng đồng hồ.

Cũng theo chị Hằng, có những hôm mọi người trở về nơi đóng quân, đồng hồ đã điểm gần 1h sáng, do quá mệt mỏi, nhiều thành viên không ăn nổi cơm, chỉ uống nước cho đỡ khát rồi tranh thủ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ trước khi tiếp tục công việc ngày mới. Vất vả là vậy, nhưng mọi người đều tin tưởng Bắc Giang sẽ sớm khống chế và chiến thắng dịch bệnh.

Ngoài đoàn Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, trong đợt dịch lần này, tỉnh Quảng Ninh cũng cử 200 cán bộ là y bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chi viện cho Bắc Giang.

Ghi nhận những những khó khăn, cố gắng của người dân, công nhân và đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc rất vất vả trong thời tết nóng bức tại vùng tâm dịch. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ với điều kiện nắng nóng khắc nghiệt 35-37 độ C, trong bộ đồ bảo hộ kín, một số sinh viên bị ngất.

Bộ phận thường trực đặc biệt tại tâm dịch đã chỉ đạo để các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm vào sáng sớm và chiều tối để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho lực lượng phòng chống dịch trong quá trình làm việc.

(Theo Báo Giao Thông)

Phát hiện 91 người từ tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh là F1 về Lào Cai

Ngày 30-5, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai cho biết qua điều tra, truy vết, các ngành chức năng của địa phương đã phát hiện và đưa đi cách ly 91 trường hợp F1 trở về từ vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh.

Số lượng người trở về địa phương được kiểm tra, phát hiện tới hết ngày 29-5. Đây là những người tự ý đi bằng xe khách về Lào Cai, khi các chốt kiểm soát làm việc, thực hiện khai báo y tế thì phát hiện.

Tất cả những trường hợp F1 này đều được ngành chức năng tỉnh Lao Cai đưa đi cách ly tập trung tại Trung đoàn 254, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai và đều được lấy mẫu xét nghiệm để phòng chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo, số lượng người tại tỉnh Lào Cai đi lao động ở khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh khoảng 4.000 người, tập trung ở TP Lào Cai và các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát.

Trước đó, ngày 28-5, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố… triển khai thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc để phòng chống dịch Covid-19.

Văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong đó bắt buộc khai báo y tế điện tử đối với những người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu; hững người cách ly tập trung, người đi qua vùng dịch hoặc từ vùng dịch trở về; công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, người đến các cơ sở khám, chữa bệnh và những người đi tàu hỏa, xe khách tuyến đường dài.

(Theo Người Lao Động)

Nữ sinh mắc COVID-19 ở TP.HCM về thăm nhà, khối phố ở Bình Dương bị phong tỏa

Chiều 30/5, lực lượng chức năng phường Bình Chuẩn (TP Thuận An, Bình Dương) tiến hành dựng rào chắn, tạm thời phong tỏa đường vào khu phối Bình Qưới.

Trong khi đó, ngành y tế Bình Dương đang truy vết và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với những người liên quan. Khu vực được phun thuốc khử trùng theo quy định.

Nơi tạm thời bị phong tỏa có liên quan đến một trường hợp mắc COVID-19 ở TP.HCM về thăm nhà từ ngày 15-23/5.

Theo điều tra dịch tễ, trường hợp này là N.T.N.T (SN 2001), sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM.

Ngày 15/5, T. về thăm nhà tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An đến ngày 23/5 thì quay lại TP.HCM, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, nữ sinh đang được cách ly tại Củ Chi, TP.HCM.

Nữ sinh này tiếp xúc với 8 người và họ đều đã được ngành y tế đưa đi cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe.

Các F2, F3 liên quan đều được hướng dẫn tự cách ly tại nhà, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa ở đầu các tuyến hẻm, không cho người dân ra ngoài.

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM quyết định dời kỳ thi vào lớp 10 đến khi có thông báo mới

Ngày 30/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM.

Tại buổi họp, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện tại các biện pháp phòng chống dịch đã được tập huấn.

“Tuy nhiên, để an toàn, Sở GDĐT xin kiến nghị dời kỳ thi lớp 10 lại. Tuỳ theo tình hình diễn biến của thành phố thì có thể vào ngày 21 đến 23/6 nếu dịch ổn định thì sẽ tổ chức”, ông Sơn nói.

Theo kế hoạch, ngày 1/6 thí sinh tại TP.HCM sẽ làm thủ tục dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Kỳ thi sẽ diễn ra trong ngày 2 và 3/6. Năm nay, TP.HCM có 83.324 thí sinh dự thi vào lớp 10.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng ý đề nghị dời kỳ thi lớp 10 đến khi có thông báo mới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị 15 (nhưng có nội dung tăng cường, chỉ cho phép tập trung không quá 5 người).

Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 phải tực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (Gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận…).

Các quyết định này áp dụng kể từ 0h ngày 31.5.2021.

Khẩn cấp khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu dân cư liên quan COVID-19

Sáng 30/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong tối qua 29/5, Trung tâm Y tế quận 12 cùng đội hỗ trợ đến từ Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM và sinh viên các trường Đại học Y khoa đã tiến hành điều tra, truy vết và lấy mẫu khẩn cho toàn bộ cư dân đang sống tại một Block chung cư Hưng Ngân (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12).

