Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử

Ngày 06/02/2020 00:08 AM (GMT+7)

Khoảng 50 - 100 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong trong vòng 2 năm khiến dịch cúm Tây Ban Nha (1918 - 1920) trở thành đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Hơn 100 năm trước, dịch cúm Tây Ban Nha bắt đầu từ năm 1918 và kết thúc năm 1920 đã lây nhiễm cho 1/3 dân số thế giới, khiến khoảng 50 - 100 triệu người tử vong, bằng 3% - 5% dân số thế giới thời điểm đó, khiến nhiều người còn tưởng rằng nhân loại đang đứng trước bờ vực diệt vong.

Đại dịch cúm kinh hoàng nhất lịch sử loài người

Tháng 9/1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất đang đi đến hồi kết thúc. Ngày 11/9/1918, tại thành phố Manchester (Anh), người dân đổ ra đường, mang theo cờ hoa để chào đón Thủ tướng Lloyd George tại Quảng trường Albert. Tất cả đều vui mừng khi tin thắng trận của quân Đồng Minh gửi về không ngớt. Thế nhưng đến tối hôm đó, vị thủ tướng đột nhiên bị đau họng, sốt cao và bất tỉnh.

Trong 10 ngày tiếp theo, Thủ tướng Lloyd George phải nằm cách ly trong phòng bệnh của tòa thị chính Manchester. Ông không thể đi lại và phải đeo ống thở. Báo chí Anh khi đó giấu nhẹm mọi thông tin vì lo sợ quân Đức có thể dùng việc này để tuyên truyền đảo chính. Chỉ có những người thân cận nhất mới biết ông Lloyd George ốm nặng đến mức nào.

Vị Thủ tướng Anh 55 tuổi khi đó đã may mắn sống sót sau nhiều ngày điều trị nhưng người dân của ông thì không may mắn được như vậy. 150 người trong thành phố Manchester đã chết chỉ trong 1 tuần. Trong năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết 250.000 người Anh. Những thanh niên không chết dưới họng súng của quân Đức nay lại tử vong vì một đại dịch cúm.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 1

Bệnh nhân nằm la liệt trong một bệnh viện gần Camp Funston (nay là Fort Riley) ở Kansas (Mỹ) năm 1918.

Tháng 5/1918, khi Vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha bị nhiễm bệnh, tất cả mọi người vẫn coi cúm Tây Ban Nha là một căn bệnh bình thường. Họ thậm chí còn bảo nhau súc miệng bằng nước muối và tự cách ly cho tới khi cơn sốt qua đi. Không ai tưởng tượng được rằng chỉ trong 2 năm, dịch cúm này đã lây nhiễm cho 1/3 dân số thế giới, giết chết 50 - 100 triệu người, tương đương 3% - 5% dân số thế giới, gấp 3-5 lần số binh sĩ chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nếu dựa vào sự tương quan tăng trưởng dân số thế giới, nó sẽ tương đương 200 - 425 triệu người hiện nay.

Tại Mỹ, 28% dân số bị nhiễm bệnh và 675.000 người đã tử vong. Nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí bộ lạc thổ dân Inuit và Alaska còn bị xóa sổ hoàn toàn. 50.000 người Canada đã chết, 300.000 người dân Brazil tử vong vì dịch cúm Tây Ban Nha, bao gồm cả Tổng thống đương thời nước này là Coleues Alves.

Tại Anh, hơn 250.000 người tử vong, trong khi con số này ở Pháp là hơn 400.000 người. Tại Nhật Bản, hơn 300.000 người đã chết và tại Indonesia là 1,5 triệu người. Ấn Độ có lẽ là một trong những quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất khi hơn 17 triệu người tử vong vì cúm Tây Ban Nha, tương đương 5% tổng dân số.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 2

Một bệnh viện ở Pháp toàn những bệnh nhân mắc cúm Tây Ban Nha.

Ngay cả những đất nước bị cô lập như Tahiti, Samoa, Úc và New Zealand, số người tử vong cũng rất lớn. 13% dân số trên đảo Tahiti đã chết chỉ trong vòng 1 tháng. Tại Samoa, 38.000 người, tương đương 22% dân số đã bị xóa sổ. Trong khi đó, 12.000 người New Zealand đã chết chỉ trong 6 tuần.

