Đặc sản chỉ có ở miền Tây, nghe tên đắng ngắt nhưng nổi tiếng thơm ngon, 130.000đồng/kg không mấy ai được thưởng thức

HÀ ANH - Ngày 22/07/2022 19:34 PM (GMT+7)

Trước kia, loài ốc này có đầy ở đồng ruộng, ao hồ, không có giá trị kinh tế. Gần đây, nó trở thành đặc sản hiếm, nhiều người "săn lùng" về thưởng thức.

Người miền Tây Nam Bộ thường có câu: “Đã là dân miền Tây, không ai không biết đến Ốc Đắng”, bởi lẽ ốc đắng sinh sống nhiều ở vùng sông nước miền Tây. Loài ốc này nghe tên đắng ngắt nhưng thực chất đây là món đặc sản nổi tiếng thơm ngon gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây.

Ốc đắng có mình tròn, to cỡ đầu ngón trỏ, màu nâu thẫm, đuôi nhọn, trôn ốc xoắn nhặt tương tự như ốc gạo, thường xuất hiện quanh năm nơi các ao, hồ, sông, rạch nơi đồng bằng miền Tây. Tuy không lớn con nhiều thịt như ốc bươu, ốc lác nhưng thịt của ốc đắng có mùi vị riêng, hơi ngăm ngăm nhưng càng nhai sẽ thấy vị ốc rất ngọt, thơm.

Ốc đắng chỉ có ở miền Tây

Ốc đắng chỉ có ở miền Tây

Từ ốc đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon đáo để như: ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa, gỏi ốc đắng trộn bắp chuối (hoặc dưa leo), chả ốc đắng, đều rất ngon miệng. Đặc biệt, món ốc đắng luộc chấm cơm mẻ rất thơm ngon và ấn tượng.

Anh Bình Hạnh (ở Cà Mau) cho hay, trước đây ốc đắng có nhiều vô kể, bữa nào không có thức ăn hay hôm nào có khách ở xa đến, người dân lại mang xô chậu ra ruộng, bờ ao mò ốc đắng về làm đủ món. Tầm tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống dòng sông ngập ngụa phù sa cũng là lúc ốc đắng sắp vào mùa đẻ trứng. Mùa này, ốc mập ú, thậm chí những trứng non mới tượng hình trong ruột khiến thịt ốc ăn rất ngọt, giòn, bùi. Nhưng đến cuối mùa, ốc ốm, ruột đầy con non, nhai rạo rạo kém ngon....

"Tôi còn nhớ ở bờ ao cạnh nhà, sáng sớm ốc thường nổi lên để ăn rong rêu, hít khí trời nên thời điểm này bắt là hợp lý nhất. Ốc đắng thường bám ở các nhánh cây khô, tàu lá dừa, lá mía hay bất kỳ thứ gì có thể làm điểm tựa. Thả một tàu lá dừa xuống ao, sáng hôm sau vớt lên ốc đậu kín đặc, những con nào to thì nhặt vào rổ, con nhỏ lại thả xuống để chúng lớn. Thời đó, ốc đắng nhiều vô kể nhưng không có giá trị kinh tế. Còn bây giờ, khi ốc đắng có giá, được "săn lùng" thì số lượng lại ít, rất hiếm", anh Hạnh chia sẻ.

Đặc sản chỉ có ở miền Tây, nghe tên đắng ngắt nhưng nổi tiếng thơm ngon, 130.000đồng/kg không mấy ai được thưởng thức - 2

Ốc đắng sau khi bắt ở ngoài đồng về thường bị dính rất nhiều bùn đất nên cần phải được rửa sạch. Sau đó đem ngâm vài giờ cho ốc nhả hết bùn và chất nhớt. Dân gian thường dùng nước vo gạo để ngâm ốc, nếu không có nước vo gạo thì có thể thay thế bằng những lát ớt, ốc bị cay sẽ mau chóng nhả hết những chất bẩn rồi mang đi chế biến. Cách làm thường thấy và giữ nguyên được mùi vị của ốc nhất chính là ốc đắng luộc chấm nước mắm sả ớt hoặc mắm cơm mẻ.

Đặc sản chỉ có ở miền Tây, nghe tên đắng ngắt nhưng nổi tiếng thơm ngon, 130.000đồng/kg không mấy ai được thưởng thức - 3

Nghề bắt ốc đắng cũng mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân ở miền Tây. Ông Nguyễn Văn Hiếu (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) với kinh nghiệm nhiều năm sống ở vùng sông nước, ông dùng các vỏ bao xi măng được rửa sạch, cột vào gạch ống và thả dài theo các đoạn kênh, rạch. Chỉ với vài miếng bao xi măng cắt nhỏ, một đoạn dây và mấy viên gạch ống, mỗi ngày ông Hiếu có thể kiếm khoảng vài chục kg ốc đắng đẻ bán ra thị trường và cho các nhà hàng, quán ăn.

Theo khảo sát, trên thị trường ốc đắng được bán với giá từ 80-130 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Ở nhiều nhà hàng, quán ăn, ốc đắng được đưa vào thực đơn và là món ăn vặt được nhiều bạn trẻ và các du khách tìm thưởng thức mỗi khi đến với miền sông nước.

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương