Sở Y tế tỉnh Sơn La khuyến cáo người dân mắc COVID-19 không sử dụng thuốc điều trị rao bán trên mạng xã hội mà phải sử dụng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
8 diễn biến
Số ca COVID-19 tăng mạnh, Sơn La khuyến cáo khẩn với bệnh nhân điều trị tại nhà
Trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La ghi nhận thêm 4.128 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là số ca mắc mới ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước đến nay, trong đó có đến 2.416 trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao.
Luỹ kế từ ngày 1/1/2022 đến nay, Sơn La phát hiện 39.814 ca mắc COVID-19; trong đó có 15.117 ca khỏi bệnh, 7 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh có 24.691 người đang cách ly, điều trị tại nhà.
Những ngày qua, Sơn La đều ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 cộng đồng, không rõ nguồn lây. Trước tình trạng đó, nhiều F0 đã tự tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen biết để mua và tự điều trị tại nhà. Điều này, đang tạo ra tâm lý cho một bộ phận F0 đang điều trị tại nhà không biết cách sử dụng đơn thuốc điều trị cho phù hợp.
Khảo sát nhanh một số quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Sơn La, đa số việc bán thuốc điều trị cho F0 chủ yếu thông qua các triệu chứng, rất ít người có đơn kê của bác sĩ.
Chủ nhà thuốc ở TP Sơn La cho biết: "Hiện nay, nhà thuốc bán theo đơn của khách mang đến và bán theo mô tả triệu chứng. Thông qua các triệu chứng, biểu hiện của F0, tôi cung cấp các loại thuốc điều trị cảm cúm, ho long đờm, các loại thuốc tăng sức đề kháng như Vitamin, oresol, kẽm và dùng thêm xông mũi".
"Nhà thuốc chúng tôi bán theo đơn và theo triệu chứng của từng F0, chưa bán thuốc đặc trị COVID-19. Mặc dù tháng 2 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành thuốc Molnupiravir do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên, thị trường đang khan hiếm nên nhà thuốc chưa nhập được", một dược sĩ khác chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, thuốc đặc trị COVID-19 chỉ sử dụng trong cơ sở điều trị, trong đó, có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc do Bộ Y tế cấp phép cho các cửa hàng thuốc được bán loại thuốc này cho người dân. Tuy nhiên, để người dân có thể mua được thuốc và sử dụng an toàn, hiệu quả cần có hướng dẫn của ngành y tế. Theo quy định, để mua được thuốc Molnupiravir, người dân cần đáp ứng điều kiện có giấy chứng nhận là F0; đơn thuốc có chữ ký của bác sĩ chỉ định dùng thuốc Molnupiravir; có giấy xét nghiệm bằng phương pháp PCR dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác điều trị, theo dõi F0 tại nhà, Sở Y tế tỉnh Sơn La khuyến cáo người dân hãy sử dụng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua, sử dụng thuốc một số loại thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, thuốc bán trên mạng không rõ nguồn gốc. Quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn, xử trí kịp thời.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-covid-19-tang-manh-son-la-khuyen-cao-khan-voi-benh-nhan... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-covid-19-tang-manh-son-la-khuyen-cao-khan-voi-benh-nhan-dieu-tri-tai-nha-169220304180621274.htm
Bộ Y tế: Số F0 tăng nhanh nhưng tỉ lệ tử vong giảm
Ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Y tế cho biết, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).
Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta.
Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%). So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.
Bộ Y tế cho hay, đến ngày 3/3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc xin; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin), tiêm được hơn 196 triệu liều.
Về tỉ lệ tiêm chủng, với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 34 lần lượt là 100%, 98,4%5 và 37,4%. Với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỉ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%.
Trong 30 ngày triển khai Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (từ 29/01/2022 -28/02/2022), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.
Đến nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 là 37,4%. Đến hết quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1/2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.
Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-so-f0-tang-nhanh-nhung-ti-le-tu-vong-giam-50202253103711593.h... Nguồn: http://danviet.vn/bo-y-te-so-f0-tang-nhanh-nhung-ti-le-tu-vong-giam-50202253103711593.htm
Kiến nghị công nhân F1 xét nghiệm âm tính vẫn đi làm
Chủ tịch Hiệp Hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) vừa kiến nghị Bộ Y tế về cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA đánh giá hai tháng đầu năm 2022, phục hồi sản xuất, kinh doanh, 100% nhà máy/doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều và đang thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên, nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ là F0 thì có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1 và các công nhân lại phải ở nhà ít nhất năm ngày. Nhà máy không có công nhân đi làm.
