COVID-19 8/8: Tác giả tấm hình trong chuyện "BS Khoa" rút ống thở của mẹ cứu sản phụ lên tiếng

K.T - Ngày 08/08/2021 12:10 PM (GMT+7)

Sáng 8-8, trao đổi với PV khi vừa hoàn thành ca mổ sinh, bác sĩ Cao Hữu Thịnh cho biết tác giả hình ảnh em bé sơ sinh trong vụ "bác sĩ Khoa" lan truyền tối qua là của ông.

Tác giả tấm hình trong chuyện "BS Khoa" rút ống thở của mẹ cứu sản phụ lên tiếng

Tối 7-8, một Facebook có tên "bác sĩ Trần Khoa" đã thông tin bản thân quyết định rút ống thở của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Sau đó, "bác sĩ" này kìm nén nỗi đau để vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi và kèm theo hình ảnh 2 bé song sinh vừa phẫu thuật. Thông tin này khiến nhiều người xúc động, cảm phục hành động của "bác sĩ" này.

Sáng 8-8, trao đổi với Báo Người Lao Động khi vừa hoàn thành ca mổ sinh, bác sĩ Cao Hữu Thịnh, đang công tác tại Bệnh viện An Sinh, cho biết tác giả hình ảnh em bé sơ sinh trong bài viết của "bác sĩ Khoa" lan truyền tối qua là của ông, chụp sau ca mổ tại Bệnh viện An Sinh ngày 21-7.

Hình ảnh 2 bé sơ sinh được đăng tải lan truyền trên mạng, được cho là do bác sĩ Khoa mổ- Ảnh: Facebook

Hình ảnh 2 bé sơ sinh được đăng tải lan truyền trên mạng, được cho là do "bác sĩ Khoa" mổ- Ảnh: Facebook

- Phóng viên: Thông tin về bài viết rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ sắp sinh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Bác sĩ có đọc và nghe câu chuyện này không?

+ Bác sĩ Cao Hữu Thịnh: Tôi có đọc câu chuyện này, nhưng hình ảnh này là của tôi mổ sinh ở Bệnh viện An Sinh với 2 ca khác nhau, mẹ khỏe, bé khỏe và không hề mắc Covid-19.

- Phóng viên: Hình ảnh trong câu chuyện là của bác sĩ, ông có ý kiến gì về việc này?

+ Bác sĩ Cao Hữu Thịnh: Tôi không biết câu chuyện thực hư thế nào. Nhưng chắc chắn đó là hình ảnh của tôi. Bên cạnh đó, sau khi đọc câu chuyện, tôi thấy bất hợp lý. Thứ nhất, theo qui định thì bác sĩ không có quyền rút máy thở của người này cho người kia. Đặc biệt, bây giờ Covid-19 chỉ có 1% là ca nặng, 99% là diễn tiến nhẹ và trung bình không cần máy thở. Máy thở không đến nỗi thiếu như vậy mà phải rút của người này cho người kia.  

- Phóng viên: Bác sĩ có thể chia sẻ một chút về hoàn cảnh, nguồn gốc của các bức ảnh như thế nào?

+ Bác sĩ Cao Hữu Thịnh: 2 ca sinh này là tôi theo dõi khám thai, tới đủ ngày đủ tháng thì mổ sinh cho họ thôi và đây cũng là 2 ca khác nhau. Ngày mổ là ngày tôi đăng trên Facebook.

Nội dung chia sẻ của người tự xưng là "bác sĩ Trần Khoa" trên Facebook:

"Chào ba, chào mẹ!

Con mãi nhớ về ba, về mẹ người gắng với con cả cuộc đời! Con vẫn chưa kịp vẽ lên ước mơ cho ba, mẹ thì giờ đây con đã mất đi ba mẹ. Con không thể làm khác phải không ba? Ba vào tâm dịch, chiếc áo ấy vẫn mặ , ba trở bệnh khi ấy vẫn cầm thuốc cho người cần. Mẹ cùng ba đi khắp Sài Gò , cùng ba làm những việc mà ba mẹ cho là hạnh phúc. Con cũng thế mẹ ạ! Xa nhà bao năm, tình yêu con có chỉ là những chuyển mẹ ba sang thăm, tình yêu ấy lớn lắm. Con quyết định nhường đi chiếc máy khi sản phụ ấy cần. Con tin mẹ cũng thế! Cuối đầu tiễn biệt ba mẹ lần cuối SG 07/08/21.

Ngày tôi mồ côi!"

