Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đánh giá dịch còn kéo dài, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ TƯ kiến nghị tiếp tục cách ly xã hội.
* Tiếp tục cập nhật
Kiến nghị kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần để chống dịch Covid-19
Sáng 13/4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tiếp tục họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tại cuộc họp, ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội dập ổ dịch thôn Hạ Lôi - cho rằng, thực hiện biện pháp cách ly xã hội là vô cùng quan trọng trong thời điểm này.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Theo ông Dương, tuần qua, trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới, đặc biệt là xuất hiện ổ dịch phức tạp tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (Hà Nội) với 10 truờng hợp mắc, nhiều trường hợp có liên quan, vì vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng.
Ngoài ra, ông Dương cho biết thêm, cách ly xã hội chính là biện pháp không để dịch bệnh lây lan. Trong trường hợp dịch bệnh có lây thì chỉ ở một điểm, không có khả năng lây lan ra khu vực khác. Do vậy, ông đề nghị TP Hà Nội phải làm quyết liệt hơn nữa biện pháp cách ly xã hội.
Ông Dương cho rằng, cần thêm ít nhất 1 tuần nữa để thực hiện việc giãn cách xã hội. Nhưng phải làm quyết liệt, nếu kéo dài mà không quyết liệt sẽ không hiệu quả. Việc phải kéo dài hơn nữa thời gian cách ly xã hội để bảo vệ thành quả hiện nay, chứ không chỉ dừng lại vào ngày 15/4 tới.
"Điểm nóng" Philippines: Số người chết vì Covid-19 tăng kỷ lục lên gần 300
Straits Times dẫn thông tin từ Bộ Y tế Philippines cho biết chỉ trong ngày 12/4, nước này đã ghi nhận 50 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại đây lên 297 ca.
Cùng ngày, Philippines cũng có thêm 220 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh tại đây lên 4.648 người.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giới chức y tế Philippines bắt đầu mở rộng xét nghiệm sàng lọc từ ngày 14/4, điều này dự kiến sẽ khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt.
Dịch COVID-19 ở Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp
Philippines ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 30/1. Nước này không thể thực hiện xét nghiệm virus quy mô lớn do thiếu nghiêm trọng bộ dụng cụ. Philippines đã nhận thêm hàng chục nghìn bộ xét nghiệm Covid-19, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Singapore. Một trường đại học tại nước này hiện cũng đã có thể tự sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm virus.
Bộ trưởng Nội các Philippines – ông Karlo Nograles, cho biết, chính phủ đang có kế hoạch thực hiện 10.000 xét nghiệm/ngày kể từ ngày 20.4 và tăng lên gấp đôi từ ngày 27.4.
Tại Indonesia: Ngày 12/4, nước này ghi nhận thêm 399 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước này lên 4.241 người. Tổng số người tử vong vì Covid-19 tại Indonesia hiện đã lên tới 373 trường hợp.
Tại Malaysia: Ngày 12/4 nước này cũng ghi nhận thêm 153 trường hợp nhiễm Covid-19 mới trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm virus của nước này lên 4.683 người – vẫn cao nhất Đông Nam Á. Đáng chú ý, tổng số người vong vì Covid-19 tại Malaysia là 76 trường hợp, ở mức khá thấp so với tổng số ca nhiễm.
Tại Singapore: Cuối ngày 12/4, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 233 ca nhiễm mới, bao gồm 51 trường hợp từ các ổ dịch, 15 trường hợp liên quan đến các ca nhiễm khác. Tổng cộng Singapore hiện có 2.532 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 365 ca nhiễm liên quan đến khu ký túc xá S11. Singapore cũng thông báo thêm 7 ổ dịch, 167 ca nhiễm mới đang chờ truy tìm nguồn gốc. Đến nay, Singapore ghi nhận 8 ca tử vong vì dịch Covid-19.
Gần 22.000 người tử vong, dịch COVID-19 tại Mỹ chưa có dấu hiệu giảm
Sáng nay 13/4, Mỹ ghi nhận có thêm 1.528 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 22.105. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp Mỹ chứng kiến số ca tử vong trong ngày ở mức trên 1.000 người.
Hiện Mỹ đang có tổng số 560.425 ca nhiễm Covid-19, tăng 27.546 trường hợp so với một ngày trước đó. Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới cả về số ca tử vong và ca mắc bệnh COVID-19.
Đường phố New York không một bóng người giữa dịch Covid-19.
42 trong tổng số 50 bang ở Mỹ hiện đã áp đặt quy định bắt buộc người dân ở nhà. Điều này khiến hàng triệu người Mỹ không thể đến nhà thờ dịp Lễ Phục sinh vào đúng ngày Chủ nhật (12.4).
