Theo Bộ Y tế, số lượng nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm là 248 người, ngoại trừ 2 ca bệnh dương tính là bệnh nhân 86 và 87, tất cả đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
248 nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai đều âm tính với COVID-19
Liên quan đến 2 ca mắc COVID-19 là nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, chiều 20-3, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hai ca bệnh mắc bệnh là bệnh nhân 86 và 87 không phải là trường hợp lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Theo PGS Nguyễn Trường Sơn, ngày 6-3, bệnh nhân số 86 có đi du lịch cùng gia đình đến Côn Đảo, sau đó trở về Hà Nội. Hai ngày sau bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực, do có tiền sử tăng huyết áp nên bệnh nhân đã vào Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) khám và điều trị, ngày 19-3 được xuất viện. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân luôn đeo khẩu trang. Bệnh nhân được cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) và xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân thứ 87, trước đó nữ điều dưỡng này làm nhiệm vụ phân loại các trường hợp người bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 tại phòng khám của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 18-3, bệnh nhân có các triệu chứng như: Mệt, ho, sốt, khó thở nhẹ. Bệnh nhân được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2), và xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế
"Sau khi truy tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận thấy có mối quan hệ nhân - quả giữa hai trường hợp này. Hai nhân viên y tế có đặc điểm là ở hai phòng gần nhau, có những sinh hoạt chung như: Ăn, nghỉ nhiều lần cùng nhau trong thời gian vừa qua. Do đó, việc bệnh nhân 86 mắc bệnh và sau đó lây sang bệnh nhân 87 là hiện tượng lây nhiễm bình thường như trong cộng đồng khi có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính (F0). Đây hoàn toàn không phải trường hợp lây nhiễm chéo trong bệnh viện"- PGS Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Cũng theo Bộ Y tế, đến chiều 20-3, số lượng nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm là 248 người, ngoại trừ 2 ca bệnh dương tính nói trên, tất cả đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng nhân viên y tế là những chiến sĩ trên tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19, do đó nguy cơ lây nhiễm, rủi ro là rất cao. Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng đoàn kết, ủng hộ tinh thần và tiếp thêm sức mạnh để các thầy thuốc - những người chiến sĩ đang ở tuyến đầu tiếp tục đứng vững trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế thông báo khẩn tìm hành khách trên 2 chuyến bay về TP HCM
Tối 19-3, Bộ Y tế có thông báo khẩn lần thứ 6 tới hành khách trên 2 chuyến bay tới TP HCM mới đây.
Theo đó, Bộ Y tế thông báo đã xác định được các chuyến bay sau có hành khách mắc COVID-19, bao gồm:
- NH831 của All Nippon Airways do Air Japan khai thác từ Tokyo đến TP HCM ngày 17-3-2020;
- EK392 của Emirates từ Dubai đến TP HCM ngày 16-3-2020.
Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay nói trên liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ. Các đại lý bán vé cho các hành khách trên có trách nhiệm thông báo cho hành khách đã mua vé bay trên các chuyến máy bay này.
Trước đó, Bộ Y tế đã nhiều lần thông báo khẩn tìm hành khách trên các chuyến bay từ nước ngoài tới Việt Nam hoặc cả chuyến bay nội địa do có hành khách nhiễm COVID-19.
Cô giáo lên mạng quảng cáo "thuốc kháng virus corona" bị xử phạt
Sáng 21-3, Công an huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết Công an huyện Bình Sơn đã có quyết định xử phạt hành chính cô Lâm Thị Thúy D. (23 tuổi, giáo viên mầm non, thường trú ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) về hành vi đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội.
D. tại cơ quan công an. Ảnh: công an cung cấp
Cách đây một tuần, cô D. có đăng trên facebook cá nhân nội dung: "Khẩu trang, nước rửa tay thôi thì không đủ đâu ạ. Em oder từ tiệm thuốc Thái Lan về nên mọi người yên tâm. Vừa tới cô bán thuốc bảo các bác sĩ Thái Lan chế tạo ra được thuốc kháng sinh virus corona nghe mừng hết lớn. Đó là kháng sinh Covid-19 có tên FAI - TALAI JONE….". Cô D. cho rằng mục đích đăng tin là để bán được thuốc, kiếm lời.
