COVID-19 4/8: Lịch trình dày đặc của phụ xe dương tính với SARS-CoV-2

K.T - Ngày 04/08/2021 12:10 PM (GMT+7)

Dù cam kết không dừng đỗ xe tại tỉnh Gia Lai nhưng phụ xe này không thực hiện và ở lại TP. Pleiku nhiều ngày, đi nhiều nơi.

Lịch trình dày đặc của phụ xe dương tính với SARS-CoV-2

Chiều 4/8, ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến 17h30 cùng ngày, qua quá trình lấy mẫu, xét nghiệm, tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 3  trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, có 2 trường hợp đi từ vùng dịch về địa phương được đưa đi cách ly tập trung ngay tại trung tâm cách ly huyện Chư Sê và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Còn1 trường hợp tại TP.PLeiku là T.Đ.D, SN 2001, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Định. Trường hợp này được đưa về bệnh viện dã chiến để điều trị. 

Trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 này là phụ xe tải đã không thực hiện theo cam kết không dừng, đỗ xe tại tỉnh Gia Lai mà ở lại trong nhiều ngày, đi nhiều nơi. 

Theo ban Chỉ đạo, kết quả giám sát ban đầu cho thấy, công dân này là phụ xe tải, vận chuyển hàng hoá từ TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và giao hàng tại tỉnh Kon Tum, có cam kết không dừng đỗ tại tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, sau đó anh D. không thực hiện như cam kết mà vào tỉnh Gia Lai từ 30/7 đến nay.

Theo đó, từ 23-26/7, anh D. đi từ TP.Hồ Chí Minh về phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 29/7, anh D. thực hiện test nhanh Covid-19 tại Đồng Nai, kết quả âm tính

Ngày 29/7-30/7, anh D. đi từ Đồng Nai về Gia Lai, ở tại bãi xe địa chỉ 169 Nguyễn Chí Thanh, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Sáng 31/7, anh D. đi giao hàng tại trạm Sao Mai, tỉnh Kon Tum rồi quay về Gia Lai.

Từ ngày 31/7- 3/8, anh D. ở tại bãi xe địa chỉ 169 Nguyễn Chí Thanh, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Từ ngày 30/7 - 4/8, anh D. đến tạp hóa Cô Nhu, địa chỉ 204 Nguyễn Chí Thanh, cây xăng đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. 

Khoảng 8h15, anh đến bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh viện chuyển mẫu về trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để làm xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán.

Đến 13h30, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai xét nghiệm và khẳng định kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Liên quan đến trường hợp này, ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai giao các cơ quan chức năng điều tra dịch tễ, kiểm tra các thông tin, củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm nêu trên. Nếu phát sinh ca dương tính sẽ đề nghị xem xét khởi tố.

Như vậy tính từ 26/4, đến 17h ngày 4/8, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 124 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, đã xuất viện 7 trường hợp, hiện 117 trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai.

(Theo Người Đưa Tin)

TPHCM bắt đầu thực hiện chiến dịch không để ai thiếu đói mùa dịch

Ngày 4/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) TPHCM - Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với đại diện công ty Vạn Thịnh Phát (nhà tài trợ) và 11 siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà cung ứng hàng hóa để bàn giải pháp cung cấp lương thực thực phẩm đến người dân trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội đến ngày 16/8.

Tham dự buổi làm việc có bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương...

Tại buổi làm việc, Ủy ban MTTQ TPHCM đã đề nghị Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức và quận, huyện phối hợp chính quyền rà soát thống kê số lượng và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ cần hỗ trợ khẩn cấp do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 gửi về Ủy ban MTTQ TPHCM trước ngày 6/8 để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Theo Ủy ban MTTQ TPHCM, dự kiến Thành phố sẽ cấp hơn 250.000 phần quà trị giá 500.000 đồng/phần/hộ gồm các loại nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, sữa, đường... cho các địa phương để chăm lo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không một hộ dân nào bị thiếu đói.

