Ông Hảo sở hữu một gia sản "siêu khủng" nhưng con cháu của ông lại sống trong cảnh nghèo khổ tại tòa nhà bốn mặt tiền ngay giữa trung tâm Sài Gòn.
Nhắc đến đại gia giàu có nhất Sài Gòn xưa, chúng ta không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Hảo (SN 1890) - chủ của tòa nhà mang kiến trúc Pháp tọa lạc ở bốn mặt tiền ngay trung tâm thành phố. Ông cũng chính là ông chủ của rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng một thời có sức chứa tới hàng ngàn người và là thánh đường của cải lương.
Phất lên nhanh chóng nhờ tài kinh doanh tài giỏi
Ông Hảo xuất thân trong một gia đình làm nông tại xã Nhị Long (Càng Long, Trà Vinh). Ông là con thứ ba của người vợ thứ ba, từ nhỏ chỉ quanh quẩn với lũy tre làng, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ lên Sài Gòn lập nghiệp.
Sau này người anh cùng cha khác mẹ của ông tên Nguyễn Văn Kiệu làm chủ cửa hàng buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn Anh Ninh (quận 1) bỗng làm ăn phát đạt. Ông Kiện cần thêm người giúp đỡ công việc đã về quê thưa chuyện với cha, quyết định "xin" ông Hảo bởi nhận thấy em trai thông minh, lại lanh lợi, phù hợp với việc kinh doanh.
Ban đầu, ông Hảo đảm nhiệm vị trí phụ anh trai buôn bán. Ông đã học việc cơ bản từ người thợ đi trước rồi cứ ai giỏi sẽ xin học theo. Chẳng mấy chốc, ông trở thành thợ chính tại cửa hàng buôn bán phụ tùng xe hơi. Ngoài ra, ông đã âm thầm học cách kinh doanh, mối lái buôn bán phụ tùng xe hơi với tham vọng mở một cửa hàng riêng cho mình.
Cư xá Nguyễn Văn Hảo góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)
Khi đã ổn định công việc, ông Hảo đưa vợ lên thành phố. Cặp đôi nhanh chóng đón con trai đầu lòng vào năm 1919, đặt tên Nguyễn Tâm Thạnh. Lúc này ông càng quyết tâm tích cóp tiền bạc để mở cửa hàng riêng và ước nguyện đã thành hiện thực. Ông có đủ tiền đã xin phép anh trai cho mình ra lập nghiệp riêng. Ông mở cửa tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 – 23 đường Galliéni, sau này đổi thành đường Trần Hưng Đạo.
Song song với công việc buôn bán, trước cửa hiệu, ông Hảo mở một cây xăng bơm tay để kinh doanh thêm xăng, dầu nhớt. Hầu hết khách mang xe đến sửa chữa, thay thế phụ tùng, khi quay ra đều đổ ở cây xăng này.
Đầu những năm 1930, tiệm bán phụ tùng xe của ông Hảo nằm ở trung tâm Sài Gòn, hàng nhập cảng bán đúng giá càng thu hút khách, nhất là giới tài xế miền Tây lên Sài Gòn mua phụ tùng thay thế. Khi ấy nơi này cũng có vài cửa hàng nhưng chỉ có tiệm ông Hảo đủ lớn để cạnh tranh với các tiệm người Pháp.
Khi kinh doanh mở rộng, ông Hảo giao phần lớn việc kinh doanh phụ tùng cho vợ, còn mình chỉ phụ trách việc giao dịch với bạn hàng Pháp để mua phụ tùng về bán. Vợ ông ngoài việc có duyên buôn bán còn là người chịu khó. Bất cứ giờ nào, nếu có khách gọi cửa, bà đều sẵn sàng bán dù thứ khách mua lời rất ít.
Vợ ông Hảo còn có kiểu kinh doanh khá đặc biệt - khi tài xế tới mua hàng, bà chỉ hỏi: “Chú là chủ xe hay tài xế?”. Nếu là tài xế, ngoài việc bán đúng giá, bà còn trích ra vài cắc cho họ có thêm lộ phí đi đường, cà phê, ăn sáng. Và cách làm này đã thu hút giới tài xế tìm đến cửa hàng.
Khoảng năm 1933, ông Hảo mua mảnh đất nằm ở bốn mặt tiền đường (nay là Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Hồ Văn Ngà) để xây tòa nhà rộng 800m2 theo lối kiến trúc Pháp. Ông cũng trả lại cửa tiệm ở số 21 – 23 đường Galliéni cho chủ.
Dòng chữ “NG.V.HAO” trên tòa nhà. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Về nhà mới, ông Hảo vẫn kinh doanh phụ tùng xe hơi, xăng dầu. Năm 1940, khi có đủ vốn liếng, ông Hảo nhập xe hơi nguyên chiếc về bán ở Sài Gòn. Garage của ông còn làm luôn chuyện sửa các loại xe.
Chưa dừng ở đó, ông Hảo còn làm đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) – một thương hiệu được ưa chuộng và rất thịnh hành ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Cái hay của ông là dù kinh doanh mặt hàng xe hơi dành cho người có tiền nhưng ông không bao giờ phân biệt sự sang hèn của khách.
Đang giàu có bỗng dưng về quê xây chùa ở ẩn
Ông Hảo vốn là người mê cải lương nên khi kinh doanh phát đạt đã mua đất xây dựng nhà hát mang tên ông. Nhà hát này một thời được coi là “thánh đường” của giới cải lương có sức chứa hơn 1.200 khách.