(Theo Người Lao Động)

KHẨN: Tìm người đến nhiều địa điểm là bệnh viện Hồng Ngọc, chợ, siêu thị Vinmart

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình (Hà Nội) vừa phát đi thông báo khẩn, tìm người từng đến các địa điểm sau:

Ngày 24 đến 31-7: Tại 31A Trần Bình Trọng.

Ngày 1 đến 3-8: Tại số nhà 17/68/16 Đội Cấn.

7 giờ sáng 3-8: Tại chốt trực tại ngã 3 Ngọc Hà - Đội Cấn và chợ Ngọc Hà.

Tối 3-8: Tại 31A Trần Bình Trọng.

Khoảng 7 giờ 40 đến 7 giờ 45 ngày 7-8: Tại siêu thị Vinmart 70B Đội Cấn.

Sáng 8-8: Tại Khoa xét nghiệm sàng lọc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, số 55 Phố Yên Ninh.

Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa kiểm soát dịch bệnh số điện thoại: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội số điện thoại: 0969082115 hoặc số 0949396115 (CDC Hà Nội) để được tư vấn.

Từ 18 giờ 7-8 đến 18 giờ 8-8, Hà Nội ghi nhận 56 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 34 ca tại cộng đồng và 22 ca tại khu cách ly

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4-2021) là 1.783 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.074 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 709 ca.

KHẨN: Tất cả người dân Hà Nội cần lưu ý những điều này

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội vừa có thông báo khẩn, đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19. Hoặc liên hệ CDC Hà Nội để được tư vấn.

(Theo Người Lao Động)

Ca nhiễm tăng cao, thiếu vaccine, Bình Dương đề nghị bộ Y tế cấp thêm

Ngày 8/8, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh này đã có công văn gửi Bộ trưởng bộ Y tế về việc phân bổ thêm vaccine phòng Covid-19 cho tỉnh Bình Dương.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đến thời điểm hiện tại tỉnh này đã được bộ Y tế phân bổ 544.060 liều (từ đợt 1 đến đợt 16).

Tuy nhiên, với quy mô dân số hơn 2,6 triệu người và trong thời gian tới (tháng 8, 9/2021) tỉnh phải tiến hành tiêm vaccine cho khoảng hơn 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lực lượng lao động nên số lượng vaccine cần có là khá nhiều.

Theo báo cáo của sở Y tế, lũy kế toàn tỉnh Bình Dương đến nay đã tiêm cho 159.756 người (trong đó 144.611 người mũi 1, 15.145 người tiêm mũi 2). 

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, hiện tỉnh này đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine với quy mô 100.000 liều/ngày và thực tế triển khai đạt tiến độ. Bình Dương phấn đấu trước ngày 10/8 tiêm hết số lượng vaccine đã được phân bổ.

Theo đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 30/8 theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương ngày 5/8, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị, Bộ trưởng bộ Y tế xem xét hỗ trợ phân bổ thêm vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho số người còn lại.

UBND tỉnh Bình Dương cũng thông tin, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 như xét nghiệm tầm soát diện rộng, thiết lập bệnh viện dã chiến, các khu điều trị bệnh nhân nặng…

Hiện nay, tỉnh đã thiết lập được “vùng xanh” ở các huyện phía Bắc và khoanh “vùng đỏ” ở các thành phố, thị xã phía Nam.

Trên cơ sở xác định các vùng nguy cơ, tỉnh tiếp tục triển khai xét nghiệm kết hợp với tiêm vaccine. Với phương châm, xét nghiệm đến đâu, tiêm vaccine đến đó và khoanh chặt giữ vững vùng an toàn.

Đồng thời, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp chuyển hóa “vùng đỏ” tại 4 địa phương phía Nam gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên.

Các địa phương này là nơi tập trung số lượng lớn các nhà máy, xí nghiệp sản xuất với khoảng 1,2 triệu người trên 18 tuổi. Hiện có khoảng 1.409 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” với tổng số lao động 148.947 người.

Lập hồ sơ xử lý người phụ nữ lợi dụng thẻ đi chợ thông chốt đi chơi, khoe Facebook

Ngày 8/8, Công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng mời L.T.K.M, 34 tuổi, trú địa phương lên làm việc vì có những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

M., là đối tượng đã làm dậy sóng dư luận Đà Nẵng bởi những lời lẽ khoe khoang "chiến tích" thông chốt kiểm soát Covid-19 trên mạng xã hội.

Những dòng đăng tại của M., về việc lợi dụng thẻ đi chợ thông chốt kiểm soát đi chơi bị dư luận lên án.

Những dòng đăng tại của M., về việc lợi dụng thẻ đi chợ thông chốt kiểm soát đi chơi bị dư luận lên án.