Ủy ban MTTQ TPHCM làm việc với các nhà tài trợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối... vào ngày 4/8.

Ủy ban MTTQ TPHCM làm việc với các nhà tài trợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối... vào ngày 4/8.

Kính phí mua quà được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn vận động hỗ trợ hợp pháp khác của địa phương. Trường hợp nguồn lực tại địa phương (kể cả nguồn thành phố hỗ trợ) vẫn không đảm bảo, các quận huyện và TP Thủ Đức đề xuất với Thành phố hỗ trợ.

Trong tuần đầu tháng 8, dự kiến sẽ có hơn 150.000 phần quà được trao cho các hộ dân nghèo gặp khó khăn. Từ ngày 3/8, Ủy ban MTTQ TPHCM đã chuyển 5.400 phần quà đến các hộ dân thông qua hệ thống MTTQ các quận huyện và TP Thủ Đức.

Cùng ngày, UBND TPHCM đã có quyết định thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19.

Trung tâm có 19 thành viên do Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu làm Giám đốc. Trụ sở Trung tâm đặt tại Ủy ban MTTQ TPHCM (số 5, Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1).

Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa (lương thực, thực phẩm...) ủng hộ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trung tâm phối hợp với UBND TP Thủ Đức và quận, huyện rà soát các khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của những người nghèo, cận nghèo, những người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 phải tạm thời nghỉ việc.

Trung tâm phối hợp với Sở Y tế rà soát các khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của các bệnh nhân, đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viên dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện hồi sức COVID-19 để kịp thời điều phối nguồn hàng hóa và vật tư y tế đến các đối tượng này.

Trung tâm cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc "đúng đối tượng, đúng nhu cầu".

Hà Nội cách ly y tế chung cư E8 Thanh Xuân Bắc vì COVID-19

UBND quận Thanh Xuân giao phường Thanh Xuân Bắc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tổ chức cách ly theo quy định; bảo đảm an ninh trật tự khu cách ly; kịp thời báo cáo với UBND quận những vấn đề phát sinh.

Theo công bố của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, tại nhà E8 Thanh Xuân Bắc đã có 4 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp đầu tiên là V.K.H, nữ, sinh năm 1987, địa chỉ tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân. Bệnh nhân bị bỏng ở mặt sau cẳng chân, ngày 2/8/2021 có đến Bệnh viện bỏng Quốc gia khám, tại đây được làm xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính. Ngày 3/8 bệnh nhân có kết quả PCR khẳng định dương tính (Học viện Quân y thực hiện).

Các trường hợp còn lại gồm Đ.T.A, nữ, sinh năm 2018; Đ.T.M, nữ, sinh năm 1950; Đ.D.T, nam, sinh năm 1944; địa chỉ tại E8 TT Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội; là F1 (con và bố mẹ chồng) của bệnh nhân V.K.H, được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 4/8 cho kết quả dương tính.

Trước đó, UBND phường Thanh Xuân Bắc đã thông báo tìm người đến chợ Thanh Xuân Bắc và các ki-ốt phía sau nhà E8 (giáp chợ Thanh Xuân Bắc), liên quan bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.

Để thực hiện giám sát, quản lý người tiếp xúc với ca mắc COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế, UBND phường Thanh Xuân Bắc đề nghị những người đến các địa điểm trên khai báo y tế và tự cách ly ở nhà hoặc liên hệ với các cơ sở y tế để được tư vấn.

Chàng trai tự gây tai nạn trên đường từ Bình Dương về quê, phát hiện dương tính SARS-CoV-2

Theo đó, vào khoảng 2h30 ngày 03/8 khi M.S.M cùng bạn đi xe máy đến địa phận Km 627+900 QL1A (Bắc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) thì mất lái và tông vào dải phân cách ngã xuống.

Nhận được thông tin, 2 cán bộ CSGT thuộc lực lượng Công an giao thông tỉnh Quảng Bình đã có mặt và sơ cứu cho nạn nhân rồi dùng xe chuyên dụng chuyển vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.

