COVID-19 4/3: Vừa ho, vừa sốt, người mắc COVID-19 vật vã xếp hàng xin giấy xác nhận F0

H.A - Ngày 04/03/2022 12:14 PM (GMT+7)

Nhìn cảnh người mắc Covid-19 xếp hàng cả buổi xin giấy xác nhận F0, nhiều người từ bỏ luôn ý định làm giấy xác nhận để hưởng bảo hiểm xã hội.

7 diễn biến

Vừa ho, vừa sốt, người mắc Covid-19 vật vã xếp hàng xin giấy xác nhận F0

Thêm ốm mệt vì xếp hàng xin xác nhận F0

Tối 27/1, chị Thu ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội thấy có đau họng, ho, sốt nên đã tự test nhanh ở nhà, kết quả test hiện hai vạch đậm.

Ngay tối đó, chị Thu gọi vào số điện thoại của Trung tâm Y tế phường Đại Kim, nhưng không thể liên hệ được. Những người quen biết hướng dẫn chị Thu nên tới tận Trạm Y tế phường báo ca nhiễm để được phát thuốc, kê đơn và quyết định cách ly - một thủ tục để sau này được cấp giấy chứng nhận F0.

Người dân ở Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội vẫn phải xếp hàng dài để chờ công nhận F0 Covid-19

Người dân ở Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội vẫn phải xếp hàng dài để chờ công nhận F0 Covid-19

Sáng 28/1, chị Thu tới Trạm Y tế thì dòng người xếp hàng đã rất đông. Mọi người cho biết, F0 cần phải mang theo kit test để xét nghiệm nhanh. Trong tình trạng vừa ho vừa sốt, chị Thu lại chạy xe máy ra hiệu thuốc mua que test về, và tiếp tục xếp hàng gần 2 giờ đồng hồ để được test trước sự chứng kiến của nhân viên y tế.

"Thực sự rất mệt mỏi, xung quanh toàn là F0, nhiều người cũng ho, sốt đều phải xếp hàng. Thời gian xin xác nhận mất luôn cả buổi sáng", chị Thu than.

Tại Trạm Y tế này, có người cũng xếp hàng đợi nộp kết quả test âm tính để được xác nhận khỏi bệnh. Bởi theo hướng dẫn, thì sau 7 ngày nhiễm bệnh, nếu test tại nhà nếu âm tính thì quay video quá trình test, gửi qua zalo đến trạm.

"Nhưng video quay quá trình test rất dài và nặng, tôi không thể gửi qua zalo nên lại phải mang tới đây. Nhờ người thân trong nhà mang tới thì sợ lây nhiễm vì ở đây toàn F0, nên tôi lại mang đi", một người dân đang xếp hàng cho hay.

Tương tự, anh Hoàn, trú Thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội cũng phải đến tận trạm y tế xã để xin xác nhận F0.

"Tôi test nhanh ở nhà thì phát hiện mình dương tính với Covid-19, liên hệ với trạm y tế xã thì được yêu cầu phải đến tận nơi để khai thông tin và xét nghiệm lại. Khi đến trạm y tế, các F0 phải xếp hàng, chờ rất lâu, người F0 vốn mệt mỏi càng thêm mệt mỏi, còn người không F0 thì nguy cơ lây nhiễm cực cao", anh Hoàn nói.

Linh động giải pháp, huy động Tổ Covid cộng đồng

Tại phường Cổ Nhuế 2, Trạm Y tế phường gửi thông báo rộng rãi tới các cụm dân cư, tổ dân phố, các group dân cư cho biết, hiện lực lượng y tế phường đang quá tải, nhân dân muốn khai báo F0 có thể làm theo 3 cách và đều được phường chấp nhận.

Theo đó, F0 quay video từ lúc bắt đầu test đến khi test xong (rõ mặt) gửi thông tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số CCCD/CMTND vào zalo của nhân viên Trạm Y tế. Hoặc F0 có thể ra bệnh viện gần nhất test, lấy kết quả có dấu đỏ gửi về zalo của nhân viên Trạm Y tế. Với trường hợp test trực tiếp, Trạm Y tế công bố các khung giờ, địa chỉ các F0 có thể ra test để tránh tình trạng tập trung đông người.

