Đại gia Việt vang bóng một thời: Làm đủ nghề với khối tài sản "khổng lồ", cuối đời chết trong cô đơn khiến bao người xót thương

NGỌC HÀ - Ngày 30/10/2022 12:00 PM (GMT+7)

Đội Có nổi tiếng giới ngân hàng, thương mại... với vẻ đào hoa và ăn chơi không ai sánh kịp, song cuộc đời cũng có những thăng trầm, đặc biệt lúc về già khiến bao người xót thương.

Một tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975 đang được nhắc đến chính là Đội Có - tên thật Nguyễn Văn Có - nổi tiếng giới ngân hàng, thương mại... với vẻ đào hoa và ăn chơi không ai sánh kịp. Song cuộc đời ông cũng có những thăng trầm, đặc biệt lúc về già khiến bao người xót thương.

Nhiều tài liệu lịch sử ghi chép rằng, Đội Có vốn làm cảnh sát ở bót Tân Bình thuộc xã Phú Nhuận (Sài Gòn). Một lần ông đi bố ráp vụ đánh bạc rồi bị du côn ở rừng cao su xông ra chém vào bả vai. Ông đã được tên cò Tây đền công lao bằng cách thăng chức đội.

Sau đó Đội Có về coi trật tự khu chợ Phú Nhuận (hay còn gọi là chợ Xã Tài) - một trong những ngôi chợ lâu đời nhất ở Sài Gòn. Ông nổi tiếng dữ dằn, hay đá thúng, xô đẩy hàng hóa bày bán chắn lối đi nên bà con trong chợ ai cũng khiếp sợ. Đặc biệt người vay nợ không bao giờ dám trễ, quỵt tiền trả góp, tiền hụi của các chủ nợ cho vay. Nếu chạy làng, ông sẽ lôi ngay về nhốt ở bốt Tân Bình.

Chợ Phú Nhuận ngày nay - nơi khi xưa Đội Có khởi nghiệp.

Chợ Phú Nhuận ngày nay - nơi khi xưa Đội Có khởi nghiệp.

Trong quá trình làm việc ở chợ Phú Nhuận, Đội Có vốn là người có đầu óc kinh doanh, lại tích cóp được một số vốn kha khá... vì thế đã trông thấy tương lai khi đầu tư ở đây. Ông nhìn thấy khu vực đất lầy còn trống nên bỏ tiền ra mua với giá rẻ rồi cho lấy đất làm nhà gạch bán và cho thuê.

Ngày đó, những dãy nhà phố thuộc sở hữu của Đội Có nằm từ chân cầu Kiệu tới chợ đều là khu thương mại sầm uất. Sau này người dân địa phương mới gọi một con hẻm ở đây với toàn nhà của ông là hẻm Đội Có và đương nhiên chính quyền Pháp công nhận điều này. Hiện tại con hẻm ấy mang tên đường Cô Giang (Phú Nhuận, TP.HCM).

Nhờ tài kinh doanh nhạy bén, Đội Có giàu lên trông thấy, tiền bạc có đầy trong nhà. Ông đã tậu thêm miếng đất khá rộng ở mặt đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng, Phú Nhuận) mở rạp hát mang tên Cẩm Vân. Rạp chuyên cho mướn làm chỗ hát bội, cải lương và chiếu bóng. Sau này ông sử dụng khu nền nhà hát này xây cất dãy phố cho thuê buôn bán.

Ngoài ra Đội Có còn mua mấy chục chiếc xe đò chạy tuyến Sài Gòn - Đà Lạt. Tại xứ sở xương mù, ông mua đất trồng hoa đưa về Sài Gòn bán với giá lời "khổng lồ". Sau đó ông mua hàng chục biệt thự ở Đà Lạt cho khách du lịch thuê. Ông còn nghĩ cách đem chó Tây Đức về nuôi sinh con giống bán cho ngoại kiều và nhà giàu nuôi để canh nhà.

