Nhiều ý kiến cho rằng cúng sao giải hạn đang bị hiểu sai, bị lạm dụng. Không ít con nhang, đệ tử quẳng tiền bạc và thời gian vào những khóa lễ chẳng khác gì hối lộ, thỏa thuận với thần linh…
Thầy cúng thành kẻ môi giới “hối lộ”
Chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), trong những ngày đầu xuân lúc nào cũng đông nghìn nghịt người. Sân chùa không đủ chứa xe, người dân quanh đó “khoanh vùng” luôn một dãy phố Tây Sơn, trưng biển trông giữ xe máy dài cả cây số.
Ngày rằm tháng Giêng, tại ngôi chùa này có rất đông người dân xếp hàng làm lễ. Với khuôn mặt mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại vì chen lấn, chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm Quý Sửu 1973) đi giải sao cho chồng (sinh năm Tân Hợi 1971) tâm sự: “Tôi xem sách tử vi thấy nói chồng năm nay mang sao xấu nên phải đi đến chùa làm lễ giải hạn là để giảm bớt vận hạn. Nhà neo người lại có con nhỏ nên chồng ở nhà trông cháu còn tôi đi một mình. Do lượng người đông đúc quá nên tôi phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ mới làm lễ xong”.
Một buổi lễ cúng sao, giải hạn. Ảnh: Cao Tuân
Theo ghi nhận của PV, tại chùa Một Cột ước tính có hàng nghìn người tìm đến làm lễ cúng sao giải hạn. Thời tiết Thủ đô khá lạnh nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng đứng từ ngoài đường đến cổng chùa để khấn vái, cầu nguyện. Lực lượng cảnh sát đã được huy động đến đảm bảo trật tự trên các tuyến phố.
Tại đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc cũng tấp nập phật tử thập phương đến lễ bái. Rất khó tìm một chỗ đứng trong chính điện để làm lễ. Dòng người đến dự lễ dâng sao giải hạn đứng tràn cả ra đường, nhà chùa làm lễ phải bắc loa ra đường để các thân chủ nghe được thầy chủ lễ xướng tên mình và tên thân nhân trong danh sách dài dặc. Có người chờ lâu quá, ngủ gật, xướng đến tên mình không nghe, sau lễ, thắc mắc ầm ĩ.
Một người dân đang chuẩn bị lễ vật để cúng sao, giải hạn tại chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội).
Tại nhiều chùa chiền, các cô đồng, thầy cúng còn bán cho các đệ tử những cuốn lịch tra cứu tử vi, bói toán cũng như hướng dẫn thể thức hành lễ cúng sao giải hạn với những tai ương - điềm lành mà các sao soi chiếu. Và dĩ nhiên, những tai ương đều có thể tan đi nếu chịu khó cúng sao giải hạn. Ngoài lễ vật, các thân chủ phải bỏ tiền, “chùa vắng” thì vài chục nghìn đồng, “chùa đông” phải mất đến hàng trăm nghìn đồng. Mà nhà chùa không làm lễ cúng sao cho 1 người, đã làm là cúng cho cả trăm tín chủ. Còn muốn thầy đến nhà làm lễ thì cực khó.
Qua trò chuyện với PV, những người làm lễ cúng sao giải hạn bày tỏ rằng họ chấp nhận bỏ ra một khoản tiền, cúng một ít lễ vật để mua sự bình an, may mắn. Đã có không ít gia đình vì lo sợ trúng sao xấu mà tốn hàng chục triệu đồng làm lễ giải hạn. Kèm theo đó là lực lượng giao tiếp trung gian của những ông đồng, bà cốt, thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy, thầy địa lý... mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa với đủ mọi kiểu dạng. Với mục đích thực dụng vụ lợi, vốn được xem như bản năng nguyên thủy của thế giới tâm linh, giờ đây việc cúng lễ trên chùa, đền, phủ, đình, điện, miếu dường như đã trở thành một thao tác mang đậm tính thương mại tín ngưỡng.
“Hối lộ” Phật…lỗ hổng lớn về tư duy
Các nhà chiêm tinh xưa cho rằng, mỗi năm mỗi người đều có 1 trong 9 sao chiếu. 9 vị sao này, Phạn ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là Cửu diệu, trong đó có 3 sao tốt gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức; 3 sao xấu có La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch và 3 sao trung là Vân Hớn, Thổ Tú, Thủy Diệu. Những ai trúng vào sao xấu chiếu mạng thì phải cúng giải hạn mới… hết hạn (?).
Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Phòng.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Phòng thẳng thắn chia sẻ: “Trong giáo lý nhà Phật không hề bao gồm việc cúng dâng sao giải hạn. Chủ yếu đó là quy luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Mọi sự thành bại của con người là do duyên nghiệp báo và công đức tu tập từ chính mỗi cá nhân tạo ra. Nếu quá mê muội mà cho rằng, cứ cúng sao thì có thể giải hạn được thì đó là một sự ngộ nhận sai lầm”.
