COVID-19 5/5: 6 quốc gia có ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới

H.A - Ngày 05/05/2022 12:15 PM (GMT+7)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (166.960 ca), Hàn Quốc (49.038 ca) và Pháp (47.925 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (227 ca), Đức (222 ca) và Mỹ (164 ca).

8 diễn biến

6 quốc gia có ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 556.000 ca mắc COVID-19 và 1.644 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 515 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (166.960 ca), Hàn Quốc (49.038 ca) và Pháp (47.925 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (227 ca), Đức (222 ca) và Mỹ (164 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.

Sẵn sàng kịch bản đáp ứng với dịch COVID-19 kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn

Theo Bộ Y tế, đến nay có 9.309.336 người mắc COVID-19 tại Việt Nam khỏi bệnh. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.310.066 trường hợp, trong đó có 480 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 380; Thở ô xy dòng cao HFNC: 50; Thở máy không xâm lấn: 11; Thở máy xâm lấn: 37; ECMO: 2.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.654.696 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.589.106), TP. Hồ Chí Minh (608.531), Nghệ An (482.088), Bắc Giang (385.329), Bình Dương (383.465).

Tại nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tuy nhiên dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.

Xây dựng kế hoạch hành động, chuẩn bị nguồn lực chủ động ứng phó, sẵn sàng kịch bản đáp ứng kể cả khi xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn; Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất; trước mắt tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh các chính sách để phục vụ phục hồi và phát triển du lịch, mở cửa lại trường học các cấp an toàn; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games lần thứ 31 an toàn, hiệu quả, thành công.

Nguồn: https://tienphong.vn/6-quoc-gia-co-ca-mac-va-tu-vong-do-covid-19-cao-nhat-the-gioi-post...

Việc xét nghiệm diện rộng thường xuyên ở Trung Quốc sẽ tốn kém thế nào?

Chính quyền ở thành phố cảng phía Đông Bắc Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, ngày 3/5 đã thông báo kế hoạch xét nghiệm COVID-19 diện rộng. Theo đó, các xét nghiệm sẽ được tiến hành hàng tuần, bắt đầu từ ngày 5/5. Trong khi đó, trung tâm hậu cần ở Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, trong cùng ngày cũng cho biết họ sẽ thực hiện 3 vòng xét nghiệm COVID-19 diện rộng các khu vực trung tâm thành phố cho đến ngày 6/5.

Các thành phố này đã góp phần vào một danh sách ngày càng tăng của những địa phương đang thúc đẩy xét nghiệm COVID-19 xuyên hơn khi Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Trước đó, thủ đô Bắc Kinh, cũng như trung tâm công nghệ và sản xuất phía Nam Thâm Quyến và phía Đông thành phố Hàng Châu cũng đã bắt đầu xét nghiệm diện rộng để kiểm soát dịch COVID-19.

Ngày càng thêm nhiều thành phố ở Trung Quốc quyết định xét nghiệm COVID-19 diện rộng để kiểm soát sự lây nhiễm của virus. Ảnh: Getty

Ngày càng thêm nhiều thành phố ở Trung Quốc quyết định xét nghiệm COVID-19 diện rộng để kiểm soát sự lây nhiễm của virus. Ảnh: Getty

Ông Tao Chuan, giám đốc vĩ mô của Bắc Kinh, nhận xét hoạt động xét nghiệm hàng loạt thường xuyên có thể sẽ được mở rộng trên toàn quốc sau khi kỳ nghỉ lễ 1/5 kết thúc vào ngày 4/5. Theo nhà phân tích tại Soochow Securities, đây là một phần nỗ lực phối hợp để kiểm soát sự lây nhiễm của virus.

Ông ước tính, nếu tất cả các thành phố cấp một và cấp hai của Trung Quốc, với khoảng 505 triệu dân, tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong một năm, tổng chi phí cho hoạt động này có thể lên tới 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (257 tỷ USD), tương đương 1,5% GDP năm 2021 của Trung Quốc và bằng khoảng 8,7% doanh thu tài chính công năm ngoái. 

Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng chi phí bổ sung sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý thành phố, vốn đang bị căng thẳng do việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.

