Chủ trì cuộc họp có Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Đây là cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội.
Hà Nội họp khẩn giữa đêm chống dịch
Lập hàng rào, chốt chặn trên phố Trúc Bạch
Tối 6/3, lực lượng chức năng Hà Nội đã dựng hàng rào, chốt chặn khoảng 500m trên phố Trúc Bạch (quận Ba Đình). Nhiều người mặc đồ bảo hộ cùng xe cứu thương có mặt bên trong hàng rào.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND phường Trúc Bạch cho biết, trên địa bàn phường có một nữ du học sinh vừa trở về từ châu Âu vài ngày trước nghi nhiễm Covid-19. Thời điểm này, nữ học sinh này đã được đưa về bệnh viện cách ly, khu phố được khoanh vùng theo quy định của cơ quan y tế.
Lực lượng chức năng lập hàng rào chốt chặn ở phố Trúc Bạch. Ảnh: Giang Huy/Vnexpress
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội diễn ra vào chiều 6/3, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến 15h ngày 6/3, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Có 99 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Covid-19, tất cả đều có xét nghiệm âm tính.
Có 587 người tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều có sức khỏe bình thường và đã kết thúc giám sát y tế. Thành phố cách ly tập trung cho 65 trường hợp đi về từ vùng có dịch tại bệnh viện Công an thành phố. Lũy tích 135 trường hợp trong đó có 70 trường hợp đã kết thúc theo dõi. Cách ly tập trung 2.290 trường hợp đi về từ vùng có dịch tại các khu vực của Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Trong phiên họp chiều 6/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ các du học sinh ở châu Âu về Việt Nam từ ngày 20/2.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, hiện thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các khu cách ly tập trung với hơn 5.000 giường bệnh, nhưng thành phố vẫn dự trù thêm các cơ sở cách ly để bảo đảm đủ giường bệnh nếu dịch diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu, trong tuần này, các cơ quan chức năng phải lựa chọn xong các địa điểm cách ly bổ sung để nhanh chóng trang bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bảo đảm công tác cách ly. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do vậy, công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện nghiêm túc, tỉ mỉ, không được chủ quan, lơ là. Mọi thông tin phải được công khai, minh bạch để người dân, du khách tự giác, nghiêm túc trong việc thực hiện giám sát, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Việc giám sát, cách ly phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong khoảng 'thời gian vàng' để tránh mọi nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng", Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Các phóng viên chờ thông tin từ cuộc họp tại UBND TP Hà Nội đêm 6/3. Ảnh: Trường Phong
(Theo Tiền Phong)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các đô thị lớn, đông dân phải có kế hoạch cách ly trên diện rộng
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 5/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta đã triển khai cách ly y tế rất sớm, ngay từ đầu, thậm chí di dời, nhường doanh trại quân đội cho công tác cách ly.
Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập toàn quân, đã phát động, chuẩn bị 90 bệnh viện dã chiến, đã chuẩn bị cơ sở để tiếp nhận trên 30.000 người cách ly. "Tính sẵn sàng của chúng ta rất cao và ngày càng nhận thức được tình hình nghiêm trọng dịch COVID-19 để nâng cao ý thức trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân" – Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/3
Một vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo tại cuộc họp chiều 5/3 là việc đối phó với tình huống xấu khi dịch bùng phát trên diện rộng. Về việc này, Thủ tướng đề nghị các đô thị lớn, đô thị đông dân đều phải có kế hoạch cách ly trên diện rộng, đặc biệt Thủ tướng lưu ý nhất với TP HCM, Hà Nội việc cần xử lý, quản lý nghiêm ngặt vì quá đông dân cư trên địa bàn.
Ngành Y tế và các ngành có liên quan cần củng cố và chi tiết hóa kế hoạch điều chuyển nhân lực y tế và nguồn lực hỗ trợ khác một cách nhanh chóng và hiệu quả đến các nơi trong tình huống ổ dịch xảy ra. Tiếp tục diễn tập khả năng phản ứng nhanh, tập trung và phối hợp liên ngành, liên địa phương đề phòng tình huống xấu.
Cần lập kế hoạch dự phòng, về vị trí, chỗ ở lẫn nguồn cung ứng nhu yếu phẩm nếu phải cách ly trên diện rộng, không để tình trạng bất an, không tốt đối với người bị cách ly.
Kết quả xét nghiệm lại của 6 người từng nhiễm Covid-19 tại Việt Nam
Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để tiếp tục theo dõi sức khoẻ của các bệnh nhân bị mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, Viện đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm của 5 bệnh nhân ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và 1 bệnh nhân ở Thanh Hoá. Kết quả xét nghiệm 6 bệnh nhân đều âm tính.
Những bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 được xét nghiệm lại bao gồm: N.T.Tr (25 tuổi, ở xã Định Hoá, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá0, lấy mẫu ngày 20/2/2020.
5 bệnh nhân xét nghiệm ngày 3/3/2020 gồm: ông N.V.V (50 tuổi), bà P.T.B (42 tuổi), bà P.T.T (49 tuổi), chị N.T.D (16 tuổi), chị N.T.N (29 tuổi).
Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, tính đến 5/3, nước ta chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới. 68 người nghi nhiễm virus Corona chủng mới đang được cách ly, theo dõi chặt. Ngoài ra, 14.241 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Từ 6 giờ sáng 7/3, khai báo y tế điện tử bắt buộc với tất cả khách nhập cảnh Việt Nam
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 6/3. Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát triển thành công hệ thống khai báo y tế điện tử bắt buộc.
Trước đó, Việt Nam chính thức yêu cầu hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc (từ 0h 25/1), Hàn Quốc (15h ngày 23/2), Iran, Ý (0h ngày 29/2) khai báo y tế bắt buộc.
Gần đây nhất, từ 0h ngày 7/3, ngày 5/3, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 1097/BYT-DP về việc thực hiện tờ khai y tế đối với COVID-19 đến UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.
Yêu cầu 30 giảng viên vừa dự hội thảo tại Ý trở về phải cách ly
Liên quan đến sự việc 30 giáo viên dự hội thảo tại Italia từ ngày 22 đến 26/2 trong đó có một giáo viên 39 tuổi bị sốt, khó thở, tức ngực, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã yêu cầu các giảng viên này thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo báo cáo, ngoài cô giáo bị ho, sốt nhẹ của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền đã có kết quả âm tính với Covid-19 thì các thành viên khác trong đoàn đều khỏe mạnh.
“Bộ đã yêu cầu tất cả thành viên trong đoàn chủ động có biện pháp tự cách ly và báo cáo với cơ quan y tế để triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Độ nói.
Trả lời câu hỏi, vì sao đoàn giáo viên này không phải cách ly tập trung, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đoàn đi Italia từ ngày 22/2, về Việt Nam ngày 26/2. Đến ngày 29/2, Chính phủ mới có chỉ đạo cách ly tập trung với công dân từ Italia về nên các thành viên đoàn không phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, các thành viên đoàn cũng đã tự cách ly tại nhà theo dõi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Số ca tử vong mới trong ngày ở Italy đã vượt Trung Quốc
Sau một đêm, tính đến 7h30 sáng ngay (6/3), cả thế giới có 98.088 trường hợp xác định mắc bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Dịch bệnh lan ra 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có 3.356 người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Trung Quốc đại lục, số ca mắc là 80.430 và số tử vong là 3.013. Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình hình nên số ca mắc và tử vong tại quốc gia này đã giảm rõ rệt.
Dịch bệnh lan ra gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ
Trong khi số ca mắc và tử vong ở Trung Quốc có xu hướng giảm thì những số liệu này ở ngoài Trung Quốc đại lục đang tăng nhanh chóng mặt.
Sau một đêm, số ca mắc và tử vong tại Ý tăng vọt bất ngờ thêm 769 ca mắc và 41 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 3.858 và 148 ca tử vong. Số ca tử vong mới trong ngày ở Italy đã vượt Trung Quốc. Ý đã trở thành quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới, bên ngoài Trung Quốc đại lục, "soán ngôi" của Iran.
