Trước đây, cá linh nhiều đến mức người ta không thèm ăn, chỉ dùng để ủ mắm. Người ta cũng không cân cá linh khi bán mà chỉ đong bằng thúng, bằng bao. Câu thành ngữ “rẻ như cá linh” cũng ra đời vì thế.
Mùa nước nổi được ví như một bức tranh thiên nhiên nổi bật của miền Tây. Hàng năm, khi con nước tràn về cũng là lúc người dân nơi đây đi vớt đủ thứ "lộc trời", trong đó có cá linh.
Cá linh đầu mùa thường là ngon nhất bởi khi đó cá nhỏ, mềm xương, thịt ngọt và béo ngậy. Cá linh non xuất hiện nhiều ở các khu vực đầu nguồn như An Phú (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Thốt Nốt (Cần Thơ).
Cá linh có kích thước nhỏ, chỉ bằng cỡ ngón tay
Cá linh là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây sông nước
Cá linh thuộc họ cá chép nhưng thân nhỏ, dài, màu trắng xanh, chia làm nhiều loại như: linh rìa, linh ống, linh cám… Đầu mùa nước nổi, cá linh chỉ bằng cọng chân nhang. Sau đó cá lớn dần, đến khi nước về thì cá linh lớn hết cỡ, nhưng kích thước cũng chỉ bằng ngón tay cái.
Ngư dân, nông dân ven các bờ sông rạch đánh bắt cá linh bằng nhiều phương tiện như: vó, chài, vợt, lưới thả, lưới giăng… Những năm trước, cá linh nhiều vô kể, mỗi hộ dân có thể thu hoạch vài dạ cá linh một ngày (người ta đong bán cá linh bằng dạ như đong lúa chứ không cân ký như bây giờ). Cá linh nhiều đến mức người ta không thèm ăn, chỉ dùng để ủ mắm. Người ta cũng không cân cá linh khi bán mà chỉ đong bằng thúng, bằng bao. Câu thành ngữ “rẻ như cá linh” cũng ra đời vì thế.
Trước đây, cá linh nhiều vô kể, bán không ai thèm mua, ăn nhiều đến chán ngán
Từ con cá linh, người dân vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long đã chế biến ra nhiều món ăn mang đậm hương vị, sắc màu và cả nỗi nhớ thương với miền Tây. Từ món cá tươi nướng kẹp que tre ăn với rau cải trời chấm mắm tỏi, đến cá linh kho rim với mía, riêu riêu vài lửa cho rục xương,… đều rất hấp dẫn. Loại cá này có thể ăn được cả nguyên con kể cả phần vảy cá vì nó rất mềm và nhỏ.
Lẩu mắm cá linh được xem là một món ăn chứa đựng nét tinh túy của ẩm thực miền Tây. Ai từng đến miền Tây mà chưa thưởng thức lẩu mắm cá linh thì thực sự là một điều đáng tiếc. Lẩu mắm cá linh được nấu khá cầu kì với rất nhiều các loại nguyên liệu, bao gồm mắm cá, thịt ba rọi, tôm, các loại rau đồng. Đặc biệt, cá linh phải là cá tươi sống, chế biến ngay sau khi đánh bắt lên thì mới đảm bảo tươi ngon đúng điệu.
Nhiều món ngon được chế biến từ cá linh
Mấy năm gần đây, số lượng cá linh khai thác được không còn nhiều như xưa, vì thế loại cá đặc sản này trở nên sang chảnh, bước vào thế giới ẩm thực như món ăn quý tộc, không chỉ có giá cao ngất mà nhiều khi có tiền cũng khó mùa được.
Tại chợ Cây Mít, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang, chị Hoài Nguyễn - một tiểu thương bán cá linh cho biết: "Giờ này mua được cá linh khó lắm, chúng tôi phải thức dậy từ 4h sáng để tìm gặp người dân đặt dớn (hay lú) dưới kênh hoặc sông, giành giật nhau mới mua được chục cân cá linh để bán cho khách. Cá này lên bờ một lát là chết rồi nên phải làm sạch, bán với giá 200.000 đồng/kg. Nhiều khách đặt trước nhưng không dám nhận vì nhỡ không lấy được cá thì không có hàng để trả".
Theo chị Hoài, trước đây cá linh bán đầy ở chợ nhưng không ai mua. Thế nhưng, vài năm gần đây, cá linh ngày càng hiếm, được nhiều người lùng mua để làm các món đặc sản nên giá thành cũng cao hơn rất nhiều. Có năm nước lũ về chậm 1-2 tháng, cá linh còn có thể đội giá lên 250.000-300.000 đồng/kg nhưng cũng không có mà bán.
Rao bán cá linh trên chợ mạng, anh Hoàng Minh (ở TP.HCM) cho biết anh lấy cá từ An Giang rồi gửi lên thành phố bán cho khách mấy năm nay. Cá linh đã được làm sạch sẽ, đóng túi zip hút chân không và bảo quản lạnh nên đảm bảo tươi ngon, khách mua về chỉ cần rửa sơ qua là có thể đem chế biến được.
Hiện trên thị trường, cá linh có 2 loại, cá loại 1 là những con lớn, to tròn mập mạp, giá 200.000 đồng/kg. Cá loại 2 là cá kích thước nhỏ hơn, giá khoảng 120.000-150.000 đồng. Người bán giới thiệu cá đã được làm sạch ruột, dùng để nấu canh chua, nấu lẩu, chiên bột, kho lạt ăn kèm với bông súng rau sống... Đặc biệt, số lượng cá linh không nhiều nên ai đặt số lượng lớn phải báo trước vài hôm mới gom đủ hàng.
Ngoài chế biến món ăn, người dân nơi đây còn chế biến một loại mắm đặc sản của miền Tây có bán rất nhiều ở An Giang và Long An. Những năm gần đây, nhiều du khách tìm mua loại mắm này về làm quà cho bạn bè, người thân ở thành phố.