Theo đó, ngày 7/8, M., sử dụng facebook cá nhân của mình đăng tải nội dung thể hiện nhờ vào "thẻ đi chợ thần thánh" nên được ra ngoài. Chứ mấy lần đợt dịch bệnh trước, chị cũng chẳng "thèm" thẻ đi chợ.

Cũng trên trang faecbook cá nhân, M., khoe dùng thẻ đi chợ thông qua nhiều chốt kiểm tra, rồi đến nhà bạn tám chuyện "vui quá mà quên cả mệt và nóng". Cuối cùng M., kết luận "Covid thiệt là hay!".

Những dòng tin này của M., khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo đó, khi mà cả thành phố Đà Nẵng đang căng mình chống dịch bệnh, hạn chế ở nhà thì người phụ nữ này lại lợi dụng thẻ đi chợ ngang nhiên đi lại, tụ tập tám chuyện. Việc làm này của M., cộng với những hình ảnh đăng tải, khoe khoang trên mạng bị nhiều vào bình luận, lên án.

Khi được mời lên làm việc, M., thừa nhận sai phạm của mình. Theo đó, M., lấy thẻ đi chợ của mẹ rồi thông qua một số chốt kiểm tra và đến nhà bạn ở đường Trần Cao Vân chơi.

Cơ quan công an xác định, ngoài việc sử dụng phiếu đi chợ sai mục đích, M., còn vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 nên sẽ tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định.

(Theo Người Đưa Tin)

An Giang kiến nghị xây dựng bệnh viện dã chiến

Chiều 8/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng đoàn công tác Trung ương đã đến khảo sát công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh An Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (bên trái ảnh) kiểm tra khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang - Ảnh: NC.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (bên trái ảnh) kiểm tra khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang - Ảnh: NC.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/4 đến nay là 531 trường hợp (nhập cảnh 47 trường hợp, còn lại được phát hiện trong tỉnh). Trong đó, số ca điều trị là 343, điều trị khỏi là 184. Đồng thời, tỉnh cũng đã hoàn thành cách ly tập trung 15.930 trường hợp, hiện còn quản lí 2.877 trường hợp; hoàn thành cách ly tại nhà, nơi lưu trú 30.849 trường hợp, hiện còn quản lí 4.657 trường hợp.

“Nếu được phân bổ đủ vắc xin, đến hết năm 2021, tỉnh An Giang sẽ hoàn thành tiêm phòng COVID-19 cho ít nhất 95% dân số đủ 18 tuổi trở lên” – ông Nguyễn Thanh Bình nêu.

Xác định đối tượng tài xế có nguy cơ lây nhiễm cao đến 85% nên hiện tại, tỉnh An Giang vẫn thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 đối tượng này. Bên cạnh đó, để hạn chế dịch bệnh xâm nhập, Công an tỉnh An Giang còn chủ trì thành lập đại đội truy vết với 100 cán bộ chiến sĩ được trang bị kiến thức phòng dịch; cấp huyện thành lập trung đội truy vết, cấp xã thành lập tiểu đội truy vết nhằm mục để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch thần tốc.

Nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, An Giang có đường biên giới dài giáp Campuchia, lượng người từ vùng có dịch trong nước về nhiều. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh An Giang đã kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại tỉnh. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế sớm hỗ trợ thêm cho tỉnh các trang thiết bị, hàng hóa y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 để địa phương thuận lợi áp dụng.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực chống dịch của tỉnh An Giang. Theo Phó Thủ tướng, dù là tỉnh có nguy cơ cao nhưng An Giang đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khống chế số ca nhiễm thấp hơn nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực. Tỉnh cần phát huy kết quả này nhằm đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường mới.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh An Giang nên nghiên cứu cách làm mới, sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nhằm quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng.

Để giảm tải cho nhân viên y tế, tránh nguy cơ lây nhiễm khi tập trung lấy mẫu, tỉnh nên hướng dẫn người dân tự lấy mẫu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngoài ra, cần phân loại, tách riêng F0 nhẹ, không triệu chứng và các F0 nặng để tập trung điều trị.

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội siết chặt giấy đi đường, yêu cầu xuất trình cả lịch làm việc

Ngày 8/8, UBND TP.Hà Nội có văn bản về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo công điện số 18 của UBND TP ngày 6/8.

Cụ thể, UBND TP.Hà Nội đề nghị trong thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, ngoài giấy đi đường đã được ban hành theo mẫu, người đi đường xuất trình kèm theo Căn cước công dân/ Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Người dân phải xuất trình giấy đi đường kèm lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. (Ảnh minh họa: Hồng Phú).

