Một tài liệu của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) bị rò rỉ, hé lộ kế hoạch nước Mỹ mở cửa trở lại trước ngày 1-5. Trong khi đó, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong.
Đứng đầu thế giới về ca nhiễm và tử vong, Mỹ lên kế hoạch táo bạo
Theo tài liệu đề ngày 10-4 nêu trên, từ ngày 1-5 đến ngày 15-5 sẽ xúc tiến việc sản xuất hàng loạt bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ. Sau đó, cuộc sống sẽ trở lại bình thường tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương.
Một báo cáo phản hồi của CDC có trong tài liệu bị rò rỉ cho biết ưu tiên là mở lại các cơ sở cộng đồng chăm sóc trẻ em, bậc tiểu học và trung học và trại hè địa phương, cho phép lực lượng lao động trở lại làm việc.
Vào ngày 14-4, Tổng thống Donald Trump cho biết tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng rằng kế hoạch mở cửa lại đất nước đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, ông Trump khi đó không đề cập về cách thức và thời điểm mở lại đất nước. Trước đó, hồi tháng 3, ông mong muốn mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ vào lễ Phục sinh. Nhà Trắng cho biết là đang chuẩn bị các kế hoạch riêng và dự kiến sẽ sớm công bố các kế hoạch đó.
Bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2 ở Washington. Ảnh: Reuters
Trong tuần này, 10 bang đang phối hợp thúc đẩy kế hoạch để các doanh nghiệp bị đóng cửa vì dịch COVID-19 hoạt động trở lại của Nhà Trắng. Ba bang ở bờ Tây và 7 bang ở bờ Đông này tổng cộng tạo ra 38,3% GDP - tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý 4 năm 2019, cho thấy mức độ nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào các bang đông dân nhất.
Giữa lúc rục rịch mở cửa trở lại, Tổng thống Trump bày tỏ phấn khích khi số ca nhiễm COVID-19 mới ở nhiều nơi tăng chậm lại và cho biết Mỹ đã qua đỉnh dịch xét về số ca nhiễm mới, mặc dù số ca tử vong vẫn còn cao. Ông Trump cho biết sẽ công bố "các chỉ đạo mới" về việc mở lại nền kinh tế tại một cuộc họp báo trong ngày 16-4.
"Số ca nhiễm mới đang xuống dốc ở khu đô thị New York. Các ca nhiễm ở khu đô thị Detroit và Denver đang ở đà phẳng. Thủ đô Washington DC, Baltimore và Philadelphia đang cho thấy các dấu hiệu tiến bộ lớn và số ca nhiễm mới ở Houston cũng như New Orleans đang thấp đi" – ông Trump nói.
Ông Trump nói thêm rằng một số bang có thể mở cửa trở lại trước ngày 1-5. Tuy nhiên trong buổi họp báo, tiến sĩ Deborah Birx - người điều phối công tác chống dịch COVID-19 của chính phủ liên bang – tỏ ra thận trọng nhắc nhở mọi người "đây là một loại virus rất dễ lây lan".
Hoa được đặt ở thanh chắn gần các xe tải đông lạnh đang chứa thi thể nạn nhân COVID-19 ở Brooklyn, New York. Ảnh: New York Times
Trái với thái độ lạc quan của ông Trump, Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết ông sẽ ban hành sắc lệnh yêu cầu mọi người dân toàn bang phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng nếu họ không thể giữ khoảng cách 1,8 m.
Yêu cầu này là một phần trong sắc lệnh đặc biệt có hiệu lực từ ngày 18-4 và là một bước đi quyết liệt của bang New York để kiềm chế dịch COVID-19. Các quan chức y tế đã kêu gọi mọi người kết hợp che mặt với việc tuân thủ các quy định giữ khoảng cách xã hội, và cho biết hai việc này không thay thế cho nhau.
752 người được ghi nhận tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua tại bang New York nhưng ông Cuomo cho biết đã có những tín hiệu khả quan khi số bệnh nhân nhập viện trung bình trong 3 ngày qua giảm 0,7% so với 3 ngày trước đó. Toàn bang ghi nhận 11.586 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát nhưng con số này không bao gồm hơn 3.000 người tử vong tại TP New York mà không xét nghiệm dương tính với COVID-19 - những người giờ đây được coi là nạn nhân của đại dịch.
Đến sáng nay16/4, Mỹ đã tăng thêm 30.206 ca nhiễm, 2.482 ca tử vong trong bối cảnh thế giới vượt qua ngưỡng hơn 2 triệu người nhiễm COVID-19 và gần 135.000 ca tử vong.
Tổng số ca nhiễm của Mỹ đã lên tới 644.089 và 28.529 ca tử vong, gấp hơn 8 lần Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh. Số ca tử vong ở Mỹ đang chiếm 20% toàn cầu trong khi dân số nước này chiếm khoảng 4% của thế giới.
Việt Nam: Thêm 2 bệnh nhân khỏi bệnh, trong đó có người từng xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính khi điều trị
Ngày 16/4/2020, tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, 02 bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện dã chiến 2 tỉnh Quảng Ninh được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 173 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
- Bệnh nhân 52, nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 13/3/2020. Trong quá trình điều trị bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 13/4/2020; lần 2 vào ngày 14/4/2020 và lần 3 vào ngày 15/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Được biết, trước đó nữ bệnh nhân này từng có những lần xét nghiệm âm tính, xong lại dương tính trong quá trình điều trị. Sau khi được công bố khỏi bệnh, nữ bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, cách ly trong vòng 14 ngày.