Ông nói: "Chi phí hơn 100 tỷ nhân dân tệ mỗi tháng cho việc mua sắm bộ xét nghiệm không phải là một khoản chi phí nhỏ. Ngoài việc để người dân chịu một phần chi phí, phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt cũng là một phương án quan trọng và khả thi để bù đắp chi phí".

Bắc Kinh hiện vẫn đang kiên định tuân theo chính sách "Zero COVID-19" năng động của mình vì họ muốn ngăn chặn làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ đợt dịch Vũ Hán vào năm 2020. Được biết, số ca mắc mới tại Trung Quốc hiện nay phần lớn là do biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đang cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP của Bắc Kinh là "khoảng 5,5%" trong năm 2022. 

Fitch Ratings hôm 3/5 đã giảm ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,3%, kỳ vọng rằng nước này sẽ tuân thủ chiến lược phòng dịch chặt chẽ của mình cho đến năm 2023.

Dù vậy, ông Tao nhận định xét nghiệm diện rộng thường xuyên dù sao cũng là một biện pháp phòng dịch ít tốn kém hơn so với đóng cửa phong toả. 

Ông dự đoán thiệt hại hàng tháng có thể lên tới 156,8 tỷ nhân dân tệ nếu các thành phố lớn nhất của quốc gia, chẳng hạn như Thượng Hải, bị đóng cửa trong hai tuần trong khi các biện pháp giãn cách một lần được áp dụng ở các khu vực khác chiếm tổng cộng 20% GDP của Trung Quốc.

Con số đó được so sánh với chi phí ước tính hàng tháng của ông Tao là 143,6 tỷ nhân dân tệ - tổng cộng 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ trong 12 tháng - đối với việc xét nghiệm diện rộng thường xuyên. Tuy nhiên, việc giãn cách trên toàn thành phố có xu hướng đòi hỏi phải xét nghiệm quy mô lớn, do đó, thiệt hại kinh tế ắt hẳn sẽ tăng lên.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/viec-xet-nghiem-dien-rong-thuong-xuyen-o-trung-quoc-se-...

WHO xem xét khả năng Covid-19 thành bệnh theo mùa

Báo cáo mới nhất của WHO về Covid-19, công bố ngày 4-5, cho biết số ca tử vong do Covid-19 thế giới tiếp tục giảm thấp, chỉ còn 15.000 ca toàn cầu, giảm 3% so với tuần trước đó. Số ca mắc mới là 3,8 triệu, giảm 17%.

Số ca mắc mới thực tế được WHO cho là lớn hơn nhiều bởi một số quốc gia đã bỏ bớt các yêu cầu xét nghiệm nên khó đánh giá con số dương tính thực sự. Tuy nhiên số ca tử vong thực tế lại thấp hơn mức được báo cáo, do trong tuần này Ấn Độ bổ sung thêm nhiều ca tử vong từ trước, nhưng chưa được thống kê.

Biểu tượng của WHO - Ảnh: REUTERS

Biểu tượng của WHO - Ảnh: REUTERS

Theo Medical Xpress, WHO nhận định số ca mắc đang giảm ở hầu hết các nơi trên thế giới nhưng đang tăng khoảng 1/3 ở châu Phi và tăng 13% ở châu Mỹ, là những nơi xuất hiện các biến chủng phụ mới lây nhanh BA.4, BA.5. BA.2.12.1 của Omicron. Tuy nhiên hầu hết các quốc gia này vẫn đang trong giai đoạn "sống chung" với Covid-19, bởi các dòng mới của Omicron không có biểu hiện khác biệt về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) so với Omicron gốc.

Phát biểu tại họp báo ngày 4-5, tiến sĩ Michael Ryan, trưởng bộ phận khẩn cấp của WHO, cho hay tổ chức này sẽ sớm công bố liệu Covid-19 có đi vào mô hình bệnh theo mùa hay không; tuy nhiên cũng cảnh báo các quốc gia cần thận trọng, không nên quá vội bãi bỏ tất cả các hạn chế nhất là trong điều kiện các biến chủng mới.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại sự "thoải mái" quá sớm ở các vùng có biến chủng mới có thể dẫn đến gánh nặng cho hệ thống y tế bởi nếu số ca tăng quá nhanh thì số ca cần nhập viện - thường là đối tượng nguy cơ - cũng tăng theo một tỉ lệ nhất định.

