COVID-19: Mỹ cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới, Trung Quốc ghi nhận những ca tử vong đầu tiên

H.A - Ngày 20/03/2022 12:15 PM (GMT+7)

rung Quốc vừa ghi nhận những ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên kể từ tháng 1-2021 trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lan rộng khắp đất nước đông dân nhất thế giới này.

6 diễn biến

Trung Quốc ghi nhận những ca Covid-19 tử vong đầu tiên sau hơn 1 năm

Trong thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia, 2 ca tử vong đều được ghi nhận ở tỉnh Cát Lâm vào ngày 18-3. Đây là tỉnh giáp biên giới Triều Tiên và Nga, nơi đang có làn sóng Covid-19. Trong năm 2021, Trung Quốc chỉ ghi nhận 2 ca tử vong vì Covid-19, ca cuối cùng là vào ngày 25-1. 

Hôm qua, 18-3, nước này báo cáo 2.228 ca mắc mới, giảm nhẹ so với 2.416 ca trong ngày trước đó. Trong số các ca mắc mới, 2.157 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 78% ca nhiễm được ghi nhận ở tỉnh Cát Lâm. 

Số ca nhiễm không có triệu chứng, vốn không được Trung Quốc xem là ca nhiễm được ghi nhận, là 1.823. Tính đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 128.462 ca nhiễm và 4.638 ca tử vong. 

Nhân viên y tế tại 1 điểm xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Nhân viên y tế tại 1 điểm xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Mặc dù đã có nhiều lần dịch bùng phát ở Trung Quốc bất chấp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của nước này, chỉ một số bệnh nhân bị bệnh nặng từ giữa năm 2021. Nhiều người mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng vẫn khỏi bệnh, ngay cả những bệnh nhân trên 60 tuổi và những người mắc các bệnh nền khác.

Hầu hết các trường hợp tử vong do Covid-19 ở Trung Quốc xảy ra khi virus này lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào đầu năm 2020. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt đã giúp ngăn chặn sự lây lan và xác định sớm các trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn được đưa đến các bệnh viện được chỉ định để điều trị bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Gần 90% trong số 1,4 tỉ dân của Trung Quốc đã được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đầy đủ và hơn 1/3 dân số được tiêm mũi tăng cường. Các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đang dần không có triệu chứng. Dù vậy, các quan chức và chuyên gia y tế đã cảnh báo về những ca tử vong không thể tránh khỏi khi dịch bệnh lan rộng khiến các bệnh viện và nhân viên y tế quá tải.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-ghi-nhan-nhung-ca-covid-19-tu-vong-dau-ti...

Mỹ cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới COVID-19

Ngày 18/3, cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sỹ Anthony Fauci, cảnh báo rằng trong vài tuần tới, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với hãng tin ABC News, Tiến sỹ Fauci nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới xu hướng giảm dần số ca mắc mới sẽ phần nào chững lại, thậm chí còn có thể gia tăng.”

Ông nêu rõ: "Liệu điều đó có dẫn đến một đợt tăng đột biến khác, hay có thể là một đợt tăng nhỏ hoặc trung bình hay không, những khả năng này vẫn chưa rõ ràng vì có rất nhiều diễn biến trong thời điểm hiện nay."

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi tới trường học tại New York, Mỹ, ngày 7/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi tới trường học tại New York, Mỹ, ngày 7/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ phơi nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày.

Dự báo của Tiến sỹ Fauci được đưa ra căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.

Trong khi đó, cùng ngày, cơ quan y tế Pháp khuyến cáo những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt nên được tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai, tức là mũi thứ 4.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/my-canh-bao-lan-song-lay-nhiem-moi-covid-19-16922031923443649...

Cà Mau chấn chỉnh việc F0 không được cấp thuốc, tự kê đơn điều trị

Chiều 19/3, theo thông tin từ Sở Chỉ huy phòng chống dịch bệnh tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Quốc Việt vừa có văn bản hỏa tốc về việc chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Theo đó, đối với các trường hợp F0 khi đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu ngành y tế và các địa phương cấp ngay túi thuốc điều trị Covid-19.

Cán bộ y tế lấy mẫu test nhanh Covid-19 để chủ động phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Cán bộ y tế lấy mẫu test nhanh Covid-19 để chủ động phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

“Trong trường hợp không phát thuốc khi có chỉ định của cán bộ y tế hoặc vì lý do khách quan thì phải tư vấn, giải thích rõ cho người dân hiểu. Khắc phục ngay tình trạng để người dân tự mua thuốc hoặc các F0 chia sẻ toa thuốc với nhau trong điều trị”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý.

