Thấy con tím đen người, nằm thoi thóp trên giường bệnh vì sởi, gia đình bé trai 9 tháng đã nhiều lần nằng nặc xin bác sĩ cho bé về nhà ... chờ chết. Dù chỉ còn tia hi vọng rất mong manh nhưng các bác sĩ quyết giữ điều trị và hạnh phúc đã đến, em đã chiến thắng bệnh sởi.
Trường hợp đầu tiên ghi nhận ca bệnh sởi biến chứng não trong giai đoạn cấp
Bệnh nhi là bé Nguyễn Trường Nam, 9 tháng ở Đồng nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh. Cách đây 1 tháng, ngày 19/4, bé Nam được chuyển tới cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng, khắp người tím đen và có cơn co giật…
Chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ của bé Nam chia sẻ, trước đó 10 ngày bé Nam lên cơn sốt, gia đình đưa đi điều trị tại BV Bắc Ninh hơn 1 tuần thì cắt cơn sốt và được về nhà. Tuy nhiên, 5 ngày sau bé đột ngột sốt cao trở lại, diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh, bé có dấu hiệu khó thở, nổi ban ở người.
Ngày 17/4, bé được chuyển xuống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng phải thở oxy. Tại đây, khi thăm khám bác sĩ thấy phổi của bé Nam đã có tổn thương. Nguy hiểm hơn bé còn bị co giật, có dấu hiệu hôn mê. Bác sĩ quyết định chọc dịch não tủy. Qua kết quả xét nghiệm và khám lâm sàng bác sĩ chẩn đoán bé Nam bị biến chứng viêm não do sởi. Do bệnh tình ngày càng nặng thêm, trưa ngày 19/4, bệnh nhi tiếp tục được chuyển sang Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp.
Nụ cười của ông bố trẻ khi con trai khi nghe tin con trai được xuất viện (Ảnh Mai Hương)
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, đây là một ca sởi rất nặng và đặc biệt, bệnh nhi đồng thời bị cả 2 biến chứng viêm phổi và viêm não do sởi. Ngay khi tiếp nhận, bé Nam được cho thở oxy qua xông mũi, nồng độ oxy cao, tư thế thở tốt nhưng độ bão hòa oxy không tăng, đe dọa tử vong nhiều lần.
Bác sĩ Vũ Hữu Thời – người trực tiếp điều trị cho bé Nam chia sẻ: “Sau 8 ngày thở máy, bệnh nhi xuất hiện hiện tượng bong da toàn thân. Khi đó các bác sĩ lo ngại bé có thể bị nhiễm trùng máu vì da rất non. Trên cơ địa của bé bị suy giảm miễn dịch nhiều do mắc sởi, bé Nam rất dễ bị viêm da, nhiễm vi khuẩn yếm khí, đe dọa tính mạng. Chính vì vậy các bác sĩ đã chú ý hết sức đến việc chăm sóc da cho bé và đồng thời phải cho bé dùng thêm kháng sinh chống vi khuẩn yếm khí”.
Rất may, sau 8 ngày thở máy, tình trạng bệnh của bé Nam tiến triển tốt lên từng ngày.
Bà ngoại của bé Nam chia sẻ không tin cháu mình có thể sống sót (Ảnh Mai Hương)
Gia đình nhiều lần nằng nặc xin con về nhà chờ chết
Khi chia sẻ niềm vui cứu sống được bé Nam, vị trưởng khoa cho biết, bé Nam rất may mắn bởi trước đó gia đình bé đã nhiều lần xin bác sĩ cho bé về nhà “chờ chết”.
“Những ngày đầu mới nhập viện, thấy toàn thân bé tím đen, bố mẹ và cả người thân hai bên nội ngoại xúm lại nằng nặc xin bác sĩ cho bé xuất viện về nhà “chờ chết”. Dù lúc đó, chúng tôi biết bệnh tình của bé rất nặng, khó có thể nói trước điều gì nhưng chúng tôi muốn giữ cháu lại, cố gắng cứu cháu bé bằng mọi giá. Rất nhiều lần bác sĩ, điều dưỡng đã phải động viện, giải thích và làm các biện pháp tâm lý để gia đình để bé ở lại điều trị. Sau 1 tháng điều trị, bé Nam không những được cứu sống mà còn khỏe mạnh hoàn toàn, kết quả chọc não tủy sau điều trị cho thấy bé không bị di chứng não do biến chứng viêm não của sởi”, PGS.TS Dũng cho biết.