Tại đây, cán bộ y tế của bệnh viện đã tiến hành test nhanh COVID-19 đối với M.S.M và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn đã lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC làm xét nghiệm khẳng định.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình dẫn đường đưa người dân lao động các tỉnh phía Nam trở về quê bằng xe máy khi đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình dẫn đường đưa người dân lao động các tỉnh phía Nam trở về quê bằng xe máy khi đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Hiện tại, M.S.M đã được chuyển vào bệnh viện dã chiến phòng chống COVID-19 của tỉnh Quảng Bình, 3 trường hợp F1 của F0 M.S.M là bạn đi cùng xe máy và 2 cán bộ cảnh sát giao thông trực tiếp làm nhiệm vụ đã được chuyển vào khu cách ly tập trung.

Trong sáng nay (4/8), tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm 5 trường hợp dương tính với SARS-Cov-2 nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị là 35 người. Trong đó đáng chú ý là những trường hợp F1 của BN141580 (là tài xế xe đường dài tuyến Lạng Sơn – Cha Lo) đã trở thành các F0 đồng thời tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm của những người dân trở về từ Tp. Hồ Chí Minh; Bình Dương… bằng xe máy khi trên địa bàn đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với SARS-Cov-2.

(Theo Tiền Phong)

Đà Nẵng: Thêm 92 ca Covid-19, có 2 trường hợp là sinh viên tăng cường đi lấy mẫu

Chiều 4-8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết trong ngày địa phương ghi nhận 92 ca mắc mới. Trong đó có 48 ca đã được cách ly, 38 ca trong khu vực phong tỏa.

Số còn lại là 6 ca chưa được cách ly khi lấy mẫu gồm: 1 ca có triệu chứng đi khám tại Bệnh viện 199; 1 ca làm việc tại công ty PI Vina - KCN Hòa Khánh, sống gần khu phong tỏa; 2 ca là sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y dược được tăng cường đi lấy mẫu ở Trung tâm Y tế quận Hải Châu; 1 ca ở Mỹ An 24, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, phát hiện qua lấy mẫu hộ gia đình; 1 ca có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Y tế quận Sơn Trà.

Trong 38 ca ở khu vực phong tỏa có đến 32 ca liên quan cảng cá Thọ Quang hoặc thuộc khu vực phong tỏa của 5 phường gồm Thọ Quang, Nại Hiên Đông, Mân Thái, An Hải Bắc, Phước Mỹ của quận Sơn Trà. Còn 48 ca F1 có 43 ca liên quan cảng cá Thọ Quang hoặc nằm trong chuỗi này. Đây là chuỗi lây nhiễm vẫn còn được đánh giá có nguy cơ rất cao.

Từ ngày 10-7 đến nay, TP Đà Nẵng đã ghi nhận 1.015 ca Covid-19. Tại 3 cơ sở y tế của địa phương này đang điều trị cho 750 ca dương tính. Trong ngày 4-8, tại Bệnh viện Phổi ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 tử vong.

(Theo Người Lao Động)

Người dân Hà Tĩnh nhường nhà cho người từ vùng dịch về cách ly

Tính đến chiều 3/8, Hà Tĩnh có hơn 7.000 người về từ các tỉnh đang có dịch. Do số lượng người về quá lớn, trong khi các khu cách ly ở một số huyện không thể đáp ứng, nhiều địa phương đã thực hiện phương án cho công dân cách ly tại nhà.

Huyện miền núi Hương Khê có gần 2.000 người đăng ký về quê, nhưng toàn huyện chỉ bố trí 4 khu cách ly tập trung.

Dựa theo tình hình hiện tại, huyện lên kế hoạch cho người dân thực hiện cách ly tại nhà tuỳ theo điều kiện cụ thể. Biết thông tin này, nhiều người ở huyện Hương Khê đã tình nguyện đăng ký cho mượn nhà của mình để đồng hương về quê cách ly.