Vào tháng trước, WHO cũng khuyến nghị vẫn coi Covid-19 như một PHEIC (tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu) nhưng các quốc gia thành viên nên dỡ bỏ các hạn chế thông thương quốc tế, bỏ "hộ chiếu vắc-xin", để trẻ em được đến trường học trực tiếp...

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/who-xem-xet-kha-nang-covid-19-thanh-benh-theo-mua-202205051...

Xem xét thay đổi phương pháp phòng chống dịch Covid-19

Ngày 3-5, sau gần 10 tháng, Việt Nam lần đầu không ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Số ca tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua cũng chỉ 2 ca, giảm 64% so với trung bình 7 ngày trước.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng, số ca nhiễm mới trong nước cũng giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh dịch. Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là hơn 5.000 ca/ngày, trong khi đợt cao điểm của đợt dịch từ tháng 8 đến 11-2021, có ngày nước ta đã ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc. Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, đã có trên 1,5 triệu trẻ em ở lứa tuổi này tiêm mũi 1. Tổng số liều vắc-xin đã tiêm trên cả nước đến nay là hơn 215 triệu liều. Những chỉ số tích cực về phòng chống dịch Covid-19 đã làm cho bản đồ dịch tễ cấp độ dịch quy mô xã, phường trên cả nước cũng có sự thay đổi theo chiều hướng vùng xanh, vùng vàng là chủ đạo. Cập nhật mới nhất về cấp độ dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết hiện cả nước có 94,6% xã phường toàn quốc là vùng xanh và vàng. Cuộc sống của người dân đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt song Việt Nam vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang bệnh lưu hành. Ông Tuyên cho biết trên thế giới chưa có quốc gia nào chính thức coi Covid-19 là bệnh lưu hành mà chỉ đang dần dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, chẳng hạn như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch không bắt buộc cách ly với người tiếp xúc gần (F1), không bắt buộc đeo khẩu trang… "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh vẫn đang diễn ra và vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, các quốc gia theo dõi tình hình dịch cũng như cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định xem Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp" - ông Tuyên nói.

Bộ Y tế cũng cho biết đang nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo một số chuyên gia, xem xét một số yếu tố thời gian qua cho thấy trong nước đã có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi này. Hiện tại, yếu tố đặc biệt nguy hiểm của Covid-19 có xu hướng giảm cấp độ, trong đó tỉ lệ tử vong do Covid-19 so với tổng ca nhiễm hiện giảm còn 0,4%, thấp hơn nhiều so với các dịch bệnh khác như cúm A/H7N9 (năm 2013, tỉ lệ tử vong do cúm A/H7N9 là 27%). Về tiêu chí "lây truyền nhanh, phát tán rộng", hiện Covid-19 vẫn đủ điều kiện. Về tiêu chí 3 "chưa rõ tác nhân gây bệnh", với Covid-19, tác nhân gây bệnh đã rõ, thế giới và Việt Nam đã có khả năng phân lập, giải trình tự gien và quan trọng hơn là đã có vắc-xin và thuốc điều trị; tỉ lệ tiêm chủng và có miễn dịch tại Việt Nam đã bao phủ rộng. Với diễn biến dịch hiện tại, một chuyên gia nhận định Việt Nam đã có thể xem xét thay đổi phương pháp phòng bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong việc kiểm soát dịch Covid-19, từng bước "bình thường hóa" với dịch Covid-19. Ngày 31-3 vừa qua, WHO đã ban hành kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022. WHO nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Do đó, tổ chức này cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện những biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. 

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/xem-xet-thay-doi-phuong-phap-phong-chong-dich-covid-19-20220...

Covid-19: Mỹ ghi nhận cột mốc “không tưởng”

Cột mốc này, tương đương dân số của TP San Jose, bang California, được thiết lập với tốc độ đáng kinh ngạc: 27 tháng sau khi Mỹ thông báo ca nhiễm đầu tiên.

