Mấy chục năm ròng lang thang màn trời, chiếu đất, quét những hạt gạo rơi trên đường, nhặt từng sợi miến vương vãi giữa chợ, hái rau dại để ăn qua bữa… là cảnh đời bất hạnh của bà Nguyễn Thị Phải (Phổ Yên, Thái Nguyên).
Đã qua cái tuổi thất thập, bà vẫn ngày ngày ra đường, ra chợ nhặt rác nuôi con bệnh tật.
Cuộc sống lang thang đầu đường, cuối chợ
Trong căn phòng chật chội ước chừng 6-7m2 tại khu trọ lụp xụp, xiêu vẹo gần chợ Long Biên (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), cụ bà nhỏ bé, chân đi tập tễnh, gương mặt khắc khổ hằn sâu những vết nhăn của sương gió cuộc đời, bắt đầu nhớ lại những ký ức rời rạc. Giọng của bà như chứa đựng nỗi cay đắng và sự tủi hờn về phận đời lận đận của mình.
Hơn 70 tuổi, bà Phải và cô con gái có gần 40 năm sống cảnh lang thang hết góc chợ, vỉa hè đến gầm cầu cho qua ngày. Cảnh đời cơ cực của hai mẹ con bà bắt đầu từ khi bà bị đuổi khỏi nhà chồng vào năm 1977, lúc cô con gái chưa đầy 2 tháng tuổi.
Lấy tay lau vội đôi mắt ngấn nước, bà Phải tâm sự: “Bố mẹ mất từ khi tôi mới 2 tuổi, lúc ấy chưa hiểu chuyện gì, chỉ nhớ là được về ở cùng anh trai và chị dâu. Nhà nghèo nên học hết lớp 2 thì tôi nghỉ, ở nhà phụ giúp anh chị việc đồng áng, đi chăn trâu, cắt cỏ thuê cho người ta. Chị dâu không thích tôi, thường xuyên mắng chửi và chỉ muốn nhanh chóng tống cổ tôi ra khỏi nhà”. Đến năm 22 tuổi, theo sự sắp đặt của anh chị, bà lên xe hoa về nhà chồng. Những tưởng cuộc sống của bà sẽ thay đổi, nào ngờ lại còn cay đắng hơn xưa.
Lê đôi chân tập tễnh, bà Phải mang chỗ phế liệu nhặt được ở chợ đi bán lấy tiền mưu sinh. Ảnh: M.Nguyễn
8 năm làm dâu mà chưa có con, mọi người xung quanh hay nói bóng gió “cây khô không lộc, gái độc không con” khiến mẹ chồng bà càng thêm căm ghét. Bà thường xuyên phải chịu những lời mắng nhiếc, lườm nguýt thậm chí là những trận đòn của bà mẹ chồng khó tính. Đến năm thứ 9, bà sinh được cô con gái đầu lòng. Thế nhưng, khi đứa bé vừa chào đời, mẹ chồng lại tiếp tục xỉa xói vì không sinh được con trai nối dõi.
“Chưa đầy một tháng sau sinh, gia đình nhà chồng nhẫn tâm đuổi tôi ra khỏi nhà, không cho gặp con. Tôi phải lang thang xin sống trong nhà kho của hợp tác xã, nhớ con lắm mà cứ về gần đến nhà là bị đuổi”, bà Phải bùi ngùi. Ít lâu sau, cháu quấy khóc, gia đình nhà chồng gọi bà về để trả con. Đây cũng là lúc bà bị cạn sữa. Không đủ sữa cho con bú, bà phải đi xin gạo để về nấu cháo lấy nước đút cho con. Ôm đứa con tội nghiệp trong nhà kho, nhiều đêm bà thức trắng, khóc cho phận mình.
Địu con xin đi hái chè thuê trên nông trường để kiếm miếng ăn mỗi ngày, rồi tranh thủ đi mót chè vụn để bán. Mấy tháng, được mấy chục cân chè, bà mang về Hà Nội hi vọng kiếm được ít vốn sinh sống, nào ngờ gặp phải kẻ xấu trên tàu, lừa lấy hết mồ hôi công sức của bà. Từ đây, hai mẹ con sống cảnh lang bạt không một xu dính túi trên đất Thủ đô.