Hầu hết các nhà thờ đều đóng cửa, những cây thánh giá được dựng bên ngoài và linh mục thậm chí còn sẵn sàng làm lễ cho các tín đồ lái xe qua
Nhiều người Mỹ chuyển sang theo dõi nhà thờ hành lễ trên mạng, trong ngày được coi là linh thiêng nhất của Kitô giáo.
Các nước châu Âu dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường
Tại Tây Ban Nha: Trong 24 giờ qua đã tăng thêm 603 người tử vong. Đến sáng nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Tây Ban Nha là 17.209 người, trong khi tổng số trường hợp mắc bệnh cũng tăng lên 166.831 người.
Ở Pháp: Tính đến rạng sáng 13/4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.393 bệnh nhân (tăng 561). Tổng số bệnh nhân nhiễm là 132.591 ca, nhiều thứ 3 châu Âu, trong đó có 2.937 ca bệnh mới. Bên cạnh 27.186 người đã khỏi bệnh và ra viện, Pháp ước tính hàng chục nghìn ca nhiễm virus khác đang phải tự cách ly và điều trị bệnh tại nhà.
Đức: Ghi nhận thêm 151 ca tử vong trong ngày 12/4, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên 3.022.
Tại Anh: Số người tử vong đã vượt mốc 10.000 người. Trong khi tổng số ca mắc bệnh là 84.279, tăng 5.293 trường hợp so với ngày 11/4. Nước Anh đã ghi nhận 10.612 người thiệt mạng do dịch bệnh COVID-19, tăng 737 ca so với một ngày trước. Anh trở thành một trong những nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.
Nga ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này vượt ngưỡng 15.000 người, riêng thủ đô Moskva vượt 10.000 người. Cụ thể, tổng số trường hợp lây nhiễm ở Nga đang là 15.770 người (tăng 16,1% trong ngày) tại 82 chủ thể liên bang.
Công nhân SamSung Bắc Ninh nhiễm COVID-19 tự cách ly từ ngày 7/4
Sáng 13/4, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca mắc mới COVID-19, trong đó ca bệnh số 262 là công nhân làm việc tại nhà máy Sam Sung Bắc Ninh. Theo thông tin từ công ty Sam Sung Việt Nam, bệnh nhân số 262 làm việc tại bộ phận Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam.
Từ ngày 7/4, nhân viên này đã không đi làm và cách ly tại nhà. Với sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam đã tiến hành xác định đối tượng tiếp xúc F1 và F2 để cách ly đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch.
Khu cách ly y tế tập trung tại Bắc Ninh. Ảnh Internet.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện tại lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ phân xưởng nơi nhân viên trên làm việc. Sáng ngày 13/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu cách ly bắt buộc khoảng 40 người được xác định là F1, có tiếp xúc gần với bệnh nhân trên.
Đồng thời, yêu cầu hàng trăm công nhân tại phân xưởng, những người đi cùng xe với người bệnh cách ly tại chỗ, tuyệt đối không di chuyển đến các địa phương khác.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh nhân 262 là nam giới, 26 tuổi, trú tại xóm Chợ, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 27/3, bệnh nhân có tiếp xúc gần với BN254 (là bác của bệnh nhân) đến ngày 31/3, bệnh nhân có xuất hiện ho khan, sốt.
Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4 và xét nghiệm ngày 12/4 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Gần 1.000 công dân, du học sinh Việt Nam tại Mỹ đăng ký về nước
Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, ngày 10-4 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã tham gia chương trình trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ với Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam (TNSV) tại Mỹ về tình hình dịch bệnh Covid-19, và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam tại Mỹ.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc trao đổi cùng Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam tại quốc gia này - Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ
Đến nay, chính quyền Mỹ không có chính sách bắt buộc công dân hay du học sinh nước ngoài phải rời khỏi Mỹ. Về vấn đề đang được dư luận quan tâm là việc triển khai các chuyến bay thương mại để đưa công dân, du học sinh Việt Nam về nước, Đại sứ cho biết, hiện Chính phủ đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án trên cơ sở bảo đảm phù hợp với năng lực cách ly tập trung ở trong nước, điều trị y tế và diễn biến kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể về các đối tượng ưu tiên khi thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
Hiện nay, Đại sứ quán và các Cơ quan đại diện tại Mỹ đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Đại sứ cũng đề nghị công dân Việt Nam, các bạn du học sinh cần bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn của sở tại về phòng ngừa dịch bệnh, giãn cách xã hội và nên tiếp tục ở lại sở tại nếu điều kiện cho phép. Đại sứ cảm ơn các bậc phụ huynh đang tiếp tục là hậu phương vững chắc, nguồn động viên quý báu để các bạn du học sinh trụ lại trong thời điểm khó khăn này. Đại sứ cũng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hội TNSV tại Mỹ đã chủ động, tích cực có các biện pháp hỗ trợ du học sinh và sự chia sẻ, hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ với nhiều trường hợp đang gặp khó khăn.