Người dân phải xuất trình giấy đi đường kèm lịch trực, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. (Ảnh minh họa: Hồng Phú).

Các cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ người trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và nhiệm vụ cấp thiết khác mới đến trụ sở làm việc.

Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng chống dịch; chịu trách nhiệm về việc người lao động gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; cấp giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng giấy đi đường sai mục đích.

UBND TP Hà Nội giao Công an TP, UBND quận, huyện, thị xã siết chặt giám sát tại các chốt kiểm soát, tăng cường công tác kiểm tra giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng.

UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.

Trước đó, chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện về việc tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày (đến 6h ngày 23/8), triển khai chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; người dân “ai ở đâu ở đó” để đảm bảo khống chế sự lây lan dịch bệnh. Tính từ 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố.

(Theo Dân Việt)

Quân đội làm lễ truy điệu, bàn giao tro cốt cho gia đình có thân nhân tử vong vì COVID-19

Ngày 8/8, nhiều hũ tro cốt bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở các quận, huyện tại TP.HCM đã được đưa về nhà tang lễ Thành phố (phường An Lạc, quận Bình Tân) để tổ chức truy điệu.

Bên trong khu vực tưởng niệm, mỗi cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM cẩn thận đặt từng hũ tro chốt vào đúng vị trí, kiểm tra lại tên tuổi từng người đã mất vì COVID-19, đối chiếu với danh sách từ trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Trong không khí trang nghiêm, từng cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác lần lượt đến thắp nén nhang cho những người tử vong vì COVID-19.

Đại úy Sử Tấn Phi Long - Chính trị viên Đại đội trinh sát đặc nhiệm - Phòng tham mưu Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên khi nhận lệnh, tổ công tác đã bắt tay vào công việc tiếp nhận tro cốt từ trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa về nhà tang lễ Thành phố.

“Quá trình vận chuyển tro cốt từ nhà tang lễ Bình Hưng Hòa về được chúng tôi thực hiện cẩn thận, trang trọng. Sau khi về nhà tang lễ Thành phố, chúng tôi đưa từng hũ tro cốt về đúng vị trí các quận, huyện. Sau đó, tổ chức lễ truy điệu theo đúng quy tắc của quân đội để đảm bảo tính tôn nghiêm”, đại úy Sử Tấn Phi Long chia sẻ.

COVID-19 8/8: Tác giả tấm hình trong chuyện amp;#34;BS Khoaamp;#34; rút ống thở của mẹ cứu sản phụ lên tiếng - 5

Cũng theo đại úy Phi Long, tổ công tác túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn cho tất cả tro cốt đối với những gia đình chưa có điều kiện nhận chuyển giao và dành sự tôn trọng với người đã khuất. Về công tác tiếp nhận tro cốt sau khi đã bàn giao cho các quận, huyện, người dân khi đến nhận cần phải có giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu, giấy tờ người nhận…

Trước đó, chiều ngày 7/8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Bộ Tư lệnh TP.HCM được giao tiếp nhận tro cốt, thắp hương và chuyển giao các phần tro cốt của bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố tử vong đến từng gia đình một cách chu toàn nhất. Đối với phần tro cốt mà gia đình chưa có điều kiện tiếp nhận, các chùa sẽ tạm lưu giữ và cầu siêu đến khi người thân tới nhận. Trung tâm hỏa táng có trách nhiệm phối hợp chung và không được tự chuyển cốt về từng gia đình.

Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM cũng thống nhất một số phương án xử lý cụ thể với những bệnh nhân qua đời do COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, chi phí lo hậu sự cho các trường hợp tử vong do COVID-19 sẽ được trích từ ngân sách thành phố.

Người Bình Dương kéo nhau đi tiêm vắc xin như đi hội, "ngóng mỏi mắt rồi về"

Những ngày qua, báo Tiền Phong liên tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương về một số bất cập liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, tình trạng chung ở các điểm tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn tụ tập đông, chẳng khác nào một lễ hội. Nhiều người lo sợ bị lây nhiễm nên dù đã đến điểm tiêm vẫn phải quay về nhà.

“Khi tôi đến nơi, thấy người tụ tập quá đông. Lực lượng chức năng mặc dù rất nỗ lực nhưng quá đông người dân đến nên không thể bố trí giãn cách theo đúng quy định. Công an động viên người dân về bớt nhưng ai cũng muốn được tiêm nên không chịu về. Tôi sợ bị lây dịch bệnh nên dù không nhắc vẫn bỏ về ngay”, bà Nguyễn Thị Th. (ngụ phường Tân Phước Khánh, TX Tân Uyên).