Chưa dừng ở đó, tỷ phú Đội Có mua hẳn căn biệt thự số 86 Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3) dùng làm ga ra sửa xe hơi. Tại đây khách ghé tới đông như kiến và ông thu được món hời lớn. Nhưng ông vẫn chưa chịu dừng, tiếp tục nuôi ngựa đua.

Một đoạn đường Võ Di Nguy ngày xưa (nay là Phan Đình Phùng, Phú Nhuận). Ảnh tư liệu

Một đoạn đường Võ Di Nguy ngày xưa (nay là Phan Đình Phùng, Phú Nhuận). Ảnh tư liệu

Đội Có cho người đi khắp ba kỳ trong xứ Đông Dương tìm chọn mua những con ngựa giống tốt về nuôi. Trong chuồng nào cũng có trên 10 con ngựa để đem ra trường đua mỗi ngày cuối tuần, đem về cho ông bạc triệu trong những năm 1940-1945.

Đội Có thấy việc nuôi ngựa đua phát đạt nên ra Bắc Hà (Lào Cai) rước Ba Tuấn - tay chơi nổi danh đua ngựa, trả lương hậu hĩnh và tiền thưởng xứng đáng. Không lâu sau Ba Tuấn bán độ, ông nóng giận gọi người bán hết chuồng ngựa, quay về kinh doanh rạp hát.

Phan Thứ Lang -  tác giả sách Sài Gòn vang bóng viết về Đội Có như sau: "Giai đoạn này (trước khi Mỹ đến), Đội Có rất sung túc, có xe hơi riêng, có xe ngựa kiếng chở vợ con đi chơi. Đội Có, trông người cũng có mã cao lớn, to béo, để râu quai nón, đội mũ phớt, tay cầm ba-toong, miệng ngậm ống vố (píp) nom oai vệ lắm. Tuy tuổi lúc đó đã tứ tuần, nhưng được nhiều đào hát ngấp nghé vì ông có tướng tốt lại lắm bạc. Nghe nói, sau đó Đội Có cưới một cô đào hát khá nổi danh của đất Sài Gòn".

Cầu Kiệu năm 1955. Bên trái là đường Phan Đình Phùng về chợ Phú Nhuận hiện nay; bên phải là đường Hai Bà Trưng đi Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Cầu Kiệu năm 1955. Bên trái là đường Phan Đình Phùng về chợ Phú Nhuận hiện nay; bên phải là đường Hai Bà Trưng đi Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Đến thời giặc Mỹ xâm lược Việt Nam, Đội Có cho xây thêm những chung cư cho ngoại kiều thuê. Ông còn cùng ông Nguyễn Tấn Đời mở Tín Nghĩa ngân hàng với số tiền ký thác của khách hàng gửi có lúc lên tới 20 tỉ bạc.

Năm 1978, Đội Có xuất cảnh sang Pháp thăm con trai, sau đó sang Mỹ ở với người con gái. Theo Phan Thứ Lang, vì tin tưởng con gái, ông đã ký thác một số tiền to cho con đứng tên. Cô này đã dùng tiền mua nhiều ngôi biệt thự tại Mỹ để cho thuê. Sau đó con gái ông lại tin cậy giao mọi việc trong ngoài cho người hầu gái Mỹ da đen, ngay cả căn biệt thự mà ông ở, cũng nhờ cô ta đứng tên hộ. Nhưng bất ngờ, con gái của ông chết bất đắc kỳ tử không kịp trăng trối điều gì nên chỉ ít lâu sau ông bị người hầu da đen đuổi ra khỏi nhà.

Buồn vì con chết, khối gia tài đồ sộ bị sang đoạt, thời gian sau Đội Có đột ngột chết ở Mỹ vì đứt mạch máu.

Đại gia Việt lừng lẫy một thời: Đang giàu có bỗng về quê xây chùa ở ẩn, con cháu sống nghèo khó
Ông Hảo sở hữu một gia sản "siêu khủng" nhưng con cháu của ông lại sống trong cảnh nghèo khổ tại tòa nhà bốn mặt tiền ngay giữa trung tâm Sài Gòn.

Đại gia tỷ phú

NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h