Chàng trai thất nghiệp nhiều tháng, không tiền ăn uống và đóng trọ nên lang thang kiếm ăn sống qua ngày. Khi xe tang đi qua, anh đuổi theo nhặt 20.000 đồng tiền lẻ mua bánh mì nhằm cầm cự qua cơn đói.
Clip: Cuộc trò chuyện giữa hai người dân quê Thái Bình.
Hà Nội trong tháng ngày giãn cách xã hội, tình người với người thể hiện đậm chất hơn bao giờ hết. Trên những tuyến đường, ngõ nhỏ không khó để bắt gặp hình ảnh nhóm thiện nguyện trao tặng suất cơm, túi quà chứa lương thực thực phẩm... cho người lao động, bệnh nhân nghèo với hi vọng giúp họ vơi bớt phần nào nỗi cơ cực, khó khăn giữa mùa dịch.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi cảnh chàng trai vô gia cư được một nữ mạnh thường quân giúp đỡ giữa đường khiến bao người cảm động. Theo đó, người phụ nữ thấy chàng trai đuổi theo xe tang để nhặt những đồng tiền lẻ liền lại gần hỏi chuyện: “Em ở đâu? Bây giờ em đi đâu? Sao em đi lang thang ở đây”.
Chàng trai mặc áo sơ mi, khoác balo trong bộ dạng ướt sạch cho biết bản thân quê ở Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Anh thất nghiệp nhiều tháng, không tiền ăn uống và đóng trọ nên lang thang kiếm ăn sống qua ngày. Khi xe tang đi qua, anh đuổi theo nhặt 20.000 đồng tiền lẻ mua bánh mì nhằm cầm cự qua cơn đói.
Chàng trai mặc áo sơ mi, khoác balo trong bộ dạng ướt sạch cho biết bản thân quê ở Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Xót xa hoàn cảnh của chàng trai đồng hương, người phụ nữ ngỏ lời mời anh lên xe ô tô của chị. Song anh tỏ ra ngờ vực: “Chị chở? Em biết chị chở em đi đâu?”. Lúc này người phụ nữ khẳng định: “Chị cho tiền. Chị chở em về! Em nhìn thấy xe cứu trợ mà chị đang đi chưa? Chị cũng quê Thái Bình. Em có cần chị cho xem chứng minh thư không?”. Thậm chí chị còn đề nghị anh về nhà mình ở tạm rồi tìm cách giúp đỡ. Nhưng anh từ chối mặc dù rất cảm kích tấm lòng tương thân tương ái.
Được biết, sự việc trên xảy ra vào 10h sáng 5/9 tại Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Còn chủ nhân của đoạn clip – “nhân vật” người phụ nữ là chị Cao Tuyết Phong (50 tuổi). Chị Phong là một trong số những mạnh thường quân quê Thái Bình thường xuyên giúp đỡ người nghèo khó, “mắc kẹt” tại thành phố trong mùa dịch này.
Chị Tuyết Phong là một trong số những mạnh thường quân quê Thái Bình thường xuyên giúp đỡ người nghèo khó, “mắc kẹt” tại thành phố trong mùa dịch này.
“Hôm ấy trời mưa to, mình xuống mạn Hữu Hòa (Thanh Trì) cứu trợ cho anh em thợ xây bị chủ thầu “bỏ rơi”. Mình tình cờ gặp một bạn trẻ dầm mưa trong tình trạng vô cùng đáng thương, liền xuống xe hỏi han tình hình. Bạn ấy bảo nhịn ăn từ 3/9 đến giờ, đang đến ủy ban nhân nhân phường xin giấy cho đi bộ về quê ở Yên Bái. Song bạn lại không có chứng minh thư hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Vì thế mình bảo sẽ không thể xin được, hơn nữa về quê họ cũng không tiếp nhận. Bạn đã òa khóc, mình không còn cách nào khác đành bảo bạn về nhà mình ở tạm. Bạn ấy liền đồng ý.
Xong xuôi, mình đi tiếp đến đoạn ngã ba Văn Điển thì gặp chàng trai trong clip. Bạn này nhận tiền và từ chối lời đề nghị giúp đỡ”, chị Tuyết Phong kể lại.
Chị Tuyết Phong và bạn bè thường xuyên làm từ thiện, cứu trợ người nghèo.
Đó không phải hai trường hợp hy hữu mà người phụ nữ gặp phải trong quá trình cứu trợ người lao động nghèo giữa mùa dịch. Ngay sáng 6/9, chị cũng gặp tình huống tương tự như vậy. Tuy nhiên họ đều từ chối lời giúp đỡ “tìm chỗ ăn chốn ở”, muốn đi bộ về quê để đoàn tụ với gia đình. Chị không đành lòng nhìn họ chịu cực nên chỉ biết tặng 4 thùng mì và 2 triệu đồng với hi vọng có thể giúp họ chống cự với cái đói dọc đường.
Nhắc đến chuyện ra đường cứu trợ có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào, người phụ nữ 50 tuổi cười: “Có chứ, mình sợ lắm chứ. Mình có 2 cháu nội và con gái đang mang thai ở tháng thứ 7. Mình luôn sợ chẳng may nhiễm bệnh thì thế nào? Nhưng mình nghĩ đến cảnh hàng trăm người lao động khó khăn nhịn ăn nhịn uống, bơ vơ giữa thành phố mà không cầm nổi lòng. Mình quyết định làm điều gì đó giúp đỡ họ rồi cẩn thận bảo vệ sức khỏe của bản thân”.
Người dân mưu sinh tại thủ đô được nhóm của chị Tuyết Phong cứu trợ lương thực thực phẩm.
Trên trang cá nhân, chị Tuyết Phong thường xuyên cập nhật hoạt động từ thiện của mình. Sáng chị cùng bạn bè có mặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn trao 500 suất cháo cho cán bộ, nhân viên và bệnh nhân F0 đang điều trị tại khu cách ly của bệnh viện. Chiều chị tiếp tục đến các khu phố, ngõ nhỏ tặng gạo, mì tôm cho dân lao động nghèo.
“Mình biết giữa đại dịch ai cũng khó khăn! Dẫu vậy mình vẫn tin chắc rằng sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau cả. Mình chỉ mong Hà Nội sớm đẩy lùi được dịch bệnh để người dân ổn định cuộc sống mới”, chị Tuyết Phong tâm sự.