Một điểm tiêm vắc xin ở phường Tân Phước Khánh (TX Tân Uyên).

Một điểm tiêm vắc xin ở phường Tân Phước Khánh (TX Tân Uyên).

Trong khi đó, anh Trần Văn Đ. (ngụ thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) bức xúc nói: “Trong khi người dân tụ tập đến quá đông thì điểm tiêm vắc xin ở thị trấn Lai Uyên lại đề nghị người dân phải test nhanh kháng nguyên dẫn đến việc tình trạng thêm ùn ứ. Nhiều người sợ lây dịch đã bỏ cuộc ra về sau một hồi đứng nhìn chờ”.

Cảnh tương tự cũng xảy ra tại một số điểm trên địa bàn TP Dĩ An. “Điểm tiêm vắc xin thông báo người dân 7h30 bắt đầu nhưng đến 10h mới làm khiến dân tụ tập ngồi chờ. Do chờ lâu rồi nên khi được vận động về bớt không ai chịu về. Tình trạng tụ tập đông nhất vào ngày 5/8, những ngày sau thấy ổn định hơn”, anh Nguyễn Văn T. (ngụ TP Dĩ An) phản ánh.

Ngoài việc tụ tập đông ở các điểm tiêm vắc xin, người dân còn phản ánh việc các điểm tiêm tồn tại bất cập liên quan đến “quyền ưu tiên”. Đơn cử, một người dân ngụ phường Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một) trình bày: “Nhận được thông báo, người dân đến điểm tiêm rất đông nhưng cán bộ trực ở đó lại phát phiếu ưu tiên cho người thuộc tổ chức đoàn thể. Hôm qua thông báo hôm nay đi tiêm nhưng khi dân đến lại nói hết vắc xin. Đang giãn cách xã hội mà người dân cứ đi rồi về nên nhiều người bức xúc”.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua tổng đại 1022, đã chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, không để tình trạng người dân tụ tập quá đông. Đồng thời, Sở Y tế Bình Dương ra văn bản đề nghị các điểm tiêm vắc xin dừng ngay việc phải test nhanh kháng nguyên đối với người đến tiêm, trừ trường hợp nghi ngờ.

“Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo huy động lực lượng triển khai nhanh việc tiêm vắc xin, đến ngày 10/8 phải hết số lượng được phân bổ (khoảng 300.000 liều). Tuy nhiên, các điểm tiêm vắc xin phải sắp xếp chỗ ngồi chờ và thời gian linh động, tránh tụ tập quá đông cùng lúc”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương nói.

Lũy kế đến nay, Bình Dương đã tiêm được cho 159.756 người (trong đó, 144.611 người mũi 1; 15.145 người tiêm mũi 2; 14.822 người có phản ứng thông thường). Bình Dương ghi nhận 25.244 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ tư, trong đó hơn 5.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 175 ca tử vong.

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội: Phong tỏa một tòa nhà ở khu HH Linh Đàm do có ca nghi mắc COVID-19

Ngày 8/8, UBND phường Hoàng Liệt đã ban hành thông báo không rời khỏi nơi cư trú đối với cư dân tòa nhà HH4C, khu đô thị HH Linh Đàm, Tổ dân phố 25, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Trước đó, UBND phường nhận được thông tin về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn phường (tiếp xúc với một ca dương tính SARS-CoV-2 tại ổ dịch ở quận Đống Đa), hiện đang cư trú tại tòa nhà HH4C.

COVID-19 8/8: Tác giả tấm hình trong chuyện amp;#34;BS Khoaamp;#34; rút ống thở của mẹ cứu sản phụ lên tiếng - 7

Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng địa phương đã cho tạm phong tỏa chung cư này để thực hiện các biện pháp y tế.

Công an phường Hoàng Liệt phối hợp với đơn vị quản lý tòa nhà giám sát người dân. Trạm y tế phường Hoàng Liệt phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truy vết, xác định những trường tiếp xúc gần ca nghi nhiễm để lấy mẫu xét nghiệm, chủ động phòng chống dịch.

Đến khoảng 12h cùng ngày, khu vực lối đi vào toà nhà HH4C khu đô thị Linh Đàm đã được căng dây, người dân không được ra khỏi nhà, trừ trường hợp cấp bách.

Lãnh đạo quận cho biết tòa nhà này có 41 tầng với khoảng 3.000 người dân. UBND phường Hoàng Liệt đã phát thông báo yêu cầu toàn thể cư dân sinh sống tại HH4C không rời khỏi tòa nhà đến khi có thông báo mới. 