Hôm nào “sang”, mua được 500 đồng cơm cháy!
Chị Sinh đang giúp mẹ dọn dẹp căn phòng nhỏ, nơi hai mẹ con thuê chung với hai người khác ở sau chợ Long Biên.
Bà Phải ôm con đi xin việc làm tại chợ Bắc Qua. Thấy người bà thấp bé, lại địu theo con nhỏ nên các chủ cửa hàng chẳng ai thuê. Xin mãi mới được việc xách nước thuê cho quán hàng ăn, bà chăm chỉ làm việc, hi vọng con gái có chút cháo ăn để không bị đói. “Tôi thì khổ mấy cũng chịu được, chỉ nghĩ tội nghiệp con bé phải theo mẹ khắp các xó xỉnh trong chợ. Đêm đến lại phải chịu sương gió ngủ trên vỉa hè”, bà ứa nước mắt.
Những lúc không có việc làm, bà lại lang thang khắp chợ, khi thì nhặt từng sợi miến, lúc thì quét những hạt gạo vương vãi trong chợ. Bà mượn xoong, xin ít nước rồi cẩn thận rửa sạch, đãi bỏ đất cát để nấu cho con ăn. Về phần mình, bà nhặt rau thừa ngoài chợ đem về bóp muối ăn trừ bữa. Nhiều hôm được cho ít khoai, sắn hay rau úa, bà cho vào nấu “thập cẩm”. Bà cười: “Nghe như đồ ăn cho… lợn nhưng lúc đói thì có miếng ăn là tốt rồi”. Những hôm “sang”, bà mua được 500 đồng cơm cháy. Xin thêm tí nước mắm, bà bảo đó là bữa cơm ngon, mát ruột của mình.
Tai họa ập đến khi con gái Nguyễn Thị Sinh của bà thường xuyên đau ốm mà không có tiền thuốc thang. Trên đầu, trên mặt chị Sinh xuất hiện những nốt mụn, vết chàm thâm tím, loang lổ. Sợ hãi, bà đưa con đến bệnh viện để xin khám nhưng vì đã để lâu, những nốt mủ lở loét bốc mùi hôi tanh. 5 năm ròng, người đàn bà xấu số ấy vừa phải lo miếng ăn hàng ngày, vừa ngược xuôi tìm cách chữa bệnh cho con. Hễ có ai mách phương thuốc dân gian nào là bà không quản khó khăn vất vả, tìm đến ngay. Ông trời không phụ lòng người, bằng tình thương, nhịn đói để dành dụm tiền chữa bệnh cho con, lâu dần những vết chàm trên đầu chị Sinh dần biến mất, mụn cũng lặn dần nhưng hậu quả là để lại những vết sẹo lớn.
Sau hơn 30 năm lưu lạc, sống lang thang, năm 2010, bà Phải trở về quê nhà. Điều kỳ lạ là khi về làng, ai gặp bà cũng nghĩ “gặp ma giữa ban ngày”. Bước chân vào căn nhà của đứa cháu trưởng, bà té ngửa khi nhìn thấy di ảnh mình trên bàn thờ đã được họ hàng hương khói suốt… 32 năm qua. Mọi người đồn rằng mẹ con bà đã chết vì đói rét nhưng không biết chết lúc nào nên lấy ngày bà ra đi trong tháng 6 để thờ cúng.
70 tuổi, vẫn lo cho con Giờ đây, lê đôi chân tập tễnh bị gãy do tai nạn khắp các xó xỉnh ở chợ Long Biên từ 3h sáng đến khi chợ tan để nhặt rác kiếm sống qua ngày, nhưng nỗi lo đối với cô con gái đã 38 tuổi vẫn chưa nguôi trong lòng bà. Dù đã có gia đình và làm mẹ nhưng cuộc sống của chị Sinh còn nhiều bấp bênh. Chị vẫn phải bám lại đất Thủ đô để mưu sinh, rửa bát thuê kiếm tiền nuôi con ở quê nhà. Cuộc sống như một vòng luẩn quẩn, đeo bám hai mẹ con người đàn bà bất hạnh này. |