Đồng thời, công nhân được xác định F0 tại nhà máy tuy không phải không gian hẹp, khép kín nhưng cũng có nguy cơ các công nhân của tổ sản xuất đó hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP.HCM đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều và đang thiếu hụt lao động. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo nhà máy/doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh với kết quả âm tính công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m.
Đồng thời, các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy (tổ trưởng, chuyền trưởng hoặc quản đốc). Đến ngày thứ năm nếu xét nghiệm vẫn là âm tính thì công nhân đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại.
Ông Bé đánh giá, có hơn 350.000 ngàn công nhân tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP. HCM đều đã tiêm ngừa gần 100% 2 mũi, một phần lớn đã tiêm mũi 3 tăng cường.
Trong đại dịch COVID-19, từ tháng 4 đến tháng 10-2021, có 7.000 công nhân tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP. HCM là F0 và 34 trường hợp tử vong do COVID-19.
Trao đổi với PLO, đại diện các nhà máy cho biết nếu buộc F1 cách ly năm ngày thì hàng loạt chuyền sản xuất không có công nhân làm việc, nhiều công đoạn ngưng sản xuất do có F0 kéo theo cả chuyền là F1.
Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/kien-nghi-cong-nhan-f1-xet-nghiem-am-tinh-van-di-lam-1046582.htm... Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/kien-nghi-cong-nhan-f1-xet-nghiem-am-tinh-van-di-lam-1046582.html
Số mắc Covid-19 liên tiếp lập đỉnh, 326/579 xã phường Hà Nội cấp độ dịch màu cam
UBND TP Hà Nội vừa có thông báo số 169/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố cập nhật đến 9 giờ ngày 4-3.
Theo đó, TP Hà Nội có 66 xã, phường, thị trấn vùng xanh (cấp độ 1) và 187 xã, phường, thị trấn vùng vàng (cấp độ 2), trong khi số xã, phường và thị trấn màu cam (cấp độ 3) gia tăng nhanh với 326 đơn vị. Tuy nhiên, TP không có xã phường, thị trấn nào vùng đỏ (cấp độ 4).
Cụ thể, 326 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên như sau: quận Ba Đình 7 đơn vị, huyện Ba Vì 12 đơn vị, quận Bắc Từ Liêm 9 đơn vị, quận Cầu Giấy 3 đơn vị, huyện Chương Mỹ 19 đơn vị, huyện Đan Phượng 10 đơn vị, huyện Đông Anh 18 đơn vị, quận Đống Đa 6 đơn vị, huyện Gia Lâm 7 đơn vị, quận Hà Đông 5 đơn vị, quận Hai Bà Trưng 10 đơn vị, huyện Hoài Đức 13 đơn vị, quận Hoàn Kiếm 13 đơn vị, quận Hoàng Mai 9 đơn vị, quận Long Biên 10 đơn vị, huyện Mê Linh 12 đơn vị, huyện Mỹ Đức 3 đơn vị, quận Nam Từ Liêm 8 đơn vị, huyện Phú Xuyên 11 đơn vị, huyện Phúc Thọ 12 đơn vị, huyện Quốc Oai 15 đơn vị, huyện Sóc Sơn 21 đơn vị, thị xã Sơn Tây 10 đơn vị, quận Tây Hồ 3 đơn vị, huyện Thạch Thất 15 đơn vị, huyện Thanh Oai 13 đơn vị, huyện Thanh Trì 11 đơn vị, quận Thanh Xuân 7 đơn vị, huyện Thường Tín 19 đơn vị, huyện Ứng Hòa 15 đơn vị.
Trong thông báo gần nhất về cấp độ dịch đưa ra ngày 26-2, số đơn vị có cấp độ dịch màu cam ở Hà Nội gia tăng mạnh. Theo thông báo ngày 26-2, TP Hà Nội có 283 xã, phường vùng xanh (cấp độ 1); 222 xã, phường vùng vàng (cấp độ 2); 74 xã, phường màu cam (cấp độ 3) và không có xã phường, thị trấn nào vùng đỏ (cấp độ 4).