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.739 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến sáng 8/8 đã có 1.470 trường hợp dương tính với nCoV.

Khẩn: Hà Nội tìm người đến chung cư Liễu Giai Tower, chợ, bệnh viện tại quận Ba Đình

Sáng ngày 8/8, thông tin được đăng tải trên báo Tiền Phong cho biết Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình thông báo tìm tất cả những người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế:

Từ ngày 1/8 đến ngày 7/8 tại Tòa nhà chung cư Liễu Giai Tower - 26 Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 6h đến 20h30 từ ngày 1/8 đến ngày 3/8 tại chợ Linh Lang - phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 15h ngày 5/8 đến 17h ngày 7/8 tại ngõ 172 đường Bưởi - phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 18h30 đến 19h30 ngày 5/8 tại cửa hàng Circle K số 92 Đào Tấn - phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 16h30 đến 18h ngày 6/8 tại chợ Cống Vị - phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 11h đến 17h ngày 7/8 - Medlatec cơ sở 2 tại 99 Trích Sài, quận Tây Hồ.

Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa Kiểm soát dịch bệnh: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến số 0969082115 hoặc số 0949396115 (CDC Hà Nội).

Sở Y tế Hà Nội sáng 8/8 cho biết vừa ghi nhận thêm 12 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 9 ca tại cộng đồng và 3 ca tại khu cách ly.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 1.739 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.049, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 690.

Đối với quận Ba Đình, theo thống kê của CDC Hà Nội, tính từ ngày 5/7, đến nay, có 28 ca dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận. Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trong công điện hỏa tốc số 18, kéo dài thời gian đến 6h ngày 23/8.

(Theo Người Đưa Tin)

Ca dương tính mới nhất ở Hải Dương là nhân viên bán thịt chó, huyện Nam Sách phát đi thông báo khẩn

Trao đổi với PV, đại diện xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết, sáng nay trên địa bàn ghi nhận 1 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện địa phương đang khẩn trương tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và thực hiện các biện pháp ứng phó.

Theo đó, công dân có kết quả dương tính sinh năm 1982 (nam giới), nguyên quán tại thôn Lương Gián (xã Quốc Tuấn) làm nghề bán thịt chó (người làm thuê) tại quán thịt chó Ánh Vi, có địa chỉ thôn Hà Liễu, xã Thanh Quang (cùng huyện Nam Sách). Đây cũng là ca dương tính được phát hiện tại cộng đồng.

Qua truy vết ban đầu của cơ quan chức năng, trường hợp này có lịch trình cụ thể như sau: từ 24/7-27/7, công dân làm tại quán thịt cho Ánh Vi, có tiếp xúc với vợ chồng, con chủ quán. Sau khi hết giờ làm, công dân về thẳng nhà không đi đâu, có tiếp xúc với người thân trong gia đình.

Ca dương tính mới nhất ở Hải Dương là người làm thuê tại quán thịt chó. Ảnh: Đ.Tùy

Ca dương tính mới nhất ở Hải Dương là người làm thuê tại quán thịt chó. Ảnh: Đ.Tùy

Từ ngày 28/7 đến 6/8, do tại huyện Nam Sách có dịch COVID-19 nên quán thịt chó Ánh Vi nghỉ bán hàng và nam thanh niên ở nhà. Ngày 29/7, trường hợp này đến chợ Rồng (xã Thanh Quang) mua thịt của bà Xuân, mua đồ dùng của bà Thơ Cảnh. Đến 6/8, nam thanh niên được lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng và sáng nay cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 xã Thanh Quang, xã Quốc Tuấn cùng cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xác minh những trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, đưa F1 đi cách ly tập trung, phun khử khuẩn nơi gia đình trường hợp này sinh sống, làm việc...

Liên quan đến ca dương tính nói trên, Công an huyện Nam Sách vừa phát đi thông báo khẩn đề nghị tất cả người dân đã đến 4 địa điểm sau nhanh chóng khai báo y tế:

1. Quán thịt chó Ánh Vi, địa chỉ tại thôn Hà Liễu, xã Thanh Quang (huyện Nam Sách), từ 24/7/2021 đến nay;

2. Quầy bán thịt bà Xuân tại chợ Rồng, khu thị tứ Thanh Quang (huyện Nam Sách), khoảng 6h sáng từ 29/7/2021 đến nay;

3. Cửa hàng bán tạp hoá bà Thơ Cảnh, tại chợ Rồng, khu thị tứ Thanh Quang (huyện Nam Sách), khoảng 6h sáng từ 29/7/2021 đến nay;

4. Quầy bán rau nhà ông Trương ở chợ Giữa, thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách), khoảng 16h chiều từ 29/7/2021 đến nay.