Số ca tử vong vì Covid-19 hằng ngày tại Mỹ đã thấp hơn nhiều trong những tuần gần đây, còn khoảng 360 ca/ngày. 

Với 1 triệu ca tử vong, Mỹ hiện là quốc gia có số người thiệt mạng vì Covid-19 cao nhất thế giới, cao hơn nhiều so với quốc gia đứng thứ 2 là Brazil, nơi đã ghi nhận hơn 660.000 ca.

"Số ca tử vong tại Mỹ vẫn đang tăng, còn lâu mới chấm dứt" – chuyên gia Christopher Murray của Trường ĐH Y Khoa Washington (Mỹ) khẳng định.

Nếu xét theo đầu người, Mỹ hiện đứng 18 thế giới về số ca tử vong trong khi Peru đứng đầu. Dù vậy, 1 triệu bệnh nhân tử vong tại Mỹ từng là con số được phần lớn xem là "không tưởng" ở giai đoạn đầu của đại dịch.

Tính đến ngày 4-5, tổng số ca tử vong tại Mỹ đã vượt mốc 1 triệu ca, với hơn 50% trong số này được ghi nhận trước khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào tháng 1-2021. Ảnh: AP

Tính đến ngày 4-5, tổng số ca tử vong tại Mỹ đã vượt mốc 1 triệu ca, với hơn 50% trong số này được ghi nhận trước khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào tháng 1-2021. Ảnh: AP

Với nhiều người, con số này là một minh chứng cho thấy Mỹ ứng phó khủng hoảng Covid-19 không hiệu quả.

"Chúng ta đã có cơ hội trở thành một tấm gương sáng cho phần còn lại của thế giới về cách ứng phó đại dịch nhưng chúng ta đã không làm được" - Nico Montero, một cư dân 17 tuổi ở bang Pennsylvania, nói.

Theo chuyên gia Robert Murphy của Viện nghiên cứu Y tế Toàn cầu (Mỹ), nhiều người từng nghĩ Mỹ có thể kiểm soát Covid-19 tốt hơn.

"Chúng ta phấn chấn khi vắc-xin được phát triển một cách nhanh chóng. Mọi người thực sự nghĩ Mỹ có thể thoát khỏi đại dịch bằng vắc-xin. Tuy nhiên, chúng tôi lại có những người thậm chí không chịu tiêm chủng" – ông Murphy nói.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-my-ghi-nhan-cot-moc-khong-tuong-20220505085...

Mới: Thí sinh là F0 được dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Sau khi nhận được yêu cầu của Bộ GD&ĐT về việc góp ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có góp ý phương án tổ chức thi an toàn.Cụ thể: thí sinh thuộc diện tiếp xúc gần (F1) được tham dự kỳ thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) được tham dự kỳ thi. Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định (F0): Nếu thí sinh đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế trong thời gian diễn ra kỳ thi, không thể tham gia dự thi, sẽ được đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi vào đợt thi khác.

Nếu thí sinh là F0 đang được theo dõi, cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian diễn ra kỳ thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi, phải có đơn xin dự thi của thí sinh và ký xác nhận đồng ý của phụ huynh học sinh hoặc người giám hộ, trong đó có nội dung thí sinh cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định (F0) nêu trên thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Về yêu cầu đối với các thí sinh thuộc diện tiếp xúc gần (F1), ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định (F0) tham dự Kỳ thi, Bộ Y tế nêu rõ: phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đến dự thi tại Điểm thi và trong quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi dự thi và ngược lại như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác nếu có thể (chỉ được phép bỏ khẩu trang trong khi làm bài thi, khi phát biểu phải đeo khẩu trang).

Yêu cầu đối với cán bộ coi thi và cán bộ giám sát tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định: tùy theo tình hình thực tế, bố trí cán bộ coi thi và cán bộ giám sát cố định cho tất cả các buổi thi (nếu có thể) tại những phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định;

Các cán bộ làm thủ tục thi, coi thi phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân trong suốt quá trình làm thủ tục thi và coi thi, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các tình huống phát sinh.

