Khi “bác - cháu” chênh nhau 43 tuổi nên duyên ai cũng bàn ra tán vào. Nhưng sau hơn 5 năm, cuộc sống hạnh phúc của “cặp đôi đũa lệch” khiến mọi người ngưỡng mộ.
Cựu binh Ngô Thanh Học (SN 1940), thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam sinh ra trong một gia đình có 2 anh em. Năm 20 tuổi, đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như bao thanh niên khác ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường khốc liệt Quảng Bình, Quảng Trị.
Được vài năm sau ngày ông nhập ngũ, ở quê nhà, mẹ ông nhận tin dữ từ tờ giấy báo tử của con trai. Không chỉ một mà tận 2 lần nhận giấy bao tử, quá nhớ thương con, bà cụ lâm bệnh và qua đời.
Bỏ ngoài tai sự dị nghị của hàng xóm láng giềng, hai người đã nên duyên vợ chồng.
Mãi đến năm 1980, tức 20 năm sau ông Học bất ngờ trở về quê nhà trong trạng thái “nửa tỉnh, nửa mê”. Người thân trong họ hàng ông cũng nhớ mơ hồ, ông đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Đến năm 1990, trí nhớ của ông Học mới dần hồi phục, nhận ra anh em họ hàng rồi ông tự mình kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai. Thời điểm ấy, ông đã 50 tuổi, nghĩ rằng cũng đã an phận nên cũng không nghĩ đến việc sẽ lấy vợ, sinh con.
Với ý nghĩ ấy, ông Học hàng ngày làm việc cũng chỉ mong kiếm đủ miếng ăn qua ngày. Thế nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với ông khi có thể nên duyên vợ chồng với người vợ trẻ - chị Nguyễn Thị Bích (SN 1983) người cùng thôn và có được 2 người con 1 trai, 1 gái bụ bẫm.
Kể về mối duyên phận của mình, ông Học chia sẻ rằng chính ông nhiều lúc vẫn không thể tin mình lại có vợ, có con như những người khác. Bởi lẽ sau khi trở về quê hương ông chẳng có gì, ngôi nhà của mẹ ông cũng đã rách nát. Tuổi ông cũng đã qúa lớn, nhưng thật may ông trời vẫn cho ông niềm hạnh phúc ấy.
Vợ chồng ông Học - chị Bích sống hạnh phúc bên nhau dù chênh nhau hơn 40 tuổi.
Theo ông Học, tuy ông và vợ là người cùng thôn nhưng ngày ông đi lính thì chị Bích chưa chào đời. Đến khi ông về thì chị Bích lại đi làm xa. Đến mãi sau này, khi chị Bích về quê ở hẳn chăm mẹ ốm thì hai người mới gặp nhau.
Thời gian đầu, vì thương người đàn ông sống một mình lại hay ốm đau những khi trái gió trở trời nên chị Bích thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ ông Học. “Khi đó cô ấy vẫn gọi tôi là “bác”, xưng “cháu”. Nhà có bát canh, con cá cũng đều mang sang. Chúng tôi bắt đầu cũng chỉ bằng vài câu chuyện bâng quơ. Chính Bích là người chủ động đề nghị đi đến mối lương duyên này, chứ tôi thì tôi không dám ngỏ lời” – ông Học cho biết.
Phần về chị Bích, chị chia sẻ rằng: “Tôi bắt đầu để ý đến ông ấy là từ sau hôm ông xem tướng số. Khi nói tới đường tình duyên, ông bảo rằng tôi sắp gặp người gắn bó với mình cả đời. Lúc đó, tôi chợt nghĩ thôi chẳng tìm đâu xa, tốt nhất là tìm người ngay bên cạnh nên tôi đã chú ý đến bác Học.
Thời điểm đó, tôi đã 29 tuổi, cũng có người theo nhưng tình duyên của tôi có vẻ lận đận, nhiều lúc tưởng sắp thành thì lại tan vỡ. Dần dần chúng tôi trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống, thấy ông hiền lành, chịu thương, chịu khó nên tôi chủ động ngỏ lời, dù ông ấy còn hơn cả tuổi bố tôi”.
Chị Bích không hối hận về quyết định của mình.
Khi biết chị Bích và ông Học tiến tới với nhau hàng xóm láng giềng thì dị nghị, bà con họ hàng thì phản đối. Nhưng vì tình yêu chân thành không vụ lợi, hai người vẫn quyết tổ chức đám cưới và về chung một nhà. Với chị Bích, hạnh phúc là những điều thật bình dị, miễn sao vợ chồng yêu thương nhau, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Cũng vì lý do này mà mới 34 tuổi, quá nửa người dân trong cái làng Ngô Khê đều phải gọi chị Nguyễn Thị Bích là “bà”. Phần là bởi ông Học chồng chị là người có vai vế trong họ tộc và ông cũng đã gần tuổi bát tuần.
Sau hơn 5 năm chung sống, cuộc sống của vợ chồng ông Học tuy cũng xảy ra cãi vã nhưng nhờ hai đứa con sinh đôi một trai, một gái là bé Ngô Thanh Tiên và Ngô Thanh Thu (SN 2012), vợ chồng ông đã có thêm động lực để vượt qua, cùng nhau cố gắng hàn gắn lại những mâu thuẫn.
Hai người con sinh đôi bụ bẫm của vợ chồng ông Học - chị Bích.
Hỏi về quyết định của bản thân khi lấy người đàn ông hơn mình những 43 tuổi, chị Bích nói rằng chưa một lần chị hối hận về quyết định này, nếu được chọn lại, chị vẫn sẽ chọn ông Học làm chồng. “Dù ban đầu chúng tôi có là đôi đũa lệch thì giờ đây cũng đã so bằng nhau để xây dựng hạnh phúc” – chị Bích chia sẻ.
Chuyện tình cổ tích có thật giữa ông Học và chị Bích là minh chứng mãnh liệt của tình yêu, hai con người họ bắt đầu bằng tình làng, nghĩa xóm, tình cảm giữa con người với nhau, bỏ qua khoảng cách tuổi tác và kết thúc bằng một mái ấm gia đình hạnh phúc khiến cho nhiều cặp vợ chồng khác ngưỡng mộ.
Chị Trần Thị Thanh, người dân thôn Ngô Khê cho biết: “Vợ chồng ông Học sống hạnh phúc lắm, cả làng này ai cũng biết. Chúng tôi nhiều khi cũng ghen tỵ với họ lắm, chồng già, vợ trẻ nhưng yêu thương nhau, nhiều đôi trẻ hơn, điều kiện vật chất hơn mà cũng không bằng”.