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở TP Hà Nội liên tục gia tăng ở mức rất cao. Trong đó, ngày 4-3, Hà Nội ghi nhận 21.396 ca Covid-19 (tăng 2.735 ca so với ngày hôm trước), trong đó có 8.870 ca cộng đồng và 12.526 ca đã cách ly. Đây là số mắc cao chưa từng thấy được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 3-3, số bệnh nhân trên địa bàn TP đang điều trị là 663.312 ca, trong đó có 656.049 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); 1.093 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của TP và của quận, huyện, thị xã; 5.810 người điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 của TP và 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 343.618 ca. Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 570.355 người. Tổng số người tử vong do Covid-19 (tính từ 27-4-2021 cho đến nay) là 1.140 người.
Chi tiết đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của 579 xã, phường và thị trấn của TP Hà Nội xin xem tại đây.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/so-mac-covid-19-lien-tiep-lap-dinh-326-579-xa-phuong-ha-noi-... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/so-mac-covid-19-lien-tiep-lap-dinh-326-579-xa-phuong-ha-noi-cap-do-dich-mau-cam-20220305100959172.htm
TP HCM: Nhiều quán karaoke tại "vùng cam" vẫn hoạt động bất chấp quy định
Tối 4-3, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phường 12, quận 10, TP HCM kiểm tra nhiều quán karaoke trên địa bàn phường. Mặc dù thuộc địa bàn "vùng cam" (dịch Covid-19 cấp độ 3 - nguy cơ cao) và UBND TP đã yêu cầu ngưng hoạt động nhưng vẫn có quán karaoke hoạt động, cả lén lút lẫn công khai.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện quán karaoke vẫn hoạt động, phớt lờ yêu cầu của UBND TP HCM
Khoảng 19 giờ 30 phút, tổ công tác bất ngờ ập vào quán Karaoke Mi Mi Ba (hẻm 436B Sư Vạn Hạnh). Trao đổi với lực lượng chức năng, một nhân viên làm việc tại đây cho biết quán đóng cửa, không nhận khách.
Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, đoàn kiểm tra đã rà soát và phát hiện tại phòng 702 có một nhóm 4 phụ nữ đang hát. Lực lượng chức năng yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động kinh doanh, lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định.
Khi được hỏi vì sao quán vẫn đón khách mặc dù đã có yêu cầu ngưng hoạt động, người quản lý của quán Karaoke Mi Mi Ba cho rằng chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ UBND phường 12, quận 10.
Sau đó, tổ công tác tiếp tục kiểm tra quán Karaoke ICOOL (đường Thành Thái). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đón khách rầm rộ với 7 phòng đang hát. Khi lực lượng chức năng vào làm việc, nhiều người vẫn tiếp tục hát.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm với quán này. Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện quán Karaoke ICOOL vẫn chưa xuất trình được các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND phường 12, cho biết ngay sau khi UBND TP HCM yêu cầu 13 xã, phường vùng cam siết chặt các hoạt động theo Quyết định 3900, địa phương đã có văn bản yêu cầu các quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke trên địa bàn phường dừng hoạt động, nghiêm túc thực hiện theo quy định của TP.
"Một số cơ sở chấp hành tốt nhưng vẫn còn cơ sở lén lút hoạt động với quy mô lớn. Địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý theo đúng pháp luật" - ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND phường 12, quận 10, với các trường hợp vi phạm thì địa phương sẽ lập biên bản và đề xuất xử phạt 15 triệu đồng đối với cá nhân và 30 triệu đồng đối với tổ chức.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-nhieu-quan-karaoke-tai-vung-cam-van-hoat-dong-bat-cha... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-nhieu-quan-karaoke-tai-vung-cam-van-hoat-dong-bat-chap-quy-dinh-20220305010852035.htm
Người dân mắc Covid-19 "vật vã xếp lốt" xin công nhận là F0
Trao đổi với Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty CP than Núi Béo, cho biết do kết quả tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà không được công nhận, 2 ngày qua anh phải "vật vã" đi xin xác nhận là F0.
