Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người trên thế giới lâm vào cảnh đói khát. Các biện pháp phong tỏa quốc gia và giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh có thể phá vỡ sản xuất và chuỗi cung ứng nông sản…
Điều đáng sợ sau dịch COVID-19 đã xuất hiện
Hầu hết mọi người dân ở các nước nghèo - đang đói khát và phải đối mặt với khả năng chết đói do tác động của dịch COVID-19.
Arif Husain, nhà kinh tế hàng đầu của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Liên hợp quốc, nói rằng trên thế giới vốn đã có 135 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng; giờ đây với sự bùng phát của COVID-19, năm 2020 số người đói có thể thêm 130 triệu nữa. Đến cuối năm, ước tính có tổng cộng 265 triệu người sẽ bị đói.
Khu ổ chuột Kibera ở Nairobi nơi xảy ra vụ giẫm đạp khiến hàng chục người chết và bị thương do tranh đồ ăn cứu trợ
Các chuyên gia nói rằng cuộc khủng hoảng đói khát lần này là toàn cầu; nguyên nhân là do nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh do virus corona mới và sự phá vỡ trật tự kinh tế sau đó: nhiều người phải vật lộn để sống sót đột nhiên mất thu nhập, giá dầu lao dốc, gián đoạn du lịch dẫn đến khan hiếm tiền tệ, lao động nước ngoài không có thu nhập để gửi về nhà và các vấn đề đang diễn ra như biến đổi khí hậu, bạo lực, phân tán dân số và thảm họa nhân đạo.
Từ Honduras qua Nam Phi đến Ấn Độ, mọi người phẫn nộ vì sợ chết đói trong cuộc phong tỏa, các cuộc biểu tình và cướp bóc đã nổ ra. Với việc đóng cửa trường học, hơn 368 triệu trẻ em đã mất các bữa ăn dinh dưỡng và đồ ăn nhẹ mà chúng thường có ở trường. Hiện tại, tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và nạn đói quy mô lớn do dịch bệnh tạm thời chưa xảy ra. Tuy nhiên, ông Johan Swinnen, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) tại Washington, nói những vấn đề trong việc trồng trọt, thu hoạch và vận chuyển lương thực sẽ khiến các nước nghèo lâm vào khó khăn trong những tháng tới, Đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thế giới gần 207.000 người tử vong, một số quốc gia châu Âu "hạ nhiệt"
Đến 8h00 sáng nay 27/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng số ca mắc bệnh COVID-19 là 2.994.436 người, trong đó có 206.973 ca tử vong. Một số quốc gia châu Âu dịch đang có xu hướng giảm, tại Mỹ tình hình vẫn rất căng thẳng.
Tại Mỹ trong 24h giờ qua ghi nhận thêm 26.509 ca mắc và 1.157 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 987.160 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 55.413 trường hợp. Hiện một số bang của Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại. Một số quan chức y tế cảnh báo nếu không tăng cường xét nghiệm, việc nới lỏng giãn cách xã hội có thể dẫn đến làn sóng thứ hai về COVID-19 trên toàn nước Mỹ.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc COVID-19 là 226.629 sau khi ghi nhận thêm 2.870 trường hợp nhiễm mới. Đến sáng nay, số ca tử vong do COVID-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 23.190 (tăng 288 trường hợp).
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Leganes, Tây Ban Nha
Italy ghi nhận thêm 3.786 ca mắc mới và 525 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 197.675, trong đó có 23.190 ca tử vong. Tuyên bố trong cuộc họp báo tối qua 26/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ca ngợi sự hy sinh của người dân đã giúp nước này duy trì được đà giảm của dịch COVID-19, dù đã có những thời điểm mọi việc tưởng như vượt ngoài tầm kiểm soát.
Anh cũng thêm 4.463 ca mắc và 413 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc tại nước này hiện tại là 152.840 trường hợp, trong đó 20.732 ca tử vong.
Có gần 14.000 ca mắc Covid-19, Singapore lập hàng loạt bệnh viện dã chiến
Hôm 26/4, Singapore ghi nhận 931 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc cho tới nay lên con số 13.624. Con số hôm nay tăng vọt so với 618 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 25/4.
Phần lớn các ca mắc mới là các lao động nhập cư sống tại các khu nhà tập thể. Chỉ có 15 trong số các ca mới là các cư dân Singapore.
Các công nhân xây dựng đang lập bệnh viện dã chiến tại khu vực ngoài trời thuộc Trung tâm triển lãm Changi
Giới chức Singapore đang khẩn trương lập các khu điều trị tạm thời cho các bệnh nhân Covid-19. Một trong số đó đã hoàn thành là Trung tâm triển lãm Changi - nơi đã diễn ra Triển lãm hàng không Singapore - triển lãm hàng không lớn châu Á. Cơ sở này có thể phục vụ khoảng 4.000 bệnh nhân đang hồi phục và những người có triệu chứng nhẹ.
Dù có số ca mắc cao nhưng Singapore cho tới nay mới ghi nhận 12 trường hợp tử vong và hiện có 24 người đang được điều trị tích cực.
Ấn Độ ghi nhận 6 người bị mắc Covid-19 sau khi đi cắt tóc
Các quan chức địa phương cho biết có 6 khách hàng đã đến tiệm cắt tóc ở bang Madhya Pradesh - Ấn Độ đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện toàn bộ ngôi làng đã bị phong tỏa.
Có 6 người bị mắc Covid-19 sau khi đi cắt tóc ở Ấn Độ.
Theo đó, một người đàn ông ở ngôi làng này đang làm việc tại một khách sạn ở TP Indore gần đây đã về nhà và hôm 15-4 có đi cắt tóc. Người này sau đó bị phát hiện mắc Covid-19, bác sĩ Divyesh Verma, Giám đốc chuyên môn bệnh viên TP Khargone, cho biết như vậy.
Các bác sĩ cũng đã tiến hành kiểm tra mẫu xét nghiệm của 12 người đàn ông khác có đến tiệm cắt tóc nói trên. Trong số đó, có 6 người xác nhận dương tính nhưng người thợ làm tóc âm tính với virus SARS-CoV-2.
Từ ngày 25-3, Ấn Độ bắt đầu thực hiện phong tỏa trên khắp cả nước để kiểm soát dịch bệnh lây lan. Đến tối ngày 24-4 (giờ địa phương), chính phủ nước này đã đưa ra chỉ thị cho phép các cửa hàng lận cận ở địa phương đươc mở cửa hoạt động với một số điều kiện kèm theo. Các trung tâm thương mại trên toàn Ấn Độ vẫn phải đóng cửa.