Năm 1919, khi mà thuốc kháng sinh và vắc-xin còn chưa ra đời, nhiều người tin rằng cúm Tây Ban Nha sẽ là sự diệt vong của loài người, điều mà cuộc chiến tranh thế giới vừa kết thúc, chưa làm được.

Nguồn gốc của đại dịch

Mặc dù có tên gọi như vậy nhưng dịch cúm này không bắt nguồn từ Tây Ban Nha. Do đó là thời điểm nhạy cảm, Chiến tranh Thế giới thứ nhất vừa kết thúc nên các bên tham chiến đều giấu nhẹm thông tin về dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha, bên trung lập, trở thành nơi đầu tiên trên thế giới công khai trường hợp nhiễm bệnh.

Cúm Tây Ban Nha có tỷ lệ nhiễm cực cao, lên tới 50% và tỷ lệ tử vong khoảng 10% - 20%, trong khi những loại cúm khác chỉ khoảng 0,1%. Đặc biệt, nạn nhân tử vong chủ yếu của dịch cúm này là người trẻ, trong độ tuổi từ 20-40 tuổi, những người tưởng như có hệ miễn dịch khỏe mạnh nhất. Những biểu hiện của bệnh là xuất huyết ở mũi, dạ dày và ruột, sau đó xuất huyết và tràn dịch màng phổi, khiến người bệnh "chết đuối" bởi chính chất lỏng bên trong cơ thể mình.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 3

Bên trong Bệnh viện quân đội Walter Reed, Mỹ năm 1918.

Jeffrey Taubenberger, nhà virut học, nhà nghiên cứu bệnh học phân tử tại Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, người đã nghiên cứu virut gây ra cúm Tây Ban Nha suốt 30 năm qua, vẫn cật lực đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của dịch bệnh này. Ông là một trong số ít những người được quyền truy cập tủ đông chứa virut còn sót lại, được FBI cất giữ cẩn thận. 

Sử dụng các kỹ thuật phân tử hiện đại, Jeffrey và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện ra một điều gây sốc. Trước đây, các nhà dịch tễ học quan sát thấy rằng các đại dịch cúm thường xảy ra trước hoặc sau những bệnh cúm ở chó, mèo và ngựa. Virut cúm cũng có thể lây nhiễm ở lợn và các loài chim di cư. Tuy nhiên khi phân tích bộ gen của cúm Tây Ban Nha, ông Jeffrey nhận thấy nó có nguồn gốc từ virut cúm gia cầm. Sau khi xem xét virut H1N1 gây ra cúm gia cầm, ông Jeffrey nhận thấy cúm Tây Ban Nha thực chất là một nhóm nhỏ của virut H1N1 và nó có khả năng lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.

Năm 2007, các nhà khoa học đã thử nghiệm virut cúm Tây Ban Nha trên khỉ, cho ra những triệu chứng điển hình của đại dịch năm 1918. Những con khỉ này đã chết vì một cơn bão cytokine (hệ miễn dịch phản ứng quá dữ dội trước sự xâm nhập của virut, sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu và cytokine để giết chết virut. Những tế bào bạch cầu này tấn công cả tế bào khỏe mạnh và giết chết người bệnh). Đó chính là lý do những người trẻ trong độ tuổi 20-40 tuổi, những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, lại dễ tử vong vì căn bệnh này.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 4

Nhà khoa học Jeffrey Taubenberger.

Thế nhưng thật đáng thất vọng, đến tận bây giờ, người ta vẫn không thể xác định cúm Tây Ban Nha bắt nguồn từ đâu. Một trong những giả thuyết được ủng hộ nhất cho đến nay là của nhà khoa học người Anh John Oxford. Ông tin rằng đại dịch bắt đầu từ Étaples, một trại quân đội khổng lồ của Anh cách vùng Boulogne (Pháp) 1h về phía tây nam. 

