Giới chuyên gia y tế cho rằng, tình hình dịch Covid-19 tại quốc gia này đang tái hiện những gì đã xảy ra tại Italia – nước có tỷ lệ tử vong vì virus cao nhất châu Âu.
Quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ lặp lại khủng hoảng như Italia
Với 469 người tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 17.4, Indonesia là quốc gia có số trường hợp tử vong do virus cao nhất khu vực Đông Nam Á. Mặc dù đã thực hiện một số biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, số người nhiễm và tử vong trong dịch bệnh của Indonesia vẫn gia tăng từng ngày và các chuyên gia y tế thậm chí chưa thể nhận định được về thời điểm đỉnh dịch.
Theo các nhà phân tích và chuyên gia y tế, diễn biến dịch Covid-19 tại Indonesia trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ giống với Italia.
Đào hố chôn cất nạn nhân Covid-19 tại Indonesia
Vào tháng 2 tại Italia, trong khi dịch bệnh vẫn đang âm thầm lây lan tại khu vực giàu có phía Bắc của đất nước, người dân vẫn tiếp tục tụ tập tại các quán cà phê, quán bar bất chấp các khuyến cáo về hạn chế tiếp xúc xã hội. Lệnh phong tỏa cả nước được ban hành chậm trễ do lo ngại ảnh hưởng kinh tế đã khiến Italia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Đến tháng 3, số ca nhiễm Covid-19 tại Italia đã bất ngờ tăng vọt không thể kiểm soát. Với 22.170 người tử vong vì dịch bệnh tính đến ngày 17.4, Italia là quốc gia có số nạn nhân Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Từ việc phân tích dữ liệu theo phương pháp mô hình hóa dịch bệnh, các chuyên gia y tế tại Indonesia đang cảnh báo dịch Covid-19 tại nước này đang đi theo con đường tương tự như Italia.
“Số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia có thể lên tới 95.000 người trong khoảng từ tháng 5 – 6”, ông Wiku Adisasmito, cố vấn y tế cho chính phủ Indonesia cảnh báo hôm 16.4.
Một cảnh báo khác của Đại học Indonesia cho biết, hơn 140.000 người dân nước này có thể tử vong vì Covid-19 nếu như chính phủ không thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn.
“Đây sẽ có thể là một Italia thứ 2 nếu như chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhẹ tay”, Iwan Ariawan, chuyên gia y tế của Đại học Indonesia, nhận xét.
Mỹ: 37.000 người chết vì Covid-19, Tổng thống và thống đốc "khẩu chiến"
Tính đến chiều 17/4, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ lên xấp xỉ 37.000 người, tăng hơn 2.300 ca so với một ngày trước đó. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên gần 707.000 ca.
Mỹ hiện là quốc gia có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Thế giới hiện ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 150.000 trường hợp đã tử vong, gần 600.000 người được chữa khỏi các triệu chứng.
Kế hoạch nới lỏng phong tỏa, nối lại hoạt động kinh tế tiếp tục là vấn đề gây bất đồng quan điểm giữa Tổng thống Trump và các thống đốc bang.
Tổng thống Donald Trump và thống đốc New York
Tổng thống Trump hôm qua đã chỉ trích 4 thống đốc Dân chủ vì cách ứng phó đại dịch. Ông đồng thời cũng kêu gọi "giải phóng" lệnh cách ly xã hội tại một số bang. "Giải phóng Michigan! Giải phóng Minnesota! Giải phóng Virginia", ông Trump viết trên Twitter. Ba bang này đều là những bang quan trọng trong chiến dịch vận động tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng. Đáp lại lời kêu gọi này, Thống đốc Michigan, bà Gretchen Whitmer nói: "Chúng tôi sẽ kích hoạt lại nền kinh tế khi cảm thấy an toàn".
Cùng ngày, tại một cuộc họp báo, Thống đốc New York Andrew Cuomo chỉ trích cách ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống Trump. Vị thống đốc Dân chủ này nói rằng, chủ nhân Nhà Trắng "có thể nên thức dậy và làm việc" thay vì xem truyền hình. Ông Cuomo cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump "thiên vị" ngành hàng không và một số ngành khác trong gói cứu trợ mới đây khiến ngân sách hỗ trợ các bang còn rất ít.
Mỹ muốn tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán bị nghi phát tán COVID-19
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trên Fox News: "Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc cho phép các chuyên gia vào phòng thí nghiệm để có thể xác định chính xác nơi bắt nguồn của virus SARS-CoV-2". Để xác định xem SARS-CoV-2 có phải xuất xứ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh "cần minh bạch" về những gì họ biết.