Qua thực tế ghi nhận tại nhiều ngôi chùa, đầu năm người dân khắp nơi đến chen chúc, xếp hàng, bê trên tay những lễ lạt, mâm cao cỗ đầy cùng với đó là cơ man nào ngựa giấy, voi giấy, hình nhân thế mạng… để nhờ các thầy làm lễ cúng dâng sao giải hạn cho cả gia đình. Bản thân Thượng tọa Thích Quảng Tùng cho rằng, những hình ảnh này có lẽ không còn là hiện tượng mà đã quá phổ biến trong những năm gần đây.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu Phật học, Thượng tọa Thích Quảng Tùng bộc bạch: “Dường như một bộ phận người dân vẫn còn cuồng tín quá dẫn đến mê tín. Không phân biệt được đâu là tín ngưỡng dân gian, đâu là quan niệm Phật học. Tại sao cứ phải cúng lễ xa hoa lãng phí mà không tự tu tâm công đức, năng làm điều thiện. Nếu suy nghĩ thần Phật chịu để cho các phật tử “hối lộ” bằng vàng bạc, tiền mã thì đây là lỗ hổng lớn về tư duy”.
Cũng theo chia sẻ của vị trụ trì chùa Phúc Lâm tại Hải Phòng, thời đại ngày nay khi mà cuộc sống con người đã sung túc hơn thì lại xuất hiện lại tư tưởng “phú quý sinh lễ nghĩa”. “Tôi thường xuyên nhắc nhở, góp ý với các phật tử khi tới chùa lễ về việc cúng giải hạn. Có một số người còn yêu cầu bằng được nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho nhưng tôi thẳng thắn phân tích và từ chối đáp ứng yêu cầu này. Nói rồi, họ cũng dần hiểu ra và đành phải mang đồ lễ về. Có người mua hàng mã, lễ lạt tốn kém đến cả vài chục triệu đồng nhưng cũng phải mang về nhà”, thầy Thích Quảng Tùng bày tỏ.
“Đầu năm thường là lễ cầu phúc, cầu quốc thái dân an, dân khang vật thịnh. Tùy vào nhân duyên, nghiệp báo mà sẽ có những kết quả tương ứng ở hiện tại và tương lai. Còn thực tế, vẫn còn rất nhiều người dân vẫn còn mê đắm vào vòng lẩn quẩn của các tín ngưỡng thờ cúng. Đi đâu cũng thấy lạm dụng, mua bán thần thánh. Tôi cho rằng, nếu cơ quan chức năng có những hành động quyết liệt, đúng đắn sẽ hạn chế được việc người dân tốn tiền của, thời gian vào việc cúng sao giải hạn mà mục đích chỉ giải quyết vấn đề tâm lý”, Thượng tọa Thích Quảng Tùng nói thêm.
Bên cạnh đó, Thượng tọa Thích Quảng Tùng cũng nhìn nhận, hiện tại có không ít người tự xưng là thầy cúng để làm dịch vụ cúng sao giải hạn thuê nhằm trục lợi trên sự cuồng tín của một bộ phận người dân mê muội. Thực ra, nghi thức cúng sao giải hạn này bắt nguồn từ Đạo Giáo của Trung Quốc và du nhập về Việt Nam. Để cúng theo đúng nguyên tắc cũng đòi hỏi phải có bài bản chứ không đơn giản, bát nháo như hiện nay.
“Chùa Phúc Lâm (Hải Phòng) mấy năm qua không tổ chức cúng sao giải hạn nhưng bà con họ vẫn làm ăn sinh sống ổn định, yên vui. Chúng tôi không cúng sao giải hạn cho bất cứ phật tử nào cả mà chỉ khuyên răn họ nên tư duy một cách đúng hướng, theo giáo lý nhà Phật”, vị Thượng tọa cho biết thêm.
Phật giáo không có lễ cúng sao giải hạn Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay: “Trong các nghi lễ Phật giáo được quy định, không có lễ cúng sao giải hạn. Về giáo lý, Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân quả. Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. “Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không do ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Tất cả đều do tâm, khẩu và ý của con người tạo ra, nhân duyên xấu do chúng ta tạo tất sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Sở dĩ trong nhà chùa có làm lễ cầu an đầu năm cho phật tử với mong ước gia đình quý phật tử được an lạc hạnh phúc, nhưng khi làm lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn. Mọi người hãy nghĩ đơn giản rằng, đầu năm đi lễ chùa để cầu an, hướng thiện là đủ rồi”, thầy Thích Chơn Thiện chia sẻ. |