Trong ngày rằm cuối cùng của năm Quý Mão, các gia chủ cần đặc biệt lưu ý chỉ có một khung giờ đẹp để lên hương, đồng thời trong ngày cũng phải kiêng kỵ một số đều để tránh gặp xui xẻo.
Cúng rằm tháng Chạp lên hương giờ nào tốt nhất?
Đối với người Việt, tháng Chạp là tháng quan trọng trong năm và ngày rằm tháng Chạp cũng là ngày rằm cuối cùng của năm, trước khi mọi người hướng đến cái Tết đoàn viên bên gia đình. Do đó, rằm tháng Chạp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa của người Việt.
Về mặt tâm linh, rằm tháng Chạp là dịp để người Việt tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Lễ cúng rằm tháng Chạp thường được tổ chức tại nhà, tại bàn thờ gia tiên. Trong lễ cúng, gia chủ thắp hương, khấn vái cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, mọi người trong gia đình mạnh khỏe, bình an.
Chuyên gia phong thủy Phùng Hoài Phương (Phong thủy sư Hiệp Hội Phong Thủy Thế Giới IFSA) cho biết, rằm tháng Chạp năm Quý Mão sẽ rơi vào ngày 25 tháng 1 năm 2024 (dương lịch). Do đây là ngày rằm cuối cùng của một năm âm lịch, vì thế gia chủ nên chuẩn bị lễ vật để thắp hương cho thần linh, tổ tiên thật tươm tất.
Rằm tháng Chạp là ngày rằm cuối cùng của năm, vì thế khi thắp hương cần chuẩn bị tươm tất các lễ vật. Ảnh minh họa.
Rất nhiều người thắc mắc, liệu có thể thắp hương trước ngày 15 âm lịch được không? Chuyên gia cho biết, các gia chủ hoàn toàn có thể lên hương vào ngày 14 tháng Chạp âm lịch, nhưng tuyệt đối không thắp hương sau rằm hoặc trước rằm quá xa. Trừ có công việc bận rộn, đột xuất, cấp bách, các gia chủ tốt nhất vẫn nên thắp hương vào đúng ngày rằm.
Chuyên gia Phùng Phương tư vấn, trong ngày rằm tháng Chạp năm Quý Mão chỉ có một khung giờ đẹp để lên hương, đó là giờ Mão (5-7 giờ sáng), đây là khung giờ rất tốt để thỉnh cầu thần linh, cầu an, nhận chức và đính hôn. Hướng xuất hành tốt trong ngày rằm tháng Chạp là hướng Đông Nam có Hỷ Thần đáo tới và hướng Bắc có Tài Thần đáo tới.
Còn ngày 14 tháng Chạp (tức ngày 24 tháng 1 năm 2024), có 2 khung giờ tốt để lên hương đó là giờ Thìn (07 đến 09 giờ) và giờ Mùi (từ 13 đến 15 giờ). Trong ngày 14 tháng Chạp, mọi người nên xuất hành hướng Nam (có Hỷ Thần) và hướng Đông (có Tài Thần).
Cần chuẩn bị mâm cúng ra sao, nên tránh những điều gì?
Việc chuẩn bị lễ vật cúng rằm tháng Chạp hoàn toàn phụ thuộc vào phong tục địa phương, cũng như điều kiện mỗi gia đình. Tuy nhiên, điều tiên quyết đó là phải trang trọng, đầy đủ để tỏ lòng thành kính với các đấng bề trên. Với người thực hiện lễ cúng cần phải ăn mặc gọn gàng, với phụ nữ không thực hiện cúng lễ nếu đang có chu kỳ kinh nguyệt. Khi làm lễ cần thành tâm cầu khấn, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, thần linh.
Đặc biệt, trong ngày rằm tháng Chạp, mọi người cần tránh những việc sau để không bị xui xẻo:
- Tránh thị phi: Trong ngày rằm tháng Chạp, mọi người cần giữ hòa khí, tránh gây gổ, tranh cãi, xung đột. Nếu phạm phải những điều này sẽ khiến cho gia đình gặp nhiều mâu thuẫn, xích mích trong năm mới.
- Kiêng nhặt tiền rơi: Theo quan niệm dân gian, tiền rơi là tiền của người âm, nếu nhặt sẽ mang lại xui xẻo. Không chỉ có vậy, nhiều người trong ngày rằm thường sẽ thả rơi tiền nhằm mục đích vứt bỏ bớt đen đủi, vì thế nếu nhặt tiền (nhất là tiền lẻ) sẽ vô tình nhận lấy điều xui xẻo của người khác.
Nhặt tiền rơi trong ngày rằm tháng Chạp có thể sẽ gặp chuyện xui xẻo. Ảnh minh họa.
- Kiêng vay mượn: Vay mượn trong ngày rằm tháng Chạp sẽ khiến cho món nợ vắt sang năm mới, ảnh hưởng đến tài lộc trong năm mới.
- Tránh đổ vỡ: Đổ vỡ trong ngày rằm tháng Chạp là điềm báo xui xẻo. Vì vậy, mọi người cần cẩn thận, tránh làm đổ vỡ bát đĩa, đồ đạc, nhất là những đồ lễ vật dâng cúng hoặc đồ trên ban thờ.