COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người

Ngày 26/03/2020 08:25 AM (GMT+7)

Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch diễn ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm quản lý như đối với các trường hợp đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện là từ 0h ngày 28/3/2020, có thể áp dụng trong một tuần hoặc vài tuần.

 Phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19 sáng 26/3, Thủ tướng cho rằng, lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện.

COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả Hài Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác. Người dân được yêu cầu ở lại nhà trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài. 

Đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch, các địa phương có trách nhiệm quản lý như đi từ vùng dịch. Thời gian thực hiện các biện pháp này là từ 0h ngày 28/3/2020 trong một tuần hoặc vài tuần và sẽ xem xét cụ thể sau.

Thủ tướng cũng yêu cầu cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện.

Tây Ban Nha: số người tử vong vì Covid-19 đã vượt Trung Quốc

Số người tử vong vì Covid-19 tại Tây Ban Nha đã lên tới 3.434 trường hợp, vượt qua Trung Quốc (3.281 ca) và chỉ xếp sau Italia (6.820 ca). 

Tây Ban Nha cũng ghi nhận tổng cộng 47.610 ca nhiễm Covid-19 kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát. Thủ đô Madrid là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha với 14.597 người nhiễm Covid-19 và 1.825 ca tử vong.

COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người - 2

Một binh sĩ Tây Ban Nha bên cạnh những chiếc giường của bệnh viện tạm dành cho người nhiễm Covid-19 tại Barcelona (ảnh: Gulfnews)

Công ty dịch vụ tang lễ thành phố Madrid hôm 23.3 đã tuyên bố sẽ dừng nhận thi thể của các bệnh nhân Covid-19 vì các nhân viên không có đủ thiết bị bảo hộ y tế cần thiết.

Do các nhà tang lễ bị quá tải, giới chức thành phố Madrid đã sử dụng sân trượt băng Palacio de Hielo (lâu đài băng) ở làm nhà xác tạm thời cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Ngày thứ 3 liên tiếp Mỹ vọt lên gần 11.000 ca nhiễm mới

Sáng nay (26/3), Mỹ tiếp tục một ngày tăng kỷ lục ca nhiễm mới với 10.796 người mắc, 151 người thiệt mạng do COVID-19. Con số này đã gấp đôi số ca nhiễm mới tại Italy trong một ngày. Hiện tổng số ca nhiễm tại Mỹ là 65.652 ca và 931 người tử vong.

Ngày 29/2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này do COVID-19. Lúc đó, tổng số ca nhiễm chỉ mới ở hàng chục, theo kênh CNBC. Nhưng đến ngày 26/3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng vọt lên hơn 65.600 ca, tức tăng gấp hơn 1.000 lần chỉ trong khoảng 26 ngày.

Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có ca nhiễm và Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ý.

Các quan chức y tế Mỹ đánh giá tình trạng thiếu các biện pháp mạnh tay và việc nhiều người dân phớt lờ các chỉ đạo về "duy trì khoảng cách xã hội" thời gian qua có thể đã khiến số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh, gây áp lực cho hệ thống y tế quốc gia.

Hà Nội có thể còn đến 20 ca dương tính đang "lang thang" ngoài cộng đồng

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 25/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua việc tổ chức đồng bộ các biện pháp rà soát công dân Việt Nam và người nước ngoài đến Hà Nội trước ngày 10/3 cho đến 12h trưa ngày 25/3, có 3.042 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài.

“Đã lấy mẫu được 2.128 người, 993 trường hợp âm tính, phát hiện có 4 trường hợp dương tính. Nếu theo tỷ lệ này, có nghĩa là chúng ta còn ít nhất còn 8 – 12 trường hợp dương tính mà chưa kịp phát hiện”, ông Chung nói.

COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người - 3

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Ông Chung cũng phân tích, nếu tính theo tỷ lệ trung bình trên thế giới, cứ một người lây nhiễm cho 2,4 người thì riêng trên địa bàn thành phố còn khoảng 20 người dương tính SARS-CoV-2 đang “lang thang trên địa bàn thành phố”. “Con số này hoàn toàn dựa trên tính toán khoa học”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, từ khi thành phố tổ chức công tác phòng, chống dịch cho đến nay, tình hình đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ngày càng lớn hơn, cửa an toàn ngày càng hẹp hơn. 