Người dân mắc Covid-19 tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng cũng dễ dàng khai báo và xác nhận thông qua ứng dụng zalo và các tổ Covid cộng đồng.

Chị Hà, trú tại phường Thanh Lương cho biết, ngay khi thông báo nhiễm Covid-19 cho người ở Tổ dân phố, chị được hướng dẫn chụp kết quả test và các thông tin gửi đi. Ngày hôm sau, gia đình chị nhận được quyết định cách ly cùng đơn thuốc.

"Mọi việc rất nhanh và chính xác, các tổ dân phố cơ bản nắm được tình hình người dân, sẽ có sự giám sát để tránh hiện tượng khai báo ảo hay trục lợi bảo hiểm xã hội", chị Hà nói.

Ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương xác nhận, để tránh hiện tượng tập trung đông người vì xin giấy chứng nhận F0, phường đã thực hiện việc khai báo, chứng nhận người mắc Covid-19 thông qua hình thức trực tuyến. Người dân chỉ cần thực hiện xét nghiệm ở nhà sau đó gửi hình ảnh và kết quả đến phường thông qua các tổ dân phố, từ đó phường sẽ tập hợp lại rồi cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 cho người dân.

"Sau đó, Tổ Covid cộng đồng sẽ chuyển giấy chứng nhận đến cho gia đình có người mắc Covid-19. Những ngày này, vai trò của Tổ Covid cộng đồng trong việc thông tin, hỗ trợ, giám sát người mắc Covid-19 là rất quan trọng", ông Khải cho hay.

Tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội người dân cũng không cần phải đến tận phường để thực hiện các thủ tục chứng nhận mắc Covid-19.

"Việc xác nhận F0 Covid-19 tại tất cả các phường ở Tây Hồ người dân không cần phải đến phường mà chỉ cần thực hiện qua hình thức online", ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh thừa nhận, tại địa phương có tình trạng F0 xếp hàng ở các trạm y tế để khai báo, xin xác nhận.

"Trước hiện tượng đó, chúng tôi đã chỉ đạo lập thêm một trạm y tế lưu động tại Quang Minh để phục vụ người dân bị mắc Covid-19 đến làm thủ tục công nhận là F0. Sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo việc xác nhận F0 qua hình thức trực tuyến, người dân tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp", ông Khương thông tin.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn F0 tăng nhanh, lực lượng y tế cơ sở quá tải hiện nay, phải ứng dụng tối đa công nghệ và huy động các lực lượng cùng tham gia.

Việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp - nghĩa là thực hiện online đều được.

Bên cạnh đó, các xã phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, được quyết định hưởng BHXH), cần huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vua-ho-vua-sot-nguoi-mac-covid-19-vat-va-xep-hang-xin-giay-...

Số trẻ nhập viện vì COVID-19 tăng mạnh

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, những ngày gần đây, số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào khoa để điều trị. Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa số trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện có triệu chứng như: sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…

TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng phần lớn trẻ em khi mắc COVID-19 diễn biến lành tính, sốt 2-3 ngày đầu kèm các triệu chứng ho, ngứa họng, sổ mũi… Phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ, cho ăn đủ, bồi phụ các vitamin, bảo đảm vệ sinh… cách ly phòng thoáng mát và tuân thủ 5K. Kháng sinh không có chỉ định dùng trong giai đoạn này. “Chúng tôi khuyến cáo nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ, các trường hợp uống thuốc sai chỉ định có thể chưa biểu hiện ngay mà một thời gian sau mới thấy có hại cho cơ thể”,TS Tùng nói.

Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Khánh Chi

Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Khánh Chi

Bác sĩ Tùng lưu ý, khi trẻ sốt thì cho uống hạ sốt, nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ. Về dùng thuốc ho, hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ, nếu trẻ ho, có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng. Ưu tiên sử dụng thuốc ho có thành phần thảo dược; không dùng thuốc có chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi. Với thuốc tiêu đờm, kháng histamin, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cha mẹ không nên mua bất cứ các sản phẩm nào khác mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, không được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất tật mang. Vì hiện nay, trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến khá nhẹ, không cần dùng bất kì loại thuốc kháng virus nào.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lí nền như sau có nguy cơ diễn tiến nặng cao: trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch”.

Hầu hết trẻ nhiễm COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, những quan sát gần đây cho thấy, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

Trao đổi về vấn đề này, TS Điển nói: “Hậu COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là những dấu hiệu như: triệu chứng của người nhiễm COVID-19 có thể kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng mới. Về căn nguyên của vấn đề này có thể liên quan đến virus, độc tố của virus cũng như tình trạng virus còn tồn tại ở trong cơ thể. Ngoài ra, còn do chu trình hóa học bị ảnh hưởng, do biểu hiện của vấn đề đáp ứng miễn dịch…”.

Phát hiện sớm hậu COVID

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vừa qua ghi nhận trẻ đến khám hậu COVID-19. Dễ gặp là những em bé đã khỏi bệnh nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng. Điển hình là bệnh nhi nhập viện Khoa Điều trị tích cực Nội ngày 13/2 trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. Gần 2 tháng sau khi khỏi COVID-19, trẻ sốt cao trên 39 độ kèm co giật. Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc MIS-C.

Biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ. rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

TS Điển thông tin, nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ từng mắc COVID-19 hoặc nghi ngờ (có nhiều trẻ mắc COVID-19 nhưng không được phát hiện), các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như trên cần cho trẻ đi khám điều trị sớm. “Hiện nay chúng ta đã có những đơn vị thăm khám hậu COVID-19. Người bệnh sau nhiễm COVID-19 vài tuần, vài tháng khi xuất hiện những triệu chứng bất thường thì cần đi khám để chẩn đoán điều trị. Riêng với trẻ em, hậu COVID-19 có thể xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống, tổn thương đến tim, phổi, thận, mạch máu… Vì vậy, khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không”, TS Điển nói.

Nguồn: https://tienphong.vn/so-tre-nhap-vien-vi-covid-19-tang-manh-post1420560.tpo

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu lý do phải đếm số ca mắc COVID-19 mỗi ngày

Tối 3/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, số F0 tăng cao, từ khi Việt Nam xuất hiện COVID-19, virus SARS-CoV-2 thường xuyên có biến chủng: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron.

Theo Thứ trưởng Tuyên, chủng Delta đã gây ra đợt dịch thứ 4 trong TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có tốc độ lây lan trên 3 lần so với chủng cũ. Chủng Omicon lây lan tăng trên 2 lần so với chủng Delta, như vậy tốc độ lây lan của chủng Omicon gấp 5 lần chủng cũ. Đây là nguyên nhân gây tăng cao ca F0.

Chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vắc xin rất cao, từ 18 tuổi trở lên. Với độ bao phủ vắc xin như vậy, một số bộ phận người dân cho rằng đã tiêm vắc xin rồi nên tư tưởng chủ quan, không thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K nên tốc độ F0 tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định chủng Omicron đang lây lan rất nhanh, chưa từng thấy. Năm 2022, tình dịch dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt. Nhưng chúng ta cũng không quá lo lắng. Việt Nam là một nước được đánh giá là Top 10 thế giới, đứng top 5 ở Châu Á, top 2 Đông Nam Á về tốc độ bao phủ vắc xin.

Hiện nay, thế giới đã, đang nghiên cứu và đưa một số thuốc vào điều trị. Tại Việt Nam, ngày 17/2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho 3 giấy phép cho thuốc Molnupiravir để đưa vào điều trị. Ngoài ra, Bộ đang tiếp tục làm việc với hãng Pfizer và một số hãng khác để đưa những thuốc được cấp phép trên thế giới vào lưu hành tại Việt Nam.

