Do giá thành cao, một chai nước mắm thượng hạng xuất khẩu có giá đắt ngang loại nước hoa thông thường của Pháp mà vẫn được thị trường nước này chấp nhận.
Nhắc đến đặc sản nổi tiểng miền Bắc cách đây vài chục năm, chúng ta không thể không nhắc đến nước mắm Vạn Vân (Cát Bà, Hải Phòng). Nó đã từng “làm mưa làm gió” ở thị trường trong nước, khiến bao thương hiệu nước ngoài “điêu đứng”. Và chủ nhân của hãng nước mắm này chính là ông Đoàn Đức Ban (SN 1899) – một doanh nhân nổi tiếng thời ấy, sánh ngang với Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà…
Ông tổ của nước mắm Vạn Vân
Ông Ban vốn sinh ra tại thôn Hoà Hy (Hoà Quang, Cát Hải), quê gốc ở Thái Bình. Cụ thủy tổ của dòng họ nhà ông là một danh tướng đời Lý nhưng khi quyền lực chuyển sang nhà Trần, cụ đã chống lại triều đình mới.
Sự việc thất bại, một số con cháu của dòng họ Đoàn đã phải rời quê đến đảo Cát Hải ấn tích. Họ không quên đem một số sản vật cung đình cùng gia vị đặc biệt như mắm tôm, nước mắm… đi cùng. Lúc này người dân trên đảo chỉ sinh sống bằng nghề làm muối và chài lưới.
Do đó con cháu họ Đoàn đã tận dụng lợi thế đảo có sẵn cá và muối để xây dựng nghề làm nước mắm. Họ ngày đêm nghiên cứu, cảm nhận nắng gió của đảo cát để tạo ra bí quyết làm nước mắm có hương vị riêng. Ban đầu họ chỉ sản xuất nước mắm ở quy mô nhỏ để dùng trong họ tộc rồi bán trong vùng.
Cuối thế kỷ 18, con cháu họ Đoàn theo thương thuyền buôn muối mang nước mắm bán tại Thị Cầu (Bắc Ninh) rồi buồn vải, tơ lựa, củ nâu,... về đảo. Và nhờ những chuyến đi đó, người Cát Hải mới học được nghề làm nước mắm ở làng Vân.
Chân dung đại gia Đoàn Đức Ban.
Ông Ban là người có đầu óc kinh doanh nhạy bén đã là người đầu tiên tại Cát Hải nghĩ tới việc sản xuất nước mắm rồi mang lên bán cho chính vùng Kinh Bắc. Nước mắm được chở bằng thuyền tới vạn chài làng Vân sau đó tỏa đi các nơi.
Đáng nói, để kỷ niệm vùng đất đã cho mình cơ hội kinh doanh, vị tỷ phú này đã đặt cho loại nước mắm của mình cái tên Vạn Vân mà sau này đã trở thành thương hiệu nổi tiếng miền Bắc.
Theo một số tài liệu, xí nghiệp Vạn Vân được thành lập từ năm 1946, là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam và xứ Đông Dương. Xưởng có 10.000 chum loại 400kg đựng chượp để lâu năm mới đem nấu.
Thuở đầu lập nghiệp, thuyền của ông Ban chở nước mắm đi bán khắp nơi rồi lại trở về đảo Cát Hải. Sau đó ông quyết định mua nhà ở Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng vừa làm kho chứa vừa làm cửa hàng.
Cửa hàng ở Hà Nội đặt tại ngã ba phố Trần Nhật Duật và Hàng Khoai gần sông Hồng và ga Đầu Cầu (ga Long Biên). Cửa hàng ở Hải Phòng đặt tại nhà số 184 đại lộ Xavátxiơ (nay là phố Quang Trung), ngay trước bến nhận hàng trên sông Lấp. Và đương nhiên cửa hàng ở Bắc Ninh cũng gần sông.
Hãng nước mắm của ông Ban ngày càng phát triển mạnh, gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường tiêu thụ phía Bắc. Ông liền tiên phong thực hiện việc đóng chai, dán nhãn sản phẩm, thậm chí còn đăng ký với Nha Kinh tế Hải Phòng để giữ bản quyền.
Nước mắm được bán với giá ngang nước hoa Pháp
Năm 1932, giữa lúc thương hiệu nước mắm này đang phát triển, tỷ phú Ban qua đời. Người con trai cả là Ðoàn Ðức Trình đứng ra tiếp quản cơ nghiệp của gia đình và đã đổi tên mình thành Ðoàn Vạn Vân, mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất khiến chất lượng nước mắm ngon hơn.
Năm 1939, nước mắm Vạn Vân bắt đầu xuất khẩu sang Pháp loại nước mắm Premier jus de sardine (nước mắm chắt làm từ cá sác-đin) và nước mắm cô đặc (dưới dạng bột) với nhãn hiệu Poudre de saumure, có giá đắt ngang loại nước hoa thông thường của Pháp. Vậy mà chúng vẫn được người dân tìm mua.
Vợ cùng các con các cháu của ông Đoàn Đức Ban.
“Ðể xuất khẩu nước mắm sang Pháp thời ấy là điều không đơn giản. Với sản phẩm nước mắm Premier jus de sardine, hãng phải đặt nút li-e và máy dập nút chai ở Pháp rồi đưa về nước để đóng chai và xuất khẩu.
Do giá thành cao, một chai nước mắm thượng hạng Premier jus de sardine xuất khẩu có giá đắt ngang loại nước hoa thông thường của Pháp mà vẫn được thị trường nước này chấp nhận”, con gái của ông Ban cho hay.
Những năm 1950 - 1953 là giai đoạn hưng thịnh của hãng Vạn Vân. Tháng 10/1959 thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Đoàn Vạn Vân cùng 54 hộ tư sản và tiểu chủ sản xuất nước mắm khác ở Cát Hải đã tiến hành cải cách xí nghiệp. Lúc này ông được cử làm phó giám đốc xí nghiệp. Từ đó cái tên Vạn Vân biến mất.
Năm 1975 toàn bộ vốn cố định và lưu động của gia đình họ Đoàn coi như hết. Gia đình chấm dứt việc hưởng lợi tức. Năm 1977, ông Ðoàn Vạn Vân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba… Sau đó ông chuyển lên Hà Nội sống cùng con cháu rồi qua đời vào năm 1989.