Chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng da trâu là thứ vừa dai, vừa cứng, lại có mùi thum thủm. Thế nhưng, ở Sơn La, da trâu lại được làm thành món đặc sản vô cùng nổi tiếng.
Từ trước đến nay, nói đến da trâu nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là thứ vừa dai, vừa cứng, lại có mùi thum thủm. Chúng thường được dùng để làm trống, nẹp đập lúa... Thế nhưng ở Sơn La, người dân lại dùng da trâu để chế biến thành món ăn vô cùng độc đáo và hấp dẫn, đó là món nộm da trâu.
Đối với người Thái ở Sơn La, nộm da trâu từ lâu đã là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ Tết, thường được để dành, chiêu đãi khách quý đến chơi nhà.
Giờ đây, nộm da trâu được thực khách thập phương biết đến nhiều hơn nên xuất hiện khá nhiều ở dưới xuôi, trở thành món nhậu khoái khẩu được cánh mày râu yêu thích.
Chị Lường Thị Mính (ở phường Chiềng Lề, TP. Sơn La) chia sẻ: "Làm món nộm da trâu rất mất thời gian và cần tỉ mỉ. Người nấu bếp phải hơ da lên bếp lửa cho sạch phần lông dày cứng. Vỏ ngoài cứng, đen của da được cạo sạch, chỉ để lại phần vàng trong. Tiếp đó, da được luộc trong nước sôi cho sạch bẩn, hết lông và tạo độ mềm.
Món ăn có vừa miệng hay không là nhờ công đoạn thái mỏng. Để thái được miếng da trâu cần nhiều công, từ dao thái bén ngọt, thớt gỗ nghiến dày. Miếng da to bản ban đầu dưới đôi tay khéo léo thái thành vát chéo, mỏng và đều tay. Mỗi miếng da lại có độ mỏng vừa phải, trong như hổ phách, giòn lật sật khi nhai, rất sướng miệng.
Một đĩa nộm đúng vị Sơn La phải có sự góp mặt của đầy đủ các loại nguyên liệu, gia vị địa phương. Đó chính là những quả trám rừng, hạt mắc khén, mùi ta, mùi tàu, rau thơm, lạc rang.... Mỗi thứ một ít nhưng giao hòa ăn ý tạo nên hương vị chẳng lẫn vào đâu của núi rừng Tây Bắc.
Dù nguyên liệu làm nhiều người có chút e dè nhưng khi được một lần thưởng thức món nộm được bày biện đẹp mắt, chắc hẳn ai cũng sẽ bị "mê muội".
Ngoài nộm da trâu, ở Sơn La còn có món da trâu muối chua vô cùng nổi tiếng. Để làm thành món này, người Thái không dùng dấm hay chanh tạo độ chua cho món ăn. Thay vào đó, họ sử dụng nước măng chua để da trâu nhanh ngấu, có độ mềm, dậy mùi thơm và vẫn giữ độ giòn sần sật.
Để muối chua da trâu, người ta cho phần da đã thái mỏng vào trong chum, vại hoặc các bình thủy tinh, sành sứ rồi đổ thêm tỏi băm, ớt, riềng đã thái nhỏ lên trên. Nước măng chua được pha chế cho vừa với lượng da trâu cần muối bằng cách đun sôi lăn tăn, để hơi ấm ấm rồi đổ vào, ngập hết phần da trâu. Muối khoảng 2-3 ngày là miếng da đã căng trắng, nở đều, nhìn rất hấp dẫn và có thể thưởng thức.
Trên chợ mạng và sàn thương mại điện tử, da trâu muối chua được đóng túi zip và bán với giá 150.000 đồng một gói 0.5kg. Như vậy, 1 kg da trâu muối chua có giá 300.000 đồng/kg.