Trả lời về vấn đề giá kit xét nghiệm COVID-19 tăng trong thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đã chủ động họp với các bộ ngành có liên quan: Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch đầu tư bàn về việc này; họp với gần 100 doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép để cung cấp kit xét nghiệm; đồng thời có công văn gửi UBND tỉnh để triển khai tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tránh việc găm hàng, nâng giá và thực hiện không đúng.

Yêu cầu doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện công khai giá bán buôn, bán lẻ trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế, yêu cầu đại lý thứ cấp như nhà thuốc, hiệu thuốc, quầy thuốc… phải thực hiện niêm yết giá bán lẻ. Những cơ sở nào không niêm yết giá bán lẻ, thì doanh nghiệp không cung cấp kit xét nghiệm nữa, đồng thời chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Thứ trưởng Tuyên cũng lưu ý đối với người dân, người dân chỉ nên mua kit test nhanh COVID-19 khi cần, dùng đến đâu mua đến đó. Tâm lý, ý thức của người dân chỉ mua kit test khi cần, không vì quá lo lắng mà mua dự trữ; dùng đến đâu mua đến đấy. Bộ Y tế đã có hướng dẫn xét mẫu gộp, trong 1 gia đình có thể dùng chung test nhanh 2-3 người có thể chung 1 cái, 2-3 ngày xét nghiệm một lần.

Đối với việc công bố số lượng F0 mỗi ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi họp báo cho biết, trước diễn biến chủng mới Omicron, việc thống kê F0 vẫn phải làm bình thường nhằm phục vụ công tác dự báo, dự đoán, nghiên cứu công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tuyên cũng cho biết, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết đồng ý mua vắc xin tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi với số lượng 21 triệu liều tiêm cho khoảng 11,9 triệu trẻ với 2 mũi tiêm.

Thủ tướng cũng đã có Quyết định cho phép Bộ Y tế mua vắc xin theo cơ chế đặc thù. Bộ đã lấy ý kiến cộng đồng, nhất là phụ huynh học sinh từ 5-11 tuổi, trong đó tỷ lệ phụ huynh đồng ý cao tiêm cho trẻ khoảng 78%. Bộ Y tế đã làm việc với hãng Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch, để phấn đấu trong tháng 3 này đưa được 7 triệu liều vắc xin Pfizer về tiêm cho trẻ. Trong quý IV, đưa số vaccine còn lại về Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tiêm sẽ kéo dài sang năm sau, vì sau tiêm mũi 1 sẽ phải có thời gian để tiêm mũi 2.

Nguồn: http://danviet.vn/thu-truong-bo-y-te-neu-ly-do-phai-dem-so-ca-mac-covid-19-moi-ngay-502...

TP.HCM sẽ vượt qua đỉnh dịch COVID-19 sau 2 tuần

Chiều 3/3, tại họp báo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TP.HCM, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Ban chỉ đạo cùng các Sở, ngành vẫn đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. TP.HCM đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong 2 tuần tới thành phố sẽ vượt qua đỉnh dịch COVID-19.

Để làm được việc này, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm việc đánh giá cấp độ dịch và khắc phục các điểm yếu của mình; đồng thời tuân thủ hướng dẫn tại Quyết định 218 về việc đóng/mở các hoạt động tại địa phương để các “vùng cam”, “vùng vàng” sớm trở lại “vùng xanh”.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chiều nay (3/3)

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chiều nay (3/3)

Về các biện pháp lâu dài, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay, thành phố sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm mới về bảo vệ người có nguy cơ, thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31/3 với tinh thần “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để phát hiện kịp thời người thuộc nhóm nguy cơ cao và đưa vào danh sách bảo vệ. Đồng thời, triển khai các biện pháp hạn chế lây lan từ trẻ em mắc COVID-19 sang người thuộc nhóm nguy cơ…

Tại cuộc họp, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh, trước bối cảnh số ca mắc mới ở trường học đang tăng lên, thành phố chủ trương lấy việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe trẻ em là trên hết, thành phố đã có chiến dịch để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em có nguy cơ cao.