"Nguy cơ trên địa bàn có những ổ dịch bệnh mang tính chất rất phức tạp, tiềm tàng bắt đầu phát triển", ông Chung nói.

Theo ông Chung, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cũng tăng lên do việc không thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang. "Hôm qua, hôm nay tôi đi trên đường còn rất nhiều người dân không đeo khẩu trang. Vẫn còn tụ tập đông người, cúng lễ ngày mùng 1, rồi các quán cà phê không đóng cửa, mà ngồi rất gần nhau. Đó là những nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn rất lớn", ông Chung nói thêm.

Hà Nội có thể tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học

Sáng 25/3, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, học sinh Hà Nội hiện nghỉ học đến 5/4 nhưng nếu dịch bệnh phức tạp, có thể kéo dài thời gian nghỉ học.

COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người - 4

Hà Nội có thể tiếp tục cho học sinh nghỉ học do dịch diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)

Ông Dũng cho biết, từ khi học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh đến nay đã hơn 2 tháng. Ngay từ khi học sinh bắt đầu nghỉ học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến với hiệu trưởng các trường học trên toàn TP để hướng dẫn, quán triệt các giải pháp phòng bệnh, chuẩn bị điều kiện cho học sinh đi học trở lại. Đến nay, các trường đã khử khuẩn 8 lần.

Tuy nhiên, học sinh nghỉ học kéo dài, xác định việc học không thể bị ảnh hưởng quá nhiều, Sở có văn bản hướng dẫn các nhà trường hỗ trợ học sinh học trực tuyến trên hệ thống Hanoi Stady và dạy học trên truyền hình. Việc học trên truyền hình được bắt đầu từ ngày 9/3, dạy cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Hệ thống Hanoi Stady được Sở GD&ĐT chuẩn bị từ năm học trước, là nơi lưu trữ các bài học theo chủ đề, các dạng đề cho học sinh ôn tập trong thời gian nghỉ.

Cả 2 phương thức học trên, Sở đều yêu cầu các nhà trường giao giáo viên nắm bắt nội dung các giờ học, giao bài tập, kiểm tra tình trạng học sinh tham gia…Như vậy, vai trò của giáo viên trong phương thức học tập mới này rất quan trọng. 

Sở GD&ĐT cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra để kiểm tra các cơ sở phòng chống dịch cũng như kiểm soát nội dung dạy học mới. “Dù thay đổi phương thức dạy học mới không tránh khỏi khó khăn nhưng Sở vẫn yêu cầu các địa phương phải cùng vào cuộc, cam kết thực hiện để đảm bảo chất lượng toàn ngành”, ông Dũng nói. 

Italia: Gần 700 người tử vong, hơn 5.000 người mắc Covid-19 trong một ngày

Theo The Hill, cơ quan bảo vệ dân sự Italia thông báo có 683 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người người chết lên tới 7.503, mức cao nhất trên thế giới.

Italia cũng ghi nhận thêm 5.210 ca nhiễm, tổng cộng có 74.386 người nhiễm Covid-19. Đáng chú ý là người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự Italia và cũng là người chủ trì của họp báo hàng ngày, Angelo Borrelli có dấu hiệu bị sốt và đang chờ kết quả xét nghiệm virus, theo Reuters.

COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người - 5

Italia hiện là nước có nhiều người tử vong vì Covid-19 nhất. (Ảnh: Reuters)

Ông Borrelli không xuất hiện trong cuộc họp báo mới nhất ngày 25.3. Italia hiện có 9.362 người hồi phục và 3.489 trường hợp nguy kịch.

Italia hiện là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Giới chức nước này bày tỏ sự lạc quan rằng dịch bệnh sắp đạt đến đỉnh và các chỉ số sẽ giảm. Tuy nhiên, con số ghi nhận trong ngày 25.3 chưa phản ánh kì vọng này.

Tình hình dịch ở các quốc gia Đông Nam Á

Indonesia có nguy cơ thành một tâm dịch mới. Với 55 người chết và 686 ca nhiễm, Indonesia đang là nước có dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á.

