COVID-19 tại Đông Nam Á: Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan 40.000 người, Philippines thành điểm nóng mới

Ngày 04/04/2020 19:45 PM (GMT+7)

Không nằm trong những ổ dịch lớn nhất của thế giới nhưng trong những ngày qua, các nước Đông Nam Á cũng liên tục thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn dịch COVID-19.

Malaysia: Ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á

Malaysia hiện là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) về số ca nhiễm COVID-19. Tính đến 16h ngày 4/4, Malaysia đã ghi nhận 3.333 ca nhiễm bệnh, 53 người tử vong và 827 người được chữa khỏi. 

Kể từ ngày 18/3, chính phủ Malaysia đã áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển để hạn chế người dân ra khỏi nhà và di chuyển tới nhiều khu vực khác nhau. Người dân Malaysia được yêu cầu chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như đi chợ, đi mua thuốc hoặc khám bệnh... 

Hồi cuối tháng 2/2020, 11.000 người tham dự sự kiện tôn giáo của nhóm Hồi giáo Tablighi Jamaat tại giáo đường Sri Petaling, thuộc thủ đô Kuala Lumpur, đã được đưa đi cách ly và sàng lọc COVID-19 sau khi một số người được xác nhận nhiễm bệnh. Đây cũng được coi là nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh tại nước này. Không những thế, một số tín đồ tôn giáo tham dự sự kiện này còn đi du lịch sang nhiều nước lân cận, khiến tình hình dịch bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.

COVID-19 tại Đông Nam Á: Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan 40.000 người, Philippines thành điểm nóng mới - 1

Kiểm dịch tại sân bay Malaysia.

Tại các bệnh viện tuyến đầu ở Malaysia, đã xảy ra tình trạng quá tải do số lượng ca nhiễm và nghi nhiễm tăng nhanh. Các y bác sĩ phải làm việc nhiều ngày đêm để cứu chữa người bệnh và ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus. Hiện nay, Malaysia ghi nhận một em bé 12 ngày tuổi là bệnh nhân nhỏ nhất nhiễm COVID-19, trong khi bệnh nhân lớn tuổi nhất là một cụ bà 83 tuổi.

Sáng ngày 4/4, Malaysia tiếp tục phát hiện thêm một chuỗi lây nhiễm COVID-19 liên quan đến 40.000 người, trong đó gồm những người liên quan đến cụm lây nhiễm từ buổi lễ nhà thờ ở Kuala Lumpur. Tổng thanh tra cảnh sát Abdul Hamid Bador cho biết, đây là kết quả từ phân tích dữ liệu của một nhóm đặc nhiệm Cục Điều tra Hình sự (CID) để xác định những người có khả năng bị nhiễm virus. Sau đó, cảnh sát đã xác định được một số khu vực có các cá nhân và các nhóm nhất định để yêu cầu sàng lọc COVID-19. 

Philippines: Điểm nóng mới tại Đông Nam Á

Ngày 3/4, Philippines ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 mới cao kỷ lục, với thêm 385 ca nhiễm và 29 người tử vong. Tính đến 16h ngày 4/4, nước này đã có 3.094 ca nhiễm bệnh, 144 người tử vong và 52 người khỏi bệnh. Philippines đang được coi là điểm nóng mới tại Đông Nam Á khi số ca nhiễm tăng nhanh.

COVID-19 tại Đông Nam Á: Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan 40.000 người, Philippines thành điểm nóng mới - 2

Người dân Philippines được yêu cầu hạn chế ra đường.

Bắt đầu từ ngày 3/4, người dân Philippines bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng nếu không muốn bị xử phạt. Chính phủ Philippines trước đó đã ban bố lệnh phong tỏa ở đảo Luzon, miền bắc nước này nhưng vẫn cho phép người dân ra đường mua nhu yếu phẩm. Hơn một nửa dân số Philippines chen chúc sống trên đảo Luzon nên chính quyền vô cùng lo ngại nơi đây sẽ trở thành ổ dịch lớn của cả nước.

Trong khi đó, các nhà khoa học tại Đại học Philippines dự đoán virus corona chủng mới có thể sẽ lây nhiễm từ 600.000 - 1,4 triệu người tại Philippines, trong đó 80% bệnh nhân sống tại vùng Thủ đô Manila.

Thái Lan: Người dân bị cấm ra khỏi nhà từ 22h đêm đến 4h sáng

Thái Lan hiện đứng thứ 3 tại Đông Nam Á về số ca nhiễm COVID-19. Nước này đã ghi nhận 2.067 người nhiễm bệnh, 20 người tử vong và 342 người được chữa khỏi, tính đến 16h ngày 4/4.

Bắt đầu từ ngày 3/4, chính quyền Thái Lan đã thi hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, yêu cầu mọi người dân không được phép ra khỏi nhà từ 22h đêm đến 4h sáng. Việc vận chuyển hàng hóa y tế, đưa người đi cách ly, cấp cứu bệnh nhân hay việc đi lại của nhân viên y tế được miễn trừ. Theo Reuters, quy định này sẽ kéo dài cho đến khi chính quyền thấy thích hợp để chấm dứt.

COVID-19 tại Đông Nam Á: Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan 40.000 người, Philippines thành điểm nóng mới - 3

Thái Lan áp dụng những biện pháp cứng rắn để phòng chống dịch, những người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha kêu gọi người dân bình tĩnh và yêu cầu không dự trữ thực phẩm vì họ vẫn sẽ được phép ra ngoài vào ban ngày nhưng phải giữ khoảng cách trong tiếp xúc xã hội.