Ông Hải cũng thông tin, thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đặc biệt đối với 13 phường, xã, thị trấn đạt cấp độ 3 (vùng cam) cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết cấp độ dịch của địa phương, qua đó tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, đồng thời, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thực hiện theo đúng quy định về công tác phòng, chống dịch.

Nguồn: http://danviet.vn/tphcm-se-vuot-qua-dinh-dich-covid-19-sau-2-tuan-50202233212412593.htm

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin về vụ án kit test nhanh COVID-19 của Công ty Việt Á

Tối 3/3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã làm việc xuyên Tết, xuyên COVID-19 để điều tra, làm rõ các hành vi có liên quan đến Công ty Việt Á.

Trung tướng Tô Ân Xô phát biểu tại cuộc họp

Trung tướng Tô Ân Xô phát biểu tại cuộc họp

Theo trung tướng Xô, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã uỷ thác cho cơ quan điều tra công an 62/63 tỉnh thành để thu thập các tài liệu liên quan tới vụ công ty Việt Á bán kit xét nghiệm trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân và các địa phương để tập hợp, củng cố xác minh để làm rõ các hành vi liên quan.

Về việc thu hồi tài sản, cơ quan điều tra đã phong toả, kê biên, thu hồi tài sản bị can và các đối tượng liên quan với số tiền hơn 1.600 tỉ đồng.

Chánh văn phòng Bộ Công an cho hay, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra, xác minh tại các bộ, ngành có liên quan để làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản xuất, hiệp thương giá, thông tin quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Nguồn: http://danviet.vn/trung-tuong-to-an-xo-thong-tin-ve-vu-an-kit-test-nhanh-covid-19-cua-c...

Lâm Đồng: Số ca F0 tăng, khu điều trị nguy cơ thiếu bác sĩ, điều dưỡng

Ngày 3/3, trên địa bàn Tp.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có 11/11 phường, xã đều là vùng đỏ (vùng nguy cơ rất cao, tương đương cấp độ 4). Riêng Tp.Bảo Lộc có khoảng 4.000 trường hợp F0 đang điều trị tại 4 khu thu dung, chữa trị Covid-19 và tự điều trị tại nhà. 

Ngoài Bệnh viện II Lâm Đồng, Tp.Bảo Lộc đã thành lập thêm 3 khu thu dung điều trị F0 có triệu chứng tại cơ sở cũ của Bệnh viện II Lâm Đồng, Tu viện Bát Nhã và Ký túc xá Đại học Tôn Đức Thắng với 460 giường bệnh. Về cơ bản, các khu thu dung điều trị F0 ở Thành phố này đang trong tình trạng quá tải.

Cùng ngày, Sở Y tế Lâm Đồng cũng ra văn bản gửi Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt yêu cầu cử nhân viên y tế tới làm việc tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Nhi Lâm Đồng. 

Cụ thể, Sở đề nghị Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt cử 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng cử 2 điều dưỡng đến làm việc tại Khu điều trị Covid-19 nói trên. Thời gian tăng cường là 21 ngày, bắt đầu từ ngày 4/3.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, 126 bệnh nhân Covid-19 nặng đang trong quá trình điều trị; trong đó, 4 ca thở máy, 10 ca thở ô xy dòng cao (HFNC), 12 ca thở ô xy qua mặt nạ (mask), 20 ca thở ô xy.

Khu điều trị này có 30 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cùng đảm nhiệm công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Vì thiếu nhân lực nên một số y, bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục mặc bảo hộ để khám điều trị cho bệnh nhân.

Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 theo phương án 4 tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh đến các khu thu dung điều trị ở Tp.Đà Lạt và Tp.Bảo Lộc.

Trước tình hình đó, chính quyền Tp.Bảo Lộc quyết định tạm dừng hoạt động dịch vụ mát xa và các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tập trung đông người. Karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp, cắt tóc hoạt động không quá 50% công suất; nhà hàng, quán ăn uống, chợ truyền thống hoạt động 70%. 

Việc cưới được phép tổ chức nhưng không quá 100 người; việc tang không vượt quá 30 người tại một thời điểm; các tiệc mừng thôi nôi, sinh nhật… chỉ được phép tổ chức trong nội bộ gia đình; tạm dừng các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo tập trung tại các cơ sở tôn giáo. 