“Cha tôi xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo với mục đích ban đầu là phục vụ sở thích cải lương của mình. Thêm nữa, ổng muốn nghệ thuật cải lương có một nhà hát đẳng cấp để phát triển”, ông Tâm Thạnh từng nói.
Sau đó ông Hảo tiếp tục xúc tiến xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo. Rạp có ba tầng khán phòng với tổng số ghế cho khán giả lên tới 1.200, chưa kể ghế phụ đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức.
Thời ấy, rạp ông Hảo thu hút lượng khách đông nhất so với các rạp khác. Đây chính là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt, nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề lúc bấy giờ.
Rạp Nguyễn Văn Hảo, đường Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)
Ông Tâm Thạnh cho biết thời vàng son cải lương của rạp ông Hảo kéo dài chừng 30 năm. Năm1970, ông Hảo cho ông Nguyễn Văn Đối mướn lại rạp sửa sang một số công năng để làm rạp… chiếu bóng.
Nhưng khi mọi công việc làm ăn thuận lợi, ông Hảo lại bất ngờ về quê, xây chùa ở ẩn. Theo đó ông đã giao hết việc kinh doanh cho vợ con rồi về nhà mua một miếng đất rộng 15ha để xây dựng một ngôi chùa.
Ngôi chua này được xây dựng theo thiết kế của kỹ sư Phan Hiếu Kỉnh, trên khuôn viên đất rộng 8000m2. Đây là một ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo nửa tây nửa ta, có ngôi tháp 9 tầng, có phù điêu rạp hát Nguyễn Văn Hảo và chiếc du thuyền của ông.
Việc xây dựng chùa diễn ra khá chậm bởi vật liệu mua từ Pháp được chuyển từ xa đến trong khi giao thông khó khăn. Phải mất 8 năm ngôi chùa mới hoàn thành.
Gần chùa, ông còn cho xây thêm một dãy phố lầu và một ngôi chợ để người dân địa phương lui tới mua bán, tạo điều kiện để bà con sinh sống. Chùa xây xong cũng là lúc chiến sự đến hồi ác liệt. Người dân bỏ cả ruộng vườn tìm nơi lánh nạn, tìm đến chùa rồi được ông cho tá túc và giúp đỡ lương thực, thuốc men. Ông còn cho bà con mượn đất quanh chùa để trồng trọt, cấy hái phụ vào miếng ăn hàng ngày.
Năm 1971, ông Hảo qua đời. Bốn năm sau chính quyền tiếp quản ngôi chùa. Hiện bên cạnh chùa vẫn còn một khu đất được xem như nghĩa trang gia tộc của ông Hảo.
Năm 1996, cháu nội ông Hảo nghe lời cha trở về nơi đây cất một cái chòi ở cạnh chùa để sinh sống và có điều kiện sớm hôm nhang khói. Về sau, khu vực này được chính quyền sử dụng làm bệnh viện, rồi thư viện, sau cùng là khu vui chơi cho trẻ em.
Con cháu đời sau có gia cảnh nghèo khó
Ông Hảo sở hữu một gia sản "siêu khủng" nhưng con cháu của ông lại sống cảnh nghèo khổ trong tòa nhà bốn mặt tiền ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Nhiều tài liệu ghi chép rằng, vợ chồng ông chỉ có một người con trai duy nhất là ông Tâm Thạnh. Sau này cả hai nhận một người cháu ruột làm con nuôi.
Con cháu ông Hảo sống trong cảnh nghèo khó. (Ảnh: Độc Lập)
Ông Tâm Thạnh từng được cha gửi học ở trường Tây, đi học ở Đà Lạt. Song ông lại mang tính khí nóng nảy, không phù hợp với buôn bán. Cứ rảnh là ông tự lái xe Jeep đi rừng rồi sống ở trong đó.
Thời điểm vợ đầu ông mất, công ty ngưng hoạt động. Lúc này chỉ còn garage xe phía sau nhà được ông giao lại cho người con nuôi quản lý cùng cây xăng Caltex trước nhà. Mọi tài sản ở Sài Gòn, ông Hảo giao cho ông Thạnh quản lý. Sau đó gia đình ông xảy ra nhiều biến cố, những tài sản như nhà hát, ngôi nhà bốn mặt tiền, garage, cây xăng đều bị kê biên.
Sau năm 1975, con cháu của ông Hảo luôn rơi vào tình cảnh nghèo đói. Ông Thạnh phải bán những tài sản trong nhà để đong gạo nuôi con. Chúng cũng chỉ học hết lớp 5 – 6 rồi nghỉ.
Năm 1976, ông Thạnh cùng với người em vợ đi Bà Rịa-Vũng Tàu làm rẫy trồng đậu lạc, ngô. Hiện con cái ông Thạnh mỗi người mỗi nghề, chủ yếu lao động chân tay. Người sửa xe, người bán gạo, làm gỗ, thợ làm kiếng, người làm ở bệnh viện…
Sau này gia đình ông Thạnh được sử dụng hai tầng lầu dãy phía trước của căn nhà. Bốn mặt tiền ở dưới trệt do nhà nước quản lý và hiện có rất nhiều hộ kinh doanh thuê mướn. Từ năm 1978 đến 1982, mỗi tháng ông Thạnh được chính quyền gửi 62 đồng tiền thuê nhà. Song đến năm 2007, gia đình ông Thạnh mới nhận được “một cục” với tổng số tiền 24 triệu đồng.