Theo quan niệm của dân gian, lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch luôn được tiến hành long trọng hơn những ngày rằm khác trong năm. Vì thế việc chọn ngày, chọn giờ để lên hương vô cùng quan trọng.
Những ngày, giờ đẹp cúng Rằm tháng 7
Ngày Rằm tháng 7 âm lịch với người Việt Nam cũng được xem là ngày xá tội vong nhân, trùng với dịp lễ Vu Lan báo hiếu theo truyền thống đạo Phật, mọi người hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành, cũng như thể hiện lòng từ bi, thương xót đến những vong hồn cô quạnh. Vì vậy, lễ cúng Rằm tháng 7 âm lịch luôn được tiến hành long trọng hơn những ngày rằm khác trong năm.
Trong ngày này, mọi người thường sẽ làm lễ cúng trang trọng và rất chú trọng đến ngày giờ hành lễ. Nhiều người cho rằng, cúng Rằm tháng 7 nhất thiết phải cúng đúng ngày, tức ngày chính rằm mới là chuẩn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, thời điểm cúng có thể vào đúng ngày rằm (trước 12h trưa) hoặc trước đó một vài ngày đều được, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.
Cúng Rằm tháng 7 có thể thực hiện vào chính rằm hoặc trước đó vài ngày tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình
Chuyên gia phong thủy Song Hà gợi ý giờ đẹp cúng Rằm tháng 7 từ ngày 11 đến ngày 15 âm lịch:
Ngày 11/7 âm
- Giờ đẹp: 7h - 9h, 9h - 11h, 15h -17h.
- Đây là ngày Canh Tuất: Kỵ các tuổi Sửu, Thìn, Mùi và các tuổi mang thiên can Giáp có năm sinh âm lịch tận cùng là số 4 (1944, 1954, 1964, 1974, 1984, 1994, 2004, 2014).
Ngày 12/7 âm
- Giờ đẹp: 7h - 9h, 13h - 15h.
- Đây là ngày Tân Hợi: Kỵ với các tuổi Tị, Thân (tuổi Dần là nhị hợp không kỵ) và các tuổi mang thiên can Ất có năm sinh âm lịch tận cùng là số 5 (1945, 1955, 1965, 1975, 1985, 1995, 2005, 2015).
Ngày 13/7 âm
- Giờ đẹp: 5h - 7h,15h -17h, 17h - 19h.
- Đây là ngày Nhâm Tý: Kỵ các tuổi Mão, Ngọ, Dậu và các tuổi mang thiên can Bính có năm sinh âm lịch tận cùng là số 6 (1946, 1956, 1966, 1976, 1986, 1996, 2006, 2016).
Ngày 14/7 âm
- Giờ đẹp: 5h - 7h, 9h - 11h, 15h - 17h.
- Đây là ngày Quý Sửu: Kị các tuổi Thìn, Mùi, Tuất và các tuổi mang thiên can Đinh có năm sinh âm lịch tận cùng là số 7 (1947, 1957, 1967, 1977, 1987, 1997, 2007, 2017).
Ngày chính rằm 15/7 âm
- Giờ đẹp: 7h - 9h; 9h - 11h , chiều từ 13h -15h.
- Đây là ngày Giáp Dần: Kỵ các tuổi Tị, Thân (tuổi Hợi là nhị hợp không kị) và các tuổi mang thiên can Mậu có năm sinh âm lịch tận cùng là số 8 (1948, 1958, 1968, 1978, 1988, 1998, 2008, 2018).
Nghi lễ cúng Rằm tháng 7 bao gồm cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cô hồn) với thời điểm và cách thức thực hiện khác nhau. Trong đó, lễ cúng chúng sinh là nghi lễ cúng bố thí cho những vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Nghi lễ này nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn. Theo quan niệm dân gian, các cô hồn thường sợ ánh sáng, thời điểm trời tắt nắng họ sẽ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng hơn.
Những lưu ý không thể bỏ qua khi cúng Rằm tháng 7
- Mâm cúng không cần mâm cao cỗ đầy nhưng phải thành tâm
Theo các chuyên gia phong thủy, mâm cúng Rằm tháng 7 không cần phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy, nên tùy vào điều kiện của mỗi gia đình và từng phong tục của vùng miền để lựa chọn mâm cúng phù hợp.
Đặc biệt, Rằm tháng 7 cũng là ngày lễ Vu Lan tưởng nhớ ông bà bố mẹ nên trong mâm cúng có thể dâng lên những món ăn mà khi còn sống ông bà cha mẹ mình yêu thích để tỏ lòng thành kính.
- Lưu ý khi cúng chúng sinh
Mâm cúng chúng sinh phải đặt ở ngoài sân, ở ngoài cửa nhà, vỉa hè, ngã ba, ngoài cổng... vì theo quan niệm của dân gian, cúng ở những vị trí này để các cô hồn ở xung quanh dễ dàng tìm đến hưởng thụ lễ vật, không vào trong nhà quấy quả.
Cúng chúng sinh nên tiến hành ở ngoài sân, ở ngoài cửa nhà, vỉa hè, ngã ba, ngoài cổng...
Trong văn khấn cúng cô hồn không nhất thiết phải đọc tên tuổi địa chỉ của bản thân và người thân trong gia đình vì khi làm phúc không nhất thiết phải đợi báo ân.
- Khi thực hiện nghi lễ cúng gia chủ cần ăn mặc chỉnh tề, không bị phân tâm.