Sau đó, cô D. đã gỡ bài viết này, đăng lời xin lỗi cộng đồng mạng. Tại cơ quan Công an, D. thừa nhận hành vi sai trái của mình.
Anh đóng cửa toàn quốc, Ý ghi nhận 627 ca tử vong/ngày
Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đến 7h30 ngày 21/3 trên thế giới có 275.132 trường hợp mắc, trong đó Trung Quốc đại lục 80.977 ca. Tổng số trường hợp tử vong 11.377.
Tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có: 194.155 trường hợp mắc bệnh, đứng đầu là Ý: 47.021, tiếp theo là Tây Ban Nha: 21.510, Đức: 19.848, Iran: 19.644, Mỹ: 19.382, Pháp: 12.612, Hàn Quốc: 8.652
Trong tổng số 11.377 ca tử vong, Trung quốc đại lục chiếm 3.249. Tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có 8.128 người thiệt mạng.
Ý là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong 1 ngày tại quốc gia. Với 627 ca tử vong mới, tổng số bệnh nhân chết vì COVID-19 tại đất nước tâm dịch của châu Âu đã lên tới 4.032 ngày 20-3, tăng 18,4% so với một ngày trước đó. Trước đó, ngày 19-3, Ý đã vượt Trung Quốc về tổng số ca tử vong. Cụ thể, hôm 19-3, Ý đã ghi nhận thêm 427 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 3.405, cao hơn ở Trung Quốc đại lục là 3.249. Như vậy cho đến nay, số ca tử vong tại Ý đã là 4.032, nước này tiếp tục có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.
Thủ tướng Boris Johnson hôm 20-3 ra lệnh đóng cửa các quán rượu, nhà hàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục. Ảnh: Reuters
Anh cũng ghi nhận số người chết vì COVID-19 tăng mạnh, với 33 ca mới, nâng tổng số người thiệt mạng tới thời điểm này lên 177. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 20-3 ra lệnh đóng cửa các quán rượu, nhà hàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục nhằm giảm tốc độ lây lan của virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Các nhà hàng, quán rượu, nhà hát, câu lạc bộ đêm, rạp phim và phòng tập thể dục đóng cửa vô thời hạn từ ngày 20-3. Tuy nhiên, các cửa hàng có thể cung cấp dịch vụ mang đi.
Trong 24 giờ qua, Đức có thêm 4.528 ca mắc mới COVID-19. Hiện Đức đã có 19.848 ca nhiễm và 68 ca tử vong. Pháp xác nhận 1.617 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.612 trường hợp, trong đó có 450 trường hợp tử vong, tăng thêm 78 ca so với một ngày trước đó.
Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục tính theo ngày, với 262 trường hợp mới,đứng sau Italy, nâng tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại quốc gia này lên con số 1.093 người. Mỹ cũng là quốc gia có chịu thiệt hại nặng nề khi có thêm 5.497 ca mắc mới và thêm 43 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ hiện tại đã lên tới 19.382 trường hợp, trong đó đã có 256 người tử vong.
Iran vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất châu Á. Số ca mắc COVID-19 ở nước này đạt 19.644 sau khi ghi nhận thêm 1.237 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tống số ca tử vong tại Iran là 1.433 trường hợp.
Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều thứ 3 ở Đông Nam Á, chỉ đứng sau Malaysia và Singapore. Nước này đã có thêm 60 ca nhiễm mới, 7 người chết nâng tổng số người thiệt mạng lên 32 ca.
Số ca nhiễm ở Campuchia tăng nhanh
Trong 2 ngày qua ở Campuchia có thêm 14 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS- CoV-2) gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 51, theo tờ Khmer Times.
Cụ thể, trong ngày 19.3 có thêm 10 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây COVID-19, trong đó có 4 người Campuchia và 6 người Malaysia. Những người Campuchia này vừa trở về nước sau khi dự sự kiện tôn giáo Ijtima Tabligh diễn ra tại thánh đường Hồi giáo Sri Petaling ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) từ ngày 27.2 - 1.3, với khoảng 16.000 người tham dự.
Đến tối 20.3, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 4 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1 người Malaysia và 3 người Campuchia. Những bệnh nhân Campuchia này cũng vừa trở về sau khi dự kiện tôn giáo nói trên.