Ngoài ra, ngày 3/4, Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan cũng thông báo cấm tạm thời tất cả chuyến bay chở khách hạ cánh xuống nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Tất cả hành khách trên chuyến bay khởi hành trước khi lệnh cấm có hiệu lực sẽ phải cách ly trong 14 ngày sau khi hạ cánh xuống Thái Lan.

Hiện nay, có một khu vực của Thái Lan đã bị phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 là đảo Phuket. Đây là địa điểm du lịch rất nổi tiếng nhưng sau khi phát hiện có người nhiễm bệnh, chính quyền đã thi hành lệnh phong tỏa, cấm người dân ra vào đảo nhằm khống chế dịch bệnh nhanh chóng.

Indonesia: Tỷ lệ tử vong cao thứ 2 thế giới

Tính đến 16h ngày 4/4, Indonesia đã xác nhận 1.986 ca nhiễm COVID-19, 181 người tử vong và 134 người khỏi bệnh. Điều đặc biệt là dù số ca nhiễm virus không cao nhưng Indonesia lại có tỷ lệ tử vong là 9,1%, cao gần gấp đôi trung bình toàn cầu 5,1% và đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ý là 10%.

Con số tử vong của Indonesia còn cao hơn cả Hàn Quốc, nước có hơn 10.000 ca nhiễm nhưng chỉ có 174 ca tử vong. Nhiều ý kiến cho rằng, số ca tử vong trong cộng đồng tại Indonesia thậm chí còn lớn hơn con số được xác nhận. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do rất ít người tại Indonesia được xét nghiệm virus bởi nước này mới chỉ tập trung xét nghiệm cho những người có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc đi từ vùng dịch trở về trong vòng 14 ngày, có xuất hiện các triệu chững rõ ràng như sốt, ho khan, khó thở...

COVID-19 tại Đông Nam Á: Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan 40.000 người, Philippines thành điểm nóng mới - 4

Indonesia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Ý.

Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại Indonesia được tiến hành khá chậm. Gần 3 tuần sau khi trường hợp đầu tiên được công bố, chính phủ nước này mới bắt đầu tiến hành thử nghiệm nhanh chóng và trên diện rộng tại Jakarta, Tây Java và Banten.

Từ ngày 19/3, Thống đốc thành phố Jakarta Anies Baswedan đã ban hành lệnh phong tỏa, cấm mọi người dân ra vào thủ đô, trừ trường hợp khẩn cấp. Người dân được yêu cầu ở nhà, tránh tụ tập đông người, hạn chế hết mức các hoạt động tôn giáo và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi ra đường.

Singapore: Số ca nhiễm virus tăng đột biến

Đầu tháng 3, Singapore chỉ mới ghi nhận hơn 100 ca nhiễm COVID-19, tình hình còn trong tầm kiểm soát nên các trường học, doanh nghiệp, công sở vẫn mở cửa bình thường. Chỉ một tháng sau đó, mọi chuyện đã thay đổi khi số ca nhiễm bệnh tại đây tăng đột biến. Singapore hiện có 1.114 ca nhiễm bệnh, 6 người tử vong và 282 người được chữa khỏi, tính đến 16h ngày 4/4.

COVID-19 tại Đông Nam Á: Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan 40.000 người, Philippines thành điểm nóng mới - 5

Người dân Singapore bị hạn chế ra đường từ ngày 8/4.

Nguyên nhân của sự tăng đột biến này có thể là do Singapore chưa siết chặt nhập cảnh, khiến cho một số người mang mầm bệnh đến từ các nước ùa vào, đặc biệt là du khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý. Sau đó, Singapore phải ban bố các biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm cấm toàn bộ du khách từ ngày 23/3 và đóng cửa toàn bộ quán bar, nhà hàng, hộp đêm từ ngày 27/3, cấm hoạt động tập trung trên 10 người, ban hành chế tài xử phạt với cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét với người khác tại nơi công cộng, trừ trường học, công sở. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần thiết.

Bắt đầu từ ngày 8/4, Singapore cũng sẽ đóng cửa toàn bộ trường học, doanh nghiệp, công sở và địa điểm vui chơi giải trí, trừ những nơi cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu như chợ, siêu thị, hiệu thuốc. Người dân buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho biết chính phủ sẽ phân phối khẩu trang dùng nhiều lần cho tất cả các hộ gia đình kể từ ngày 5/4.

Các quốc gia Đông Nam Á khác

Ngoài các quốc gia kể trên, tại Đông Nam Á còn ghi nhận những nước như Việt Nam, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào là những nước có người nhiễm COVID-19. Trong đó, Việt Nam ghi nhận 239 người nhiễm, 0 người tử vong và 85 người khỏi bệnh. Brunei có 134 người nhiễm virus, Campuchia có 114 người mắc COVID-19. Con số này tại Myanmar là 20 người và tại Lào là 10 người. Hiện chưa có quốc gia nào tại Đông Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhưng đều thi hành những biện pháp cách ly cứng rắn và hạn chế di chuyển để đối phó với dịch bệnh.

Sinh đôi đúng dịp cả nước phong tỏa, người mẹ đặt tên 2 con vô cùng bất ngờ
Trong khi cả đất nước đang lo lắng và hoảng sợ vì đại dịch COVID-19 thì một tin vui lại đến với gia đình này khi người mẹ sinh đôi một trai một gái vô...
Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19