Làm việc quá sức, căng thẳng, nguy cơ nhiễm bệnh luôn trực chờ là những điều mà các bác sĩ tuyến đầu tại tâm dịch Vũ Hán đang phải gánh chịu. Thế nhưng ngược lại, nhiều người trong số họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, hy vọng tình hình sẽ dần ổn định.
Kể từ đầu tháng 1, bác sĩ Hu Sheng đã lao vào cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới lây nhiễm cho hàng nghìn người trong thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chỉ trong thời gian ngắn. Thế nhưng trong những ngày gần đây, vị bác sĩ 39 tuổi này lại chỉ tập trung vào một bệnh nhân: Chính bản thân anh.
Hu Sheng là một trong hàng chục bác sĩ tại Vũ Hán đã nhiễm phải chính loại virus mà họ đang chiến đấu và ngăn chặn, trong quá trình cố gắng bảo vệ bản thân, gia đình và nhiều bệnh nhân khác khỏi dịch bệnh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong ngày 4/2, hợn 3.000 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới tại tỉnh Hồ Bắc.
Bác sĩ Hu Sheng đang làm việc tại Bệnh viện Nhân dân thứ 3 tỉnh Hồ Bắc hôm 20/1/2020 (Ảnh: Sixth Tone)
Bác sĩ Hu Sheng lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV vào ngày 8/1. Bệnh viện Nhân dân thứ 3 tỉnh Hồ Bắc, nơi anh làm việc, đã chỉ định anh tới khoa ngoại trú để giúp đỡ các đồng nghiệp cứu chữa những bệnh nhân bị sốt và viêm phổi cấp. Bệnh viện này nằm cách chợ hải sản Hoa Nam, nơi bùng phát dịch bệnh, chỉ 7 km.
Các bác sĩ tại khoa ngoại trú của bệnh viện này phải làm việc theo ca, mỗi ca 24h liên tục, xử lý hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi bình thường không bao giờ quá 50 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Lây nhiễm chính căn bệnh mình đang chống lại
Trong quá trình làm việc, bác sĩ Hu Sheng luôn thực hiện các biện pháp bảo hộ thông thường, đeo khẩu trang cẩn thận khi tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên sau 2 tuần, anh bắt đầu có dấu hiệu ho và mệt mỏi. Lúc đầu, Hu Sheng chỉ nghĩ rằng khối lượng công việc quá lớn khiến mình kiệt sức nhưng vẫn quyết định đi chụp CT. Có 15 nhân viên y tế đã được chẩn đoán mắc virus corona chủng mới tính đến ngày 21/1 và WHO đã xác nhận căn bệnh này có khả năng lây nhiễm từ người sang người.
"Tôi có một đứa con 3 tuổi và bố mẹ tôi đều đã già. Tôi phải cẩn thận vì tôi đang làm việc trong một môi trường cực kỳ nguy hiểm", bác sĩ Hu Sheng nói.
Bác sĩ Hu Sheng đã đi xét nghiệm vào ngày 24/1. Tối hôm đó, anh dự định sẽ gặp các thành viên trong gia đình để quây quần bên mâm cơm tất niên trước Tết Nguyên đán, thế nhưng phải lập tức hủy bỏ kế hoạch sau khi nhận kết quả chụp CT. Hu Sheng bị viêm cả 2 bên phổi. Sau khi chứng kiến triệu chứng của hàng chục bệnh nhân những ngày qua, Hu Sheng biết được sự thật rằng: Anh đã nhiễm virus corona chủng mới.
"Khi tôi cố gắng suy nghĩ xem làm thế nào tôi nhiễm bệnh được, tôi nhận ra do mình đã không đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh", Hu Sheng chia sẻ.
Cuối tháng 1/2020, khi nhiều y bác sĩ xác nhận nhiễm bệnh, các bệnh viện tại Vũ Hán đã tăng cường các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế bằng cách mặc đồng phục bảo hộ, đeo khẩu trang, kính bảo hộ và cả mặt nạ. Thế nhưng nỗi sợ bị lây nhiễm đã ám ảnh tâm trí của nhiều người, trong số đó có bác sĩ trẻ Ye Liwen. Cô được chuyển đến công tác tại Bệnh viện Nhân dân thứ 3 tỉnh Hồ Bắc từ ngày 4/1.
