Nghe tên của món đặc sản này chắc chắn nhiều người tỏ ra e dè nhưng thực chất chúng thơm ngon đặc biệt, được ưa chuộng trong những năm gần đây.
Bến Tre được mệnh danh là xứ sở của dừa. Từ cây dừa, người dân nơi đây làm ra vô số món đặc sản cũng như những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Riêng có một món nghe đến tên ai cũng e dè không dám thử, nhưng thực chất chúng vô cùng thơm ngon, đó là chuột dừa.
Từ loài phá hoại, chuyên cắn phá quả dừa non và đọt non của cây dừa, bà con Bến Tre đã chế biến chuột dừa thành món ăn dân dã, hay là làm món nhậu. Những năm gần đây, với hương vị thơm ngon đặc biệt, chuột dừa ngày càng được biết đến rộng rãi, trở thành đặc sản hiếm có khó tìm được du khách gần xa tìm để thưởng thức.
Chuột dừa có hình dạng như chuột đồng, nhưng loài này chỉ có thể tìm thấy trên những cây dừa Bến Tre. Chúng có hàm răng sắc nhọn, thường tìm đến các bẹ dừa để làm tổ, suốt ngày gặm nhấm dừa để sống. Cơm dừa là món khoái khẩu của loài chuột này. Trái dừa non hay già đều bị chuột "thử răng", đục lỗ. Bởi vì chúng lấy chất dinh dưỡng từ loại trái cây đặc sản nên thịt chuột có vị ngọt và rất săn chắc, ăn vào dai ngon.
Ông Hạc (ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) chia sẻ phải có mẹo mới săn được chuột dừa vì chúng rất tinh ranh. Người đi bắt chuột dễ nản chí bởi rất khó để dụ chúng vào bẫy.
"Chuột dừa thường kiếm ăn vào ban đêm, đặc biệt là lúc khuất người. Mồi chuột thích nhất là dừa, nên chọn miếng dừa cứng, trông ngon mắt để kích thích chúng. Khi phát hiện cây dừa nào có chuột, người ta đặt bẫy ở gốc cây, cài thêm cơm dừa để làm mồi. Tuy nhiên cách săn này không hấp dẫn bằng việc đuổi bắt chuột dừa. Người dân địa phương thường đi bắt chuột theo đội. Cây nào có chuột, người ta dùng sào chọc túi bụi vào đọt của cây dừa, chuột hoảng sợ chạy ra các đầu tàu hoặc nhào xuống đất. Lúc đó, người ta cầm gậy để đánh", ông Hạc chia sẻ.
Hiện nhiều người dân ở Bến Tre tìm cách bẫy chuột dừa, vừa để bảo vệ vườn dừa vừa kiếm thêm thu nhập. Sau khi bắt về, chuột dừa được bán vào trong các nhà hàng, quán ăn.
Trên thị trường, chuột dừa được bán với giá khoảng 100.000-140.000 đồng/kg. Vào dịp Tết là thời điểm chuột dừa đắt khách nhất, các nhà hàng, quán ăn liên tục đặt hàng để phục vụ thực khách.
"Chuột dừa đang là đặc sản lạ và ngon ở Bến Tre. Thực khách gần xa khi ăn các món chế biến từ loại chuột này đều tấm tắc khen. Bao nhiêu chuột dừa tôi bẫy được đều không đáp ứng được nhu cầu. Người ăn thì nhiều mà người bắt thì ít", ông Hạc nói thêm.
Từ chuột dừa có thể làm thành nhiều món, đơn giản nhất là hấp và nướng, cầu kỳ hơn thì làm thành chuột dừa cari hay chuột dừa quay lu. Đầu tiên, chuột được rửa sạch bằng rượu, hoặc dấm và nước chanh, sau đó ướp gia vị rồi mới đem chế biến. Những người không quen với món chuột sẽ thấy e dè, để hạn chế điều đó, người ta cũng trình bày chuột dừa trên một chiếc lá chuối để có tính thẩm mỹ, trông dân dã và dễ ăn hơn. Thịt chuột chín sẽ tỏa ra mùi thơm phức, ăn vào cảm nhận được độ mềm vừa phải.