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lam-dong-so-ca-fo-tang-khu-dieu-tri-nguy-co-thieu-bac-si-die...

Không diệt được Covid-19, Havircin vẫn quảng cáo vống, bán giá trên trời

Hiện trên mạng xã hội rao bán tràn lan viên uống Havircin với lời giới thiệu có khả năng diệt Covid-19, hỗ trợ điều trị Covid-19 và hậu Covid-19.

Một người bán thuốc Havircin online giới thiệu, Havircin giúp đẩy nhanh virus Corona ra khỏi người nhiễm trong chỉ 2-5 ngày dùng, ngoài ra còn có khả năng phòng chống Covid-19 với người chưa nhiễm và tránh được các triệu chứng hậu Covid-19 như tiêu chảy, buồn nôn, mất ngủ…

Quảng cáo vống về công dụng của viên uống Havircin kháng virus - chữa lành phục hồi cho bệnh nhân F0

Quảng cáo "vống" về công dụng của viên uống Havircin "kháng virus - chữa lành phục hồi cho bệnh nhân F0"

Theo lời người bán hàng, viên uống Havircin có tác dụng với mọi độ tuổi từ người già đến trẻ em. Với trẻ em dưới 6 tuổi, liều dùng phù hợp là 2 viên sáng tối mỗi ngày, còn với người từ 6 tuổi trở lên là 4 viên sáng tối. Với liệu trình 3 hộp, người bán cam kết người bệnh sẽ hoàn toàn được chữa khỏi.

Hiện, nhiều hội nhóm cũng được lập ra để chào bán sản phẩm Havircin, người bán khẳng định thuốc này có thể diệt được virus Corona như một loại thuốc điều trị Covid-19.

Theo những thành phần thuốc mà nhà sản xuất Havircin công bố như: Cối xay, Cát cánh, Dạ cẩm, Chè vàng, Kê huyết đằng, Hoàng kỳ,… thì đây là những loại thảo dược chủ yếu giúp bổ phổi, tiêu đờm, giảm ho, tốt cho các bệnh dạ dày, hạ sốt… Những thành phần thảo dược này có thể tìm thấy trên nhiều loại thuốc bổ phổi đang bán rộng rãi hiện nay với giá chỉ từ 100 - 300 nghìn đồng/hộp. Trong khi viên uống Havircin được chào bán với giá "trên trời" 750 đồng/hộp (30 viên).

Được biết, cuối tháng 1/2022, Cục An toàn thực thẩm, Bộ Y tế (VFA) cũng đã lên tiếng cảnh báo người dùng về giới thiệu "vống" công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Havircin. Cục An toàn thực phẩm khẳng định "thông tin sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Havircin có công dụng “hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến phổi; diệt virus…, chặn đứng bão Cytokine,… hiệu quả với mọi người bệnh; bảo vệ và hàn vá tế bào phủ tạng… sẽ không còn “triệu chứng hậu Covid-19” là không chính xác.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng nhiều lần nhấn mạnh, "không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có tác dụng diệt virus, hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời".

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Havircin là sản phẩm được Công ty Cổ phần tập đoàn dược Đông Dương cho ra mắt thị trường ngày 22/10/2021. Viên uống Havircin thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ/ thực phẩm chức năng, có công dụng chính là hỗ trợ giảm ho, giúp giảm đờm, hỗ trợ giảm đau, rát họng, khàn tiếng do viêm họng, viêm phế quản, chứ không có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 và hậu Covid-19 như lời quảng cáo trên mạng.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-diet-duoc-covid-19-havircin-van-quang-cao-vong-ban-gi...

COVID-19 3/3: F0 tăng đột biến, nguy cơ bùng dịch mạnh, lãnh đạo địa phương chỉ đạo khẩn
Sở Y tế Hải Dương vừa có công văn yêu cầu tạm dừng triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ tại Trạm y tế để tập trung thực hiện các hoạt động chuyên...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19