Bên cạnh đó, thường xuyên, đột xuất kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những cơ sở y tế, nhân viên y tế và những cán bộ liên quan thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không sâu sát cơ sở, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của người dân.

“Xử lý nghiêm những cá nhân không tuân thủ quy định, nếu vi phạm đến mức kỷ luật thì phải xem xét, xử lý kỷ luật, không được kiểm điểm rút kinh nghiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Sở dĩ Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có chỉ đạo như trên là do gần đây, theo phản ánh của người dân qua đường dây nóng và các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy một số trạm y tế xã, phường, thị trấn có biểu hiện lơ là, đùn đẩy trách nhiệm.

Người bệnh không được cấp thuốc điều trị, nhưng cán bộ y tế không giải thích, hướng dẫn đến nơi, đến chốn, nhất là khâu tư vấn, phân loại bệnh, cấp thuốc uống miễn phí hoặc hướng dẫn cho người dân mua thuốc uống để điều trị kịp thời.

Từ đó, làm cho một số người bệnh giảm sút niềm tin, bức xúc đối với một số cán bộ y tế. Còn người bệnh lúng túng, bị động trong thực hiện quy định điều trị F0 tại nhà. Thậm chí, một số người dùng mạng xã hội bày tỏ sự bức xúc, tạo ảnh hưởng không tốt cho công tác phòng, chống dịch.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-mau-chan-chinh-viec-f0-khong-duoc-cap-thuoc-tu-ke-don-di...

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế quyết liệt thực hiện mua vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc mua vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và việc tiêm vắc-xin.

Về việc mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chủ động, quyết liệt thực hiện việc mua vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1674/VPCP-KGVX ngày 17-3 của Văn phòng Chính phủ.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: Minh Quyết

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em. Ảnh: Minh Quyết

Trước đó, ngày 10-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong văn bản 1487/VPCP-KGVX đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5-2-2022 của Chính phủ về việc mua vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.

Trước đó, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi mà Việt Nam sử dụng là vắc-xin Pfizer chứa 10 mcg kháng nguyên, bằng 1/3 so với liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên, mỗi trẻ tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/pho-thu-tuong-yeu-cau-bo-y-te-quyet-liet-thuc-hien-mua-vac-...

Giáo viên, học sinh mắc COVID-19 giảm mạnh, nhiều địa phương điều chỉnh thời gian đến trường

Hà Nội: Hầu hết các trường THCS và THPT trên địa bàn TP Hà Nội sẽ mở cửa trở lại dạy học trực tiếp từ 21/3

Theo bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tỷ lệ giáo viên và học sinh mắc COVID-19 giảm mạnh. Tình hình dạy học trực tiếp tại các trường thời gian qua vẫn đảm bảo và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của TP và ngành giáo dục. Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị trường học tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.

Các đơn vị, trường học thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về công tác phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của thành phố; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12, đặc biệt quan tâm đến học sinh khối lớp 9, lớp 12 và báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, phê duyệt theo quy định.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số địa phương đã điều chỉnh lịch học của học sinh. Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số địa phương đã điều chỉnh lịch học của học sinh. Ảnh minh họa

Ngay sau khi nhận thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT cho biết sẽ chỉ đạo các trường THCS cho học sinh các khối lớp 7,8,9 đi học trở lại trong tuần tới, gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Lãnh đạo các trường THPT cũng cho biết đã xây dựng thời khóa biểu, lên kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp trở lại trong tuần tới.

Học sinh tiểu học tại TP. Bắc Ninh sẽ quay lại trường học trực tiếp vào ngày mai

Phòng GD&ĐT TP. Bắc Ninh vừa có văn bản về việc tổ chức dạy học thích ứng, linh hoạt và đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả tại các trường Tiểu học, Liên cấp trên địa bàn thành phố. Theo đó, các cơ sở giáo dục cho học sinh đi học trực tiếp từ ngày 21/3, tổ chức dạy học 1 ca vào buổi sáng. Các trường phải chuẩn bị điều kiện đảm bảo an toàn trong phòng chống, dịch COVID-19 để đón học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của BCĐ phòng, chống dịch các cấp, hướng dẫn của ngành Y tế và của Sở GD&ĐT. Điều chỉnh kế hoạch giáo dục, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra, linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học đảm bảo an toàn, phù hợp...

Từ 21/3, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ đi học trực tiếp trở lại

Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, nhằm chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng cho học sinh cuối cấp tham gia các kỳ thi tuyển sinh cuối năm học 2021-2022, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên toàn tỉnh sẽ đi học trực tiếp tại trường từ thứ hai, ngày 21/3.