Chính phủ Italia đã áp dụng nhiều biện pháp chưa từng có để ngăn virus lây lan. Các trận bóng đá và các sự kiện thể thao sẽ phải diễn ra mà không có khán giả. 11 ngôi làng với 50.000 dân tiếp tục bị cách ly trong tuần thứ hai.
Hàn Quốc đã có gần 6.300 người nhiễm, 42 người tử vong
Trogn 24h giờ qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc tăng thêm 518 người, đánh dấu mức tăng đều đặn kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào giữa tháng 2.
Số ca tử vong tăng thêm 2 người, hiện ở mức 42. Đa số người tử vong là người già với tiền sử mắc nhiều bệnh tật, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), cho biết.
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc vẫn liên tục tăng
Khoảng 60% ca nhiễm Covid-19 liên quan đến nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu. Đây là thành phố đông dân thứ 4 ở Hàn Quốc với khoảng 2,5 triệu người.
Trong số 518 ca nhiễm mới tính đến hết ngày 5.3, 367 ghi nhận ở thành phố Daegu và 123 ở tỉnh Bắc Gyeongsang, theo KCDC. Như vậy, còn 28 ca nhiễm khác rải rác ở các tỉnh thành, bao gồm 2 trường hợp ở thủ đô Seoul.
Mỹ: Thêm người chết, dịch lan ra nhiều bang
Ngày 5-3 (giờ địa phương), số người chết vì dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Mỹ lên tới 12, tăng 1 người so với ngày trước đó, báo Washington Post đưa tin. Ca tử vong mới này là ở bang Washington, địa phương trước đó đã có 10 người chết.
Trong ngày 5-3 dịch lan rộng ra thêm một số bang khác của Mỹ, như Maryland, Tennessee, Colorado.
Chính quyền Maryland đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi phát hiện có 3 ca nhiễm. Những bệnh nhân này nhiễm bệnh khi đang di chuyển ở nước ngoài. Hiện 3 bệnh nhân này đang trong tình trạng ổn định và được cách ly điều trị tại nhà ở quận Montgomery – một khu ngoại ô có khoảng 1 triệu dân và không xa thủ đô Washington D.C.
6 tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến 15/3
Tính đến sáng ngày 6/3, các tỉnh sau đã có thông báo, đề xuất mới về lịch đi học lại, lịch nghỉ của học sinh trên địa bàn.
Theo đó, 6 tỉnh thành có thông báo mới về lịch đi học lại của học sinh các cấp Mầm non đến THCS và THPT gồm: Sơn La, Hà Giang, Bạc Liêu, Lào Cai, Ninh Thuận, Long An.
730 công dân về từ vùng dịch Covid-19 được đón, cách ly tại Ninh Bình
Ngày 5-3, các đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình, Quân đoàn 1 đã tiếp tục đón hàng trăm công dân Việt Nam trở về từ các nước có dịch Covid-19 để thực hiện cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội 14 ngày theo quy định.
Công dân trở về cách ly tại các đơn vị quân đội tại tỉnh Ninh Bình đang được kiểm tra, sàng lọc sức khỏe
Tính đến chiều ngày 5-3, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành 5 đợt tiếp nhận và cách ly tập trung đối với 730 trường hợp người Việt Nam trở về từ vùng dịch hoặc các nước có dịch bệnh Covid-19, trong đó chủ yếu là công dân trở về từ Hàn Quốc.
Hiện tại, 730 trường hợp này đang được cách ly tập trung tại 3 đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình và Trường Quân sự, Quân đoàn I.
Sau khi được các xe đưa đón từ Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) về Ninh Bình, công dân đã được kiểm tra sức khỏe. Qua kiểm tra, khám sàng lọc đã có 50 trường hợp được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Ninh Bình tiến hành lấy mẫu sinh phẩm gửi đi xét nghiệm do có các triệu chứng như mệt mỏi, rát họng.