Nhiều hộ dân ở huyện miền núi Hương Khê nhường nhà cho công dân về quê cách ly.

Nhiều hộ dân ở huyện miền núi Hương Khê nhường nhà cho công dân về quê cách ly.

Ông Hồ Sỹ Quân (60 tuổi, trú thôn 8, xã Hương Long, huyện Hương Khê) là một trong nhiều hộ dân ở xã tình nguyện nhường nhà của mình để hỗ trợ đồng hương về quê làm nơi cách ly. Nhà ông Quân khá rộng, đầy đủ tiện nghi, có khu vệ sinh khép kín.

Trước khi người dân về cách ly, ông Quân đã chuẩn bị các thiết bị cần thiết để bà con sử dụng.

“Việc làm này nhằm giúp người dân khi về quê có chỗ cách ly ổn định, giảm thiểu áp lực ở khu cách ly tập trung. Thời gian này, gia đình tôi sẽ sang ở tạm tại nhà anh em, họ hàng xung quanh”, ông Quân cho hay.

Ông Trần Văn Tiều - Bí thư chi bộ thôn 8 xã Hương Long cho biết, 90% người dân tại thôn đều tình nguyện cho mượn nhà của mình để làm nơi cách ly cho người hồi hương.

COVID-19 4/8: Lịch trình dày đặc của phụ xe dương tính với SARS-CoV-2 - 4

“Thôn có 135 hộ dân, nhưng đa phần họ đều đồng ý việc nhường nhà để cho bà con ở vùng dịch về quê cách ly. Chúng tôi thường xuyên giám sát việc cách ly tại nhà. Nếu công dân vi phạm sẽ báo cáo lên ban chỉ đạo chống dịch của xã để xử lý”, Bí thư thôn 8 chia sẻ.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người dân khi về quê phải báo cáo đến chính quyền địa phương, làm đơn xin cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Nếu cách ly tại nhà phải viết bản cam kết thực hiện đúng quy định cách ly phòng dịch. Tổ công tác sẽ trực 24/24 ở ngõ nhà có người về cách ly, mỗi ngày tổ trưởng sẽ đi kiểm tra 4 lần ai sai phạm sẽ xử lý ngay. Những nhà ở làm nơi cách ly phải có chỗ nấu ăn, nghỉ ngơi, đặc biệt nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín.

“Ngoài ban chỉ đạo của xã, các tổ COVID-19 cộng đồng cũng giám sát thường xuyên, tổ chức hỗ trợ giúp đỡ bà con khi cần. Mục tiêu của việc cách ly tại nhà là nhằm giảm thiểu cách ly tập trung và giảm bớt tỷ lệ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Mỗi nhà sẽ có 1-3 người cách ly, tuỳ theo điều kiện cụ thể”, ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Hương Long, huyện Hương Khê cho hay.

Tính từ ngày 26/7 đến nay, Hương Khê có 735 người về, trong đó 218 người đang thực hiện cách ly tại khu tập trung, 517 người đang thực hiện cách ly tại nhà.

“Kế hoạch của huyện là cho công dân có nguyện vọng cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện. Hiện tại, nhiều gia đình đã dồn sang ở nhà khác và nhường lại nhà của mình để cho người hồi hương cách ly. Nhà ở sẽ có 1-3 người cách ly tuỳ theo điều kiện cơ sở vật chất”, một lãnh đạo UBND huyện Hương Khê cho biết.

Không chỉ huyện Hương Khê, tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang cũng có 30 hộ dân tình nguyện nhường nhà cho người cách ly.

“Khi biết tin đồng hương từ miền Nam về đông nhưng thiếu chỗ ở nên nhiều hộ dân đã tự nguyện nhường nhà của mình cho bà con cách ly”, ông Nguyễn Xuân Thê – Bí thư Đảng uỷ xã Đức Lĩnh chia sẻ.