Nhà văn hóa trung tâm phường Cao Thắng luôn trong tình trạng chật kín người dân đến xét nghiệm Covid-19 để được công nhận là F0
Theo anh Hùng, anh tự xét nghiệm ở nhà và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 cách đây 2 ngày, nhưng để được nghỉ theo đúng quy định, anh phải có giấy chứng nhận dương tính của cơ sở y tế có thẩm quyền. Chiều 3-3, anh đến Nhà văn hóa trung tâm phường Cao Thắng, TP Hạ Long để xét nghiệm Covid-19 nhưng phải về tay không do lượng người quá đông. Sáng 4-3, anh một lần nữa quay trở lại xếp hàng chờ được xét nghiệm Covid-19, để được công nhận là F0.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, trong nhiều ngày qua, Nhà văn hóa trung tâm phường Cao Thắng luôn trong tình trạng chật kín người dân đến xét nghiệm Covid-19 để được công nhận là F0. Những người có kit test đã mua sẵn thì có thể đem đến để nhân viên y tế xét nghiệm; người không mua được do tình trạng khan hiếm thì phải trả tiền khi dùng kit test của y tế phường.
Anh Nguyễn Quang Toàn, công nhân một công ty có trụ sở tại Quảng Ninh, chia sẻ: "Tôi có đem kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 ở nhà đi nhưng y tế phường không chấp nhận vì khi test không có sự chứng kiến, giám sát của nhân viên y tế.
Một số người dân cho biết do phải xếp hàng, đợi chờ quá lâu, lại tập trung quá nhiều F0 ở trạm y tế phường nên họ đã không cần giấy chứng nhận dương tính với SARS-CoV2.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho hay theo quy định, kết quả xét nghiệm Covid-19 phải có sự chứng kiến, giám sát của các nhân viên y tế có đủ thẩm quyền mới được công nhận. Vì thế, ngành y tế làm đúng theo quy định, hướng dẫn, dù việc chấp nhận kết quả xét nghiệm tại nhà vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vừa giảm áp lực cho các nhân viên y tế.
Trong khi đó, hiện nay ở một số địa phương vẫn chấp nhận kết quả xét nghiệm tại nhà và chỉ cần gửi kết quả qua Zalo hoặc một số ứng dụng khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-dan-mac-covid-19-vat-va-xep-lot-xin-cong-nhan-la-f0-20... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-dan-mac-covid-19-vat-va-xep-lot-xin-cong-nhan-la-f0-20220304183730497.htm
UBND TP HCM ra văn bản khẩn vì F0 tăng
Ngày 4-3, UBND TP HCM có văn bản khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo UBND TP HCM, thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt chủng Omicron đang chiếm ưu thế.
Dự báo trong thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học.
Do đó, UBND TP HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, trong khu công nghiệp, trường học theo các quy trình xử lý F0 của Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo hướng dẫn.
Đồng thời, phối hợp tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 "thần tốc hơn nữa", bảo đảm bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức bảo đảm đủ liều vắc-xin cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi; Ảnh; Hoàng Triều
UBND TP HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ"; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch các đơn vị, tổ chức, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe… trên địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch.
Sở Y tế được UBND TP HCM giao điều trị toàn diện, phân tầng điều trị. Giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Sở cũng được yêu cầu cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị, trang bị bảo hộ…, đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị.
Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị... cũng là những nội dung sở này được giao.
TP chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế tăng cường truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe.
Người dân thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ, không vì đã tiêm vắc-xin mà lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác…) thì báo ngay cho cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ubnd-tp-hcm-ra-van-ban-khan-vi-f0-tang-20220304164023965.htm Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ubnd-tp-hcm-ra-van-ban-khan-vi-f0-tang-20220304164023965.htm
Nhà thuốc chờ Bộ Y tế nới lỏng điều kiện bán thuốc điều trị Covid-19
Thuốc bán online đắt nhưng bao nhiêu cũng có
Hiện thuốc điều trị Covid-19 đúng giá tại các quầy thuốc phải kèm điều kiện khắt khe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong khi thực tế, với các điều kiện như đơn thuốc của bác sĩ hay giấy chứng nhận F0 hiện cũng người mắc khó tiếp cận với trạm y tế cơ sở do số ca mắc tăng cao gây quá tải.