Các cán bộ tham gia dọc phách, chấm các bài thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và thải bỏ đúng qui định, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Theo Bộ Y tế, cần triển khai các hoạt động vệ sinh trường, lớp, phòng thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi. Riêng đối với các phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ, phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định phải được tổ chức vệ sinh khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi.

Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng; có đủ nước sạch và xà phòng tại khu vực vệ sinh; bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý rác bảo đảm vệ sinh.

Nguồn: https://tienphong.vn/moi-thi-sinh-la-f0-duoc-du-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2022-post143586...

3 tỉnh miền Bắc có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất cả nước trong 24 giờ

COVID-19 5/5: 6 quốc gia có ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới - 4

Nguồn: https://tienphong.vn/3-tinh-mien-bac-co-so-ca-mac-moi-covid-19-cao-nhat-ca-nuoc-trong-2...

Số ca COVID-19 ở Nam Phi tăng trở lại vì 2 biến thể phụ mới của Omicron

Omicron – biến thể “siêu đột biến” và có khả năng lây lan cao được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi vào tháng 11 năm ngoái. Đến nay, Omicron đã trở thành biến thể trội và là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu.

Ngoài phiên bản gốc, Omicron còn nhiều dòng biến thể phụ, trong đó BA.2 là dòng phổ biến nhất.

Hiện các nhà khoa học Nam Phi – những người tìm ra Omicron – đang nghiên cứu thêm 2 dòng phụ mới của biến thể “siêu đột biến” là BA.4 và BA.5. Đây là lý do khiến số ca mắc mới COVID-19 ở Nam Phi tăng đột biến, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Trong báo cáo dịch tễ học mới nhất, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết các dòng phụ “có một số đột biến bổ sung, có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm của chúng”.

“Còn quá sớm để biết rằng liệu các biến thể phụ này có gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron hay không”, ông Tedros nói. “Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu cho thấy tiêm chủng vẫn giúp bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong.”

Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 trong số các quốc gia châu Phi. Tổng số ca bệnh ở nước này đã lên đến 3,8 triệu ca với hơn 100.000 ca tử vong.

Hồi đầu tháng 4, Nam Phi đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp phòng dịch. Kể từ đó, số ca bệnh gia tăng trở lại, thậm chí tăng gần 50% trong tuần qua, theo dữ liệu của WHO.

“Cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng vẫn là tiêm chủng, kết hợp với những biện pháp đã được thử nghiệm và chứng minh trước đó”, ông Tedros nói.

WHO chính thức ghi nhận hơn 6,2 triệu ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng con số thực sự được cho là còn cao hơn nhiều.

Số ca mắc mới và tử vong hiện đang giảm trên toàn cầu và đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Theo ông Tedros, “xu hướng này, mặc dù đáng mừng, nhưng chưa thể chủ quan”, vì số ca bệnh đang gia tăng trở lại ở châu Mỹ và châu Phi, "do các biến thể phụ của Omicron."

WHO cũng từng cảnh báo rằng sự sụt giảm số ca bệnh trên toàn cầu có thể là kết quả của việc nhiều quốc gia cắt giảm yêu cầu xét nghiệm COVID-19.

Việc phát hiện biến thể phụ mới ở Nam Phi cho thấy “xét nghiệm và giải trình tự gien vẫn đóng vai trò quan trọng”.

“Các dòng phụ BA.4 và BA.5 được xác định vì Nam Phi vẫn đang tiến hành giải trình tự gen – việc quan trọng mà nhiều quốc gia khác đã ngừng thực hiện. Ở nhiều quốc gia, chúng ta thậm chí mù tịt về cách thức biến đổi của loại virus này. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo."

Nguồn: https://tienphong.vn/so-ca-covid-19-o-nam-phi-tang-tro-lai-vi-2-bien-the-phu-moi-cua-om...

COVID-19 4/5: Đức dẫn đầu thế giới về ca mắc và tử vong do SARS-CoV-2 trong 24 giờ
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 158.213 ca; Pháp đứng thứ hai với 67.017 ca; tiếp theo là Italy 62.071 ca. Đức cũng đứng...

Dịch COVID-19

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19