(Theo Tiền Phong)

Quảng Ninh dừng nhiều hoạt động đông người từ 12h trưa nay, 4/8

Đến nay, Quảng Ninh là 1 trong 4 tỉnh của cả nước đã qua 37 ngày không có các ca nhiễm trong cộng đồng.

Để giữ vững địa bàn an toàn, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn hoả tốc yêu cầu, kể từ 12h trưa ngày 4/8/2021, tạm dừng các hoạt động đông người trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh.

Bãi tắm Hòn Gai, TP Hạ Long mới được mở cửa sẽ tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Bãi tắm Hòn Gai, TP Hạ Long mới được mở cửa sẽ tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Người từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh phải có xét nghiệm PCR âm tính

Các hoạt động sẽ dừng từ 12h trưa nay gồm: Các bãi tắm công cộng; các dịch vụ văn hóa, thể thao (sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a...).

Các điểm vui chơi, các dịch vụ vui chơi giải trí: rạp chiếu phim, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, mát-xa, bar, pub, club (hộp đêm); dịch vụ thẩm mĩ, làm đẹp, spa; dịch vụ internet, trò chơi điện tử.

Các khu, điểm du lịch; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tạm thời không đón khách tham quan, chỉ thực hiện nghi thức tôn giáo nội bộ.

Các hàng quán đường phố, cà phê, giải khát, quán nước không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang đi.

Các nhà hàng, quán ăn trong nhà được phép hoạt động nhưng phải có tấm chắn giọt bắn và sắp xếp giãn cách chỗ ngồi; khuyến khích bán hàng mang đi.

Siết chặt công tác quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Không tập trung quá 5 người tại 1 khu vực cùng 1 thời điểm tại vườn hoa, công viên, quảng trường, đuờng phố, bãi biển và tại các khu vực ngoài trụ sở cơ quan, cơ sở kinh doanh, trường học, cơ sở y tế và tại các nơi công cộng khác.

Người từ tỉnh ngoài về Quảng Ninh phải có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR kết quả âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu. Trường hợp quá 36 giờ kể từ giờ có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện xét nghiệm test nhanh tại các chốt kiểm soát...

Thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi y tế tại nhà 7 ngày đối với người về từ các khu vực có dịch đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trừ các trường hợp người đi thực hiện công vụ, đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư, bệnh nhân có yêu cầu phải chăm sóc y tế.

Tạo điều kiện để xe vận tải hàng hoá, xe chở công nhân đi làm theo tuyến cố định lưu thông bình thường có kiểm soát

Công văn hoả tốc của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo: Tạo điều kiện để xe tải chờ hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xe chở nhu yếu phẩm, xe chở công nhân đi làm theo tuyến cố định có kiểm soát lưu thông bình thường.

Kiểm tra các thủ tục phòng chống dịch đối với tài xế chở hàng hoá vào Quảng Ninh tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng - Hạ Long.

Kiểm tra các thủ tục phòng chống dịch đối với tài xế chở hàng hoá vào Quảng Ninh tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng - Hạ Long.

Đối với xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là từ các tỉnh có dịch phải có kểt quả xét nghiệm PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu. Trường hợp quá 36 giờ kể từ giờ có kết quả xét nghiệm, phải test nhanh tại các chốt kiểm soát; phải tuân thủ cam kết chỉ dừng, đỗ khi giao hàng, tiếp nhiên liệu.

Tại các chốt kiểm soát, phải mở thùng xe, cốp xe, ca bin, hầm hàng, container của tất cả các phương tiện vào địa bàn và tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường để kịp thời phát hiện người trốn trên các phương tiện để vào Quảng Ninh; xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ dọc đường.

Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường thuỷ nội địa, đường biển không để người từ vùng dịch vào địa bàn mà không thực hiện khai báo y tể, xét nghiệm, cách ly theo quy định.