Chia sẻ với phóng viên, nữ bác sĩ 27 tuổi chỉ mới bước chân vào nghề được 6 tháng, kể rằng đã không nói với bố mẹ về những gì mình đang làm. "Tôi không muốn làm họ lo lắng quá nhiều", Ye Liwen nói.
Bác sĩ Ye Liwen tư vấn cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân thứ 3 tỉnh Hồ Bắc ngày 1/2 (Ảnh: Sixth Tone)
Ye Liwen đã bị đau ngực trong vài ngày và phải đi chụp CT. May mắn là cô không bị nhiễm virus corona chủng mới. "Đó có thể là dấu hiệu của lo lắng quá mức. Ai mà không cảm thấy lo sợ và căng thẳng khi làm việc trong một môi trường đáng sợ như vậy, mỗi ngày tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân và tận mắt chứng kiến đồng nghiệp của mình bị lây nhiễm cơ chứ?", Ye Liwen nói.
"Ai mà không cảm thấy lo sợ và căng thẳng khi làm việc trong một môi trường đáng sợ như vậy, mỗi ngày tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân và tận mắt chứng kiến đồng nghiệp của mình bị lây nhiễm cơ chứ?" - Ye Liwen.
”Một bác sĩ là cấp trên của Ye Liwen được chẩn đoán nhiễm 2019-nCoV cùng ngày cô nhận được kết quả chụp CT. Ít nhất 2 bác sĩ khác trong đội cũng đã bị lây nhiễm. Theo lời của Ye Liwen, rất khó để xác định tỷ lệ nhân viên y tế đã lây nhiễm dịch bệnh. Đội của cô có 5 bác sĩ cùng lúc làm việc nhưng nhân sự liên tục thay đổi khi các bác sĩ nhiễm bệnh rồi lại hồi phục và quay lại làm việc.
"Lúc đầu tôi cảm thấy vô cùng hoang mang nhưng tôi nghĩ bây giờ bầu không khí đang dần dịu xuống. Khi chúng tôi hiểu nhiều hơn và rõ hơn về virus, chúng tôi cũng có cảm giác an toàn hơn", Ye Liwen chia sẻ.
Về phía bác sĩ Hu Sheng, anh đã cảm thấy tốt hơn nhiều sau một tuần nghỉ ngơi và cách ly tại nhà. "Tôi đã lấy lại được phần lớn sức lực của mình. Tôi đã tập thể dục mỗi ngày để chuẩn bị cho việc đi làm trở lại", anh nói.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ khác ở Vũ Hán vẫn lo lắng về sự an toàn của các thành viên trong gia đình họ vì sợ rằng bản thân có thể vô tình lây nhiễm virus. Tuy người trưởng thành khỏe mạnh sẽ có những triệu chứng nhỏ khi nhiễm 2019-nCoV nhưng các nhóm khác lại có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, đặc biệt là người già và người có tiền sử bệnh tật từ trước. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong số hơn 400 trường hợp tử vong, 80% là bệnh nhân trên 60 tuổi và 75% là bệnh nhân từng mắc bệnh mãn tính.
Những bàn tay rớm máu, những khuôn mặt in hằn của các bác sĩ đang chiến đấu với dịch bệnh tại Trung Quốc.
Bác sĩ Hu Sheng đã phải sống xa vợ con kể từ khi được điều tới làm việc tại khoa ngoại trú và gia đình anh vẫn khỏe mạnh. Trong khi đó, vợ của anh cũng là một bác sĩ tuyến đầu làm việc tại bệnh viện cộng đồng, cũng đang phải đối mặt với hàng chục bệnh nhân mỗi ngày.
"Cô ấy vẫn sống với các con của chúng tôi. Tôi đã liên tục nhắc cô ấy chú ý từng chi tiết trong việc bảo hộ tại nơi làm việc nhưng tôi vẫn rất lo lắng cho sức khỏe của vợ con", anh Hu Sheng nói.
Bệnh nhân nhẹ nên ở nhà hay đi viện?
Nhiều bệnh nhân mắc viêm phổi cấp vẫn phàn nàn về sự thiếu hụt dụng cụ xét nghiệm virus corona chủng mới. Trong khi đó, bác sĩ Zhang Xiaochun, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu tại Bệnh viện Trung Nam Vũ Hán, lại nghi ngại về độ chính xác của bộ dụng cụ xét nghiệm và kêu gọi các bệnh viện nên dựa vào phương pháp chụp CT để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Bác sĩ Zhang Xiaochun lo lắng việc một số bệnh viện cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tự theo dõi tại nhà, khiến cho dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn. Những bệnh nhân ở giai đoạn đầu có khả năng lây nhiễm cho người nhà, thậm chí là những người khác khi tới bệnh viện xét nghiệm hoặc khi đi mua thuốc.