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các đơn vị phải sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường học trực tiếp để củng cố, ôn tập, phụ đạo, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng giúp các em học sinh lớp 9, lớp 12 có kết quả tốt nhất trong các kỳ thi sắp đến. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của ngành GD&ĐT, Y tế về công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Nghệ An: Học sinh ở các bậc học đi học trực tiếp từ 4/4

Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Theo đó, để tiếp tục tổ chức chuyển đổi trạng thái hoạt động linh hoạt, phù hợp, thích ứng với dịch bệnh COVID-19, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; Sở GD&ĐT Nghệ An dự kiến sẽ tổ chức cho học sinh ở các bậc học trở lại học trực tiếp từ ngày 4/4.

Nhiều địa phương linh hoạt các hình thức giảng dạy

TP.HCM điều chỉnh hoạt động giáo dục trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các Phòng GD&ĐT TP.Thủ Đức, 21 quận huyện và các cơ sở giáo dục trực thuộc về việc không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, ngoại khóa bên ngoài nhà trường cho học sinh, sinh viên cho đến khi có thông báo mới.

Thông báo trên được đưa ra căn cứ vào tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Sở GD&ĐT đề nghị thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, công tác phòng chống dịch theo quy định khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường.

Tuyên Quang: UBND tỉnh chỉ đạo, từ ngày 21/3, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, trẻ em mầm non nghỉ học; học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tuyến; học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 và học viên giáo dục thường xuyên tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trước việc số ca F0 trong học sinh và giáo viên tăng cao, tỉnh Cà Mau quyết định cho cấp học mầm non dừng đến trường từ 17/3 đến khi có thông báo mới. Các huyện, thành phố, căn cứ tình hình thực tế có thể chọn 1-2 điểm trường trung tâm trên địa bàn đảm bảo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch COVID-19 để nuôi dạy trẻ theo nhu cầu của phụ huynh. Từ lớp 8 đến lớp 12 (kể cả Giáo dục thường xuyên) tiếp tục tổ chức dạy và học trực tiếp theo quy định. Đối với học sinh lớp 1 - 7, chuyển sang học trực tuyến.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/giao-vien-hoc-sinh-mac-covid-19-giam-manh-nhieu-dia-phuong-di...

Cà Mau: Ngày đầu triển khai cho F0 đi làm chưa ghi nhận phức tạp

Chiều 18-3, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay qua một ngày thực hiện cho F0 đi làm chưa ghi nhận phản ánh phức tạp nào từ người dân và doanh nghiệp.

"Trong vài ngày nữa mới có số liệu F0 đi làm và đánh giá tình hình triển khai thực hiện việc này"- ông Luân nói qua điện thoại. 

Ngày đầu tiên cho F0 đi làm, Cà Mau chưa ghi nhận phức tập nào, số ca nhiễm trong ngày giảm hơn hôm trước 600 người. Ảnh: TRẦN VŨ

Ngày đầu tiên cho F0 đi làm, Cà Mau chưa ghi nhận phức tập nào, số ca nhiễm trong ngày giảm hơn hôm trước 600 người. Ảnh: TRẦN VŨ

Chủ tịch thành phố Cà Mau, ông Lê Tuấn Hải cũng cho biết tương tự, rằng do mới triển khai nên số liệu người đang F0 đi làm vẫn chưa thống kê được. Tất nhiên việc này sẽ được thống kê, cập nhật bởi hệ thống y tế xã, phường, có giám sát, theo dõi việc thực hiện an toàn và hiệu quả. 

Trong báo cáo ngày về tình hình COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ngày 18-3 cũng chưa thể hiện số F0 đi làm. Về số ca nhiễm trong ngày tại Cà Mau là 3.160 ca, thấp hơn hôm qua gần 600 ca. 

Theo báo cáo, các nhân viên y tế ở trạm y tế lưu động đang quá tải công việc. Bình quân mỗi nhân viên đang quản lý hỗ trợ điều trị cho 77 F0 tại nhà. Cá biệt tại huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau, hiện mỗi nhân viên y tế phải lo cho 107 F0. 

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, các nhân viên y tế tỉnh Cà Mau trong tình trạng quá tải công việc, rất cần những tình nguyện viên tham gia vào các trạm y tế lưu động. 

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/ca-mau-ngay-dau-trien-khai-cho-f0-di-lam-chua-ghi-nhan-phuc-tap-...

Xưa nhà nghèo ăn thứ rau dại này cứu đói, nay thành đặc sản hảo hạng bao nhiêu cũng hết
Sầu đâu là một loài cây được trồng phổ biến ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Khi xưa, đây là thứ rau dại có mặt trong bữa cơm người nghèo, nay...

Sản phẩm tiêu dùng

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Sáng nay (18/11), giá vàng miếng SJC niêm yết 83,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn quanh mức 82 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau 1 tuần mua...

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19