Chính quyền cơ sở, tổ Covid cộng đồng bám sát địa bàn, nắm chắc di biến động nhân khẩu, đặc biệt lưu ý các trường hợp từ các địa bàn có dịch di chuyển bằng xe tải, xe máy... trốn các chốt kiểm dịch về địa phương để thực hiện cách ly tập trung theo quy định.

(Theo Báo Giao Thông)

Phong toả 5 khoa bệnh viện Khánh Hoà vì có ca mắc COVID-19

Sáng 4/8, bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc BVĐK Khánh Hòa, cho biết: Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ bệnh nhân, nhân viên y tế, bệnh viện đã phát hiện có ca mắc COVID - 19 tại khoa Nhi của bệnh viện vào chiều 3/8. Vì thế, BVĐK Khánh Hoà đã quyết định phong tỏa, cách ly toàn bộ khu D (khu 12 tầng) gồm các khoa: Hồi sức tích cực chống độc, Chạy thận nhân tạo, Nhi, Nội tổng hợp thần kinh và Trung tâm dịch vụ Y tế của bệnh viện.

Cũng theo bác sĩ Chính, để thực hiện công tác điều trị cho các bệnh nhân nặng, riêng khu vực hồi sức tích cực chống độc, lọc thận nhân tạo và hồi sức nhi của bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân. Các bệnh nhân khi vào đây đều phải thực hiện test nhanh SARS-CoV-2, kết quả âm tính mới được đưa vào điều trị.

BVĐK Khánh Hoà sẽ đảm bảo các suất ăn hàng ngày cho bệnh nhân, người nuôi bệnh và nhân viên y tế ở trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa ở khu nhà D.

Đồng Nai thêm ca nhiễm mới từ doanh nghiệp, khách sạn

Ngày 4/8, thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, Đồng Nai ghi nhận mới 292 ca dương tính với SARS- CoV-2. Trong đó: TP Biên Hòa 100 ca; Huyện Vĩnh Cửu 67 ca; Huyện Nhơn Trạch 52 (chủ yếu ở công ty Hengly); Huyện Xuân Lộc 34 ca; Huyện Long Thành 10 ca (Công ty Vedan 7 ca).

Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư tại Đồng Nai là 5.791 ca. Trong đó TP Biên Hòa nhiều nhất với 2.734 ca, huyện Nhơn Trạch 976, huyện Vĩnh Cửu 887, huyện Trảng Bom 324, huyện Thống Nhất 211. Có 41 ca tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Đồng Nai đang tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới liên quan đến các doanh nghiệp, khách sạn… Do các cơ sở còn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh nên đây là những nơi có nguy cơ cao bùng phát các ổ dịch lớn. Qua điều tra cho thấy, các doanh nghiệp này đều không thực hiện đúng các quy định và yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Nếu các địa phương không tập trung kiểm tra chấn chỉnh và không kiểm soát được các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thì nguy cơ cao có các ổ dịch mới và lớn tại địa phương, đồng thời kéo theo nguy cơ tiếp tục bùng phát dịch tại các khu nhà trọ và cộng đồng”.

Vì vậy ngành y tế đề xuất: UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và giao trách nhiệm cho UBND các huyện, TP tập trung kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Tổ chức xét nghiệm tầm soát ở tất cả các cơ sở này nhằm phát hiện sớm ca dương, ổ dịch mới. Tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các ổ dịch cũ trên địa bàn các phường xã đã phong tỏa tại TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu.

NÓNG: Giảm ngày cách ly tập trung với người nhập cảnh tiêm đủ vắc xin

Ngày 4/8, Bộ Y tế đã có công văn số 6288/BYT-MT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giảm thời gian cách ly y tế tập trung, giảm thời gian giãn cách đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.

Tại công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế thông tin, thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19;

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hướng dẫn một số nội dung về cách ly y tế đối với người được phép nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

COVID-19 4/8: Lịch trình dày đặc của phụ xe dương tính với SARS-CoV-2 - 7

Thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế) đối với người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện như:

- Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT- PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

- Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy chứng nhận tiêm chủng;

Hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SAR-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 tính từ ngày nhập cảnh (ngày thứ nhất có thể sử dụng test kháng nguyên nhanh hoặc bằng phương pháp RT-PCR; ngày thứ 7 bắt buộc phải sử dụng phương pháp RT-PCR mẫu đơn). Trường hợp có kết quả dương tính thì xử trí theo quy định.