Étaples có hơn 100.000 binh sĩ đóng quân, nằm trên đường bay của chim di cư, gần cửa sông Somme, hội tụ đầy đủ những yếu tố để lan tỏa dịch bệnh: quần thể chim hoang dã, nơi sinh sống của nhiều gà và lợn, một doanh trại quân đội lớn. Mùa đông năm 1917, hàng trăm binh sĩ Anh đã gục ngã với những triệu chứng giống như cúm Tây Ban Nha, khiến 156 người chết. Thời điểm đó, người ta xác định nguyên nhân tử vong là viêm phế quản. Ông John Oxford tin rằng một con chim mang trên mình virut đã di cư tới cửa sông Somme, khiến mầm bệnh lây nhiễm cho các binh sĩ nơi đây, từ đó gây ra đại dịch trên toàn thế giới.

Nỗi đau còn nguyên vẹn tới ngày nay

Bà Ada Darwin là một trong số hàng triệu người hứng chịu nỗi đau kinh khủng nhất do đại dịch cúm Tây Ban Nha gây ra. Năm đó, bà Ada chỉ mới 7 tuổi đã phải tận mắt chứng kiến tất cả những người thân yêu lần lượt ra đi, bản thân cũng bị nhiễm bệnh nhưng may mắn sống sót.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 5

Bà Ada Darwin, một trong những nhân chứng sống của đại dịch cúm năm 1918.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Manchester, bà Ada nhớ lại: "Đó là Chủ nhật ngày 17/11/1918, tôi đã rất đau đầu nên bảo mẹ nhắc em gái đừng nói chuyện nữa". Bà Ada đã mắc phải cúm Tây Ban Nha. Những người tiếp theo mắc bệnh là người mẹ Jane Berry, em gái Edith, 2 em trai Austin và Noel. Khi cả gia đình bị nhiễm bệnh, bà của Ada đã tới đón cháu gái đi. Mẹ của Ada khi ấy đã tím xanh cả người và qua đời chỉ sau 1 ngày. 3 ngày sau, người em trai Noel cũng ra đi. 

Ngày 25/11, bố của bà Ada, tử vong vì dịch cúm khi mới 38 tuổi. Ở tuổi 94, bà Ada vẫn còn vẹn nguyên nỗi đau khi trải qua 3 đám tang liên tiếp trong chưa đầy 1 tuần. "Nó giống như một bộ phim trong đầu tôi. Có những con ngựa đen đội trên đầu mũ đính lông đà điểu, theo sau là quan tài của bố tôi được phủ quốc kỳ Anh. Quan tài của mẹ tôi được đặt trong một hộp kính lớn và quan tài của Noel đặt dưới ghế tài xế. Bà của tôi nói rằng mẹ tôi đã đi gặp Chúa. Tôi trả lời rằng Chúa đã có rất nhiều người ở bên rồi, tôi chỉ muốn mẹ trở lại", bà Ada kể.

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 6

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 7

Cúm Tây Ban Nha: Một con chim đậu xuống cửa sông gây ra đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử - 8

Thiệt hại sau đại dịch cúm Tây Ban Nha là không thể đong đếm.

Bà Ada không phải đứa trẻ duy nhất trở nên mồ côi vì dịch cúm Tây Ban Nha. Ở thủ đô Cape Town của Nam Phi, 2.000 - 3.000 trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi. 

Từ tháng 9 đến tháng 12/1918, hơn 16.000 người đã tử vong tại thủ đô London của Anh, phần lớn trong số đó là thanh niên. Năm 1919 là năm đầu tiên trong lịch sử nước Anh có tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh.

Ngày nay, không còn nhiều người còn sống để kể về dịch cúm Tây Ban Nha. Đại dịch cúm này vẫn là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhân loại mỗi khi nhắc đến. 

Bên trong tâm dịch Vũ Hán: Một người đàn ông chết gục giữa đường, không ai dám lại gần
Hình ảnh kinh hoàng này đã cho thấy cuộc chiến chống lại virut corona chủng mới tại Vũ Hán đang khủng hoảng tới mức nào.
Khánh Hằng (Dịch từ Guardian)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h