Dù tài giỏi và sở hữu khối tài sản "khủng" song cái tên Trương Văn Bền chỉ thực sự nổi tiếng khi thương hiệu xà bông cô Ba ra đời.
Đầu thế kỷ XX, thị trường Việt Nam bỗng dưng nổi lên một thương hiệu hàng Việt "đánh bại" rất nhiều mặt hàng nước ngoài du nhập đang "làm mưa làm gió" - xà bông cô Ba. Đó là sản phẩm chứa đầy sự sáng tạo và khả năng mày mò của doanh nhân nổi tiếng Trương Văn Bền (1883 - 1956).
Trương Văn Bền sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình khá giả có truyền thống làm nghề thủ công. Vì thế từ nhỏ ông được hưởng nền giáo dục hiện đại của Pháp, theo học các trường quý tộc nổi danh lúc bấy giờ như École Municipale française de Cholon, Collège Chasseloup-Laubat. Ngoài ra, ông còn được dạy kèm riêng môn tiếng Việt và tiếng Hoa.
Ông Trương Văn Bền sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình khá giả có truyền thống làm nghề thủ công.
Năm 1901, ông Bền bắt đầu sự nghiệp buôn bán bằng cách mở một cửa tiệm tạp hóa nhỏ gần con kênh ở số 40 quai du Cambodge (đường Kim Biên, Chợ Lớn). Sau đó ông dần mở rộng việc làm ăn thông qua cách mua sỉ từ các thương gia Trung Quốc rồi bán buôn cho các tạp hóa nhằm hưởng lợi nhuận chênh lệch. Nhờ đó ông đã tích lũy dược một số vốn không hề nhỏ.
Năm 1095, vị đại gia Sài Gòn tiếp tục đầu tư mở một xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM). Một năm sau ông mở thêm nhà máy xay gạo ở Rạch Các và Chợ Lớn. Lúc này ông nhận thấy tiềm năng của ngành sản xuất dầu liền tập trung mở tiếp cơ sở sản xuất ở Chợ Lớn mang tên "Huilerie de Cholon," và một nhà máy ở Thủ Đức, kho bãi đặt tại 40-49 quai du Cambodge. Xưởng này đã kinh doanh thành công và trở thành một trong những doanh nghiệp có tiếng trong thành phố thời bấy giờ.
Năm 1914, ông Bền lập đồn điền cao su (Plantation de Truong-Van-Ben) rộng 70 hecta ở khu làng Linh Chiêu và Phong Phú tại Gia Định (nay thuộc đất quận 9 và TP.Thủ Đức). Sau 4 năm, ông tiếp tục mở nhà máy dầu ở Chợ Lớn để sản xuất đủ loại dầu từ dầu ăn, dầu salat đến dầu dừa, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ.
Trụ sở của xà bông Việt Nam tại 40-49 Quai, sau này là Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5, TP.HCM).
Năm 1920, ông chủ của hàng chục xưởng sản xuất dầu đã rẽ ngang sang lĩnh vực canh nông. Ban đầu ông mua 300 mẫu ruộng ở Mỹ Tho rồi cùng bạn bè thành lập Công ty canh nông Tháp Mười. Công ty này sở hữu 10.000 mẫu đất, tạo việc làm cho hàng trăm người dân nghèo ở vùng Tây Nam Bộ.
Dù tài giỏi và sở hữu khối tài sản "khủng" song cái tên Trương Văn Bền chỉ thực sự nổi tiếng khi thương hiệu xà bông cô Ba ra đời. Năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh, ông đã nảy ra ý tưởng muốn hoạt động trong một ngành có tính cách phục vụ đại chúng. Có hai loại sản phẩm mà hầu như mọi người phải dùng: giấy và xà bông. Và ông đã lựa chọn xà bông để "khởi nghiệp".
Được biết vào thời điểm đó, hầu hết xà bông dùng trong nước và ở Đông Dương đều nhập khẩu từ Pháp về. Một số xưởng nhỏ sản xuất xà bông thủ công ở Chợ Lớn lại kém chất lượng nên không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Bất ngờ đã xảy ra khi xà bông cô Ba ra đời không chỉ cạnh tranh được mà còn lấn át, trở thành "thương hiệu quốc dân" trong lòng người Việt.
Nhiều tài liệu ghi chép rằng xà bông cô Ba của ông Bền nức tiếng một thời với chất lượng hảo hạng, giá cả phải chăng... Hơn cả tên gọi của công ty và hình ảnh in trên sản phẩm xà bông toát lên lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Xà bông cô Ba ra đời không chỉ cạnh tranh được mà còn lấn át, trở thành "thương hiệu quốc dân" trong lòng người Việt.
Về cái tên xà bông cô Ba, có rất nhiều giả thuyết xung quanh tên này. Có người có rằng cô Ba chính là vợ của ông Bền. Người khác giải thích cô Ba được in trên xà bông là con gái của một người đàn ông ở Trà Vinh. Song dù tên gọi gây tranh cãi như thế nào, xà phòng cô Ba luôn chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Ngoài ra, sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Hồng Kông, đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương và một số nước Châu Phi. Bởi thế trong những năm 1940, ông Bền được mệnh danh là doanh nhân sản xuất dầu và xà bông thành đạt nhất Đông Dương.
Sau năm 1948, Trương Văn Bền sống tại Paris, để lại gia tài cho những người con trai của ông tiếp quản. Sau đó 8 năm ông qua đời, hưởng thọ 73 tuổi.