Việc bàn giao, vận chuyển, tiếp nhận người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly y tế tập trung về tiếp tục giám sát, theo dõi y tế thực hiện như sau:

- Việc bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành cách ly y tế tập trung về nơi lưu trú để tiếp tục giám sát, theo dõi y tế thực hiện theo quy định tại Công văn số 425/CV- BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung.

- Trong quá trình di chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về nơi lưu trú, người hoàn thành cách ly y tế tập trung phải luôn thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, luôn bật và sử dụng ứng dụng Bluezone.

- Trong thời gian theo dõi y tế: người hoàn thành cách ly y tế tập trung tiếp tục sử dụng ứng dụng Bluezone đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Luôn thực hiện Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập và không đến nơi tập trung đông người.Đề nghị Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài.

Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh, các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Công văn này; đảm bảo công tác quản lý, giám sát cách ly y tế, bàn giao, vận chuyển, tiếp nhận người hoàn thành cách ly y tế tập trung được thực hiện nghiêm, không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng;

Tạo điều kiện để những người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại mục 1 Công văn này được cách ly y tế tập trung tại khách sạn (nếu có nhu cầu), khi đó người nhập cảnh tự chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển, cách ly y tế và các chi phí liên quan khác do UBND cấp tỉnh quy định.

(Theo Tiền Phong)

Phát hiện 3 ca dương tính SARS-CoV-2, tạm phong tỏa 1 trung tâm y tế huyện

Thông tin từ UBND huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho biết sáng 4-8, cơ quan chức năng đã ghi nhận 3 ca dương tính SARS-CoV-2 cùng ở xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc.

Theo đó, chị N.T.T. (SN 1990, trú tại thôn Cao Dương, xã Gia Khánh,huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) làm việc tại xưởng C2 Công ty TNHH During Việt Nam, thuộc khu công nghiệp Đại An mở rộng, huyện Cẩm Giàng.

Hằng ngày, chị T. đi làm ở công ty và đã đến nhiều nơi như chợ Đồng Bào, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương), chợ Cốc, xã Gia Khánh...

Khi thấy ho, sốt, đau rát họng, sáng 3-8, chị T. đến Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc khám và điều trị tại Khoa Nội, được lấy mẫu xét nghiệm. Sáng 4-8, chị T. có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng đã truy vết được 20 trường hợp tiếp xúc gần với chị T..

Trường hợp khác là vợ chồng anh P.V.Q. (SN 1992) và chị P.T.H. (SN 1992), trú tại ở thôn Cao Lý, xã Gia Khánh. Anh P.V.Q. làm việc tại xưởng 2 Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương). Hàng ngày, anh Q. đi làm, khi về nhà chỉ tiếp xúc với người thân trong gia đình. Sáng 3-8, anh làm xét nghiệm Covid-19 dịch vụ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Sáng 4-8, anh Q. có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng đã xác định được 10 trường hợp tiếp xúc gần với anh Q..

Còn chị P.T.H. từng làm ở Công ty TNHH M&S Vina (xã Gia Xuyên, TP Hải Dương), đến ngày 23-7 thì nghỉ việc, không tiếp xúc với ai thuộc diện nghi nhiễm. Ngày 28-7, chị H. bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH During Việt Nam (khu công nghiệp Đại An mở rộng), tiếp xúc với những người cùng ca, sau đó nghỉ ở nhà. Ngày 2-8, chị đi xin việc tại Công ty TNHH Sản phẩm giấy LEO (khu công nghệ kỹ thuật cao An Phát, Cẩm Giàng). Ngày 3-8, chị H. đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm Covid-19 dịch vụ. Ngày 4-8, kết quả xét nghiệm chị H. dương tính với SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng xác định được 11 trường hợp tiếp xúc gần với chị H..

