Trong tháng cô hồn, các cơ sở kinh doanh vật dụng phục vụ nhu cầu cúng bái luôn trong tình trạng tấp nập khách hàng. Tại các cơ sở sản xuất, người dân phải tăng ca để kịp tiến độ, thu về tiền triệu mỗi ngày.
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch hằng năm được gọi là tháng cô hồn - ám chỉ khoảng thời gian dễ gặp vận hạn, đen đủi. Vì thế, một số người cho rằng không nên giao dịch đầu tư, buôn bán lớn trong tháng này. Tuy nhiên, có một số mặt hàng bán rất chạy trong tháng cô hồn, kinh doanh chắc chắn thu về con số “khủng”. Hầu hết, đây là những mặt hàng phục vụ cho hoạt động dâng hương, thực hiện nghi thức tâm linh.
Nghề sản xuất vàng mã
Để giải vận đen, xui rủi trong tháng 7 âm lịch, người Việt tổ chức lễ cúng tại nhà hoặc đến các chùa, miếu nhờ sự giúp đỡ của thần linh. Trong đó, hoạt động đốt vàng mã được nhiều người lựa chọn với hy vọng xua đuổi tà ma, không bị quấy phá bởi người cõi âm.
Tháng 7 trùng với thời điểm lễ Vu Lan báo hiếu - cơ hội để con cái báo hiếu cha mẹ hoặc tưởng nhớ những người thân đã khuất. Người dân có tâm lý muốn gửi cho bố mẹ, người thân của mình ở "nơi chín suối” những đồ dùng tốt và tiện nghi nhất. Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên những loại hàng mã như áo quần, nhà lầu, xe hơi… được mô phẩm bằng giấy được người dân săn lùng, tìm mua.
Hiện nay, các mặt hàng vàng mã rất phong phú, nhiều vật phẩm như ô tô, điện thoại, quần áo được làm như thật và có mức giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Trong thời gian này các làng nghề, khu phố chuyên bày bán vàng mã nhộn nhịp khách mua hàng như làng Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Phúc Am (Hà Nội), phố Hàng Mã (Hà Nội)... Ví dụ như các mô hình về nhà lầu, xe hơi có kích thước chiều cao khoảng 1m giá thành sẽ dao động trong khoảng từ 300,000 - 500,000 đồng hay một con ngựa cao 2m có thể có giá từ 200,000 đồng.
Thời điểm tháng 7 là cơ hội để cửa hàng kinh doanh vàng mã “hốt bạc”. Ông Nguyễn Đăng Minh (mưu sinh tại làng nghề Thường Tín) chia sẻ: "Tháng 7 âm lịch chúng tôi bán được nhiều hàng là vì dịp này mẫu mã đa dạng hơn, nhiều mặt hàng cầu kỳ, tốn công sức thực hiện. Chính vì thế, người dân trong làng nghề có thu nhập khá hơn nhiều. Chúng tôi nói đùa với nhau, cả năm chỉ cần làm tháng 7 là đủ ăn cho cả năm".
Kinh doanh hoa tươi và trái cây
Hoa tươi và trái cây chính là một trong những mặt hàng có lượng tiêu thụ cực khủng trong tháng cô hồn. Trên tất cả các mâm cúng ngày lễ này, không thể thiếu những nhành hoa khoe sắc cùng trái cây thơm ngát để dâng hương với ước nguyện xua đuổi tà ma, cầu bình an cho bản thân, gia đình.
Người Việt tin rằng dâng hoa khi tổ chức lễ cúng mang lại sự bình an, may mắn và tài lộc cho gia đình. Hoa có mùi hương thơm ngát, tạo cảm giác dễ chịu, thanh tịnh cho không gian sống. Còn các loại quả được coi là biểu tượng của sự sung túc, bên trong quả có hạt tượng trưng cho sự sinh sôi, trường tồn.
Vì thế, hoa tươi và trái cây là mặt hàng “đắt như tôm tươi” đặc biệt trong thời điểm từ 13 đến 15 âm lịch. Các tiểu thương những ngày này phục vụ khách hàng không ngừng nghỉ, đây là một trong những thời điểm tất bật nhất trong năm.
Hoa quả có nhiều mức giá thành khác nhau để lựa chọn, người Việt sẽ chi tiêu trung bình khoảng 150,000 - 300,000 đồng cho lễ vật này khi thực hiện nghi thức cúng tổ tiên, ông bà.
Nghề làm hương
Để bày tỏ tấm lòng và sự biết ơn vào thần linh, hương (nhang) là đồ vật không thể thiếu trong mâm cúng của người Việt. Đây là vật dụng tượng trưng cho cầu nối giữa thực tại và thế giới tâm linh. Vì thế, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để sở hữu các loại hương để mâm cúng trang trọng, tạo thêm mùi thơm dễ chịu trong khu vực làm lễ.
Để làm ra một nén nhang thành phẩm, đó là sự miệt mài, công phu của những người thợ khi phải pha trộn nhiều loại nguyên liệu khác nhau, Giai đoạn gần với rằm tháng 7, các làng nghề làm hương truyền thống bận rộn với những đơn đặt hàng số lượng lớn. Nhiều làng nghề phải tăng công suất gấp 2 - 3 lần để kịp tiến độ.
Ở các cửa hàng kinh doanh hương cùng các nguyên liệu phục vụ nghi thức cúng bái như đèn, nến cũng tấp nập khách mua hàng. Thời điểm rằm tháng 7 và tháng Giêng, thị trường cần số lượng hàng hoá lớn, vì vậy các cơ sở kinh doanh, làng nghề truyền thống hoạt động hết công suất, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Làng nghề làm hương liên tục tăng ca để kịp tiến độ sản xuất trong mùa cao điểm.
Kinh doanh thực phẩm chay
Kinh doanh thực phẩm chay là một trong những hoạt động buôn bán "ăn khách" trong tháng 7 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, để hạn chế vận đen, xui xẻo trong tháng cô hồn, nhiều người chọn cách dùng những sản phẩm được chế biến từ rau, củ, quả, nguyên liệu thiên nhiên, tránh sát sinh và để tâm hồn luôn hướng thiện.
Vì vậy, trong tháng 7 âm lịch nguyên liệu thuần chay được nhiều người “săn lùng” để mua về chế biến, nấu ăn cho cả gia đình. Các hàng, quán bày kinh doanh đồ ăn chay luôn trong tình trạng đông nghẹt thực khách. Nhiều nhà hàng yêu cầu phải đặt bàn trước để đảm bảo chất lượng món ăn và khả năng phục vụ vì lượng khách đông trong ngày cao điểm 14 - 15/7 âm lịch.
Trung bình với một phần thức ăn chay sẽ có giá dao động từ 30,000 - 150,000 đồng tùy thuộc vào món thực khách lựa chọn. Còn về nguyên liệu chay có giá thành không quá cao vì được làm từ thực vật, mức giá chỉ từ 10,000 đồng cho các nguyên liệu. Từ đó, các cơ sở kinh doanh, tiểu thương bày bán thực phẩm chay sẽ có được thu nhập ổn định trong tháng cô hồn nhờ sức mua và nhu cầu rất lớn từ khách hàng.
Các nguyên liệu, thực phẩm chay được các bà nội trợ ưu tiên lựa chọn cho mâm cơm những ngày trong tháng cô hồn.