Bé Nam là trường hợp đầu tiên biến chứng viêm não trong giai đoạn sởi cấp được cứu sống (Ảnh Mai Hương)
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ: "Trường hợp xin cho trẻ về nhà chờ chết như gia đình bé Nam không phải hiếm gặp. Rất nhiều gia đình thấy con nguy kịch nặng nặc đòi bác sĩ cho trẻ xuất viện, thậm chí có gia đình còn yêu cầu bác sĩ nếu con không may ra đi bác sĩ cũng phải cố gắng để trẻ chết … đúng giờ. Tôi hiểu bố mẹ nào chẳng thương con, họ làm thế cũng vì yếu tố tâm lý, tâm linh. Tuy nhiên, với những người làm nghề y chúng tôi luôn xác định, cố gắng cứu chữa người bệnh bằng mọi giá, dù chỉ còn một tia hi vọng mong manh. Trong dịch sởi vừa qua, chứng kiến nhiều cháu bé thoi thóp nằm trên giường bệnh, bố mẹ các bé cạn khô nước mắt bên cạnh con chúng tôi cũng xót xa lắm chứ nên càng muốn cứu sống được nhiều bé. Chỉ mong người nhà hãy vững tâm hơn, tin tưởng và đồng hành cùng bác sĩ, dù trẻ chỉ còn một tia hi vọng được sống”. |
Và hôm nay, sau 1 tháng nằm viện, bé Nam được xuất viện trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình.
Nói về chuyện xin con về nhà “chờ chết” bà Nguyễn Thị Cảnh, bà ngoại của bé Nam vừa ôm cháu, cười hạnh phúc đến trào nước mắt chia sẻ: “Rất nhiều người nhìn thấy cháu tím đen toàn thân, lên cơn co giật, nằm trên giường bệnh thoi thóp giữa một đống máy móc, dây dợ chằng chịt không ai nghĩ cháu còn có cơ hội sống. Bố mẹ, ông bà và rất nhiều người thân của cháu đã cạn nước mắt khi nhìn thấy cháu trên giường bệnh. Cũng chỉ vì xót con, xót cháu, nghe bác sĩ bảo bệnh cháu rất nặng, gia đình nên chuẩn bị tinh thần nên gia đình muốn xin cháu về nhà, không muốn cháu phải chết đường chết chợ, tội lắm. Nhưng lúc đó, các bác sĩ không cho, các bác bảo còn một tia hi vọng cũng cứu, nhờ thế mà cháu tôi mới được có cơ hội sống ngày hôm nay. Gia đình không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn các bác sĩ rất nhiều, nếu không có sự tận tụy, quyết tâm của bác sĩ có lẽ chúng tôi đã mất cháu”.
PGS.TS Dũng chia sẻ thêm, trường hợp của bé Nam là trường hợp đầu tiên bị biến chứng viêm não trong giai đoạn sởi cấp. Trẻ mắc sởi có hai biến chứng hay gặp là viêm phổi và viêm não nhưng thường ở giai đoạn hậu sởi, còn bị ngay giai đoạn sởi cấp như bé Nam rất hiếm gặp.
“Trẻ mắc sởi rất khó để tiên lượng cháu nào sẽ nặng lên hoặc sẽ có biến chứng viêm não, nhất là trong mùa dịch sởi năm nay, có quá nhiều điều bất thường. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm cứu chữa và gặp nhiều ca sởi nặng, chúng tôi nhận thấy những trẻ mắc sởi có sốt cao kèm theo co giật nên nghĩ đến biến chứng viêm não và cho làm xét nghiệm chẩn đoán sớm. Việc phát hiện và điều trị sớm biến chứng viêm não sẽ giúp bệnh nhân được chữa khỏi và ít có nguy cơ bị di chứng não”, PGS.TS Dũng cho biết.