Ngay khi ghi nhận ca dương tính, xã Gia Khánh đã tạm thời phong toả, lập chốt chặn 2 thôn Cao Lý và Cao Dương; phối hợp truy vết xuyên đêm bước đầu xác định được 11 F1, 58 F2 trên địa bàn xã.

Hiện, lực lượng chức năng đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp khoanh vùng dập dịch.

Cùng với đó, sáng 4-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Gia Lộc đã quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ Trung tâm Y tế huyện trên đường Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc.

Cùng với việc thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập", Trung tâm y tế này cũng tạm dừng toàn bộ dịch vụ khám, chữa bệnh thông thường (trừ trường hợp cấp cứu)...

(Theo Người Lao Động)

Đồng Nai: Nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn tại doanh nghiệp

Ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã có nhận định về tình hình dịch bệnh tại địa bàn tỉnh. Theo nhận định, sáng 4/8, Đồng Nai đang tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới liên quan đến các doanh nghiệp, khách sạn… Đây là những nơi có nguy cơ cao bùng phát các ổ dịch lớn.

Qua điều tra cho thấy, các doanh nghiệp này đều không thực hiện đúng các quy định và yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Ổ dịch tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) tiếp tục ghi nhận nhiều ca dương trong các khu nhà trọ, một số ổ dịch cũ tại TP. Biên Hoà còn ghi nhận nhiều ca dương. Ngoài ra, tiếp tục ghi nhận nhận các ca dương mới trong những người mới về từ TP.HCM.

Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, tổ chức xét nghiệm tầm soát ở tất cả các cơ sở này nhằm phát hiện sớm ca dương tính, ổ dịch mới. Tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các ổ dịch cũ trên địa bàn các phường xã đã phong tỏa tại TP. Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu. Cần duy trì thường xuyên hoạt động xét nghiệm tầm soát nhằm phát hiện sớm ca dương, ổ dịch tại các khu nhà trọ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát hiện và quản lý người mới về từ TP.HCM, Bình dương và các địa phương khác. Đối với các huyện, thành phố không có nhiều ổ dịch cần tập trung xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ.

Trước đó, sáng 4/8, tỉnh Đồng Nai ghi nhận thêm 292 ca dương tính mới. Trong đó, 51 ca sàng lọc và 241 ca trong khu cách ly, phong tỏa, gồm: TP. Biên Hòa 100 ca (các phường Long Bình Tân 28, Hóa An 14, Bửu Long 8, Trung Dũng 8, số còn lại rải rác ở các phường khác); Huyện Vĩnh Cửu 67 ca (xã Thạnh Phú 50, Thiện Tân 11…); Huyện Nhơn Trạch 52 ca (xã Long Thọ 56 (chủ yếu ở công ty Hengly), Hiệp Phước 8 ca…); Huyện Xuân Lộc 34 ca (xã Xuân Phú 9, Xuân Trường 7, …); Huyện Long Thành 10 ca (Công ty Vedan 7 ca).

Số còn lại ở ghi nhận rác ở TP. Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Tân Phú (5 ca ở xã Phú Xuân là người về từ TP. HCM). Như vậy, tổng số ca dương mới trong đợt dịch thứ tư ở Đồng Nai là 5791 ca, trong đó: TP. Biên Hòa nhiều nhất với 2.734 ca, huyện Nhơn Trạch 976, huyện Vĩnh Cửu 887, huyện Trảng Bom 324, huyện Thống Nhất 211.

COVID-19 3/8: Một gia đình có tới 9 người mắc COVID-19 trong cùng một ngày
Cơ quan chức năng Đồng Nai phát hiện có tình trạng một số doanh nghiệp cho công nhân về hoặc công nhân trốn, trở về các khu nhà trọ khi chưa xét...

Dịch COVID-19

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19