Các bác sĩ và y tá đang cật lực làm việc tại Vũ Hán (Ảnh: Sixth Tone)
"Chúng ta phải cách ly ngay lập tức những người ở trong khách sạn hoặc trường học nếu chụp CT cho thấy họ có dấu hiệu lây nhiễm điển hình. Chúng ta nên nhờ các tình nguyện viên đưa thuốc cho họ", Zhang Xiaochun nói.
Nhưng bác sĩ Hu Sheng lại có quan điểm khác. Anh cho rằng việc mọi người đổ xô đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu ho hoặc sốt không chỉ làm quả tải hệ thống y tế mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Anh chia sẻ: "Nếu buổi sáng bạn bị sốt và đến chiều đi khám, xét nghiệm máu không thể xác định chính xác tình trạng sức khỏe của bạn. Ngược lại, việc tới bệnh viện có thể khiến bạn bị lây nhiễm chéo. Bạn có thể bị nhiễm virus khi đến bệnh viện trong trường hợp không cần thiết".
"Chúng tôi tin số lượng bệnh nhân hồi phục sẽ tăng lên”"
Mặc dù Bệnh viện Nhân dân thứ 3 tỉnh Hồ Bắc đang cố gắng đảm bảo các bác sĩ bị nhiễm bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn trước khi quay lại làm việc nhưng bác sĩ Hu Sheng vẫn muốn trở lại sớm nhất có thể. Bệnh viện đã tăng gấp 4 lần số lượng giường bệnh trong khoa nội trú, đóng cửa một số khoa nhỏ hơn như tai mũi họng hay nhãn khoa, đồng thời chỉ định nhân viên tập trung điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.
Một số bác sĩ được chỉ định tới bệnh viện trong thời gian này đều là chuyên gia về ho hấp, do đó những bác sĩ có chuyên môn như Hu Sheng đang cần thiết hơn bao giờ hết. Anh Hu Sheng hy vọng sẽ trở lại với công việc trong vài ngày tới. Anh nói: "Tôi đã được kiểm tra thêm về virus. Nếu 2 kết quả trong vòng 3 ngày tới đều âm tính, tôi sẽ được xem là hồi phục và có thể quay lại làm việc".
Hai bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV tại Bệnh viện Nhân dân thứ 3 tỉnh Hồ Bắc hôm 1/2 (Ảnh: Sixth Tone)
Mặc dù trong tình hình hiện nay, có ít dấu hiệu cho thấy dịch bệnh chững lại nhưng các bác sĩ như Hu Sheng hay Ye Liwen đều tin rằng những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đều sẽ hồi phục suôn sẻ. Cả hai đều hy vọng trong những tuần tới, số lượng bệnh nhân hồi phục sẽ tăng lên.
"Tôi tin số lượng bệnh nhân hồi phục sẽ tăng lên trong những tuần tới" - Ye Liwen.
”"Cơ quan y tế đã đặt ra một tiêu chuẩn rất cao để xác định trường hợp hồi phục: Hai lần xét nghiệm 2019-nCoV trong vòng 3 ngày đều âm tính và kết quả chụp CT cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Lý do khiến số lượng bệnh nhân hồi phục tăng chậm là bởi quá trình này mất nhiều thời gian, kể cả những người có triệu chứng nhẹ cũng mất từ 2-3 tuần", bác sĩ Hu Sheng nói.
Trong cuộc họp báo hôm 3/2, chuyên gia y tế Qiu Haibo làm việc với Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết những bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV đang trong giai đoạn phục hồi và cả những người khỏe mạnh đã xuất viện sẽ không có nguy cơ lây nhiễm virus lại lần nữa trong vòng nửa năm. Tuy nhiên, bác sĩ Hu Sheng vẫn cảnh báo đồng nghiệp và các bệnh nhân thực hiện các biện pháp tối đa để tự bảo vệ mình.
"Chúng tôi đang trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Chúng tôi luôn phải hết sức thận trọng", bác sĩ Hu Sheng nói.