COVID-19 ngày 26/3: Từ 28/3, người dân thành phố có dịch cấm tụ tập nhiều hơn 10 người - 6

Một máy bay chở thiết bị y tế từ Trung Quốc sang hỗ trợ Indonesia. 

Chết, nhiễm tăng làm hệ thống y tế Indonesia khủng hoảng trầm trọng. Hệ thống y tế Indonesia nghèo nàn hơn hẳn các nước đang có dịch nghiêm trọng khác cả ở châu Á lẫn châu Âu hay châu Mỹ, theo kênh CNA.

Malaysia tới chiều 25/3,  có khoảng 1.800 ca nhiễm với 17 người chết, là nước có dịch nghiêm trọng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia.

Thái Lan đang có 934 ca nhiễm với 4 người chết. Bộ Y tế ngày 25-3 thông báo Thái Lan có tới 107 ca nhiễm mới trong ngày 24/3.

Philippines đang có hơn 636 ca nhiễm và 38 người chết. Ngày 25-3, thượng nghị sĩ Aquilino “Koko” Pimentel III xác nhận mình nhiễm COVID-19.

Ấn Độ phong tỏa 1,3 tỉ dân để chống dịch COVID-19

Hàng triệu người trên khắp Ấn Độ đang thực thi lệnh phong tỏa cho đến cuối tháng 3 trong bối cảnh chính quyền nước này nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Cư dân sống ở 75 quận trên cả nước, bao gồm cả ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi, Mumbai, Bangalore, Chennai, Hyderabad và Kolkata đã bị hạn chế đi lại, làm việc và di chuyển cho đến ngày 31/3.

Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã có 657 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm gia tăng đột ngột đã dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng xét nghiệm tìm ra virus của quốc gia này và rằng một ổ dịch lớn với quy mô lớn như châu Âu hiện tại sẽ lan rộng ở nước này.

Tiến sĩ Balram Bhargava, Tổng Giám đốc của Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, cho biết Ấn Độ đã tiến hành 5.000 xét nghiệm trong tuần qua và tổng cộng 15.000 xét nghiệm cho đến nay. Có 111 phòng thí nghiệm hoạt động với công suất thử nghiệm mỗi tuần từ 60.000 đến 70.000 trường hợp và khoảng 60 phòng thí nghiệm tư nhân khác đang trong quá trình được phê duyệt để tăng thêm năng lực xét nghiệm, theo Bhargava.

Nhà thờ ở TP.HCM ngưng tổ chức thánh lễ

Từ 16 giờ ngày 26-3, tất cả nhà thờ, nhà nguyện và dòng tu thuộc Tổng giáo phận TP HCM ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo để tránh lây lan Covid-19.

Ngày 25-3, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM Giuse Nguyễn Năng đã có thông báo đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận về các sinh hoạt tôn giáo trong thời điểm dịch Covid-19 đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo đó, từ 16 giờ ngày 26-3, tất cả nhà thờ, nhà nguyện và dòng tu thuộc Tổng giáo phận TP HCM ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19.

Ông đề nghị các linh mục cử hành thánh lễ hằng ngày một cách riêng tư vì "Thánh lễ là cử hành mầu nhiệm Thánh giá và phục sinh của Chúa, là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Hội thánh Công giáo".

Các nhà thờ được yêu cầu không tổ chức cầu nguyện đông người, song vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng. Giáo dân được kêu gọi siêng năng cầu nguyện, đọc kinh, lần hạt Mân Côi hoặc tham dự thánh lễ trực tuyến vào 5 giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút mỗi ngày trên website của Tổng giáo phận TP.

Tổng giám mục Giáo phận TP cũng đề nghị hoãn việc cưới xin trong thời gian này. Về thánh lễ an táng, các linh mục chỉ tổ chức tại nhà thờ của giáo xứ với sự tham dự của thân nhân, họ hàng gần; không cử hành thánh lễ cầu hồn tại gia đình.

Chủ tịch TP.Hà Nội: Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đang diễn biến phức tạp
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đánh giá Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành ổ dịch phức tạp, trong ngày hôm nay đã ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với...
Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19