Chính vì điều này, nhiều người dân tìm đến với các nguồn thuốc bán tự do không cần đơn thuốc với giá chênh lệch khoảng 30-60 nghìn đồng/liều.
Qua khảo sát, trên chợ thuốc online, nhiều tài khoản đã rao bán 3 loại thuốc điều trị Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sản xuất trong nước với giá từ 270 nghìn đồng - 410 nghìn đồng/liều tùy loại.
Cụ thể, 1 tài khoản trên chợ thuốc online rao bán thuốc Molravir 400mg với giá bán lẻ thuốc này là 280.000 đồng/hộp, đắt hơn 30.000 đồng so với giá ở nhà thuốc Long Châu; mua bao nhiêu cũng được, nếu mua thuốc với số lượng lớn là 10 hộp, thì giá là 260.000 đồng/hộp; mua 20 hộp sẽ có giá là 250.000 đồng/hộp...
Trước khó khăn tiếp cận mua thuốc điều trị Covid-19 nội tại quầy thuốc của bệnh nhân nhiễm Covid-19, đại diện hệ thống nhà thuốc Long Châu cho biết, đơn vị này đã xử trí nhanh bằng cách chấp nhận video tự test nhanh của người mua.
Video tự quay cần thể hiện rõ người được lấy mẫu test, thao tác, quá trình thực hiện, cận cảnh vào kết quả hai vạch đỏ (dấu hiệu dương tính). Khi bán thuốc Molnupiravir, nhân viên nhà thuốc đồng thời lưu trữ video cùng các giấy tờ liên quan nếu có, vào hệ thống cùng các thông tin của bệnh nhân.
Như vậy, hiện có ba điều kiện để một người được mua thuốc Molnupiravir tại hệ thống Long Châu là tự quay video quá trình xét nghiệm tại nhà gửi cho dược sĩ nhà thuốc để làm căn cứ mua hàng (điều kiện mới bổ sung); có đơn thuốc do bác sĩ chỉ định Molnupiravir; hoặc giấy xác nhận F0 (giấy xác nhận test nhanh, test PCR của các cơ sở y tế).
Tuy nhiên, đó là giải pháp tình thế, hiện các nhà thuốc hiện vẫn "chờ" quy định nới lỏng về điều kiện bán thuốc điều trị Covid-19 của Bộ Y tế.
Quy định mua thuốc: mỗi nơi một kiểu
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, theo quy định, thuốc kháng virus có hoạt chất Molnupiravir là biệt dược, phải thực hiện theo kê đơn, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh mới được sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và phát huy triệt để tác dụng của thuốc.
Thuốc điều trị Covid-19 được bán tại các quầy thuốc
Hiện để tạo điều kiện mua – bán thuốc hợp pháp, khắc phục việc người nhiễm Covid-19 có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận là F0 đang điều trị tại địa phương vẫn chưa thuận tiện, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bác sĩ tại trạm y tế, các bệnh viện tư nhân hay công lập... đều có thể kê đơn thuốc điều trị Covid-19, nhưng phải chịu trách nhiệm với đơn thuốc của mình.
Còn Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn trong sáng 3/3 về việc kê đơn, bán thuốc Molnupiravir. Sở Y tế yêu cầu, cơ sở kinh doanh thuốc chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, thực hiện việc tư vấn nguy cơ - lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống Dược quốc gia.
Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp, nhà thuốc để sẵn sàng cung ứng đến tay bệnh nhân với giá bình ổn, đồng thời, có văn bản báo cáo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý dược để sớm có hướng dẫn việc kê đơn thuốc kháng virus cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Trước đó, Bộ Y tế khuyến cáo về việc sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19:
Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành nhiễm Covid-19 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không dùng quá 5 ngày liên tiếp; không dùng dự phòng sau hay trước phơi nhiễm Covid-19.
Thuốc chống chỉ định với phụ nữ có thai và cho con bú; Trẻ em và thanh thiếu niên vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, sụn; Nam giới, thuốc có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới nên sử dụng một phương pháp tránh thai trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng…
Do vậy, việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nha-thuoc-cho-bo-y-te-noi-long-dieu-kien-ban-thuoc-dieu-tri... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nha-thuoc-cho-bo-y-te-noi-long-dieu-kien-ban-thuoc-dieu-tri-covid-19-d544433.html