Cho đến nay, nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19 vẫn là một bí ẩn. Hồi đầu tuần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho biết các thông tin tình báo cho thấy có khả năng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, dù vẫn chưa chắc về khả năng nào.
Nhân viên nhà ga TP Vũ Hán theo dõi thân nhiệt hành khách sau khi chính thức dỡ phong tỏa.
Cũng trong ngày 17/4, Pháp cho biết tới nay không có bằng chứng có sự liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 và công việc của phòng thí nghiệm nghiên cứu P4 thuộc Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva - Thuỵ Sĩ, chuyên gia dịch bệnh thuộc tổ chức này, bà Maria Van Kerkhove, cho biết WHO đã nhận được đầy đủ báo cáo từ phía Trung Quốc về việc bổ sung thêm 325 ca nhiễm bệnh và 1290 ca tử vong vì Covid-19 tại TP Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo bà Maria Van Kerkhove, trong báo cáo của mình, Trung Quốc cho rằng việc điều chỉnh này là để không lọt những ca chưa được thống kê từ các nhà tang lễ, các phòng khám, các trung tâm giam giữ cũng như các nhà dưỡng lão.
Thụy Điển: Số ca tử vong vì Covid-19 gấp 17 lần nước láng giềng
Theo New York Post, Thụy Điển hôm 16/4 ghi nhận thêm 613 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia châu Âu này lên con số 12.540. Trong khi đó, số ca tử vong mới vì Covid-19 của Thụy Điển là 120, đưa tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 1.333.
Tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển lớn hơn nhiều lần so với 3 nước láng giềng là Đan Mạch (321 ca, gấp hơn 4 lần), Na Uy (150 ca, gấp gần 9 lần) và Phần Lan (75 ca, gấp hơn 17 lần).
Số ca nhiễm ở châu Âu đang tăng mạnh
Khi đại dịch Covid-19 lan rộng ở châu Âu, Đan Mạch và Na Uy đã phản ứng nhanh chóng khi đóng cửa biên giới và các trường học. Phần Lan cũng đóng cửa hầu hết trường học và phong tỏa các khu vực đô thị chính.
Trong khi đó, Thụy Điển chỉ kêu gọi người dân chịu trách nhiệm về giãn cách xã hội thay vì phong tỏa toàn quốc như nhiều nước trên thế giới.
Bất chấp việc quốc gia châu Âu với 10,2 triệu dân vừa có thêm 130 người tử vong vì Covid-19 hôm 16/4, Tegnell cho rằng vẫn có điểm tích cực tại Thụy Điển.
"Chúng tôi dự đoán về một đợt tăng lớn vào thời điểm Lễ Phục sinh nhưng điều đó không xảy ra. Chúng tôi vẫn ở mức độ lây nhiễm như 2 tuần trước", Tegnell cho biết.
Trong khi giới chức y tế Thụy Điển cho biết họ đang trong quá trình kiểm soát được dịch Covid-19, nhiều nhà khoa học và chuyên gia lây nhiễm đã gióng hồi chuông cảnh báo với cách đối phó dịch bệnh của quốc gia châu Âu này.
Trung Quốc nói gì về việc Vũ Hán sửa dữ liệu, tăng số ca tử vong gấp rưỡi
Trong cuộc họp báo ngắn được tổ chức vào ngày 17/4, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Triệu Lập Kiên, nhấn mạnh, việc sửa đổi số người tử vong do Covid-19 của Vũ Hán là kết quả của quá trình xác minh dữ liệu thống kê để đảm bảo chính xác và là điều bình thường trên thế giới.
Ông Triệu Lập Kiên khẳng định, Trung Quốc chưa bao giờ che đậy thông tin về sự bùng phát của Covid-19 và chính phủ nước này cũng không cho phép điều đó xảy ra.
Trung Quốc khẳng định không có sự che đậy thông tin về dịch Covid-19
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích, việc sửa đổi số liệu của Vũ Hán là để đáp lại mối quan tâm chung của toàn xã hội, cho thấy sự minh bạch về thông tin của Trung Quốc cũng như uy tín của chính phủ. Thêm vào đó, động tác này cũng có vai trò trong phòng chống dịch bệnh và đưa ra những quyết sách dựa trên khoa học.
“An toàn sức khỏe là nhu cầu cơ bản và mong muốn của tất cả người dân. Trung Quốc chưa từng che đậy thông tin về sự bùng phát của Covid-19 và chính phủ cũng không cho phép bất cứ sự che đậy nào”, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.