Như vậy tính từ 27/7/2021 đến sáng nay (8/8), huyện Nam Sách đã ghi nhận 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 31 ca được Bộ Y tế đánh mã số bệnh nhân.

(Theo Gia đình và Xã Hội)

Bình Định: 20 người nghi nhiễm, huyện Hoài Ân yêu cầu dân không rời khỏi địa phương

Sáng 8-8, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) Nguyễn Hữu Khúc đã ký công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về việc triển khai một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Công văn hỏa tốc ban hành sáng 8-8 của UBND huyện Hoài Ân.

Công văn hỏa tốc ban hành sáng 8-8 của UBND huyện Hoài Ân.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, hiện trên địa bàn đã phát hiện 4 ca COVID-19 và 20 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại xã Ân Tường Tây. Do vậy, UBND huyện Hoài Ân yêu cầu công dân trên địa bàn huyện tạm dừng rời khỏi địa phương.

Công dân từ địa phương khác trở về huyện Hoài Ân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, còn các trường hợp từ địa phương khác đến huyện thì không được ra khỏi địa bàn, trừ các trường hợp làm nhiệm vụ phòng chống dịch và cấp thiết khác theo quy định.

Trước đó, chiều 7-8, UBND huyện Hoài Ân cũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm thời giãn cách xã hội toàn xã Ân Tường Tây theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 18 giờ cùng ngày để phòng chống dịch COVID-19.

Đối với các xã giáp ranh với xã Ân Tường Tây, UBND huyện Hoài Ân yêu cầu bố trí lực lượng, thành lập chốt kiểm tra, kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến đường giáp ranh với xã này.

(Theo Người Lao Động)

Tài xế Đà Nẵng vào Quảng Nam phải cách ly tập trung nếu ở lại

Sáng 8/8, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu tài xế chở hàng từ Đà Nẵng vào Quảng Nam khi giao hàng xong phải quay ra ngay, nếu ở lại phải vào khu cách ly tập trung có thu phí.

Quảng Nam tăng cường kiểm soát phương tiện, tài xế đến từ vùng dịch Đà Nẵng.

Quảng Nam tăng cường kiểm soát phương tiện, tài xế đến từ vùng dịch Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh Quảng Nam vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển hàng hóa ra, vào địa bàn tỉnh trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo đó, từ 12h ngày 9/8, Quảng Nam yêu cầu phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ TP Đà Nẵng vào địa bàn tỉnh Quảng Nam và ngược lại phải thực hiện nghiêm các yêu cầu.

Cụ thể: Có giấy vận tải (giấy vận chuyển) của các cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị thi công, đơn vị kinh doanh vận tải; trong đó khai báo rõ địa điểm giao hàng, nhận hàng, lịch trình di chuyển và xác nhận của tổ chức, cá nhân nơi giao, nhận hàng (trừ trường hợp xe vận tải nội bộ của đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị thi công).

Trường hợp không có giấy vận tải (giấy vận chuyển) theo quy định nêu trên thì chỉ được phép giao nhận hàng, thực hiện trung chuyển hàng hóa tại các vị trí trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố do UBND cấp huyện công bố. Việc giao nhận hàng phải được thực hiện từ 6h đến 18h hằng ngày.

Riêng trường hợp vận chuyển hải sản phải thực hiện đổi lái xe tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi vào địa phận tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn Quảng Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Riêng lái xe từ TP Đà Nẵng vào Quảng Nam yêu cầu ngồi trên xe, giao hàng xong phải quay ra ngay (nếu ở lại phải vào khu cách ly tập trung có thu phí ngay sau khi giao hàng); lái xe từ Quảng Nam ra Đà Nẵng khi về nhà phải ở nhà, không ra ngoài tiếp xúc với người khác trong thời gian 3 ngày (trừ trường hợp về rồi đi chở hàng lại ngay), ngày thứ 3 phải đến cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu kết quả âm tính mới được ra ngoài.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa ra vào giữa Quảng Nam và Đà Nẵng bằng xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam, từ ngày 18/7 đến nay, địa phương ghi nhận 202 ca COVID-19, cụ thể 2 ca bệnh cộng đồng, 95 ca lây nhiễm thứ phát (đã cách ly tập trung trước khi phát hiện), 75 ca xâm nhập từ các tỉnh và 30 ca nhập cảnh.