- Bệnh nhân 149, nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Na, vào viện ngày 25/3/2020. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 13/4/2020; lần 2 vào ngày 14/4/2020 và lần 3 vào ngày 15/4/2020.
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Các nước châu Âu
Anh ghi nhận thêm 761 người chết vì COVID-19 trong vòng 24h qua, mức tăng thấp hơn so với ngày hôm trước, nâng tổng số ca tử vong lên 12.868 trong số 98.476 ca nhiễm. Bộ Y tế Anh biết 313.769 người đã được xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 98.476 người dương tính, tăng 4.603 ca.
Italy thêm 2.667 ca mắc mới và 578 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 165.155 trong đó có 578 ca tử vong. Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em.
Pháp tính đến hết ngày 15/4 là 147.863 sau khi ghi nhận thêm 4.560 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 1.438 nâng tổng số ca tử vong lên 17.176. Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ thưởng cho các nhân viên y tế để điều trị cho bệnh nhâm mắc COVID-19. Các nhân viện tại bệnh viện sẽ được nhận 500 euro và những người làm việc trực tiếp tại các khu vực bị ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 sẽ nhận được 1.500 euro.
Số ca mắc COVID-19 tại Đức là 134.753 trường hợp. Đến sáng nay, nước này ghi nhận thêm 2.543 ca mắc mới và 309 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 3.804. Thủ tướng Merkel cho biết các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ liên bang áp đặt trên toàn quốc kể từ hôm 23/3 bước đầu đã có hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tây Ban Nha ca mắc COVID-19 đã lên tới 189.659 sau khi nước này ghi nhận thêm 6.599 trường hợp. Tây Ban Nha hiện là "ổ dịch" lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do COVID-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 18.812 sau khi ghi nhận thêm 557 trường hợp 24 giờ qua.
Các nước châu Á
Hàn Quốc đã hoàn tất cuộc bầu cử Quốc hội trong bối cảnh những nỗ lực xét nghiệm và kiểm dịch nhanh chóng trên diện rộng đã làm chậm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở nước này. Hàn Quốc hiện ghi nhận 27 ca mắc mới 5, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc lên 10.591 ca, trong đó có 225 ca tử vong.
Nhật Bản hiện đã có tổng số 8.626 ca mắc, trong đó có 178 người tử vong. Bộ Y tế Nhật Bản ngày hôm qua 15/4 cho biết, sẽ có hơn 400.000 người tử vong do COVID-19 tại nước này nếu Nhật Bản không siết chặn các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Báo cáo cũng cho biết, khoảng 850.000 bệnh nhân có thể cần máy thở.
Khu vực Đông Nam Á
Malaysia ghi nhận 5.072 ca mắc, trong đó có 83 ca tử vong. Indonesia có 5.136 ca mắc và 469 ca tử vong. Philippines có 5.453 ca mắc và 349 ca tử vong. Con số này ở Singapore là 3.699 và 10. Còn ở Thái Lan, ghi nhận có 2.643 ca mắc, 43 ca tử vong.
Singapore ghi nhận số ca kỉ lục trong ngày
Bộ Y tế Singapore ngày 15/4 cho biết nước này có thêm 447 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.699. Đây là số ca kỉ lục trong một ngày của Singapore từ đầu dịch đến nay.
Theo Reuters, 404 trong số 447 ca nhiễm mới công bố ngày 15/4 liên quan tới các khu vực cư trú dành cho công nhân nhập cư.
Tại Việt Nam, tính đến sáng 16/4 có 268 ca nhiễm. Chiều ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 về việc tiếp tục xã hội đối với 12 tỉnh thành có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Theo đó 12 tỉnh thành bao gồm: TP.HCM, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh và Hà Tĩnh.
Với nhóm các tỉnh, thành có nguy cơ cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài 12 tỉnh thành trên, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng đã đưa ra danh sách các tỉnh có nguy cơ trung bình lây lan dịch bệnh. 15 tỉnh thành có nguy cơ trung bình bao gồm: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp. Đối với nhóm nguy cơ này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo Chỉ thị 15 và kết hợp một số nội dung của Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4.Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp về tình hình lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đối với nhóm này, lãnh đạo các tỉnh thành quyết định việc giãn cách xã hội, đồng thời nghiêm túc thực hiện các biện pháp chống dịch.
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ rất nhiều tỉnh dù được nhận định có nguy cơ thấp về lây lan dịch bệnh nhưng Chủ tịch UBND các tỉnh vẫn đưa ra nhiều biện pháp mạnh nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Điểu hình như UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn hỏa tốc số 2278 ngày 15/4 về việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTG ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của UBND tỉnh đã ban hành về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho đến khi có thông báo mới của Chủ tịch UBND tỉnh”, nội dung công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Nghệ An.
Cũng trong ngày 15/4, UBND tỉnh Thái Bình đã có Công điện hỏa tốc của UBND về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các cơ quan chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ (trừ các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu), các dịch vụ vui chơi, giải trí chưa được phép hoạt động trở lại. Bảo đảm thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và đeo khẩu trang tại nơi công cộng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trưởng hợp thật sự cần thiết...cho đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Còn tại Thanh Hóa dù cũng được xếp vào nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp, nhưng ngày 15/4 UBND tỉnh này đã Công điện khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 30/4/2020, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; thực hiện giãn cách trên 2m khi tiếp xúc giữa người với người tại nơi công cộng; thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Các hoạt động như vận chuyển hành khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt… cũng sẽ dừng hoạt động. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, không tổ chức phục vụ khách hàng ăn, uống tại cơ sở (kể cả ăn sáng, uống bia), khuyến khích cung cấp các suất ăn, uống theo địa chỉ của khách hàng…