Tối nay (26.2), hàng nghìn người miệng khấn, tay chắp để giải hạn sao La Hầu (sao xấu) ngồi kín một đoạn đường Tây Sơn trước cổng chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Phía trong khuôn viên của nhà chùa cũng không còn một chỗ trống.
19h tối buổi lễ mới bắt đầu, nhưng ngay từ 17h chiều, hàng nghàn người dân đã có mặt, ngồi kín trong khuôn viên của Tổ đình Phúc Khánh để dâng sao giải hạn và cầu bình an cho gia đình.
Theo quan niệm của Đạo giáo, trong năm người nào bị các sao: Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Tam Quy… chiếu thì cả năm sẽ không may mắn, nếu không cẩn thận sẽ gặp chuyện chẳng lành. Vì vậy, cứ dịp đầu năm sau Tết, người dân lại đổ xô đến các chùa viết sớ giải sao.
Đây là khóa lễ đầu tiên trong năm của Tổ đình Phúc Khánh - một ngôi chùa thiêng và lâu đời nhất Hà Nội. Chính vì vậy với mong muốn một năm bình an, tai qua nạn khỏi, những người bị sao xấu chiếu mệnh đã đăng ký dâng sao giải hạn với nhà chùa trước đó vài ngày.
Đây là khóa lễ những người bị sao La Hầu chiếu mệnh. Theo lời thầy Thích Thanh Quyết (Trụ trì chùa Phúc Khánh) giảng giải trên loa: Đặc tính của sao La Hầu là những người bị sao này hay bị vu oan, nói không thành có, mọi người nếu gặp trường hợp này thì không nên nói lại mà im lặng…
Những hình ảnh phóng viên ghi nhận tại chùa Phúc Khánh:
Hàng nghìn người dân ngồi chen chúc nhau dưới lòng đường trên đường Tây Sơn trước Tổ đình Phúc Khánh.
Khoảng 18h30 tối, lòng đường đã kín mít. Một số người ngồi lên cả thành cầu vượt khiến tình trạng giao thông ùn tắc cục bộ.
Lực lượng trật tự phải rất vất vả điều tiết giao thông.
Người dân trót nhỡ đi vào đây phải nhờ dân phòng dắt xe hộ.
Gần đến giờ lễ, nhiều người không chịu được phải nhảy qua thành cầu vượt Ngã Tư Sở ra ngoài.
Hàng trăm người ngồi vắt vẻo trên thành cầu, mặt hướng vào phía chùa.
Bác Phạm Quang Biên (sinh năm 1961) cho biết: "Tôi năm nay bị sao La Hầu nên phải đi giải sao, mấy hôm trước đã đăng ký hết 100.000 nghìn đồng. Tối nay đến muộn nên đành phải ngồi ngoài".
Ông Lê Hùng (Yên Lãng, Hà Nội) chia sẻ: "Những năm tôi bị sao xấu làm ăn không được thuận lợi. Đi dâng sao giải hạn cho đỡ phần nào, vẫn biết hạn thì phải chịu".
Bé Vĩnh Khang (7 tuổi, Hà Nội) cùng mẹ ngồi khấn Phật, bởi theo mẹ bé, năm nay bé bị sao La Hầu chiếu mạng.
Một số người đứng hàng giờ đồng hồ để thể hiện lòng thành của mình.
Cô gái mặt hướng về nhà chùa, với một lòng thành kính.
Phía trong khuôn viên nhà chùa không còn một chỗ trống, mọi người ngồi chen nhau từ rất sớm.
Mọi ngõ ngách đều chật kín.
Trong gian điện chính cũng vậy.
20h tối, khóa lễ kết thúc.
Người dân đổ xô đến xin lộc của nhà chùa được bày trên bàn. Nhà chùa đã bố trí đầy đủ lộc, đảm bảo ai về cũng có lộc cho gia đình.
Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, ngày càng có nhiều người đi dâng sao giải hạn, đặc biệt, phải kể đến giới doanh nhân, người làm ăn buôn bán... “Do tâm lý bất an, sợ vận đen ập đến do sao chiếu mệnh nên nhiều người đi giải hạn đầu năm cho yên tâm”, ông Sơn nhận định. Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý rằng, “sao chiếu mệnh” chỉ là quan niệm về mặt lý thuyết, trên thực tế, chưa ai kiểm chứng được điều này đúng sai ra sao. Theo ông Sơn, chưa chắc người giải hạn an toàn, người không giải hạn rủi ro. Có khi người giải hạn rồi có tâm lý chủ quan nên hỏng việc. Người không dâng sao giải hạn làm gì cũng cẩn thận nên dễ thành công. Theo các nhà sư, đạo Phật có quan niệm về luật nhân - quả. Theo lời Phật dạy, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó gặp phúc lợi hay mang tai họa, tất cả do luật nhân quả - “gieo nhân nào thì gặp quả đó”. Cúng giải hạn đầu năm chỉ là biện pháp tâm lý để mỗi người cảm thấy yên tâm hơn. Ở chùa, các thầy chỉ là người trợ giúp, còn việc tự răn mình cẩn trọng, an toàn... người dân phải tự ý thức lấy. |