Được biết, một cư dân ở chung cư này đã có kết quả nghi nhiễm COVID-19. Đây là trường hợp tiếp xúc gần (F1) với một bệnh nhân liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

COVID-19 30/5: Giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 bắt đầu từ 0h ngày 31/5 - 4

Người này sau khi nhận được thông tin tiếp xúc gần với bệnh nhân đã chủ động đến Trạm Y tế phường Tân Chánh Hiệp khai báo. Do có có triệu chứng ho, sốt nên đã được chuyển cách ly ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Kết quả xét nghiệm khẩn cùng ngày cho kết quả nghi nhiễm COVID-19.

Theo thông tin truy vết ban đầu, cơ quan chức năng đã quyết định phong tỏa 1 lô chung cư và triển khai lấy 130 mẫu đơn cho toàn bộ cư dân thuộc tầng trệt, tầng 1, tầng 2.

Trong khi đó, 737 cư dân từ tầng 4 đến tầng 21 sẽ được lấy mẫu gộp. Công tác lấy mẫu được tiến hành thuận lợi, người dân hợp tác khai báo và sắp xếp theo thứ tự do ban quản lý chung cư hướng dẫn.

Cũng trong buổi sáng 30/5, Sáng 30/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã ghi nhận thêm 40 trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng. Tất cả đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Như vậy, từ ngày 27/5 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 140 ca nhiễm. Trong đó chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là chuỗi lớn nhất với 133 ca bệnh.

Phát hiện ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, Hải Dương tìm khẩn người đến 2 chợ

Ngày 29/5, Bộ Y tế đã công bố thêm 2 ca mắc COVID-19, đều ở TP Hải Dương (BN6739 và BN6745). Trong đó, BN6739 ghi nhận tại ổ dịch Hoàng Lộc (phường Lê Thanh Nghị), sống cùng nhà với bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện trước đó (BN5877). Bệnh nhân này đã đi cách ly tập trung từ ngày 25/5. Tuy nhiên, ngày 23/5, bệnh nhân có tham gia bầu cử tại địa phương.

BN6745 ghi nhận tại ổ dịch mới ở phố Phạm Hồng Thái (phường Quang Trung). Bệnh nhân này phát hiện thông qua lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 14/5 đến nay, bệnh nhân không đi đâu xa, hay đi chợ Con và chợ An Ninh, tiếp xúc gần với một vài người quen.

Liên quan đến ca dương tính SARS-CoV-2 mới ngoài cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Hải Dương yêu cầu tất cả những ai đã đến các địa điểm sau phải khai báo y tế, gồm:

1.  Khu vực chợ Con, phường Quang Trung, TP Hải Dương tại vị trí và thời gian sau:

- Hàng rau của cô Xuê (cạnh dãy hàng hoa), 8 giờ ngày 14/5.

- Hàng rau chị Hạnh (dãy hàng rau), 8 giờ ngày 20/5.

- Hàng thịt lợn cô Oanh (dãy hàng thịt lợn), khoảng 8-8h30 các ngày 20 và 25/5.

- Hàng cá, trứng, rau chị Hạnh (vị trí đối diện nhà vệ sinh của chợ), 8 giờ ngày 20/5.

- Hàng gạo, bí của chị Hương tại vỉa hè phố Chợ Con, địa chỉ khoảng số 25 hoặc 27 phố Chợ Con (đối diện nhà số 38 Chợ Con) và hàng vịt trên vỉa hè phố Chợ Con (trước cửa nhà số 25 phố Chợ Con) trong khoảng thời gian từ 8-8h30 ngày 25/5.

2. Khu vực chợ An Ninh, phường Quang Trung, TP Hải Dương trong khoảng thời gian 8h30-9h ngày 26/5 tại các vị trí như sau:

- Hàng rau, cá rô của cô The.

- Hàng khoai tây của 2 vợ chồng trẻ và khoai sọ của hàng bên cạnh, cả 2 hàng khoai đều ở vị trí giữa chợ, đối diện dãy hàng thịt.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hải Dương, đến nay, Hải Dương có tổng số 48 ca bệnh, trong đó có tới 42 ca tại TP Hải Dương. Hiện đã có 8 trường hợp khỏi bệnh, được xuất viện. Còn lại 35 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương và 4 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Đến ngày 29/5, toàn tỉnh có 10.514 trường hợp đang thực hiện cách ly, giảm 3.883 trường hợp so với ngày 28.5. Cụ thể, 989 F1 thực hiện cách ly tập trung, 9.318 trường hợp cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, 46 trường hợp cách ly tại khách sạn (TP Hải Dương) và 161 trường hợp cách ly tại Trung đoàn 125 (TP Chí Linh). Hiện tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có các trường hợp F1, F2 phải thực hiện cách ly.

Trong ngày 29/5, lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho 28.640 người, trong đó có 26.411 mẫu lấy cộng đồng của TP Hải Dương.