(Theo Báo Giao Thông)

Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm 89 ca nghi mắc COVID-19, phải di chuyển khu cách ly có nhiều F0

Ngày 8/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 7/8 đến 6h ngày 8/8/2021, tỉnh này ghi nhận 89 ca nghi mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.

Cụ thể, TP.Bà Rịa có 6 ca, gồm 5 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Dầu khí; 1 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, phát hiện tại Bệnh viện Bà Rịa.

TP.Vũng Tàu ghi nhận 43 ca. Trong đó, 1 ca nhận trong khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Vũng Tàu; 6 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung (1 ca tại Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp; 1 ca tại Khách sạn Sun and Sea Leisure; 3 ca tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũ; 1 ca tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân); 3 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Thắng Tam; 17 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa thuộc phường Thắng Nhì; 4 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa thuộc phường 10; 12 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa thuộc phường 11.

Huyện Long Điền có 11 ca, gồm 7 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Chu Văn An; 4 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa thuộc thị trấn Long Hải. Huyện Đất Đỏ ghi nhận 1 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Nguyễn Hùng Mạnh.

Huyện Xuyên Mộc có 22 ca. Trong đó, 3 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Cao đẳng Dầu khí; 19 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa thuộc Hồ Tràm, Phước Thuận.

Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 4 ca, gồm 2 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, tại ký túc xá Trường Cao đẳng Vabis; 2 ca đi về từ vùng dịch Tây Ninh. Huyện Châu Đức có 2 ca, gồm 1 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cơ sở 2; 1 ca ghi nhận ngoài cộng đồng tại thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn.

Như vậy, số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 tính từ ngày 28/6 đến nay là 2.161 ca. Số ca đã khỏi bệnh là 242 người. Lực lượng chức năng đang tiến hành truy vết các F1, F2, F3. Số người đang cách ly tập trung 2.628 trường hợp.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói thêm, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm, hầu hết các ca nhiễm mới ghi nhận trong khu cách ly tập trung và khu vực phong tỏa. Để khống chế dịch bệnh, giảm số ca nhiễm trong thời gian nhanh nhất, sớm đưa cuộc sống sinh hoạt, sản xuất về bình thường, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch di chuyển các cơ sở cách ly tập trung có phát sinh nhiều F0 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tại huyện Long Điền chuyển 135 người đang cách ly tại Trung đoàn Minh Đạm (xã Tam Phước) về 2 cơ sở mới (Trường THCS Phước Tỉnh, huyện Long Điền và Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, huyện Châu Đức); chuyển 102 người đang cách ly tại Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Long Hải về 2 cơ sở mới (Trường Tiểu học Lê Lợi và Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị trấn Long Hải).

Tại TP.Vũng Tàu, chuyển 91 người (gồm 12 cán bộ khung quản lý và 79 người cách ly) tại Bộ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũ, phường 4 về cơ sở mới tại Trường THCS Võ Văn Kiệt phường 5; chuyển 241 người đang cách ly tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, phường Nguyễn An Ninh, về cơ sở mới tại Trường THCS xã Phước An, phường 11. 

Xét nghiệm 3 ngày/ lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Theo Bộ Y tế, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm theo đúng yêu cầu của Chỉ thị trên toàn địa bàn; thực hiện hiệu quả, chắc chắn và thực chất việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".

Triển khai ngay, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng. Đồng thời tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24 giờ đối với RT-PCR.

Xây dựng kế hoạch lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19; áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh.

COVID-19 8/8: Tác giả tấm hình trong chuyện amp;#34;BS Khoaamp;#34; rút ống thở của mẹ cứu sản phụ lên tiếng - 11

Với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), lấymẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 3 - 5 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình; lấy mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm RT-PCR, có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình; lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), thực hiện gộp mẫu.

Đối với các khu vực khác,Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình hoặc người được phép đi ra ngoài nhà (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu, khám bệnh chữa bệnh…).

Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu…

Trường hợp cần thiết, có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm. Tần suất lấy mẫu trong khu công nghiệp. Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

Tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm.

Bộ Y tế nêu rõ, đối với các địa phương không thực hiện dãn cách tiếp tục đẩy mạnh việc xét nghiệm theo các hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành.

(Theo Tiền Phong)

 Thực hư chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh
Từ tối hôm qua đến sáng nay 8/8, mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin một vị bác sĩ tên Khoa đã rút ống thở khi mẹ mắc COVID-19 diễn tiến nặng để cứu một sản phụ chuẩn bị sinh gây xôn xao dư luận.

Tin tức 24h

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h