(Theo Dân Việt)

Hơn 2.300 y bác sĩ và sinh viên ngành y đang hỗ trợ "tâm dịch", gần 26.000 người khác sẵn sàng lên đường

Cục Khoa học Công nghệ vào Đào tạo, Bộ Y tế cho biết hiện đã có tổng số 2.343 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y dược đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, trong đó: đợt 1 từ trước ngày 24/5 là 1.976 người và đợt 2 từ ngày 27/5 là 367 người.

Tổng số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đăng ký sẵn sàng tiếp tục lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh tính đến chiều 29/5 là 1.685 người.

Báo cáo của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cũng cho biết, sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hiện tổng số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của 37 trường Đại học, Cao đẳng trên y dược trên toàn quốc đăng ký sẵn sàng tiếp tục lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh là 24.175 người.

Liên quan đến công tác hỗ trợ nhân lực của Bộ Y tế và ngành y tế các địa phương cho điểm nóng Bắc Giang chống dịch COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế- Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang cho biết, đến nay đã có 1400 cán bộ y tế các lực lượng gồm nhân viên y tế; lực lượng y tế quân đội, y tế công an và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y dược tham gia vào tất cả các mặt trận phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

BV Bệnh Nhiệt đới TƯ yêu cầu Sở Y tế các tỉnh bố trí xe đưa BN mắc COVID-19 đã khỏi bệnh về địa phương

Theo Sở Y tế Hưng Yên, nhận được văn bản của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương về việc thông báo bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh ra viện về nơi cư trú tiếp tục theo dõi, cách ly theo quy định (04 bệnh nhân), Sở Y tế Hưng Yên đã ban hành công văn về việc “Tiếp nhận người bệnh COVID-19 được xuất viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TW khi có đủ điều kiện theo quy định”.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu (01 xe), Trung tâm Y tế huyện Văn Giang (02 xe) và Trung tâm Y tế Thành phố Hưng Yên (01 xe) có trách nhiệm bố trí xe ô tô đón bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và đưa về nhà.

Người bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly, phòng chống dịch theo quy định tại nhà dưới dự giám sát của y tế cơ sở thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 02 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.

Phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14, nếu trường hợp xét nghiệm tái dương tính phải báo cáo Sở Y tế để triển khai các biện pháp tiếp theo.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện cách ly phòng, chống dịch đối với tất cả người bệnh theo đúng quy định và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time RT-PCR cho tất cả bệnh nhân.

(Theo Tiền Phong)

Vĩnh Phúc : Hơn 13.500 học sinh lớp 12 quay lại trường từ ngày 31/5

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản số 4115/UBND-VX2 quy định việc cho hơn 13.500 học sinh lớp 12 trở lại trường học để ôn luyện trong 5 tuần từ ngày 31/5 đến ngày 3/7 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến diễn trong 3 ngày từ 6/7 đến 8/7/2021. 

Theo số liệu thống kê cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc có tổng cộng 13.563 học sinh lớp 12 đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, khoảng 10.132 em đăng ký tham gia kỳ thi xét tuyển đại học, chiếm 72%. 

Cùng với việc cho học sinh đến trường ôn thi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan chỉ đạo nhà trường xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh -19 theo quy của ngành Y tế, bộ, ngành liên quan và của tỉnh. UBND tỉnh nhấn mạnh cần tuyệt đối đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia dạy, học và tham dự các kỳ thi.

UBND chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống của cán bộ, giáo viên và học sinh các trường trong suốt thời gian ôn thi. Bên cạnh đó, những học sinh và giáo viên ôn thi tại trường cần khai báo y tế 3 ngày 1 lần để chủ động xác định, có phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết sẽ gửi hướng dẫn cụ thể tới các đơn vị, nhà trường để hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo công tác ôn tập và chất lượng các kỳ thi cũng như an toàn phòng dịch COVID-19 cho những người tham gia. 

Trẻ em phải cách ly, điều trị COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày

Tất cả trẻ em từ 0-16 tuổi phải điều trị, cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 đều được hỗ trợ tiền ăn với mức 80 nghìn đồng/ngày. 

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 29/5 về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Hiện cả nước có khoảng 6% trường hợp phải cách ly F1 là trẻ em, số liệu này có thể sẽ nhiều khi lượng cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất tăng.

Trước tình hình này, bộ Lao động - Thương binh & Xã hội quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0-16 tuổi phải điều trị, cách ly y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Theo đó, mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Đồng thời, bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để phòng chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dịch COVID -19 đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang buộc phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp, trong đó có 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc. Tỉnh Bắc Ninh có 42.000 nghìn lao động phải ngừng việc, Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực…

Tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị Thủ tướng bổ sung ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, về việc hỗ trợ các địa phương, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ, xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng.

(Theo Người Đưa Tin)

Cập nhật: TP.HCM truy vết 1.500 người liên quan ca nghi mắc COVID-19 làm việc ở tòa Novaland
Chiều 29/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vẫn đang khẩn trương truy vết khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với ca nghi nhiễm...
K.T (Tổng hợp)
Nguồn: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h